Trang

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Video: Múa mừng xuân


Video: Mô hình Đền thánh Đức Mẹ Lữ hành


Những năm Thìn trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam


WHĐ (19.01.2012) – Nhân dịp Xuân về, trước thềm Năm mới Nhâm Thìn 2012, WHĐ điểm lại một số sự kiện của lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Thìn, từ những ngày đầu tiên - khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương Việt Nam... 
Thế kỷ XVII

1652 – Nhâm Thìn:
– Tác phẩm Lịch sử Vương quốc Đàng ngoài  (bản tiếng La Tinh) của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại Rôma.

– Tác phẩm Tường trình về Đàng Trong của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại Paris. Trong tác phẩm này, Alexandre de Rhodes tường thuật hoạt động truyền giáo của ngài ở Đàng Trong vào năm 1644-1645, trong đó nhắc đến việc bắt đạo năm 1644 và cuộc tử đạo của Thầy giảng Anrê Phú Yên ngày 26-07-1644.


1664 – Giáp Thìn:
Ðức Giáo hoàng Alexandrô VII chính thức công nhận Hội Thừa sai Paris. Hội ra đời năm 1660 và có công lao rất lớn trong việc truyền giáo tại Việt Nam.

1676 – Bính Thìn:
Hai linh mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona, dòng Đa Minh, đến truyền giáo tại Phố Hiến (Hưng Yên).
Thế kỷ XVIII

1700 – Canh Thìn:
Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra sắc chỉ cấm đạo.

1712 – Nhâm Thìn:
Chúa Trịnh Cương (1709-1729) ra sắc chỉ cấm đạo thứ 2 (trong 4 sắc chỉ vào các năm 1709, 1712, 1721, 1722).
1736 – Bính Thìn:
Chúa Trịnh Giang (1729-1740) ra sắc chỉ cấm đạo.

1760 – Canh Thìn:
Thánh Martinô Tạ Ðức Thịnh, linh mục tử đạo, chào đời  tại Kẻ Sặt, Hải Dương,

1772 – Nhâm Thìn:
Thánh Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu), linh mục tử đạo -  chào đời  tại Năng A, Nghệ An.
1796 – Bính Thìn:
– Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng - trùm họ, giáo dân tử đạo - chào đời  tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng,
– Thánh Giuse Phạm Trọng Tả - cai tổng, giáo dân tử đạo - chào đời tại Quần Cống, Nam Ðịnh,
Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự - linh mục dòng Ða Minh, tử đạo - chào đời tại Ninh Cường, Bùi Chu.


Thế kỷ XIX
Năm 1808 – Mậu Thìn:
– Thánh Anrê Trần Văn Trông - binh sĩ, giáo dân tử đạo -  chào đời tại Kim Long, Huế,
– Thánh Phêrô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie) - Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, tử đạo - chào đời tại Beynat, Tulle, Pháp.
– Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc) - trùm họ, giáo dân tử đạo - chào đời tại Kẻ Lái, Quảng Bình.
– Thánh Micae Hồ Ðình Hy – quan thái bộc, giáo dân tử đạo - chào đời tại Như Lâm, Thừa Thiên.
– Thánh Phêrô Nguyễn Văn Ðường - thầy giảng tử đạo - chào đời tại Kẻ Sở, Hà Nam.
1820 – Canh Thìn:
Thánh Tôma Trần Văn Thiện - chủng sinh, tử đạo - chào đời tại Trung Quán, Quảng Bình.
1832 – Nhâm Thìn:
Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang - thầy giảng Dòng ba Ða Minh, tử đạo - chào đời tại Trà Vi, Nam Ðịnh.
1844 – Giáp Thìn:
Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI chia giáo phận Đàng Trong thành 2 giáo phận mới:
– Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm Lục tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên do Đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi làm Đại diện Tông tòa.

– Giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) với Đại diện Tông tòa là Đức cha E.T. Cuénot Thể.

1856 – Bính Thìn:
Ngày 13-02 (nhằm mồng 8 Tết Bính Thìn), Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng chịu xử trảm tại Ninh Bình, dưới thời Tự Đức.
Thế kỷ XX

1928 – Mậu Thìn:
Đức cha Allys Lý, GP Huế, nâng La Vang lên hàng giáo xứ.

1940 – Canh Thìn:
ĐGH Piô XII bổ nhiệm tân Giám mục Gioan Maria Phan Ðình Phùng làm Giám mục phó giáo phận Phát Diệm.

1964 – Giáp Thìn:
– Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam được nâng lên hàng Tỉnh Dòng.
– Đức cha Giuse Lê Quý Thanh được tấn phong Giám mục ngày 13-02, nhằm mồng Một Tết Giáp Thìn. Ngài được ĐGH Gioan XXIII bổ nhiệm làm Giám mục phó Phát Diệm. Tông sắc bổ nhiệm được ban hành năm 1963. Ngài là cháu ba đời của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Các giám mục miền Nam tham dự Công đồng Vatican II từ 14-09 đến 21-11. Kết thúc khoá họp này, có ba văn kiện được công bố: 1) Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 2) Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, 3) Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Ðông Phương Orientalium Ecclesiarum. Đồng thời ĐGH Phaolô VI công bố Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Giáo Hội.

1976 – Bính Thìn:
– Tháng 5, Ðức TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng Giáo phận Hà Nội, được ÐGH Phaolô VI chọn làm Hồng Y. Ngài là Hồng Y tiên khởi của Việt Nam.
– Ðức cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, Giám mục phụ tá giáo phận Sài Gòn, tạ thế ngày 2-10, sau 10 năm làm giám mục phụ tá TGP Sài Gòn.
– Tháng 12, bản dịch Kinh Thánh của linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn được xuất bản tại Sài Gòn, với số lượng phát hành 10.000 quyển.

1988 – Mậu Thìn:
– Ngày 21-01, Ðức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988), Giám mục GP Đà Nẵng, từ trần.
– Ngày 8-06, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988), TGP Huế, từ trần.

– Ngày 19-06, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong 117 chân phước Tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh.
– Ngày 14-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm tân GM Giuse Nguyễn Văn Yến làm giám mục phó GP Phát Diệm.

– Ngày 19-12, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng (1921-1988), Giám mục GP Xuân Lộc, từ trần. 
Thế kỷ XXI
      2000 – Canh Thìn:
– Giáo Hội tại VN cùng với Giáo Hội khắp nơi trên thế giới cử hành Năm Thánh Tôn vinh Chúa Ba Ngôi và sống Bí tích Thánh Thể.
– Đoàn giám mục Việt Nam dự Hội nghị lần VII của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu ở Samphran, Thái Lan (từ ngày 3 đến 13-01).
– Ngày 05-03, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị chứng nhân tiên khởi của Việt Nam (26-07-1644), lên bậc Chân phước.
– Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội, từ ngày 01 đến 02-05.
– Ngày 27-05, Đức TGM Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Toà Thánh, làm việc với ông Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Roma, về những vấn đề có liên quan giữa Toà Thánh và Việt Nam.
– Tháng 8, đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Đại hội Quốc tế giới trẻ ở Roma.
– Từ ngày 02 đến 07-10, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội Thường niên tại Hà Nội. Các giám mục đã gửi thư mục vụ mời gọi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tích cực sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng. HĐGMVN quyết định tổ chức lạc quyên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm để lập quỹ dự phòng cứu trợ thiên tai và dự định mở rộng hoạt động với một số Uỷ ban giám mục mới như: Giáo lý, Bác ái Xã hội, Văn hoá và Phúc Âm hoá.
– Từ ngày 23 đến 27-10, tọa đàm về “Một số vấn đề về Văn hoá Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ XX” do Uỷ ban Giám mục về Giáo dân tổ chức tại toà Tổng giám mục Huế.

                    Nguồn: giaophandanang.org

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: CÁI NÚT ÁO



Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi. Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4h sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua. Nhưng chương trình lại bật lên thông báo nhấp nháy màu đỏ chói: “Tuần sau là đến ngày đầu tiên quen M”. Tôi chỉnh chương trình để xem lại cái ngày đầu tiên đó và mĩm cười khi thấy lúc đó mình trẻ con hết sức. 
Tôi quyết định sẽ lục tung hết Internet để tìm ra một cái thiệp độc chiêu gửi nàng. Cuối cùng tôi cũng mãn nguyện với một cái thiệp nhiều ý nghĩa. Tôi kéo ngăn tủ ra để lấy cái đĩa CD hình mình để ghép vào thiệp, nhưng chợt nhìn thấy trong đó có một gói quà xinh xắn. Biết là của M tôi hồi hộp mở gói quà. Bên trên là một tấm thiệp to, còn bên dưới là một chiếc đồng hồ để bàn rất dễ thương và một cái nút áo. Hơi ngạc nhiên khi nhìn cái nút áo, tôi vội mở thiệp ra xem. 
“Anh thân mến ! 
Thế là chúng mình quen nhau đã 3 năm rồi. Trong 3 năm qua em rất vui vì đã quen được anh. Em đã học được rất nhiều điều từ anh. 
Anh là người rất giỏi, làm được rất nhiều việc lại sống rất tốt với mọi người. Anh sống hết sức chan hoà không câu nệ giàu nghèo, chức vị. Anh hết lòng với mọi người và được rất nhiều anh em bè bạn mến yêu, kính nể. 
Tối nay, cũng như bao ngày em đến nhà anh, đã 9g tối anh vẫn chưa về nhà. Khi đến nhà anh, em nhìn thấy mẹ đang khâu lại chiếc áo bị bỏng thuốc lá của anh. Nhìn mẹ chợt em nhớ đến anh, rồi nhớ đến những gì em đã thấy ở nhà anh. 
Em xin phép được tặng cho anh cái đồng hồ với lời nhắn: “Thời gian luôn trôi đi lạnh lùng. Có những thứ ngày mai làm được, nhưng có những thứ ngày mai không thể nào làm được”. 
Và một cái nút áo với lời nhắn chân tình: “Đôi khi người ta biết được rất nhiều điều nhưng lại không biết một điều đơn giản là áo mình đang mặc có bao nhiêu cái nút !”. Anh đã sống vì mọi người nhưng trong mọi người lại thiếu một người quan trọng nhất. Anh hãy xem tờ giấy bên dưới. Chúc Anh luôn vui vẻ và thành đạt”. 
Tôi cầm đồng hồ và cái nút lên, bên dưới có một tờ giấy xếp làm tư nằm ngay ngắn, tôi mở ra xem và thấy ngẩn ngơ với những dòng chữ dưới đây : 
“Em thấy anh rủ bạn về nhà cùng vui vẻ, làm xả láng mấy thùng Ken, anh em bàn tán chuyện đời, chuyện cơ quan, chuyện nhà sếp, chuyện quan trường, đủ thứ chuyện nhậu hoài bàn hổng hết. Em thấy mẹ cặm cụi dọn dẹp thức ăn dư, lom khom nhặt từng vỏ lon xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước, cho thằng con tỉnh rượu mỗi khi say. 
Em thấy anh sáng ra sạp gom gần hết báo, đọc ngấu nghiến từng bài từng mục. Ngẫm chuyện đời, chuyện quan liêu, chuyện cửa quyền, chuyện Mỹ, chuyện I rắc, chuyện SEA Games… Em thấy mẹ cẩn thận sắp từng tờ báo, lựa riêng ra những phần quảng cáo rồi ngập ngừng hỏi cái này cân ký bán được hông con? 
Em thấy anh chơi hết lòng với bạn, chẳng bỏ về dù tăng 4 hay tăng 3… Em thấy mẹ cứ trằn trọc ra vô mãi, 2g rồi mà phòng nó vắng tanh 
Em thấy anh sau một ngày làm mệt mỏi, về nhà bật máy lạnh, bật quạt, ngã lưng nằm thẳng chân, chẳng muộn phiền. Em thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng, rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định mức chưa. 
Em thấy anh ghiền chơi vi tính, cứ băn khoăn hoài chuyện nâng cấp CPU lên 2 hay 3 Gh. Em thấy mẹ rất ghiền xem cải lương, cứ chặm nước mắt, cứ cười vui thoải mái khi xem hoài cái tivi cà giật, cái Tivi từ lúc anh tắm mưa. 
Em thấy anh chuyên viên vi tính, viết phần mềm để quản lý công ty, xem công nợ, lãi lỗ, bấm một phát là có ngay. Thế mà chẳng thể nào tính đúng được tình thương của người mẹ. Em thấy mẹ chẳng cần vi tính, vẫn âm thầm lập trình cá, cơm, rau. Biết chị Hai cái áo ủi không ngay, còn anh nữa đôi giày cả tuần chưa chịu đánh! 
Em thấy anh chuyện làm chuyện lớn mà quên đi những chuyện nhỏ xung quanh. Em thấy mẹ suốt đời vụn vặt mà dạy con mình những bài học lớn lao… " 
Có bao giờ các bạn nghĩ rằng mình đã thật sự quan tâm đến ai đó chưa?
Có bao giờ các bạn đã quan tâm đến những chuyện dù chỉ là nhỏ nhặt?
Có bao giờ các bạn tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác?

Hi vọng qua câu chuyện này tôi và các bạn có thể tìm lại được những bài học về sự quan tâm mà các bạn đã lỡ đánh mất. Hãy dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho những người người mẹ, người cha, những người luôn ở bên các bạn, luôn hướng sự quan tâm về phía các bạn mà không cần đòi hỏi điều đó từ các bạn!

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: KHÓ MÀ DỄ (Lm. Piô Ngô Phúc Hậu)


1. Hai ông bạn nối khố nói chuyện với nhau: một ông linh mục và một ông cán bộ. Cuộc trao đổi rất thành thật và thẳng thắn.
CB: Tôi xác nhận là đạo của anh có chân lý, vì nó tồn tại 20 thế kỷ. Nếu không, thì lịch sử đã đào thải nó rồi. Tôi cũng rất hoan nghênh đạo của anh, vì đạo của anh đóng góp rất nhiều vào các công tác xã hội, văn hóa và khoa học. Chắc anh cũng đã rành điều này.
LM: Dĩ nhiên, tôi chỉ đan cử một vài ví dụ nhỏ bé thôi.
 Bảy dấu nhạc do, re, mi, fa, sol, la, si xuất phát từ nhà thờ, do một thầy dòng Biển Đức người Ý sáng chế ra. Đó là Qui d’Arezzo. Cụ thể là dấu SI bởi hai chữ Sancte Ioannes mà ra.
 Chữ quốc ngữ của nước ta do linh mục Alexandre de Rhodes và các bạn sáng chế ra.
 CB: Nhưng có một điều tôi chưa đồng ý với đạo của anh. Đó là đạo của anh chưa hoàn toàn xây dựng trên nền tảng khoa học. Khoa học là thực tế nhất. Khoa học sẽ giải quyết mọi vấn đề nhân sinh. Khoa học sẽ đem lại cho loài người một đời sống văn minh, khỏe mạnh và hạnh phúc. Tôn giáo chỉ giải quyết vấn đề tâm linh thôi. Quẹo sang đời sống xã hội văn minh… là kẹt, là bí ngay.
 LM: Tôi rất thích khoa học: Điện, đồng hồ, máy bay, xe hơi… Tôi đều ham hết. Nhưng khoa học không thể giải quyết hết mọi vấn đề của nhân sinh đâu. Tôi kể cho anh một câu chuyện để minh chứng điều đó.
 Năm ấy tôi được Uy ban Nhân dân Tỉnh cho đi phục vụ lễ Giáng Sinh cho đồng bào ở kinh tế mới. Ở đó không có nhà thờ, nhà xứ. Tất cả mọi nghi lễ đều được cử hành tại nhà dân.
 Đoàn đi phục vụ lễ gồm có bốn người: tôi và ba bà phước. Ban hành giáo bố trí cho đoàn ăn nghỉ tại nhà ông trùm. Nhà ông trùm là một căn nhà lá ba gian và một cái chái. Gian giữa là bàn thờ Bác Hồ và bộ xa-lông. Gian bên trái là một cái giường một mét sáu. Gian bên phải cũng có một cái giường y như thế.
 Nếu lấy khoa học làm cơ sở để giải quyết thì:
 Đoàn có bốn người, nhà chỉ có hai giường.
 Mỗi giường hai người.
 Nếu khoa học muốn chánh xác thì phải chia theo trọng lượng: Người nặng ký nhất ngủ với người nhẹ cân nhất.
 Đấy là khoa học. Đấy là toán học. Anh dám giải quyết như thế không? không dám đâu… Đành để khoa học qua một bên… Tôi ngủ một mình trên một cái giường rộng rinh. Sướng ơi là sướng. Còn giường bên kia ba bà chen chúc chật cứng mà chả dám phân bì với ông cha. Em!
Khoa học nếu được trưng dụng làm nền tảng thì chỉ dành cho trường hợp 4 con heo và 2 chuồng. Mỗi chuồng 2 con. Tuyệt vời. Mà chỉ tuyệt vời cho heo thôi.
 Hai ông bạn cùng cười hố hố. Vui hết biết. Chẳng ai thèm buồn, chẳng ai thèm giận. Tuyệt vời.

 2. Xây “phòng điện thoại” bên hông nhà thờ.
 Có một ông cha sở xây được một nhà thờ khá hiện đại. Ghế bọc nệm: êm mông. Bàn quỳ bọc nệm: êm đầu gối. Máy điều hòa phả hơi lạnh kêu phì phì. Đã!
 Ơ cuối nhà thờ, ở sát bên hông phải và trái, được thiết kế mỗi bên một phòng nhỏ có gắn kính mờ giống y như một phòng điện thoại. Xinh quá! Một ông trùm già lễ phép hỏi cha sở:
 Ong cố ơi! Ong cố xây hai cái buồng ấy để gắn điện thoại công cộng hay là để gắn bông kiểng đấy. Đẹp quá!
 Phòng toa lét đấy. Thơm ra phết!
 Chúa ơi! Ong cố không sợ phạm thánh ư? Nhà thờ Chúa mà có hầm cầu sao? Không được đâu ông cố ơi! Tội lỗi lắm. Năm nay con 70 tuổi đời rồi mà chưa thấy thế bao giờ. Con năn nỉ lạy ông cố, xin ông cố nghỉ lại cho.
 Dư luận trong họ đạo nổi lên như bão tố. Con nít thì vô tư. Nhưng người lớn và người già thì không thể chấp nhận được. Người ta bàn nhau phải thưa lên cha hạt trưởng, rồi lên Tòa Giám mục. Có người đòi đăng lên báo Công giáo và Dân tộc. Họ đạo biến thành nồi canh hẹ…
 Cha xứ tạm cho niêm lại hai “phòng điện thoại”. Hoãn binh chi kế. Nhưng không chịu thua.
 Một hôm kia có một linh mục già viếng thăm một tín hữu của họ đạo có hai “phòng điện thoại” ấy. Vừa “chào cha ạ” xong bèn khoe ngay:
 Cha có biết họ đạo con có gì mới lạ không?
 Thì có nhà thờ đẹp, có gắn máy lạnh, hơn các nơi khác hằng trăm lần.
 Nhưng lại có tội phạm thánh cha ạ. Chúng con xấu hổ lắm.
 Có chuyện gì vậy?
 Cha xứ con xây hai nhà xí ở bên hông nhà thờ. Chúa ôi, vô phép vô cùng vô tận.
 Cha xứ ông cho xây mấy hầm cầu?
 Những hai cái: một bên “liền ông”, một bên “liền bà”. Tha hồ mà vô lễ.
 Ít thế. Nhà thờ xứ của tôi mỗi ngày Chúa nhật, tôi rinh vào nhà thờ gần 600 cái hầm cầu lận. Chả thấy ai kêu là vô lễ cả.
 Cha nói gì con không hiểu.
Thì mỗi người đi lễ đều mang trong bụng một bọc c. chứ gì. Có sao đâu.
 Ư nhỉ.
 Câu chuyện xây nhà cầu bên hông nhà thờ không còn gay cấn nữa.
Dư luận dịu xuống rồi êm luôn. 

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: Tôi đi chợ


                   
Bạn thân mến,
Khi còn ở với gia đình, thỉnh thoảng Mẹ tôi hay sai tôi ra khu chợ đầu đường để mua miếng thịt, bó rau về làm cơm.  Đây là một trong những chuyện tối kỵ mà tôi không bao giờ muốn làm.  Thời bấy giờ kinh tế khó khăn, chuyện chi tiêu phải luôn chắt chiu dè xẻn, thế nên mỗi lần phải đi chợ là Mẹ tôi luôn dặn dò phải trả giá, rồi lại thường giảng cho một bài dài lê thê về cách chọn mua rau, thịt, cá… nghe mà thấy ngao ngán.
Với tôi đi chợ luôn là một ‘cực hình’.  Tôi không thích chuyện phải đi chợ.  Mười lần như một, hễ Mẹ tôi sai tôi đi chợ mua ít đồ thì y như rằng tôi cũng phải kiếm đủ lý do để thoái thác.  Chỉ đến khi mà không còn lý do nào hữu hiệu được nữa, lúc đó tôi mới chịu ‘đầu hàng’ để đi.  Đi cốt là để được yên thân, cho xong chuyện chứ thực tâm chẳng hào hứng chút nào.
Tính tôi mắc cỡ, gặp mấy bà mấy cô bán hàng là kể như nhắm mắt mua liều, dù mắc dù rẻ, đồ ngon hay dở cũng được, miễn là làm được phần việc Mẹ nhờ, cầm được đồ về là xong.  Mình là con trai, chẳng lẽ đi chợ mua đồ lại còn kỳ kèo trả giá, thêm thêm bớt bớt?  Do vậy nhiều khi cầm những thứ mua được về đến nhà là lại bị nghe mắng cho một trận vì cái tội không biết, không hiểu, không trả giá nên mua bị hớ… thiệt là ấm ức lắm thay.
Với tôi, chuyện buôn bán, trả giá, nói thách, nói điêu, cân đo gian dối… dường như đã là một trong những nét văn hóa đặc thù của người dân Việt từ Bắc chí Nam.  Nhìn ở một khía cạnh nào đó thì chuyện mua hàng trả giá, nói qua nói lại, chê ỏng chê eo… cũng khá hay hay.  Nhưng thực ra nó không có gì hay cho lắm vì tự nó dễ tạo nên một sự cảnh giác cao độ nơi người mua và làm thành một sự gian dối nơi người bán.  Người bán vì muốn kiếm được lợi nhuận càng nhiều càng tốt nên không ngần ngại nâng giá hàng lên thêm so với giá trị thật của chúng; còn người mua luôn muốn mua hàng tốt nhưng giá rẻ nên phải uốn ba tấc lưỡi để trả giá món hàng.  
Sang đến Canada, chuyện đi chợ mua đồ ăn thức uống là chuyện phải làm và không thể né tránh.  Khi còn là chủng sinh, học tập trung trong chủng viện, các bữa ăn đã có các nhân viên nhà bếp lo lắng giúp cho nên không có gì để bàn.  Lúc tôi bắt đầu thực tập giúp xứ, thì cũng là lúc phải bắt đầu xắn tay thực tập chuyện chợ búa của chính mình.  Rồi đến khi làm linh mục, chuyện đi chợ, bếp núc, nấu nướng… hết thảy phải tự tay làm lấy hết.
Bạn có muốn biết tại sao một linh mục bên này phải tự làm lấy mọi chuyện như vậy không? Câu trả lời gồm những yếu tố chính sau đây:
1.  Ở bên này không có giáo dân tự nguyện, nhiệt thành vào nhà bếp giúp cho các Cha.  Họ cũng quý mến các linh mục, nhưng quý mến theo kiểu Tây, hoàn toàn khác với kiểu Việt.  Không bao giờ có chuyện làm giúp các linh mục chuyện bếp núc, cơm nước… Quý mến thì quý mến, nhưng chuyện ai người đó lo.
2.  Do luôn tôn trọng sự riêng tư của nhau cho nên không có chuyện giáo dân đến thăm Cha mà tự tiện vào nhà bếp để xem hôm nay Cha ăn gì, nhà bếp Cha có gì?  Không!  sẽ không ai được phép vào nhà bếp nếu không mời hoặc không cho phép.  Nhà bếp đã vậy, đương nhiên phòng riêng của các linh mục càng khó vào hơn.
3.  Tự do là số một.  Nếu tự nấu ăn lấy, mình sẽ thoải mái hơn trong chuyện làm món gì, ăn lúc nào,… còn nếu có bà bếp thì chắc chắn các linh mục phải ăn những món bà nấu, ăn đúng giờ và không được bỏ bữa.
4.  Phải trả lương.  Chắc chắn là vậy!  Nếu chọn cho mình một bà bếp thì các linh mục phải trả lương tính theo giờ làm cho bà.  Họ luôn sòng phẳng trong mọi chuyện, sẽ không có chuyện nhờ đến làm giúp. Cứ tính theo giờ bà bếp đến và đi mà cuối tháng viết và ký một ngân phiếu cho bà.  Bạn cứ tính thế này: với mức lương tối thiểu một giờ là 10 dollars.  Mỗi ngày 2 giờ nhân lên cho một tháng sẽ thấy số tiền phải trả là không nhỏ.  Hết nửa tháng lương của một linh mục rồi.
5.  Những chuyện riêng tư giữa linh mục với giáo dân… sẽ không vì thế dễ dàng bị ‘rò rỉ’ ra bên ngoài.  Lấy ví dụ đang bữa cơm có điện thoại, tôi phải ngừng bữa để trả lời, câu chuyện có thể lọt vào tai bà bếp dù chỉ 50%.  Nhưng chắc hẳn bà có thể hiểu được câu chuyện qua lại nói về đề tài gì.  Cũng có thể bà thuộc dạng kín miệng, ít lời nhưng không ai biết trước được chuyện có thể bị rò rỉ ra ngoài hay không nếu đó là chuyện khá quan trọng cần sự riêng tư, kín đáo?
6.  Và cuối cùng cũng có thể tránh luôn chuyện đàm tiếu về quan hệ của các linh mục với bà bếp.  Dù không có gì nhưng ai dám chắc là bà con giáo dân không khỏi dị nghị nói ra nói vào? Thôi thì tốt nhứt là tránh cớ vấp phạm cho giáo dân và cũng là để giữ một khoảng cách an toàn cho chính mình. Khỏi cần bà bếp!!!  Mình ên lo hết mọi chuyện cho được hai chữ bình an.
Tự do muôn năm.  Tự do là số một.  Không muốn bị ràng buộc và cũng thoải mái trong chuyện ăn uống, bếp núc của mình, đại loại là với những lý do kể trên nên tôi cũng theo các linh mục đàn anh bên này, tự đi chợ, tự mua thức ăn, tự nấu cho riêng mình.  Tóm lại là “muốn ăn thì lăn vào bếp”.  Nhưng trước khi “muốn lăn vào bếp” thì phải “lăn ra chợ” mua đồ đã.  Và đó là những gì tôi muốn kể cho bạn nghe.
Tôi học được một trong những cái hay của người Canada là trước khi đi chợ bao giờ cũng phải có một danh sách những thứ cần mua.  Trong nhà bếp luôn có một xấp giấy và mấy cây bút để sẵn trên bàn, khi cần, khi nhớ có thể viết ngay những thứ cần mua cho các nhu cầu sắp tới và khi cần, chỉ việc xé tờ giấy ấy để lên đường đi chợ. 
Làm như thế có một cái hay là sẽ tránh được chuyện quên sót mua thứ này thứ kia.  Sẽ không xảy ra chuyện đi về đến nhà rồi thì mới phát hiện ra mình đã quên mua một vài món hàng cần, tránh được sự bực mình không cần thiết.
Canada là xứ sở của tiêu thụ nên hàng hóa bày bán luôn đa dạng, chất lượng và phong phú với đủ loại hàng hóa được nhập về từ các nơi.  Trong các gian hàng, người ta cũng sắp xếp hàng hóa theo thứ tự và rất khoa học, chỉ việc đến khu hàng có những thứ cần mua, chọn và bỏ vào giỏ là xong.
Trên tất cả những món hàng người ta cũng luôn ghi gía tiền, trọng lượng, thành phần nguyên liệu, ngày hết hạn, nguồn gốc xuất xứ cũng như những hướng dẫn sử dụng, thậm chí còn có cả những lưu ý đặc biệt sẽ có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe… thế nên rất dễ dàng và thuận tiện cho người mua trong việc chọn những món hàng cần thiết cho nhu cầu.
Tôi thường hay đi chợ vào chiều Chủ nhật.  Trên đường lái xe làm lễ về, tôi dừng xe ghé ngang khu chợ vào mua đồ cho cả tuần.  Thật là một công hai việc, vừa thuận đường vừa tiết kiệm thời gian.  Ở bên này bạn sẽ thấy cảnh một linh mục với cổ côn trắng trên ve áo, hoặc mặc áo giáo sĩ đi chợ là chuyện bình thường.  Mọi người bình đẳng với nhau thế nên đâu có gì phải mắc cỡ. 
Thỉnh thoảng tôi vẫn thường gặp giáo dân của mình tại các khu chợ.  Dừng lại, mỉm cười, nói đôi lời xã giao với họ như bình thường rồi việc ai người nấy lo.  Đó là chuyện vẫn xảy ra với tôi.
Rau, đậu, trứng, thịt, xương, chuối, cà chua… là những món hầu như tuần nào tôi cũng mua.  Thực đơn mỗi ngày trong tuần của tôi đơn giản chỉ là vậy.
Xương thì mua về để hầm lấy nước ngọt nấu canh.  Lâu lâu hứng chí thì lấy ra nấu nồi phở nho nhỏ.  Thịt mua về chia phần ra rồi đem cất trong tủ đông lạnh để dành ăn cho cả tuần, còn trứng là món ‘chữa cháy’ rất hiệu nghiệm, khi cần có thể nhanh chóng chỉ vài phút là có bữa ăn.  Mỗi lần mua hai vỉ trứng, mỗi vỉ 12 trái để dành trong tủ lạnh mấy tuần cũng không sợ hư.
Nói về chuyện trứng, bạn có biết có ngày tôi ăn đến 6 quả trứng.  Sáng 2 quả làm ốp-la ăn với bánh mì; trưa hai quả nữa làm món trứng chiên ăn với cơm nguội; và bữa tối 2 quả luộc lên dầm nước mắm có thêm chút ớt ăn với rau luộc là xong bữa! 
Nhanh, gọn và dễ làm cho nên nhiều khi vì ở một mình, chẳng lẽ tôi bày ra đủ thứ món này món nọ để rồi mất thời gian chuẩn bị và dọn dẹp sau đó?  Dù biết ăn trứng nhiều không tốt nhưng thôi thì ăn trứng cho nó mau.
Bây giờ lan man một chút sang chuyện nấu ăn.  Khiêm tốn mà nói, tôi biết cách nấu ăn và tôi có thể làm được nhiều món: từ những món căn bản như mì tôm, luộc trứng, nấu cháo, kho thịt, kho cá, xào rau, xào đậu, sườn rim đến những món có vẻ khó hơn một chút như canh chua, chiên gà tẩm bột, nấu phở, thậm chí làm chả giò, cá hấp với bánh tráng cuốn rau sống…. tôi đều có thể làm được tất.  Cũng có nhiều món tôi chưa từng làm và nghĩ mình không thể nấu được vì sự công phu, cầu kì của chúng.  Ví dụ bún bò Huế, mì quảng, bánh xèo…
Những món kể trên tôi nấu có thể không ngon, không xuất sắc, không đạt trình độ đầu bếp thượng thặng, nhưng công bằng mà nói cũng tạm tạm chứ không đến nỗi nào.  Nhiều khi làm xong bày ra trên bàn nhìn thấy cũng bắt mắt lắm. Ví dụ món sườn rim ngọt chặt khúc nhỏ có rắc chút tiêu vàng ươm nóng sốt bày trên đĩa; hay một tô canh yukini (một loại trái giống như trái bí xanh bên Việt Nam) có rắc chút hành ngò và chút tiêu còn nghi ngút khói thơm lừng.
Tôi có một bạn trẻ hồi xưa là học trò Giáo lý Tân tòng của tôi giờ đang ở Mỹ, thỉnh thoảng gọi điện thoại sang thăm tôi.  Cô ta hay hỏi là hôm nay Cha ăn món gì, có ai nấu cho Cha ăn không, có ngon không?  Khi nghe tôi trả lời là tự tôi nấu lấy và tôi cảm thấy cũng ngon miệng lắm thì cô ta phán một câu xanh rờn: “Cha ở một mình, Cha ăn Cha khen ngon chứ đâu có người thứ hai để nhận xét ngon dở thế nào!”.  Sic!, chẳng lẽ tôi nói không tin qua đây ăn thử?  Thật đúng là “phúc cho ai không thấy mà tin”.
Tóm lại là vì sống một mình thì thôi mình cứ vui hưởng cuộc sống với những khả năng và kinh nghiệm của mình.  Lâu lâu cũng phải biết tự khen mình để an ủi và lên tinh thần của chính mình chứ. 
Đành rằng chuyện nấu, chuyện ăn, chuyện uống luôn là một nghệ thuật nhưng mà ở có một mình thì nghệ thuật với ai?  Làm sao cho qua ngày, đầy đủ dinh dưỡng để còn sống mà phục vụ, để tiếp tục vác Thánh giá hằng ngày mà theo Thầy Chí Thánh là được rồi.
Triết lý’ của tôi về chuyện này là vậy.  Ít trang sách kể bạn nghe về cuộc sống và sinh hoạt cá nhân hằng ngày của tôi. 
Mời bạn sau này nếu có dịp đến viếng thăm giáo xứ của tôi, chắc hẳn rằng tôi sẽ đón tiếp bạn bằng hết khả năng của mình, sẽ trổ tài phục vụ nấu cho bạn ăn một bữa cơm ngon lành với đầy đủ ba món chính theo bữa ăn truyền thống của dân Việt: món xào, món kho mặn và món canh; đồ ăn tráng miệng sẽ là chuối cắt nhỏ ăn với kem.  
Chắc rằng ăn xong bạn sẽ xoa bụng gật gù khen ngon và đòi đi nằm nghỉ với cái bụng căng tròn.  Nhưng không, thưa với bạn, ở với một linh mục nên không được phép đi nằm nghỉ ngay sau bữa ăn.  Theo thói quen ăn xong cơm chiều là phải lần hạt một chuỗi Mân côi đủ 50 kinh trọn không hơn không thiếu.  Nếu bạn cảm thấy không ngao ngán chuyện đọc kinh dài lê thê; và chuyện lần hạt Mân côi ngay sau bữa ăn với bạn mà là chuyện nhỏ thì xin mời bạn đến ghé thăm tôi.  Xin sẵn sàng welcome!!!

Sáng kiến mục vụ


       
Bạn thân mến,
Canada là quốc gia thuộc hàn đới.  Thời tiết ở đây bao gồm bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông.  Canada cũng là quốc gia có vùng lãnh thổ, địa lý rộng lớn nhất thế giới hiện nay.  Gần ba mươi thập niên về trước, xét về diện tích thì Canada đứng thứ hai sau Liênxô, nhưng do sự thay đổi thể chế chính trị, Liênxô đã phân rã thành nhiều quốc gia độc lập khác nhau, chúng ta quen gọi là Liên bang Nga, vì thế ngày nay Canada trở thành quốc gia lớn nhất thế giới xét về diện tích đất đai.
Canada có 10 tỉnh bang và hai vùng lãnh thổ tự trị thuộc Canada.  Tỉnh bang Saskatchewan mà tôi đang sống có diện tích rộng gấp 3 lần đất nước Việt Nam.  Tỉ lệ dân số thì ngược lại, toàn Canada chỉ có trên 30 triệu dân so với 84 triệu của Việt Nam.  Saskatchewan nằm về phía Tây của Canada, là khu vực đồng bằng, nơi có nhiều mỏ dầu, tài nguyên khoáng sản.
Đây là vùng đất nông nghiệp chính của Canada chuyên sản xuất các loại ngũ cốc, lúa mì, các loại cây có hạt ép lấy dầu thực vật.  Có lần tôi đã nghe người ta nói bằng sự tính toán của các nhà khoa học, họ ước tính nếu đất đai trên toàn bộ tỉnh bang này đều được trồng lúa mì, và nếu thời tiết thuận hòa tốt đẹp, sản phẩm thu được sẽ đủ nuôi toàn bộ dân số trên thế giới trong vòng ba năm.  Tôi ghi lại chi tiết này để bạn thấy đất đai ở đây rộng mênh mông như thế nào. 
Ở Giáo xứ St. John the Evangelist của tôi có một gia đình giáo dân là 2 vợ chồng còn trẻ và hai bé gái, hai vợ chồng anh này làm nông nghiệp.  Một lần sau Thánh lễ Chủ nhật, tôi hỏi anh ta về diện tích đất canh tác hiện nay của anh thì được biết là anh đang trồng lúa mì trên một vùng đất rộng 8 ngàn mẫu vuông.  Tưởng mình nghe lầm, tôi hỏi lại và anh ta đã xác nhận lại với tôi là 8 ngàn mẫu!   
Tôi đã từng nhiều lần lái xe qua những cánh đồng lúa mì bạt ngàn ngút mắt trải dài như đến tận chân trời, lái xe cả mấy tiếng đồng hồ liên tục với vận tốc 110-120km/giờ mà vẫn chỉ thấy đồng bằng và ao, hồ xen kẽ mà không có đồi núi chập chùng, do vậy cảnh trí cũng không có gì là đẹp lắm, chỉ toàn lúa mì và lúa mì.  Một cánh đồng rộng mênh mông ngút ngàn tiệp một màu vàng của lúa.  Đó chính là lý do tại sao tôi chọn hình nền cho bìa cuốn sách này là hình của một cánh đồng lúa mì.
Ngoài những cánh đồng trồng lúa mì hay các loại hạt ép lấy dầu, người ta còn chăn nuôi.  Chăn nuôi ở đây chủ yếu là bò, heo và gà.  Thịt bò Canada nổi tiếng trên thế giới.  Chúng được thả tự do ngoài những cánh đồng rộng mênh mông như vậy bất kể ngày hay đêm mà không cần người trông coi, chăm sóc.  Có lần tôi nói đùa với một giáo dân của tôi khi biết ông này làm chủ một trang trại nuôi bò là vào một ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ đến thăm ông, và bắt một con bê về làm thịt.  Ông ta đã thản nhiên trả lời là “ông Cha cứ việc đến và bắt con nào mà ông Cha muốn”.  Họ nuôi nhiều lắm thưa bạn, nhiều đến mức không biết chính xác mình có bao nhiêu bò trong trang trại của mình!
Khi mùa Đông đến, người ta nhốt chúng vào những khu chuồng rộng lớn được thiết kế kiên cố dành riêng.  Thức ăn của chúng là cỏ khô được cắt vào mùa Hè và bó lại thành những bó lớn để sẵn sàng dự trữ cho mùa Đông.
Đất đai rộng mênh mông như thế nên có những nông dân họ chia phần đất của mình thành hai khu vực, năm nay canh tác phần này, phần kia để hoang cho cỏ mọc lên và cắt làm thức ăn cho bò.  Năm sau hoán chuyển lại vị trí canh tác của hai phần đất.  Hỏi bạn, làm nông nghiệp như thế đất đai sao không tốt được, đó là chưa kể đến những tháng mùa Đông đất đai được nghỉ ngơi lấy lại màu mỡ?
Thú vị hơn một chút về chuyện địa lý là càng về phía Bắc thời tiết càng khắc nghiệt hơn.   Ở phía Bắc của Canada có những vùng mà 6 tháng là mặt trời và 6 tháng còn lại chỉ là bóng đêm.  Để dễ hình dung vùng đất ấy ở đâu, bạn lấy quả địa cầu, đặt ngón tay lên chóp đỉnh của nó thì đó là vùng mà tôi đang đề cập đến.  Người dân ở đây phải chấp nhận một cuộc sống mà thời tiết vô cùng khắc nghiệt.  Sáu tháng liên tục không thấy bóng mặt trời, trời đất âm u và khí lạnh bao trùm, tuyết không ngừng rơi và phủ ngập tràn; gió mạnh rít liên hồi.  Sáu tháng còn lại thì mặt trời xuất hiện, ngày trở nên dài như vô tận nhưng cũng hiếm khi thấy những ngày nắng đẹp rực rỡ như mùa Hè ở các vùng khác.
Bù lại, vùng đất này giàu có về những mỏ khoáng sản như dầu, muối khoáng kali, than đá… nên vẫn có những khu công nghiệp khai thác và vẫn có dân cư sinh sống dù rất ít về dân số.
Trở lại với chuyện thời tiết và các mùa của Canada.  Nói chung mùa Xuân ở đây thời tiết đẹp vô cùng, khí hậu trong lành và mát lạnh như Đà Lạt.  Cây cối đâm chồi nảy lộc sau một mùa Đông dài lạnh lẽo, các loại hoa đua nhau nở khoe sắc rực rỡ.  Tiếc rằng mùa Xuân thì ngắn và mau chóng chuyển sang mùa Hạ để rồi nối tiếp mùa Thu.  Mùa Hạ thì nắng vàng và nhiệt độ cũng cao như bên Việt Nam, nhưng không nóng bằng vì không có không khí ẩm, và cũng phần vì đất đai rộng, thoáng đãng, không có nhiều nhà cao tầng san sát nhau như ở Việt Nam nên không khí không quá oi nồng.  Xuân, Hạ, Thu là những mùa mà dân chúng thích nhất trong năm.  Người ta thường tổ chức các khóa sinh hoạt dã ngoại ngoài trời hay ra các bờ hồ cắm trại. 
Mùa Thu là mùa chuyển tiếp giữa Hè và Đông.  Đây là mùa làm nên sự thơ mộng của thiên nhiên vạn vật.  Lá cây các loại đồng loạt chuyển màu từ xanh sang đỏ và rồi tiệp một màu vàng khiến chúng trở nên đẹp, thơ mộng và vô cùng quyến rũ.  Một trận gió thoảng nhẹ cũng đủ làm lá cây rơi rụng trông rất đẹp và nên thơ.  Khi sáng tác những vần thơ:
Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức? 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ? 
Em không nghe rừng thu 
Lá thu kêu xào xạc 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô?
(“Tiếng Thu” Lưu Trọng Lư)
tôi không biết nhà thơ Lưu Trọng Lư có từng sống ở Canada không, nhưng quả thật cảnh mùa Thu bên này đẹp, quyến rũ, nên thơ, và làm nao lòng người lắm thưa bạn.
Thời tiết và khí hậu ở đây khắc nghiệt nhất là vào mùa Đông.  Mùa Đông kéo dài 4 tháng và tùy theo vùng, nhiệt độ có khi xuống đến -50 độ C.  Bạn hãy hình dung như thế này: chiếc tủ lạnh trong nhà bạn có một ngăn để tạo nước đá, nhiệt độ ở đó luôn được duy trì cố định ở mức 0 độ C.  Nếu bạn đặt những ngăn nước vào đó trong một khoảng thời gian nhất định, nước sẽ biến thành nước đá.  Vậy mà bên này nhiệt độ ngoài trời có khi xuống đến -40 hay -50 độ C thì bạn đủ hiểu lạnh thế nào.  Tuy nhiên, không có gì phải lo lắng, nếu ở trong nhà đã có hệ thống sưởi để duy trì nhiệt độ ấm áp cần thiết, còn nếu bạn ra ngoài thì đã có đủ các áo lạnh, khăn quàng cổ, găng tay để giữ cơ thể bạn đủ ấm.
Mùa Đông tuyết rơi trắng xóa, tuyết phủ tràn ngập các cánh đồng, nóc nhà, ngọn cây.  Tuyết trắng ở khắp mọi nơi.  Mùa Đông làm cho mọi sự tê liệt, các hoạt động, sinh hoạt bên ngoài bị giới hạn rất nhiều.
Có những thánh lễ an táng vào mùa Đông, nhưng để hoàn tất các nghi thức tiễn biệt, hạ huyệt ở nghĩa trang thì phải đợi vào mùa Hè.  Lý do là quá lạnh, lạnh đến mức không thể đào huyệt được thế nên người ta đành phải để xác người quá cố tạm thời trong nhà tang lễ, chờ đến khi tiết trời ấm áp họ mới chọn ngày đem đi an táng ngoài nghĩa trang.
Nói cho ngay các nhân viên nhà quàn cũng đã cố gắng để giảm chi phí cho tang gia, vì lưu giữ xác lại trong nhà quàn thì chi phí sẽ cao hơn so với việc đem an táng ngay.  Họ dùng xe ủi tuyết để lộ phần đất, nhưng không cách nào đào huyệt được, dù được đào bằng máy móc cơ giới.  Đất do chịu ảnh hưởng của thời tiết mùa Đông đã trở nên cứng như đá.
Lạnh đến độ vào mùa Đông, nhà thờ phải bật hệ thống sưởi để sưởi ấm khi có thánh lễ cho giáo dân.  Tuy nhiên ở những nhà thờ nhỏ, khu vực không có đông dân cư, nhà thờ sẽ tắt hệ thống sưởi và chỉ bật trước thánh lễ chừng 30 phút để tiết kiệm điện và khí đốt.  Vào thứ Tư lễ Tro năm 2009, thời tiết lúc đó đang ở vào cao điểm của mùa Đông,  tôi đến nhà thờ và chuẩn bị cho Thánh lễ, tìm lọ nước phép để làm phép tro đầu lễ thì chai nước phép đã đông thành nước đá dù được để bên trong nhà thờ.
Kể cho bạn nghe sơ qua về thời tiết, khí hậu và các mùa của Canada rồi.  Bây giờ tôi kể cho bạn nghe về các hoạt động thể thao bên này. 
Trước hết phải nói rằng do đặc thù của thời tiết và khí hậu như thế nên phần lớn thời gian trong năm của người dân phải sinh hoạt trong nhà.  Do vậy, mỗi khi có thể có những hoạt động bên ngoài, họ đặc biệt yêu thích và thường không bỏ lỡ những dịp tốt ấy.
Tình yêu của họ dành cho các môn thể thao có thể nói thật ngoài sức tưởng tượng.  Bạn có biết mỗi khi có trận đấu bóng bầu dục, vài chục ngàn người đến sân đấu để xem và cổ vũ đội nhà là chuyện bình thường.  Bạn mà được nhìn thấy một đám đông khổng lồ trong một vận động trường rộng lớn có sức chứa trên 30 ngàn người thì bạn sẽ hiểu tình yêu đam mê dành cho thể thao của họ nhiều như thế nào.  Họ thuộc đủ mọi thành phần, những người lớn tuổi, thanh niên nam nữ, thậm chí có cả những người bị khuyết tật ngồi xe lăn cũng đến tham dự.
Ở bên này người ta không chịu thua thời tiết.  Mùa Hè có những hoạt động thể thao của mùa Hè: đá banh, quần vợt, đua xe, đua thuyền, bóng bầu dục …; mùa Đông cũng có những hoạt động thể thao của mùa Đông: hockey, trượt băng, … chỉ khác là mùa Hè thì chơi bên ngoài còn mùa Đông thì chơi bên trong những nhà tập thể dục lớn.
Các linh mục chúng tôi ở bên này thường nói các môn thể thao là “kẻ thù của Giáo hội”.  Chúng lôi kéo nhiều người bỏ lễ để tham dự những môn thể thao thi đấu, bất kể mùa Đông hay Hè.  Cuối tuần khi mà có các trận thi đấu, số giáo dân tham dự thánh lễ thường mất đi một nửa hoặc có khi hơn tùy theo tầm quan trong của trận đấu.
Ở trường học, người ta cũng tổ chức các môn thể thao khác nhau cho học sinh và thường là vào dịp cuối tuần, các em học sinh đi tập luyện thi đấu thì phụ huynh cũng phải tham dự vì phải lái xe đưa đón chúng đi.
Tôi theo dõi lịch thi đấu thể thao trên truyền thanh, truyền hình và chương trình đấu giao lưu giữa các trường học, thì thấy rằng hễ cuối tuần nào có thi đấu thể thao dù là ở địa phương hay cấp thành phố thì y như rằng các Thánh lễ Chủ nhật cuối tuần sẽ vắng, số người tham dự Thánh lễ sụt xuống một cách thê thảm.
Để khắc phục tình trạng giảm sút số người tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật, tôi và một linh mục người Canada đã phải động não, suy nghĩ rất nhiều để tìm cách đưa các em trở lại với nhà thờ vào các dịp cuối tuần.
Cuối cùng thì giải pháp cũng được tìm ra là nên thành lập ca đoàn từ các trường học.  Giáo xứ tôi đang coi sóc hiện nay có một trường trung học và 3 tiểu học Công giáo do tôi làm tuyên úy.  Trong một cuộc họp đầu năm học dành cho các giáo viên, chúng tôi đã phải cố gắng thuyết phục các giáo viên tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ bằng việc thành lập một ca đoàn cho mỗi trường, mỗi tháng một trường sẽ phụ trách một lễ.
Ngoài việc hát lễ, các em học sinh cũng sẽ tham gia vào các phần việc phụng vụ trong Thánh lễ đó như giúp lễ, đọc các bài đọc và lời nguyện giáo dân, thu tiền dâng cúng, đón tiếp… tóm lại là các em sẽ phụ trách tất cả các phần việc có thể làm trong Thánh lễ đó.
Tổ chức được như vậy có một lợi điểm là khi đến phiên phụ trách của mình, các em sẽ “phải” đi lễ ngày Chủ nhật và đương nhiên Cha Mẹ các em cũng sẽ “phải” đi cùng, bắt được cá nhỏ thì cũng bắt được cá lớn.  Chúng tôi thường hay nói đùa là “One stone can kill two birds -- một mũi tên bắn trúng hai đích”.
Và kết quả thật vô cùng khả quan.  Số giáo dân đến tham dự Thánh lễ của ngày Chủ nhật lúc 11 giờ có ca đoàn thiếu nhi hát luôn chật kín nhà thờ vì phần lớn phụ huynh của các em tham dự.  Họ hãnh diện nhìn con mình trong đoàn đồng ca của nhà thờ, hay tham gia góp phần trong các sinh hoạt phụng vụ khác như giúp lễ, đọc sách…
Kể từ đó đến nay, Thánh lễ của các Chủ nhật lúc 11 giờ luôn có các Thầy Cô giáo và các em học sinh của trường chịu trách nhiệm phụ trách Thánh lễ đó tham gia.  Lễ nào có các em học sinh tham gia phần việc trong phụng vụ thì lễ đó luôn có đông người tham dự.  Riêng các Thầy Cô giáo, họ luôn cố gắng tổ chức Thánh lễ do trường mình phụ trách cho chu đáo và nghiêm trang.  Thế nên tự nhiên tạo thành một sự cạnh tranh ngầm giữa các trường với nhau.
Kể cho bạn như vậy thì nghe có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế thì mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện được kế hoạch này.  Bạn có biết tôi phải mất nhiều buổi họp với các trường để có được sự đồng thuận từ phía các giáo viên; phải mất nhiều thời gian đi lại từ nhà thờ đến trường để họp bàn, thảo luận; phải bỏ công tập luyện giúp các em, uốn nắn chúng từ cách đi lại trong nhà thờ sao cho trang nghiêm, cách đọc sao cho rõ ràng, mạch lạc, cách giúp lễ… rất vất vả và phải kiên nhẫn lắm thưa bạn.
Nhớ lại sau Thánh lễ đầu tiên tổ chức được như thế, tôi đã cảm động nói ít lời khen ngợi tinh thần cộng tác và phục vụ của các Thầy Cô cũng như học sinh, rồi xin cộng đoàn vỗ tay cảm ơn họ đã quảng đại hy sinh thời gian và cống hiến tài năng để phục vụ cộng đoàn.  Sự thành công ngoài sự mong muốn của tôi đã là một điều an ủi lớn với tôi lắm bạn à. 
Một sáng kiến khác tôi muốn kể cho bạn nghe về việc làm cho người giáo dân đến nhà thờ sớm hơn bình thường.  Người Tây họ rất đúng giờ.  Họ không xài giờ cao su như đại đa số người Việt Nam chúng ta.  Thế nên Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ thì họ sẽ đến lúc 9 giờ kém năm chứ không đến sớm hơn.  Họ cũng sẽ ở lại cho đến khi kết thúc Thánh lễ chứ không bỏ về trước khi nhận phép lành cuối lễ.  Đó là một nét khá đặc biệt của việc tham dự Thánh lễ của người phương Tây.
Để thay đổi tình trạng Giáo dân đến nhà thờ chỉ 5 phút trước khi dâng lễ theo chiều hướng tích cực hơn, tôi đã yêu cầu một số bà đạo đức chịu khó đến sớm hơn 15 phút và sẽ cùng nhau lần hạt chung với nhau trước thánh lễ.  Vì chính mình yêu cầu như thế nên tôi cũng phải làm gương cho giáo dân bằng việc thu xếp công việc để có thể cùng hiện diện và đọc kinh chung cùng họ.  Bạn có biết chỉ ít tháng sau, con số giáo dân đến sớm hơn bình thường đã gia tăng rõ rệt.  Chúng tôi cùng nhau đọc kinh chung, cùng nhau lần hạt đầu lễ để xin và nhờ Mẹ Maria dẫn đưa chúng tôi đến với Chúa.  Đó là một dấu hiệu chuyển biến tích cực và tốt đẹp đúng không bạn?
Bạn thân mến, câu chuyện về thời tiết khí hậu; chuyện 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông xoay chuyển trong năm của Canada; chuyện ca đoàn thiếu nhi học sinh được thành lập để lôi kéo các em và phụ huynh của các em đến với Chúa, đến với nhà thờ; và chuyện đọc kinh lần hạt Mân côi đầu thánh lễ đã được kể.  Các chi tiết được tường thuật trong bài hẳn cũng giúp bạn thấy được những niềm vui nho nhỏ của tôi, một niềm vui được phục vụ và thấy được công việc của mình cũng có chút thành quả hữu hiệu.  Tất cả vẫn chưa thấm tháp vào đâu vì lòng đạo của họ nguội lạnh lâu lắm rồi, giờ có muốn khuấy động phong trào, có làm cho lòng mến ấy bùng lên thì cũng phải kiên nhẫn và cần thời gian dài để chuyển biến.  Những gì tôi đã khởi sự vẫn còn nhỏ nhoi và như muối thả vào biển thôi.  Vẫn còn phải cố gắng tiếp tục và kiên nhẫn mà thực hiện; và còn phải nghĩ ra nhiều kế khác để đem họ trở về cùng Chúa.  Viết đến đây tôi chợt nhớ đến lời kinh Sáng Soi mà chúng ta vẫn thường đọc: “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi Ơn Chúa mà thôi”, mà đúng vậy thật, mọi hoạt động phục vụ của chúng ta hết thảy chỉ có thể trông chờ nơi Ơn Chúa mà thôi, có Ơn Chúa mới mong thành công phải không bạn?


Niềm vui đời mục vụ


Năm cuối ở chủng viện, trước khi chịu chức phó tế, chúng tôi được học dâng lễ và cách cử hành các bí tích.  Cha giáo sư môn Phụng vụ trong khi dạy về các nghi thức cử hành thánh lễ có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui về một vị Giám mục về hưu.  Đức cha già này rất khó tính và luôn theo sát chỉ dẫn của phụng vụ chữ đỏ.  Một lần kia, khi tham dự Thánh lễ đồng tế, đến phần hiệp lễ, vị linh mục chủ tế tiến lại gần bên ngài với Mình và Máu Thánh Chúa trên tay, cung kính đưa cho ngài với lời tuyên bố: “Mình Máu Thánh Chúa Kitô”.  Trái với sự mong đợi bình thường, vị giám mục về hưu khó tính thưa lại rằng: “biết rồi, tôi cũng làm được Mình và Máu Thánh Chúa mà!” (“Yes, I know, I also can make it !”).  Cha giáo sư môn Phụng vụ có ý dạy chúng tôi là khi trao Mình Thánh, Máu Thánh Chúa cho Giám mục hiện diện trong Thánh lễ thì không cần phải xướng “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô” nữa, chỉ cần cung kính đưa Mình Máu Thánh Chúa cho ngài, vì thánh chức Giám mục của ngài tự đã đủ.
Là linh mục, ngày ngày tôi dâng lễ, bánh và rượu trước khi truyền phép thì vẫn là bánh và rượu, nhưng khi tôi dâng lễ, bàn tay tôi cầm lấy bánh và đôi tay tôi nâng chén rượu đọc lời truyền phép, sau những lời tôi tuyên đọc, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa khiến mọi người phải cung kính bái thờ.  Đặc ân và vinh dự ấy đâu phải dễ ai cũng có? Niềm tin và giáo lý của Giáo hội dạy tôi và mọi người đều tin như vậy. 
Một lần xức dầu thánh hiến trên đôi bàn tay đủ giá trị và hiệu lực muôn đời, dù đôi bàn tay ấy không tinh tuyền vì tội lỗi; dù đôi bàn tay ấy là đôi bàn tay của nhân loại chứ không phải là bàn tay quyền năng của Thiên Chúa.  Thế mới hay việc Thiên Chúa thực hiện và chuyển ban những ân sủng của Người cho con người qua bàn tay nhân loại hay và ý nghĩa như thế nào.
Cũng vậy, tôi ngồi tòa giải tội.  Đến với tôi là những hối nhân thuộc đủ mọi hạng người trong xã hội.  Là linh mục, là nữ tu, là giáo sư bác sĩ, là bà nội trợ, là viên chức chính phủ, thị trưởng của thành phố, là những em học sinh… tất cả đều mong muốn tìm những khoảnh khắc được tâm sự, được thưa chuyện với Chúa về những lỗi lầm vì yếu đuối của mình.  Họ thật sự muốn tìm sự an ủi, vỗ về của Thiên Chúa qua tôi, một linh mục của Ngài.  Họ tìm đến với bí tích Giải tội, họ đến với tâm trạng mất bình an, họ bước vào tòa giải tội với tâm trạng dằn vặt, đau đớn vì tội lỗi.  Nhưng kỳ lạ thay, khi bước ra khỏi tòa giải tội, họ cảm nhận và tìm thấy sự bình an đích thực, một sự bình an từ trong sâu thẳm của lòng họ.  Nghĩ lại, tôi cũng là một tội nhân, cũng chẳng hơn gì những hối nhân kia, tôi là một con người bất toàn, tôi đâu có làm được điều gì to tát cho họ.  Tôi chỉ lắng nghe, kiên nhẫn lắng nghe, rồi khuyên bảo ít lời và đọc công thức tha tội, rồi giơ tay ban ơn xá giải, rồi lời chào tạm biệt với lời chúc ra đi bình an và đừng phạm tội nữa.  Vậy mà nhiêu đó cũng đủ khơi lên được trong họ một niềm tin yêu hy vọng và sự bình an sâu thẳm trong lòng.  Ơn Chúa quả thật đã qua tay tôi, qua con người tôi mà đến với họ.  Thật tuyệt vời, thật siêu nhiên và mầu nhiệm biết bao.
Đi thăm bệnh nhân ở bệnh viện cũng vậy.  Bệnh nhân nằm trên giường, khắc khoải lo âu vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.  Đau đớn trên thân xác, mệt mỏi và căng thẳng trong tinh thần.  Họ lo lắng và hồi hộp vì không biết phải chăng giờ Chúa gọi đã điểm.  Đây cũng là khoảng thời gian quý báu cho những người khô khan nguội lạnh có dịp nhìn lại mình sau bao năm xa lìa Chúa và Giáo hội.  Nằm trên giường bệnh họ lo sợ nếu có phải ra trước Tòa phán xét của Chúa thì sẽ phải trả lời, sẽ phải thưa chuyện với Chúa như thế nào? Thế nên họ yêu cầu xin gặp linh mục.  Lời khẩn cầu ấy thường luôn được đáp trả dù bất cứ lúc nào.  Nhiều lần tôi đã được gọi đến vì những lý do như thế.  Tôi đã đến để lắng nghe, để động viên, để nói về một Thiên Chúa nhân từ và thương xót không chấp nhất những lỗi lầm của họ trong quá khứ.  Tôi đã khuyên bảo họ từ những kinh nghiệm mà chính tôi có được về lòng nhân từ, về tình yêu của Thiên Chúa.  Tôi đã cầu nguyện cùng họ, với họ và cho họ; và đôi khi còn phải làm thêm một việc nữa là hướng dẫn hay dạy họ cách cầu nguyện vì họ đã bỏ Chúa lâu năm nên nay không còn biết thế nào là cầu nguyện.  Họ đã lắng nghe, họ đã mở lòng để đón nhận ơn giao hòa cùng Chúa qua tôi.  Căng thẳng nội tâm dần dần được giảm xuống, nỗi niềm bất an, dằn vặt dần dần được thay thế bằng sự tự tin, bình an.  Họ đã xưng tội, họ nhận bí tích xức dầu rồi lãnh nhận Mình Thánh Chúa, họ nhận phép lành ân sủng của Thiên Chúa qua tay tôi, phép lành của sự bình an, của sự yêu thương tha thứ...  Tôi đã thi hành năng quyền linh mục bằng việc cử hành các bí tích và làm tất cả những gì có thể được cho họ.  Với nhiều lần gặp gỡ như thế, thường thì trên đường lái xe trở về nhà tôi đã có cảm nhận thật mình là người hạnh phúc nhất trần gian.  Một thứ hạnh phúc sẽ không thể nào có được nếu không từ ân huệ thương ban nhưng không của Thiên Chúa dành cho tôi qua thiên chức linh mục.
Cũng vậy, tôi còn nhớ một lần, ngay trong những tháng đầu tiên của đời linh mục.  Lúc bấy giờ tôi còn là linh mục phụ tá của một giáo xứ lớn ở thành phố.  Bà thư ký nhận được một cuộc điện thoại xin một linh mục đem Mình Thánh Chúa đến viếng thăm cho một giáo dân ở xa.  Cha chính xứ không thể đi được vì ngài đang tiếp một cặp hôn phối cần hoàn tất thủ tục giấy tờ điều tra.  Tôi đã nhận lời đi thay ngài.  Lái xe gần một tiếng đồng hồ vì gia đình của người giáo dân này ở trong một nông trại khá xa thành phố.  Tôi đã lái xe qua những quãng đường vắng vẻ của mùa Hè oi nồng, hai bên đường chỉ là những cánh đồng lúa mì chín vàng ươm rộng mênh mông đang chờ thu hoạch.  Đường vắng không một bóng người, không một chiếc xe qua lại.  Tôi lái xe lần theo địa chỉ đã có mà trong lòng hồi hộp lo sợ vì nếu xe hư hay trục trặc vì bất kỳ lý do gì thì biết xoay sở làm sao? Chợt lấy tay sờ lên túi áo, nơi có hộp đựng Mình Thánh Chúa, tôi thấy lòng an tâm và vững dạ lạ thường.  Có Chúa, Chúa của cả vũ trụ bên tôi, Chúa quyền năng tác thành vạn vật.  Ngài đang bên tôi và với tôi.  Ngài đang là bạn đồng hành của tôi.  Tôi đang đưa Ngài đến thăm con cái của Ngài, thế thì tại sao tôi phải lo sợ? Một nỗi sợ không chính đáng và rất nhân loại.  Kể từ đó, tôi cảm thấy tự tin, bình an và lên tinh thần rất nhiều để tiếp tục hành trình mục vụ của mình.
Cuộc sống cô đơn và đầy thử thách của linh mục vẫn có đó.  Ngày ngày tôi vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách đố.  Nhưng không thể không nhìn nhận một sự thật là luôn có những hấp dẫn, những niềm vui và hạnh phúc bất ngờ do Chúa gửi đến để an ủi, để khích lệ, để tưởng thưởng cho tôi.  Tôi muốn viết ra đây một vài câu chuyện cụ thể.
1.  Một giáo dân của tôi, dân đam mê cờ bạc chính hiệu con nai vàng.  Ngày ngày tiêu tốn không biết bao nhiều thời gian bên những cỗ máy kéo trong Casinô.  Không chỉ lãng phí thời gian, ông còn lãng phí những đồng tiền có được do dành dụm, tiết kiệm trong nhiều năm trời, mà giờ đây, do về hưu, rảnh rỗi quá nên sinh tật mượn máy đánh bạc giải sầu.  Biết là mình sai, biết là mình đang nuôi, đang ôm ấp hy vọng hão huyền nhưng hấp lực quá lớn của những cơ may trúng bạc, nghe tiếng máy kêu leng keng quen tai nên ngày ngày ông vẫn tìm đến Casinô để thỏa mãn cơn nghiền.
Năm tháng trôi qua, ông trở thành con nghiện thật sự.  Nghiện cờ bạc cũng giống như nghiện xì-ke, không có mặt ở đó chân tay ông ngứa ngáy chịu không được.  Một lần kia gần như cháy túi, ông thất thểu trở về và trên đường về nhà ông ghé thăm tôi như một chuyện tình cờ mà không có chủ đích.  Câu chuyện qua lại rồi cũng vào chủ đề chính: chuyện cờ bạc và thú vui đỏ đen của ông.  Thật tôi cũng chẳng nhớ chính xác mình đã nói những gì, đã khuyên ông ra sao nếu không có một ngày sau đó 3 tuần ông quay lại tìm tôi.  Ông rươm rướm nước mắt, tay ông cầm tay tôi và ông nói với tôi: “Cha à, Cha có biết là Cha đã cứu đời tôi! Ông Cha có còn nhớ lần gặp trước đây Cha nói với tôi là phải nhớ luôn trong đầu mấy cái máy đánh bạc đặt ở Casinô nó thông minh hơn tôi nhiều.  Kể từ lần đó, mỗi lần đặt chân đến Casinô là tôi lại nhớ đến lời Cha và thế là tôi chùn bước không muốn tiến vào sâu hơn để rồi tôi quay xe trở về!”
Cám ơn Chúa.  Thật đúng là có Chúa Thánh Thần giúp tôi, soi sáng cho tôi để nói như thế với ông ấy, chứ tôi đâu có biết mấy cái máy đánh bạc ở Casinô hình dạng của chúng như thế nào? Tôi không phân biệt sự khác nhau giữa những lá bài và luật chơi ra sao, không biết chuyện kéo máy là thế nào...  Thật kiến thức, sự hiểu biết của tôi về chuyện bài bạc là con số zéro to đùng đùng.  Thế mà hôm đó tôi đã nói với ông ta như vậy.  Đúng là Chúa Thánh Thần làm việc qua tôi.  Thật quá lạ lùng phải không thưa bạn?
2.  Một lần kia, tôi đang dùng bữa chiều, điện thoại kêu xức dầu từ bệnh viện.  Tôi bỏ dở bữa ăn và nhanh chóng lên đường.  Đến nơi tôi gặp một người phụ nữ không phải là giáo dân của tôi đang trong cơn hấp hối.  Tôi đã giúp bà dọn mình chết lành, lắng nghe bà xưng tội dù tôi không nhận ra, không nghe rõ, không hiểu được bà đang nói những gì vì bà quá yếu, nhưng trên hết, tôi tin là Chúa hiểu tấm lòng chân thành của bà muốn thành khẩn ăn năn.  Tôi đã cử hành bí tích giao hòa, xức dầu, rồi cho bà chịu Mình Thánh Chúa và sau cùng ban ơn toàn xá cho bà.  Bà có vẻ mệt sau tất cả những nghi thức ấy nhưng cũng có thể nhìn thấy sự thanh thản mãn nguyện trên khuôn mặt bà.  Tôi đã lái xe về nhà sau khi hứa với bà là tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho bà tuân theo ý Chúa nếu quả thật Ngài muốn gọi bà ra đi trở về với Ngài. 
Tối hôm đó chuông điện thoại reo lên lần nữa.  Người con trai của bà cho tôi biết là mẹ anh đã qua đời trong bình an, nhẹ nhàng, một sự ra đi trở về với Chúa trong thanh thản, an bình.  Bạn có biết sau khi buông điện thoại xuống, lòng tôi tràn ngập niềm vui vì cảm thấy mình thật là người hạnh phúc và là người có ích bởi chính Chúa đã dẫn tôi đến đúng vào thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người. 
Thật vậy, nếu đó không phải là do ơn Chúa đưa dẫn, làm sao tôi có thể gặp bà vào những giờ phút cuối đời để đem bà về với Chúa? Mà chuyện đem bà, hay mọi người về với Chúa vốn là công việc và bổn phận ơn gọi của tôi.
Trước khi chịu chức người ta gọi tôi là Thầy, là anh, là cháu, là em… nhưng sau khi chịu chức họ gọi tôi là Cha cho dù tuổi đời của họ đáng bậc cha chú.  Từ rất lâu tôi đã có một ý niệm về chuyện này.  Họ gọi mình là Cha, là Cha theo nghĩa tinh thần, theo nghĩa thiêng liêng, là Cha chăm sóc phần hồn.  Tôi không thể nào là Cha sinh ra họ theo nghĩa tự nhiên cũng như thiêng liêng vì tất cả đều là con Chúa.  Tuy nhiên, tôi là Cha theo nghĩa quản lý và ban phát các hồng ân của Chúa là các bí tích, các ơn lành của Chúa cho họ.  Vậy tôi phải xứng đáng với nghĩa vụ và đặc sủng này.  Tôi phải giữ mình để được luôn xứng đáng với tước hiệu ấy.
Thưa bạn,
Cuộc đời linh mục còn nhiều nhiều niềm vui âm thầm nhưng sâu sắc lắm.  Những gì tôi kể chỉ là một phần nhỏ thôi.  Quả thật giờ đây sau 3 năm nhìn lại, tôi thấy mỗi ngày Chúa luôn gửi đến cho tôi những niềm vui bất ngờ để cổ võ, khuyến khích hay động viên tôi tiếp tục dấn thân phục vụ Chúa và Dân của Ngài mỗi ngày.  Tôi có thể khẳng định với bạn rằng cuộc sống hiến thân phục vụ ý nghĩa và giá trị lắm. 
Thánh Phaolô trong thư thứ 2 gửi cho Timôthê đã tâm sự rằng: “Còn Cha, Cha sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ Cha phải ra đi.  Cha đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.  Giờ đây Cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho Cha trong ngày ấy, và không phải chỉ cho Cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.  Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho Cha, để nhờ Cha mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng”.  (2 Tim 4, 6-8)
Tôi đặc biệt yêu thích những dòng tâm sự này của Phaolô.  Ngài đã dành hết cuộc đời cho công việc rao giảng Tin Mừng, và ngài đã không giấu giếm sự hãnh diện vì tin rằng phần thưởng đời đời sẽ được trao ban cho ngài.  Ngài đã cống hiến tất cả cho một cuộc chiến vì lý tưởng phục vụ Tin Mừng nên ngài tin chắc Vị Thẩm Phán Chí Công sẽ trao cho ngài phần thưởng vinh quang nhất. 
Bạn thân mến, như Phaolô, tùy theo hoàn cảnh và đặc thù ơn gọi của mỗi người, tôi và bạn cũng đã và đang dấn thân, sống và chiến đấu cho lý tưởng phục vụ Tin Mừng.  Cuộc chiến mà chúng ta đang tham gia vẫn còn dài và còn nhiều trở ngại phía trước.  Nhưng tôi tin là Chúa sẽ giúp sức cho chúng ta để cùng chạy đến đích, để chúng ta cũng được nhận lãnh vòng hoa dành cho những người công chính nhờ vào lời cầu nguyện và sự cố gắng mỗi ngày.  Xin hãy cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho nhau để cùng nhau chiến đấu và chạy đến đích trong cuộc chiến ấy mà không quỵ ngã vì mỏi mệt hay thất vọng; cũng không buông xuôi hay đầu hàng vì thiếu niềm tin yêu. 



Những câu chuyện thật ngắn


Bạn thân mến,
Đây là những câu chuyện ngắn rất đời thường mà tôi đã viết.  Có những câu chuyện tôi hồi tưởng lại trong ký ức của mình gần 30 năm về trước, cũng có những câu chuyện tôi chứng kiến được trong cuộc sống hằng ngày ở đây.  Mời bạn chia sẻ những cảm xúc rất riêng tư ấy qua những câu chuyện thật ngắn sau đây:
1.  Miếng thịt gà!
Thp nin 1980, nhâ quấ nghêo. Cm n chĩ mưt phìn nhỗ gẩo phìn ln côn lẩi lâ bỉp nhịn lâ ậ thy ngao ngấn. Anh  xa vì chi, Mể khoẫn ậi bçng vic git mưt con gâ mấi t ang bỉt ìu cho trng í gìy dng ân gâ. Ba cm ẩm bẩc tr nn sang trổng nh ơa tht gâ t  gia bân.
Nhâ ưng ngi nn mưt con gâ khưng u. Thy Mể ngưìi n lng lệ chĩ toân rau muưng luưc chm vi nc mỉm, anh gỉp mưt ming tht ngon cho vâo chến cua Mể, Mể lẩi gỉp ra bỗ vâo chến cua anh kêm cu nối nhể nhâng: “cấc anh n i, Mể n nhiìu rưìi”.
Trđ ốc non nt cua mưt thiu nin ang tuưíi ln u hiíu c hânh ưng vâ li nối y hâm y gị. Gi y khi ậ lâ linh muc sưng xa nhâ, thĩnh thoẫng c mi i n cm, mưỵi lìn nhịn n ơa tht gâ luưc lâ lẩi nh n thu bìn hân xa xa y vâ cht chẩnh lông nghơ tng vì Mể!
2. Thiệp báo Xuân
Tuyt vỵn ri, bìu tri u ấm ẫm ẩm, nhit ư gìn 40 di zerư. Giố mua ưng rđt lin tuc, gâo thết nh gin d. Bn nhâ Tt cn kì lỉm rưìi nhng bn nây nâo cố gị lâ Tt. Vỵn phẫi lâm vic, chĩ vic vâ cưng vic.
Tra, bâ th ky a vâo mưt xp th toân lâ bill cìn thanh toấn. Th cuưi cung, mưt cấnh thip chuc Xun n t qụ nhâ xa ngân dm, nết ch chau chuưt, trang trổng vit trn nhng hâng kễ côn hçn du. Vỗn vển vâi hâng ch, m ấp, chn tịnh.
Lng ngi trong hẩnh phuc, mua Xun ậ n trn Bỉc My. Khưng mai vâng, khưng hẩt da nhng nh cố tt cẫ.
3.  Mẹ và con
Ch gổi in thoẩi cho Mể muc đch chđnh lâ í hỗi cấch lâm bấnh. Nối chuyn vi Mể xong, ch hm h bỉt tay vâo cưng vic. ang d tay thị chuưng in thoẩi reo, lìn nây lâ cua con gấi ch ang hổc  xa gổi vì xin tiìn sau gìn 6 thấng khưng lin lẩc.
Ch mỉng con qua in thoẩi: “mây chng bao gi gổi vì hỗi thm Mể, mưỵi lìn gổi chĩ lâ vị cố vic cìn mâ thưi”.  Gấc mấy, ch bưỵng thy hai cuưc in thoẩi sao giưng nhau lẩ ky.
4.  Cấp cứu
ang lấi xe trn ng thị nghe ting côi hu cua xe cu thng khín cp vưi vậ.  Mổi ngi lấi xe dẩt vâo hai bn í nhng ng.  Xe cu thng vut qua, ên xanh xanh ỗ ỗ chp chp lôe lôe.
Nh vì mưt ngây cấch y gìn 30 nm a anh i bnh vin bçng xe lam ba bấnh. Xe chẩy chm rị, ị ẩch leo ln dưc. Anh b sưt rết ấc tđnh, nçm trong vộng treo trong xe ang ln cn co git vị sưt ht nống rưìi lẩi lẩnh.  t nc nghêo, bnh vin thiu phng tin, bấc sơ khưng u chuyn mưn vâ kinh nghim.  Anh ra i sau ố mưt tuìn.
Mưt nưỵi buưìn man mấc t nhin p ti.  Lin tng n tm trẩng cua nhng ngi ang ngưìi trong chic xe cp cu kia, chỉn hn hổ cung ang lo u, bưi rưi vị khưng bit iìu lânh hay d sệ xẫy n vi ngi thn yu.  Hip thưng trong nhng nưỵi lo u y, thìm ổc cho hổ mưt kinh Kđnh Mng chm rậi.  Li kinh va chm dt lông bưỵng m ấp lẩ thng vâ cẫm nhn c quyìn nng vâ sc mẩnh cua li kinh, mưt cẫm nhn dng nh cha bao gi cố.
5.  Chó với Mèo
Thu xa châng vâ nâng yu nhau say ỉm.  Nâng gổi châng lâ Lu, côn châng gổi nâng lâ Mêo.  Hai ngi dẩo chi trong cưng vin, bưỵng châng dng lẩi vâ nghim mt nối vi nâng: “Anh khưng thí i c na, em vâo mưt mịnh i”. Ngẩc nhin, nâng hỗi - Châng chĩ cho nâng thy mưt bẫng thưng bấo nhỗ: “No  dogs allowed!” (cm dỉt chố vâo) -- Hai ngi ci ngt nghệo, hẩnh phuc ngp trân.
10 nm sau, trong mưt trn u vộ mưìm.  Cn gin d ln n ĩnh iím, nâng hết ln: “ưì chố ễ”.  t tri nh sup ưí!!!
6.  Do the best! - - Gắng hết sức mình!
Nghêo khưng phẫi lâ tưi.  Li mi lâ tưi.  Khưí mưt nưỵi, du ậ cư gỉng hỉn vỵn khưng tịm c mưt cưng vic cho mịnh.  Chẩy ưn ấo tịm vic khỉp ni, hỉn vỵn lâ mưt kễ tht nghip. V con ang cìn sc lao ưng cua hỉn vị qua ố mi cố cm n ấo mc.
Khưng tịm c vic, hỉn ânh xấch chic xe ẩp câ tâng, chẩy lang thang khỉp phư tịm lm nhng chic lon bia hay nc ngổt vt ln lốc trn ng. 
Rông rậ gìn mưt ngây lm lon, nhịn cấi bao gìn ìy nhng vỗ lon hỉn lâm mưt phếp tđnh nhím mưỵi mưt vỗ lon lâ 10 cents vy lâ c gìn 10 dollars.  Mĩm ci mận nguyn hỉn phống ln xe chẩy n a iím thu mua.
7.  Giác ngộ
18 tuưíi, nố tuyn bư: “con ậ u tuưíi trng thânh, con muưn ra khỗi nhâ” vâ nố lâm thit mc du cẫ Cha lỵn Mể ìu khuyn can, nn nĩ.
20 nm sau, Cha Mể lìn lt qua i. Nố tr vì cn nhâ gi ang c ì bẫng bấn í anh em nố ly tiìn chia nhau.  Luc tịm trong sư sấch cu í chổn lẩi vâi cuưn hay, nố nhịn thy cuưn nht ky cua Mể mâ trong ố cố nguyn mưt trang ghi lẩi nưỵi niìm cua Bâ trong ngây nố muưn ri xa tưí m.
Trong trang y, nố ổc thy nhng dông ch nây: “Th lâ mịnh tht s mt con.  Con quyt lit ôi ra i, con khưng côn cìn Cha Mể na. T nay con sệ n uưng tht thng; sệ khưng côn ai nhỉc con ng thc khuya dy trỵ na...”
Cha ổc ht trang, nố ậ thy khốe mỉt cay cay vâ chut gị ố nghên nghển ni cưí hổng.  Phẫi chng tt cẫ ìu quấ trỵ?
8.  Tiếng Việt thế hệ mới
Gìn n nhâ mưt giấo dn muưn thm, t trn xe dung in thoẩi di ưng gổi n í bấo tin.  Nhc mấy lâ Mai-cưì, cu m quy t cua anh ch.  Ba Mấ con cố nhâ khưng? Cha sỉp n rưìi ố.
Bçng m giổng l l giưng ngi Hoa nối ting Vit, Mai-cưì ấp gổn : “Tui nố i ch rưìi!”  Tng nghe nhìm nn hỗi lẩi bçng ting Anh -- lìn nây thị Mai-cưì trẫ li bçng ting Anh, giổng rt chuín vâ trn tru: “They are going shopping!”
Cup in thoẩi ngín ng, ư hay ting Vit cua th h mi bn x ngi.
9.  Vào đời
Ting ngi iìu khiín chng trịnh vang ln: “xin mi Ba cư du ln trn y cố ưi li vi mổi ngi”.
Ba tin ln khan âi, cìm mấy, giổng nghên nghển: “… Hưm nay khi dỉt con tin ln phđa Cung thấnh cho Hưn lỵ, Ba nh lẩi ngây xa Ba cung ậ dỉt con bc i tng bc chp chng ìu i. i Ba ậ hai lìn dỉt con bc i. Mưt lìn tp cho con bc i trn ưi chn cua mịnh vâ lìn nây Ba a dỵn con vâo mưt cuưc sưng khấc”.
Mổi ngi lng thinh, khưng khđ nh c lẩi, cẫm xuc tuưn trâo.
10.  Bà và cháu
Andrew 5 tuưíi, sinh vâ ln ln trn qụ hng mi.  Ting Anh, ting Vit trưn lỵn nn khi nối bế thng em lẩi s ngư nghơnh ấng yu vâ niìm vui khưn tẫ cho mổi ngi.
Ba nổ Andrew ang chm chu chi, Ngoẩi n gìn hỗi “con ang lâm gị ố?” Bế trẫ li “Con ang chi”. Ngoẩi hỗi tip: “Th cho Bâ chi vi nhế?” Andrew ngc nhịn ngoẩi vâ nh bc mịnh vị b phấ ấm, trẫ li: “Ngoẩi funny quấ â!” -  Ngoẩi ậ giâ, khưng bit c nhiìu t ting Anh nn thỉc mỉc, “funny nghơa lâ gị hẫ con?” Vỵn nhịn vâo mốn ưì chi cua mịnh, Andrew thưt ln: “Funny nghơa lâ vư duyn ố mâ!”.