Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: Luật và tình yêu

Câu chuyện sau đây của một linh mục được kể ra trong một lần tĩnh tâm của các linh mục trong hạt, tôi viết lại theo trí nhớ của mình để bạn biết về tinh thần thực thi luật pháp của người Canada. Bài viết sẽ nối tiếp sang một đề tài khác là tinh thần công bằng, bác ái của người Canada
Câu chuyện đầu tiên mà tôi muốn kể đó là có linh mục người Canada, một hôm ngài đang ở rất xa thành phố do có công chuyện riêng thì nhận được một cú điện thoại thông báo rằng một giáo dân của ngài đang cấp cứu trong bệnh viện do nhồi máu cơ tim.  Theo các bác sĩ thì sự sống của ông chỉ còn tính từng giờ.  Qua điện thoại, vợ của ông bật lên tiếng khóc và năn nỉ xin ngài có mặt sớm hết sức có thể.
Vì đây là một giáo dân nhiệt thành, đạo đức, là người có công đóng góp cho giáo xứ trong các công tác Giáo lý, thế nên ngài quyết định quay trở về ngay lập tức.  Đường thì xa và vì chuyện khẩn cấp nên ngài lái xe rất nhanh để có thể đến được bệnh viện càng sớm càng tốt.  Bạn có biết đường cao tốc (freeway) bên này vận tốc cho phép tối đa chỉ là 110 km một giờ nhưng ngài đã kéo tốc độ lên đến 130 và đôi khi lên đến 150 km một giờ để vượt qua quãng đường gần 200km.  Cuối cùng thì ngài cũng thấy thành phố lúc ẩn lúc hiện phía xa xa.  Nhưng rủi thay cho ngài, có một xe cảnh sát đang chạy tuyến đường ngược chiều phía bên kia, đường cao tốc bên này được thiết kế với hai tuyến đường song song nhưng cách xa nhau bằng một khoảng đất rộng ở giữa để bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông ngược chiều, đã phát hiện ra ngài đang lái xe quá tốc độ nên anh ta bật đèn, hụ còi và tức tốc quay ngược trở lại, băng qua khoảng đất trống giữa hai làn đường cao tốc để trở nên cùng chiều mà theo sát xe ngài.  Chỉ trong ít phút xe của viên cảnh sát đã bắt kịp xe của ngài.  Phần vị linh mục, qua kính chiếu hậu thấy xe cảnh sát phía sau đang hụ còi và chớp đèn liền hiểu là mình đang ở trong tầm ngắm của cảnh sát nên đã giảm tốc độ xuống, ép sát vào lề phải và dừng lại.
Xe của viên cảnh sát cũng dừng ngay sát sau xe của ngài và anh ta mở cửa nhanh chóng tiến lên gặp ngài.  Ngài đã hạ cửa kính xuống, ngồi yên trong xe để viên cảnh sát bắt đầu cuộc thẩm vấn.  Anh ta nhanh chóng nhận ra ngài là một linh mục vì chiếc cổ côn trắng đeo trên ve áo và câu chuyện trao đổi qua lại chỉ vài phút là kết thúc.  Sau khi biết lý do chạy quá tốc độ của ngài, viên cảnh sát ngỏ ý sẽ giúp ngài đến bệnh viện nhanh hơn bằng việc lái xe phía trước dọn đường.  Thật là buồn ngủ gặp chiếu manh, cả hai lại nhanh chóng tiếp tục hành trình tiến về phía bệnh viện.  Với sự giúp đỡ của viên cảnh sát, vị linh mục này đã không gặp bất kỳ trở ngại nào dù lúc đó là giờ cao điểm và phải đi qua trung tâm thành phố.  Đèn giao thông dù có tín hiệu đỏ cũng vẫn có thể chạy qua, các phương tiện giao thông khác đều phải ưu tiên nhường đường vì có đèn hiệu và hụ còi của xe cảnh sát.  Ngài đã đến bệnh viện nhanh hơn thời gian kỳ vọng. 
Đến nơi, ngài nhanh chóng tìm được chỗ đậu xe.  Không dám sử dụng thang máy vì sợ chậm trễ, ngài đã dùng cầu thang dành cho người đi bộ để chạy lên tầng bốn gặp người bệnh.  Sau hơn nửa tiếng đồng hồ cử hành các nghi thức cuối cùng cho bệnh nhân và an ủi tinh thần người thân, ngài trở xuống để ra về thì gặp lại viên cảnh sát đang đứng chờ, đón lỏng ngài ở bãi đậu xe.  Trái với thái độ lịch sự, niềm nở lúc trước, viên cảnh sát đã lạnh lùng chìa ra tấm vé phạt 400 dollars vì tội vượt quá 40 km so với tốc độ cho phép là 110km/giờ.  Luật ở đây là nếu vượt quá quy định vận tốc cho phép, bạn sẽ phải trả một số tiền tương đương với số cây số vận tốc quá hạn.  Quy định 110km/giờ, chạy nhanh 150km/giờ - vượt 40km một giờ thì sẽ bị phạt tương đương 400 dollars.
Luật là luật, viên cảnh sát đã du di thông cảm khi không xé vé phạt ngay tại chỗ.  Anh ta còn làm một việc thiện ngoài sự mong đợi là tiếp sức với vị linh mục để ngài có thể chu toàn bổn phận của mình là gặp gỡ người bệnh ở những giây phút cuối đời.  Đó phải chăng là một nét son theo tinh thần bác ái của Tin Mừng vốn nằm sâu trong tiềm thức của người Canada?  Nhưng trên hết luật là luật và việc áp dụng các biện pháp chế tài sẽ không nhân nhượng, thông cảm cho bất kỳ ai, cho dù người đó có vị thế đặc biệt trong xã hội hay đang thi hành nhiệm vụ đặc biệt nào.
Điều thú vị ở đây là viên cảnh sát, nếu anh ta là một Kitô hữu mà anh ta vẫn quyết định hình phạt cho vị linh mục nói trên thì điều đó chứng tỏ anh ta là một người rất công bằng và ngay thẳng chu toàn phận sự của mình mà không vị nể.  Nhưng nếu anh ta không phải là một Kitô hữu thì cũng lại có cái hay là anh ta hiểu được nghĩa vụ và chức năng của một linh mục Công giáo khi thi hành bổn phận chăm lo phần hồn cho tín hữu của mình đặc biệt là trong những lúc khẩn cấp thật quan trọng thế nào.  Thế nên anh ta đã tình nguyện làm một việc mà anh ta không nhất thiết phải làm.  Theo tôi đó chính là một trong những điểm hay trong cuộc sống sinh hoạt của người Canada.
Có thể nói người dân bên này tuân thủ luật pháp với sự ý thức đầy tính tự giác và tinh thần tôn trọng luật rất cao.  Các phương tiện lưu thông trên đường luôn tuân thủ các quy định về luật giao thông và luôn theo sát các chỉ dẫn đã được quy định.  Nửa đêm về sáng, đường phố dù vắng người qua lại, hay thưa thớt xe cộ nhưng nếu đèn tín hiệu giao thông đang là đèn đỏ, họ vẫn kiên nhẫn đứng chờ chứ không có chuyện ngó trước ngó sau rồi nhấn ga dzọt lẹ.
Người dân ở đây cũng không coi cảnh sát, các nhân viên công lực giữ quyền thực thi pháp luật như các ông ba bị.  Ngược lại, cảnh sát và các nhân viên công lực cũng luôn đối xử thân thiện và rất có tình với người dân.  Chưa bao giờ tôi thấy cảnh sát núp trong các chỗ khuất để rình bắt những người vi phạm luật giao thông.  Người dân vẫn thường hay gọi cảnh sát là “Bạn của dân”.  Gọi như vậy là vì khi có sự cần giúp đỡ, chỉ cần dùng điện thoại bấm số 911 thì ít phút sau đã thấy ngay bóng dáng cảnh sát xuất hiện.  Họ rất lịch sự và nhiệt tình giúp đỡ và tận tụy đến nơi đến chốn mà không hề quản ngại.  Tuyệt đối không có chuyện hối lộ.  Bạn vi phạm giao thông, bạn bị cảnh sát chặn lại, việc khôn ngoan nhất là yên lặng lắng nghe và chấp hành chứ đừng bao giờ có hành vi hối lộ vì nếu hối lộ bạn sẽ bị phạt gấp đôi, ở vào một số trường hợp nghiêm trọng bạn có thể sẽ bị bắt bỏ tù.
Theo chỗ tôi được biết cảnh sát bên này hành xử nghiêm túc như vậy vì những lý do sau đây: Họ được huấn luyện rất kỹ về lòng tự trọng; họ có một truyền thống nhiều năm dài về sự liêm khiết, minh bạch; nếu bị phát hiện nhận hối lộ thì hình phạt sẽ rất nặng; và một điều khá quan trọng là mức lương họ nhận được luôn khá cao so với các ngành nghề khác.  Có lẽ chính vì vậy mà cảnh sát bên này không bao giờ nhận hối lộ hay cũng không hề có chuyện cảnh sát mượn chỗ ẩn núp để rình phạt hay ăn mảnh.
Tiếp tục chuyện lái xe chạy quá tốc độ.  Chính tôi cũng bị một lần phạt tương tự như thế vào đúng ngày Chủ nhật đại lễ Phục sinh năm 2009.  Hôm đó là một ngày vô cùng bận rộn.  Sau khi dâng lễ ở nhà thờ chính, tôi phải lái xe đến một nhà thờ khác để dâng thánh lễ thứ hai mà thời gian thì đã gần hết.  Tại một ngã tư có đèn giao thông và có đặt máy chụp hình tự động, tôi đã lái xe vượt đèn vàng vì nghĩ rằng với vận tốc đang chạy, xe của tôi sẽ kịp vượt qua đến phía bên kia trước khi đèn đỏ.  Nhưng thật là sai lầm! Hệ thống camera đã chụp được bảng số xe của tôi mặt trước và sau rõ ràng, và chỉ một tuần sau thì tôi nhận được một vé phạt với đầy đủ hình ảnh, chứng cứ, kèm theo một lá thư nhắc nhở và khuyến cáo không được tái phạm.  Thưa bạn, thật là đau với số tiền 250 dollars bỏ ra cho một lần chạy quá tốc độ để vượt đèn vàng như thế.  Một lần thôi đủ sợ đến già, thiệt là một kinh nghiệm thương đau!   
Và bây giờ mời bạn đọc thêm để biết về chuyện thực thi tinh thần công bằng, bác ái Kitô giáo của người Canada.  Điều mà tôi muốn nói ngay ở đây là người ta sống rất “đâu ra đó”.
Thật vậy, đi mua hàng, người mua sẽ đứng chờ để nhận số tiền dư hoàn trả dù chỉ là vài xu lẻ.  Người bán cũng thế, họ luôn trả lại cho người mua những số tiền thừa dù giá trị không nhiều, một vài cents lẻ cũng vẫn hoàn trả, sẽ không có chuyện im im, cười cười rồi ỉm luôn số tiền lẻ ấy, hay lẳng lặng thay thế bằng một ít kẹo chewing gum.  Đâu ra đó là vậy.
Người ta sống sòng phẳng với nhau một cách trắng đen rõ ràng.  Tôi, một người mới đặt chân đến Canada chưa được một tuần, sau khi dành ba ngày làm thủ tục nhập giáo phận và thăm viếng một số giáo xứ, Đức cha đã gửi tôi đến London để kịp nhập học ở Chủng viện.  Ngài đã gọi điện thông báo cho một thầy phó tế, người của giáo phận đang học tại đó, căn dặn ra phi trường đón tôi và giúp cho tôi ăn bữa tối trước khi đưa vào Chủng viện nhận phòng.  Ông thầy này đã đón tôi tại phi trường và vì lúc đó trời cũng đã tối rồi nên anh ta mời tôi đi ăn món ăn nhanh (fastfood) tại một nhà hàng MacDonald.  Chúng tôi xếp hàng và lần lượt chọn món mình thích rồi đến quầy thanh toán tiền.  Vì mọi chuyện còn xa lạ, còn hết sức bỡ ngỡ và mới mẻ với tôi như thế nên tôi cứ nghĩ là do anh ta mời, nên chắc anh ta cũng sẽ giúp tôi chuyện thanh toán tiền thức ăn.  Nhưng không, anh ta trả tiền khẩu phần ăn của mình rồi nhanh chóng bưng ra chỗ ngồi, để lại tôi đứng sau lưng anh ta, tự loay hoay chuyện tính tiền phần ăn của mình bằng khả năng tiếng Anh ba cọc ba đồng chẳng ra đâu vào đâu của tôi lúc ấy.  Rất sòng phẳng, đâu ra đó là vậy!
Sau này, nhiều khi tôi vẫn còn thói quen Việt Nam, lâu lâu rủ mấy Thầy người Canada quen thân đi ăn nhà hàng Việt Nam, khi ăn xong tôi thường là người đứng lên trả tiền.  Thật là buồn cười!  Họ đứng dậy cám ơn nhưng không quên kèm theo câu nói: “Hôm nay tôi nợ anh bữa ăn này, lần sau đi ăn để tôi trả nhé”.  Họ không muốn mang nợ ai hết.  Luôn sòng phẳng, luôn minh bạch!
Còn đây là câu chuyện cách đây ít năm khi tôi đang thực tập mục vụ.  Lúc đó bổng lễ còn là 8 dollars một lễ theo quy định của Tòa Giám mục.  Một giáo dân tới văn phòng giáo xứ xin lễ.  Bà thư ký nhận tiền xin lễ, ghi vào sổ đàng hoàng, nhưng liền sau đó vì có một cuộc điện thoại gọi đến, bà vội trả lời và do vậy đã quên không trao lại số tiền lẻ cho người xin lễ.  Bà giáo dân này cứ loanh quanh trong văn phòng nhất định không chịu ra về.  Mãi lâu sau bà thư ký mới hỏi bà còn cần gì nữa không thì được nghe câu trả lời là xin hoàn trả cho tôi số tiền lẻ.  Bạn thấy đó: đưa 10 dollars, xin lễ hết 8 dollars, còn dư 2 dollars.  Bà ấy nhất định đòi lại chứ không chịu thua.  Sòng phẳng, minh bạch như vậy đó!
Còn về chuyện bác ái, sống theo tinh thần của Tin Mừng thì theo nhận xét của riêng tôi, nhìn chung họ có một tấm lòng bác ái thật tuyệt vời.  Họ bỏ đạo, không đi lễ ngày Chủ nhật, không tha thiết tham dự các nghi lễ, sinh hoạt phụng tự của Giáo hội trong ngày của Chúa.  Thế nhưng tinh thần Bác ái của Tin Mừng thì vẫn còn đó trong các sinh hoạt đời thường.  Thậm chí có thể nói tinh thần ấy có mặt cả trong những hoạt động của chính phủ.   
Chuyện trận sóng thần Tsunami bên Châu Á Thái Bình Dương là một ví dụ.  Qua các phương tiện truyền thông truyền hình và báo chí, chính phủ Canada ra một thông báo rằng nếu người dân chia sẻ một, chính phủ sẽ tặng thêm một để hỗ trợ cho 10 quốc gia là nạn nhân của trận sóng thần khủng khiếp này sớm khắc phục thảm họa của thiên tai.  Điều đó có nghĩa là nếu bạn ký một ngân phiếu ủng hộ 500 dollars cho các nạn nhân thì chính phủ cũng sẽ đóng góp thêm 500 dollars.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra trận sóng thần dữ dội ấy, một giáo dân trong giáo xứ của tôi, gọi là giáo dân trong xứ của tôi, nhưng chưa một lần tôi thấy ông trong nhà thờ dự lễ, đã ký một tờ ngân phiếu trị giá 50 ngàn dollars, một số tiền rất lớn đủ để giải quyết bao nhiêu việc.  Tôi đã tự hỏi ông ta làm việc ấy với một tinh thần gì, với một ước muốn gì nếu không phải là vì tinh thần bác ái Kitô giáo?
Mà không chỉ có mình ông, cũng còn có nhiều giáo dân gửi đến văn phòng giáo xứ những tờ ngân phiếu trị giá vài ngàn dollars cho cuộc lạc quyên ấy.  Họ đã để lại cho tôi một ấn tượng đẹp kèm theo một thắc mắc khá lớn là tại sao họ lại có thể làm những việc bác ái rất giá trị như thế cho những dân tộc ở bên kia vùng Thái Bình Dương, ở những quốc gia và vùng đất mà có thể họ chưa một lần đặt chân đến, cho những con người mà họ chưa từng một lần gặp mặt?
Hay như ở giáo xứ tôi, Giáo xứ Thánh Giuse, ở Moose Jaw, có một cặp vợ chồng mà anh chồng là người bên Châu phi, da ngăm đen còn vợ là người Canada, da trắng.  Tin tức từ bên nhà đưa qua cho biết người em gái của anh ta đang bị bệnh tim cần phẫu thuật sớm.  Phương tiện và y khoa hiện đại chưa thể làm được việc này tại quê nhà thế nên gia đình họ muốn đưa cô ấy sang Canada phẫu thuật.  Ngặt nỗi vấn đề tài chính là trở ngại đầu tiên của họ.  Cặp vợ chồng này đã xin phép tôi cho được mở một bữa ăn gây quỹ để giúp giải quyết vấn đề tài chính.  Tôi đã đồng ý và thế là họ đăng lên trên tờ thông tin của giáo xứ một vài dòng thông báo vào đúng ngày quy định, một bữa ăn truyền thống với văn hóa và ẩm thực Châu phi sẽ được tổ chức tại hội trường giáo xứ để gây quỹ.  Bạn có biết chỉ một lần tổ chức như thế, họ đã quyên được gần 30 ngàn dollars.  Số tiền tuy chưa đủ cho chi phí của một ca phẫu thuật nhưng nhiêu đó cũng đủ thấy sự hưởng ứng và đáp trả của người dân như thế nào trước những nỗi khốn khổ tột cùng của người anh em đồng loại, dù họ không cùng ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc và màu da với mình.  Đây quả là một điều gì đó kỳ diệu lắm đúng không bạn?   
Tóm lại căn tính Kitô giáo đã ăn sâu trong tâm thức của người dân dù đại đa số họ không còn thực hành niềm tin.  Các chương trình truyền hình của Công giáo vẫn thu hút được sự quan tâm của họ.  Họ vẫn theo dõi dù không thường xuyên các báo chí và truyền thanh, truyền hình của Giáo hội.  
Nếu có lời kêu gọi sự giúp đỡ, dù của chính phủ hay tôn giáo, người dân luôn nhiệt thành đáp trả và họ luôn làm việc từ thiện bác ái với một con tim chan chứa tình yêu. 
Tôi có cảm nghĩ câu chuyện người Samaria nhân hậu trong Tin Mừng luôn trở nên hiện thực trong xã hội hôm nay dù vẫn còn đó ảnh hưởng của trào lưu tục hóa, duy vật, ích kỷ và hưởng thụ.  Cuộc sống và sinh hoạt của họ ở đây là vậy.  Rất tôn trọng luật pháp, thực thi luật pháp với tinh thần tự giác cao; rất sòng phẳng, rõ ràng và minh bạch, nhiều khi có có cảm tưởng chi li tính toán từng đồng, từng cắc nhưng khi cần thiết họ sẵn sàng cho đi, sẵn sàng chia sẻ cả ngàn dollars, thậm chí vài chục ngàn dollars một lần.
Bạn thân mến, câu chuyện đã dài nên xin tạm kết thúc ở đây.  Xin hẹn gặp lại bạn ở bài tiếp theo.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét