Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Bài giảng lễ giỗ cha Khóa

Kính thưa Đức Cha, quí Cha và cộng đoàn dân Chúa,
Được Đức Cha nhường lại việc chia sẻ lời Chúa trong Thánh Lễ giỗ cha Bênêđitô hôm nay, con xin trân trọng đón nhận và mời mọi người cùng chia sẻ chút thời gian,  nhân cuộc đời và cái chết của cha Bênêđitô để chúng ta hãy có cái nhìn lạc quan trong tương lai mà ngôn sứ Isaia đã nói trong bài đọc 1, rằng ngày ấy Thiên Chúa sẽ dọn tiệc chiêu đãi muôn dân. Chính Ngài sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân nước, sẽ xóa sạch nỗi u sầu.
Vâng, đúng là như vậy, trong niềm tin người công giáo, chúng ta biết rằng chết là về với Thiên Chúa, đấng tạo thành nên mình. Ngày ấy, chúng ta sẽ về dự tiệc vui trong nước của Thiên Chúa. Thế thì phải vui, như con gặp lại cha mẹ vậy.
Thế nhưng chuyện lại không đơn giản như vậy. Mỗi người phải trả lẽ trước nhan Thiên Chúa về hành vi, cuộc sống của chính mình để có thể xứng đáng hay không, được bước vào nước Thiên Chúa. Chúng ta gọi đó là cuộc phán xét của Thiên Chúa. Vì thế mà nhiều người run sợ, vì có thể là tội mình phạm thì nhiều hơn là công đức. Làm sao để được Thiên Chúa công bình vô cùng, xóa án cho mình nhỉ ?
Thế mới có câu chuyện vui cười nhà đạo như sau : Ngày ấy, cha sở và ông trùm giáo xứ, kẻ trước người sau, lìa khỏi thế gian này để bước vào cõi ngàn thu. Thế rồi có một cái thang dài từ đất lên tới trời với lời hướng dẫn phải thực hiện. đó là : Hãy dùng phấn mà viết ra tất cả các tội mình phạm lên chiếc thang cho đến khi hết tội thì vào thiên đàng. Ông trùm giáo xứ đang hí hoáy kê khai các tội của mình và cứ từ từ đi lên, thì chợt ông thấy cha sở từ trên đang vội vã đi xuống. Ông mới hỏi cha sở : Sao cha lại đi xuống thế, thưa cha ? Cha sở bẽn lẽn trả lời : tôi viết hết phấn rồi, bây giờ xuống xin thêm phấn ông ạ.
Như vậy là trước tòa án Thiên Chúa, chưa chắc ông cha sở đã ít tội hơn giáo dân đâu nhé.
Thưa cộng đoàn dân Chúa.
Cha Bênêditô đã hoàn tất cuộc đời này ngày 14-4-2013, hưởng thọ 78 tuổi. Trong đó 37 năm dài ngài đã gắn bó với giáo xứ Tam Kỳ, từ năm 1972 đến 2009. Có thể nói trong số các đời cha Quản Xứ Tam Kỳ, thì cha Bênêditô là người có thời gian nhiệm kỳ là vô địch. Chính vì yếu tố thời sự của đất nước sau 1975 mà cha đã phải ở đây một thời gian dài như thế. Nhưng chính nhờ thời gian dài mà cha đã làm được nhiều việc. Để có thể phục hồi giáo xứ Thuận Yên, thành lập giáo xứ Tam Thành, giáo xứ Khánh Thọ, cha đã phải kiên trì trụ vững tại đây, mặc cho sóng gió của thời thế làm đảo lộn đức tin của nhiều tín hữu. Vào những ngày đầy khó khăn ấy, tôi nhớ Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn quang Sách đã có lần dặn dò khuyên nhủ các cha rằng, Giáo Phận cần các cha ở tại chỗ, dù không làm được việc gì hơn cho giáo xứ, vì thời thế không cho phép. Nhưng cứ ở đấy để đợi chờ việc Thiên Chúa làm. Có thể sẽ đến một lúc nào đó, Thiên Chúa lại mở tay ra cho chúng ta hoạt động. Vì vậy trong khi giáo hữu thì kẻ còn người mất đức tin, người thì đi kinh tế mới, kẻ ở lại khép nép sống đạo trong âm thầm lặng lẽ, cha Bênêditô lúc bấy giờ đã chẳng khác nào gà mẹ ấp ủ bảo vệ gà con dưới cánh trong giông bão. Đến năm 1993, sau bao lần vất vả lên xuống qua lòng hồ Phú Ninh để đòi cho được mảnh đất mới xây Nhà Thờ Thuận Yên, cha Bênêditô đã vui mừng nhìn thấy một giáo xứ Thuận Yên kỳ cựu được hồi sinh và chuyển giao cho cha Marcelô Đoàn Minh năm 1994. Riêng Nhà thờ Tam Kỳ này, năm 1995, cha đã cố gắng cho đúc kèo bêtông, và bỏ đi hàng cột gỗ to đùng giữa nhà, nhờ thế, nội vi nhà thờ trở nên rộng rãi như ta đang thấy. Địa bàn giáo xứ rộng lớn bao la, từ Tam Thành vào đến Tam Nghĩa Chu Lai, từ biển Tam Thanh lên núi non Tam Lãnh, một mình cha cáng đáng lo chuyện đại sự, giữ gìn các cụm giáo dân để ánh sáng đức tin phải tồn tại. Đến năm 1997, cha thành công khi xây mới Nhà Thờ Tam Lộc trong một địa thế đẹp từ trên cao nhìn xuống, để cùng với Nhà Thờ Tam Thành, Khánh Mỹ, Khánh Lộc được sửa chữa lại hoặc xây mới, ghép thành một giáo xứ mới Đức Cha cho thành lập là Tam Thành vào năm 2007, được giao cho cha Philipphê Trương văn Long. Còn Tam Lãnh, một cụm giáo dân ở cách Nhà Thờ Tam Kỳ 32 cây số, đã từng bị chính quyền gạt bỏ, không công nhận, thì sau bao vất vả, tranh đấu đòi hỏi, cha đã đạt tới sự thỏa thuận với chính quyển, nhận phần đất của anh chị Phan May và xây Nhà Thờ mới, hoàn thành vào năm 2000. Từ đó, các cộng đoàn giáo hữu của Trung Đàn, Gò Tre, Khánh Thọ sát cánh cùng Tam Lãnh, nơi nào cũng đã có Nhà Thờ mới hoặc tu bổ lại, càng ngày càng đi vào ổn định để đến năm 2012, Đức Cha Giáo Phận thành lập tân giáo xứ Khánh Thọ với cha Đaminh Phan châu Bảo làm Quản Xứ. Cha Bênêditô lui dần vào yên tĩnh sau một quá trình dài 37 năm làm việc cho Tam Kỳ, và ngài đã xin chọn giáo điểm Tam Mỹ để tiếp tục phần đời còn lại dành cho Hội Thánh. Tuy nhiên, có thể chúng ta còn nhớ, chỉ cách đây không lâu, ngài vẫn chưa được nghỉ dưỡng, bởi Giáo Phận lại có yêu cầu cha trở lại làm quản nhiệm Thuận Yên một thời gian nữa cho đến khi các cha dòng Đồng Công được mời đến Thuận Yên, chia sẻ việc mục vụ với Giáo Phận. Thiên Chúa nhân lành đã nhìn thấy người tôi tớ kiên định của Chúa làm việc không mệt mỏi, nay phải đến lúc hoàn tất mọi sự, nên cha Bênêditô của chúng ta đã ra đi một cách nhanh chóng trong một cơn bạo bệnh, mà chính các bác sĩ cũng không đủ khả năng và thời gian định đoạt.
Kính thưa cộng đoàn dân Chúa,
Cha Bênêditô Nguyễn Tấn Khóa còn là con người của xã hội nữa, khi chính quyền cấp tỉnh, cấp trung ương thấy ngài có lý lịch trong sạch theo cách nhìn của họ, lại thêm tính cách con người của đất Quảng địa phương, nên đã chào mời cha tham gia công tác xã hội, hết ở tỉnh lại lên trung ương, hết Ủy Ban ĐKCG lại thêm đại biểu quốc hội. Cha đã nhận lời có phải vì muốn danh vọng, địa vị và tiền bạc không? Có lẽ không phải vậy. Nhưng vì thiểu số đồng bào có đạo tại Quảng Nam này thì đúng hơn. Cha phải làm cây cao bóng cả, phải chịu đòn chịu đạn, chịu dư luận phê phán để có thể giúp gì được cho Giáo Hội tại địa phương này, một Giáo Hội quá nhỏ bé. Phải chăng vì thế mà cha Bênêditô được phong danh hiệu linh mục quốc doanh ? hàng ngũ linh mục thỏa hiệp ? Chắc chắn cha phải chịu tiếng hết, còn miếng thì không có gì. Tôi biết rất rõ một điều, đó là tâm sự của cha, chấp nhận làm chậu kiểng cho các sự kiện cần đến. Khi cần thì người ta bưng ra. Khi hết chuyện thì đem vào. Và cha Bênêditô đã khôn ngoan tránh né tất cả mọi cuộc phỏng vấn của báo đài, vì không những không có lợi, mà còn có thể bị bóp méo sự thật. Đố ai có thể tìm được một cuộc phỏng vấn nào trên truyền hình hay trên báo chí. Cha đã tránh né rất tài tình, mặc dù là đại biểu quốc hội. Bản thân tôi cũng học hỏi cách xử thế này của cha. Và cuối cùng dẫu sao, thời gian đã trả lời, nhất là khi cha xong mọi việc, để nhắm mắt xuôi tay. Cái gì của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa, còn của thế gian thì trả lại cho thế gian. Người ta có thể hiểu lầm về cha, nhưng cha vẫn yên tâm, vì còn có Thiên Chúa đấng thấu suốt mọi bí ẩn.
Ngày 14-4 năm ngoái, cha Bênêditô đã ra đi vội vã, chính ngài cũng không ngờ. Tuy nhiên, Đức Cha Giáo Phận đã cẩn thận tạo điều kiện các cha viết di chúc. Và di chúc của cha Bênêditô để lại thật ra chẳng có gì. Ngài không còn tiền bạc, không có của để dành. Thậm chí việc xây mộ cho ngài cũng thiếu hụt, nên các con cháu phải góp thêm để hoàn tất. Đúng là ngài đã vào đời bằng hai tay trắng thì ra khỏi đời này cũng trắng hai bàn tay. Anh Nguyễn quý Châu còn cho tôi biết ông nội Bênêditô để chúc thư xin đừng tổ chức giỗ. Chắc chắn vì ngài không muốn phiền lụy ai. Nhưng đó lại là chuyện của chúng ta, giáo xứ Tam Kỳ, một giáo xứ đã chịu nhiều ơn nghĩa và công sức của ngài, chúng ta phải họp nhau dâng lễ cầu nguyện đặc biệt cho ngài với tâm tình tri ân, và tôi đã xin Đức Cha cho Tam Kỳ được tổ chức lễ giỗ này, từ lần giỗ 100 ngày vào năm ngoái. Riêng anh chị em tại Tam Kỳ, xin đừng buồn bao giờ, vì anh chị em là người con cả, nên chuyện nhường nhịn cho các em là chuyện tốt. Anh chị em nhường phần để cha cố dốc toàn lực lo cho anh em các họ lẻ, để họ đi lên. Anh chị em có thể buồn phiền vì tính khí của cha cố, nhưng không sao, càng về già, cha cố càng trở nên hiền hòa và kiên nhẫn chịu đựng. Ai trong chúng ta lại chẳng có tính xấu này khác… Chúng ta nên biết cha Bênêditô là người vui tính lạc quan, nếu không nói là tếu nghịch. Tại khu nhà vệ sinh của giáo xứ vẫn còn đó những lời hướng dẫn xử dụng do ngài nghịch ngợm soạn ra, mà ai xem cũng phì cười. Tôi vẫn giữ lại đó, và xin phép trích lại nhé, và xin đừng ai trách tôi dung tục. Đó là Tác xạ chính xác – ngân phiếu nhập thùng - dẫn thủy nhập điền – thượng lộ bình an. Nhiều chuyện tếu khác do tính cách của ngài mà không có thời gian để kể lại nhau nghe. Còn tôi, khi đến Tam Kỳ, tôi đã hết lời cám ơn cha Bênêditô, vì ngài đã gánh hết phần nặng, mà để phần nhẹ cho tôi, thì vì lẽ gì mà tôi dám phàn nàn tránh trút. Ngài còn vui vẻ đến với tôi và anh chị em trong lễ Chúa Ba Ngôi năm 2010 để chứng kiến việc bổ nhiệm Ban Mục Vụ mới. Nói chung là ngài không có gì ghét bỏ, xa lạ với cộng đoàn Tam Kỳ, chỉ có trong anh em, những ai đó không ưa, không chịu ngài mà thôi.
Kính thưa cộng đoàn,
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cám tạ ngợi khen Thiên Chúa Cha, vì ngài đã mạc khải điều cao trọng cho người hèn mọn. Chính chúng ta và cách riêng cha Bênêditô là những người hèn mọn, nên được Chúa thương tỏ mình ra. Chúng ta cùng với cha cố Bênêditô hết lòng tạ ơn Chúa vì ơn trọng này. Được biết Thiên Chúa là một hồng ân. Được thuộc về Chúa trong ơn gọi tận hiến như cha, lại là thêm một hồng ân nữa. Cha cố Bênêditô đã sống đời linh mục, đã cho đi hết những gì mình có, để được Chúa làm gia nghiệp. Thế nhưng có thể ngài vẫn còn rất nhiều thiếu sót, có thể ngài vẫn còn cần thêm phấn để liệt kê hết các tội lỗi bất xứng của mình, và vì thế mới có Thánh Lễ hôm nay, giỗ giáp năm và cầu nguyện cho ngài. Chúng ta sốt sắng tham dự và hướng về của lễ trên bàn thờ mà tha thiết nài xin công nghiệp, giá trị ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu xóa đi các dấu vết tội lỗi trong cuộc đời người tôi tớ Chúa.

Xin vì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu, ban cho linh hồn cha cố Bênêditô được lên chốn nghỉ ngơi đời đời. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét