Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Sáng kiến mục vụ


       
Bạn thân mến,
Canada là quốc gia thuộc hàn đới.  Thời tiết ở đây bao gồm bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông.  Canada cũng là quốc gia có vùng lãnh thổ, địa lý rộng lớn nhất thế giới hiện nay.  Gần ba mươi thập niên về trước, xét về diện tích thì Canada đứng thứ hai sau Liênxô, nhưng do sự thay đổi thể chế chính trị, Liênxô đã phân rã thành nhiều quốc gia độc lập khác nhau, chúng ta quen gọi là Liên bang Nga, vì thế ngày nay Canada trở thành quốc gia lớn nhất thế giới xét về diện tích đất đai.
Canada có 10 tỉnh bang và hai vùng lãnh thổ tự trị thuộc Canada.  Tỉnh bang Saskatchewan mà tôi đang sống có diện tích rộng gấp 3 lần đất nước Việt Nam.  Tỉ lệ dân số thì ngược lại, toàn Canada chỉ có trên 30 triệu dân so với 84 triệu của Việt Nam.  Saskatchewan nằm về phía Tây của Canada, là khu vực đồng bằng, nơi có nhiều mỏ dầu, tài nguyên khoáng sản.
Đây là vùng đất nông nghiệp chính của Canada chuyên sản xuất các loại ngũ cốc, lúa mì, các loại cây có hạt ép lấy dầu thực vật.  Có lần tôi đã nghe người ta nói bằng sự tính toán của các nhà khoa học, họ ước tính nếu đất đai trên toàn bộ tỉnh bang này đều được trồng lúa mì, và nếu thời tiết thuận hòa tốt đẹp, sản phẩm thu được sẽ đủ nuôi toàn bộ dân số trên thế giới trong vòng ba năm.  Tôi ghi lại chi tiết này để bạn thấy đất đai ở đây rộng mênh mông như thế nào. 
Ở Giáo xứ St. John the Evangelist của tôi có một gia đình giáo dân là 2 vợ chồng còn trẻ và hai bé gái, hai vợ chồng anh này làm nông nghiệp.  Một lần sau Thánh lễ Chủ nhật, tôi hỏi anh ta về diện tích đất canh tác hiện nay của anh thì được biết là anh đang trồng lúa mì trên một vùng đất rộng 8 ngàn mẫu vuông.  Tưởng mình nghe lầm, tôi hỏi lại và anh ta đã xác nhận lại với tôi là 8 ngàn mẫu!   
Tôi đã từng nhiều lần lái xe qua những cánh đồng lúa mì bạt ngàn ngút mắt trải dài như đến tận chân trời, lái xe cả mấy tiếng đồng hồ liên tục với vận tốc 110-120km/giờ mà vẫn chỉ thấy đồng bằng và ao, hồ xen kẽ mà không có đồi núi chập chùng, do vậy cảnh trí cũng không có gì là đẹp lắm, chỉ toàn lúa mì và lúa mì.  Một cánh đồng rộng mênh mông ngút ngàn tiệp một màu vàng của lúa.  Đó chính là lý do tại sao tôi chọn hình nền cho bìa cuốn sách này là hình của một cánh đồng lúa mì.
Ngoài những cánh đồng trồng lúa mì hay các loại hạt ép lấy dầu, người ta còn chăn nuôi.  Chăn nuôi ở đây chủ yếu là bò, heo và gà.  Thịt bò Canada nổi tiếng trên thế giới.  Chúng được thả tự do ngoài những cánh đồng rộng mênh mông như vậy bất kể ngày hay đêm mà không cần người trông coi, chăm sóc.  Có lần tôi nói đùa với một giáo dân của tôi khi biết ông này làm chủ một trang trại nuôi bò là vào một ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ đến thăm ông, và bắt một con bê về làm thịt.  Ông ta đã thản nhiên trả lời là “ông Cha cứ việc đến và bắt con nào mà ông Cha muốn”.  Họ nuôi nhiều lắm thưa bạn, nhiều đến mức không biết chính xác mình có bao nhiêu bò trong trang trại của mình!
Khi mùa Đông đến, người ta nhốt chúng vào những khu chuồng rộng lớn được thiết kế kiên cố dành riêng.  Thức ăn của chúng là cỏ khô được cắt vào mùa Hè và bó lại thành những bó lớn để sẵn sàng dự trữ cho mùa Đông.
Đất đai rộng mênh mông như thế nên có những nông dân họ chia phần đất của mình thành hai khu vực, năm nay canh tác phần này, phần kia để hoang cho cỏ mọc lên và cắt làm thức ăn cho bò.  Năm sau hoán chuyển lại vị trí canh tác của hai phần đất.  Hỏi bạn, làm nông nghiệp như thế đất đai sao không tốt được, đó là chưa kể đến những tháng mùa Đông đất đai được nghỉ ngơi lấy lại màu mỡ?
Thú vị hơn một chút về chuyện địa lý là càng về phía Bắc thời tiết càng khắc nghiệt hơn.   Ở phía Bắc của Canada có những vùng mà 6 tháng là mặt trời và 6 tháng còn lại chỉ là bóng đêm.  Để dễ hình dung vùng đất ấy ở đâu, bạn lấy quả địa cầu, đặt ngón tay lên chóp đỉnh của nó thì đó là vùng mà tôi đang đề cập đến.  Người dân ở đây phải chấp nhận một cuộc sống mà thời tiết vô cùng khắc nghiệt.  Sáu tháng liên tục không thấy bóng mặt trời, trời đất âm u và khí lạnh bao trùm, tuyết không ngừng rơi và phủ ngập tràn; gió mạnh rít liên hồi.  Sáu tháng còn lại thì mặt trời xuất hiện, ngày trở nên dài như vô tận nhưng cũng hiếm khi thấy những ngày nắng đẹp rực rỡ như mùa Hè ở các vùng khác.
Bù lại, vùng đất này giàu có về những mỏ khoáng sản như dầu, muối khoáng kali, than đá… nên vẫn có những khu công nghiệp khai thác và vẫn có dân cư sinh sống dù rất ít về dân số.
Trở lại với chuyện thời tiết và các mùa của Canada.  Nói chung mùa Xuân ở đây thời tiết đẹp vô cùng, khí hậu trong lành và mát lạnh như Đà Lạt.  Cây cối đâm chồi nảy lộc sau một mùa Đông dài lạnh lẽo, các loại hoa đua nhau nở khoe sắc rực rỡ.  Tiếc rằng mùa Xuân thì ngắn và mau chóng chuyển sang mùa Hạ để rồi nối tiếp mùa Thu.  Mùa Hạ thì nắng vàng và nhiệt độ cũng cao như bên Việt Nam, nhưng không nóng bằng vì không có không khí ẩm, và cũng phần vì đất đai rộng, thoáng đãng, không có nhiều nhà cao tầng san sát nhau như ở Việt Nam nên không khí không quá oi nồng.  Xuân, Hạ, Thu là những mùa mà dân chúng thích nhất trong năm.  Người ta thường tổ chức các khóa sinh hoạt dã ngoại ngoài trời hay ra các bờ hồ cắm trại. 
Mùa Thu là mùa chuyển tiếp giữa Hè và Đông.  Đây là mùa làm nên sự thơ mộng của thiên nhiên vạn vật.  Lá cây các loại đồng loạt chuyển màu từ xanh sang đỏ và rồi tiệp một màu vàng khiến chúng trở nên đẹp, thơ mộng và vô cùng quyến rũ.  Một trận gió thoảng nhẹ cũng đủ làm lá cây rơi rụng trông rất đẹp và nên thơ.  Khi sáng tác những vần thơ:
Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức? 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ? 
Em không nghe rừng thu 
Lá thu kêu xào xạc 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô?
(“Tiếng Thu” Lưu Trọng Lư)
tôi không biết nhà thơ Lưu Trọng Lư có từng sống ở Canada không, nhưng quả thật cảnh mùa Thu bên này đẹp, quyến rũ, nên thơ, và làm nao lòng người lắm thưa bạn.
Thời tiết và khí hậu ở đây khắc nghiệt nhất là vào mùa Đông.  Mùa Đông kéo dài 4 tháng và tùy theo vùng, nhiệt độ có khi xuống đến -50 độ C.  Bạn hãy hình dung như thế này: chiếc tủ lạnh trong nhà bạn có một ngăn để tạo nước đá, nhiệt độ ở đó luôn được duy trì cố định ở mức 0 độ C.  Nếu bạn đặt những ngăn nước vào đó trong một khoảng thời gian nhất định, nước sẽ biến thành nước đá.  Vậy mà bên này nhiệt độ ngoài trời có khi xuống đến -40 hay -50 độ C thì bạn đủ hiểu lạnh thế nào.  Tuy nhiên, không có gì phải lo lắng, nếu ở trong nhà đã có hệ thống sưởi để duy trì nhiệt độ ấm áp cần thiết, còn nếu bạn ra ngoài thì đã có đủ các áo lạnh, khăn quàng cổ, găng tay để giữ cơ thể bạn đủ ấm.
Mùa Đông tuyết rơi trắng xóa, tuyết phủ tràn ngập các cánh đồng, nóc nhà, ngọn cây.  Tuyết trắng ở khắp mọi nơi.  Mùa Đông làm cho mọi sự tê liệt, các hoạt động, sinh hoạt bên ngoài bị giới hạn rất nhiều.
Có những thánh lễ an táng vào mùa Đông, nhưng để hoàn tất các nghi thức tiễn biệt, hạ huyệt ở nghĩa trang thì phải đợi vào mùa Hè.  Lý do là quá lạnh, lạnh đến mức không thể đào huyệt được thế nên người ta đành phải để xác người quá cố tạm thời trong nhà tang lễ, chờ đến khi tiết trời ấm áp họ mới chọn ngày đem đi an táng ngoài nghĩa trang.
Nói cho ngay các nhân viên nhà quàn cũng đã cố gắng để giảm chi phí cho tang gia, vì lưu giữ xác lại trong nhà quàn thì chi phí sẽ cao hơn so với việc đem an táng ngay.  Họ dùng xe ủi tuyết để lộ phần đất, nhưng không cách nào đào huyệt được, dù được đào bằng máy móc cơ giới.  Đất do chịu ảnh hưởng của thời tiết mùa Đông đã trở nên cứng như đá.
Lạnh đến độ vào mùa Đông, nhà thờ phải bật hệ thống sưởi để sưởi ấm khi có thánh lễ cho giáo dân.  Tuy nhiên ở những nhà thờ nhỏ, khu vực không có đông dân cư, nhà thờ sẽ tắt hệ thống sưởi và chỉ bật trước thánh lễ chừng 30 phút để tiết kiệm điện và khí đốt.  Vào thứ Tư lễ Tro năm 2009, thời tiết lúc đó đang ở vào cao điểm của mùa Đông,  tôi đến nhà thờ và chuẩn bị cho Thánh lễ, tìm lọ nước phép để làm phép tro đầu lễ thì chai nước phép đã đông thành nước đá dù được để bên trong nhà thờ.
Kể cho bạn nghe sơ qua về thời tiết, khí hậu và các mùa của Canada rồi.  Bây giờ tôi kể cho bạn nghe về các hoạt động thể thao bên này. 
Trước hết phải nói rằng do đặc thù của thời tiết và khí hậu như thế nên phần lớn thời gian trong năm của người dân phải sinh hoạt trong nhà.  Do vậy, mỗi khi có thể có những hoạt động bên ngoài, họ đặc biệt yêu thích và thường không bỏ lỡ những dịp tốt ấy.
Tình yêu của họ dành cho các môn thể thao có thể nói thật ngoài sức tưởng tượng.  Bạn có biết mỗi khi có trận đấu bóng bầu dục, vài chục ngàn người đến sân đấu để xem và cổ vũ đội nhà là chuyện bình thường.  Bạn mà được nhìn thấy một đám đông khổng lồ trong một vận động trường rộng lớn có sức chứa trên 30 ngàn người thì bạn sẽ hiểu tình yêu đam mê dành cho thể thao của họ nhiều như thế nào.  Họ thuộc đủ mọi thành phần, những người lớn tuổi, thanh niên nam nữ, thậm chí có cả những người bị khuyết tật ngồi xe lăn cũng đến tham dự.
Ở bên này người ta không chịu thua thời tiết.  Mùa Hè có những hoạt động thể thao của mùa Hè: đá banh, quần vợt, đua xe, đua thuyền, bóng bầu dục …; mùa Đông cũng có những hoạt động thể thao của mùa Đông: hockey, trượt băng, … chỉ khác là mùa Hè thì chơi bên ngoài còn mùa Đông thì chơi bên trong những nhà tập thể dục lớn.
Các linh mục chúng tôi ở bên này thường nói các môn thể thao là “kẻ thù của Giáo hội”.  Chúng lôi kéo nhiều người bỏ lễ để tham dự những môn thể thao thi đấu, bất kể mùa Đông hay Hè.  Cuối tuần khi mà có các trận thi đấu, số giáo dân tham dự thánh lễ thường mất đi một nửa hoặc có khi hơn tùy theo tầm quan trong của trận đấu.
Ở trường học, người ta cũng tổ chức các môn thể thao khác nhau cho học sinh và thường là vào dịp cuối tuần, các em học sinh đi tập luyện thi đấu thì phụ huynh cũng phải tham dự vì phải lái xe đưa đón chúng đi.
Tôi theo dõi lịch thi đấu thể thao trên truyền thanh, truyền hình và chương trình đấu giao lưu giữa các trường học, thì thấy rằng hễ cuối tuần nào có thi đấu thể thao dù là ở địa phương hay cấp thành phố thì y như rằng các Thánh lễ Chủ nhật cuối tuần sẽ vắng, số người tham dự Thánh lễ sụt xuống một cách thê thảm.
Để khắc phục tình trạng giảm sút số người tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật, tôi và một linh mục người Canada đã phải động não, suy nghĩ rất nhiều để tìm cách đưa các em trở lại với nhà thờ vào các dịp cuối tuần.
Cuối cùng thì giải pháp cũng được tìm ra là nên thành lập ca đoàn từ các trường học.  Giáo xứ tôi đang coi sóc hiện nay có một trường trung học và 3 tiểu học Công giáo do tôi làm tuyên úy.  Trong một cuộc họp đầu năm học dành cho các giáo viên, chúng tôi đã phải cố gắng thuyết phục các giáo viên tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ bằng việc thành lập một ca đoàn cho mỗi trường, mỗi tháng một trường sẽ phụ trách một lễ.
Ngoài việc hát lễ, các em học sinh cũng sẽ tham gia vào các phần việc phụng vụ trong Thánh lễ đó như giúp lễ, đọc các bài đọc và lời nguyện giáo dân, thu tiền dâng cúng, đón tiếp… tóm lại là các em sẽ phụ trách tất cả các phần việc có thể làm trong Thánh lễ đó.
Tổ chức được như vậy có một lợi điểm là khi đến phiên phụ trách của mình, các em sẽ “phải” đi lễ ngày Chủ nhật và đương nhiên Cha Mẹ các em cũng sẽ “phải” đi cùng, bắt được cá nhỏ thì cũng bắt được cá lớn.  Chúng tôi thường hay nói đùa là “One stone can kill two birds -- một mũi tên bắn trúng hai đích”.
Và kết quả thật vô cùng khả quan.  Số giáo dân đến tham dự Thánh lễ của ngày Chủ nhật lúc 11 giờ có ca đoàn thiếu nhi hát luôn chật kín nhà thờ vì phần lớn phụ huynh của các em tham dự.  Họ hãnh diện nhìn con mình trong đoàn đồng ca của nhà thờ, hay tham gia góp phần trong các sinh hoạt phụng vụ khác như giúp lễ, đọc sách…
Kể từ đó đến nay, Thánh lễ của các Chủ nhật lúc 11 giờ luôn có các Thầy Cô giáo và các em học sinh của trường chịu trách nhiệm phụ trách Thánh lễ đó tham gia.  Lễ nào có các em học sinh tham gia phần việc trong phụng vụ thì lễ đó luôn có đông người tham dự.  Riêng các Thầy Cô giáo, họ luôn cố gắng tổ chức Thánh lễ do trường mình phụ trách cho chu đáo và nghiêm trang.  Thế nên tự nhiên tạo thành một sự cạnh tranh ngầm giữa các trường với nhau.
Kể cho bạn như vậy thì nghe có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế thì mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện được kế hoạch này.  Bạn có biết tôi phải mất nhiều buổi họp với các trường để có được sự đồng thuận từ phía các giáo viên; phải mất nhiều thời gian đi lại từ nhà thờ đến trường để họp bàn, thảo luận; phải bỏ công tập luyện giúp các em, uốn nắn chúng từ cách đi lại trong nhà thờ sao cho trang nghiêm, cách đọc sao cho rõ ràng, mạch lạc, cách giúp lễ… rất vất vả và phải kiên nhẫn lắm thưa bạn.
Nhớ lại sau Thánh lễ đầu tiên tổ chức được như thế, tôi đã cảm động nói ít lời khen ngợi tinh thần cộng tác và phục vụ của các Thầy Cô cũng như học sinh, rồi xin cộng đoàn vỗ tay cảm ơn họ đã quảng đại hy sinh thời gian và cống hiến tài năng để phục vụ cộng đoàn.  Sự thành công ngoài sự mong muốn của tôi đã là một điều an ủi lớn với tôi lắm bạn à. 
Một sáng kiến khác tôi muốn kể cho bạn nghe về việc làm cho người giáo dân đến nhà thờ sớm hơn bình thường.  Người Tây họ rất đúng giờ.  Họ không xài giờ cao su như đại đa số người Việt Nam chúng ta.  Thế nên Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ thì họ sẽ đến lúc 9 giờ kém năm chứ không đến sớm hơn.  Họ cũng sẽ ở lại cho đến khi kết thúc Thánh lễ chứ không bỏ về trước khi nhận phép lành cuối lễ.  Đó là một nét khá đặc biệt của việc tham dự Thánh lễ của người phương Tây.
Để thay đổi tình trạng Giáo dân đến nhà thờ chỉ 5 phút trước khi dâng lễ theo chiều hướng tích cực hơn, tôi đã yêu cầu một số bà đạo đức chịu khó đến sớm hơn 15 phút và sẽ cùng nhau lần hạt chung với nhau trước thánh lễ.  Vì chính mình yêu cầu như thế nên tôi cũng phải làm gương cho giáo dân bằng việc thu xếp công việc để có thể cùng hiện diện và đọc kinh chung cùng họ.  Bạn có biết chỉ ít tháng sau, con số giáo dân đến sớm hơn bình thường đã gia tăng rõ rệt.  Chúng tôi cùng nhau đọc kinh chung, cùng nhau lần hạt đầu lễ để xin và nhờ Mẹ Maria dẫn đưa chúng tôi đến với Chúa.  Đó là một dấu hiệu chuyển biến tích cực và tốt đẹp đúng không bạn?
Bạn thân mến, câu chuyện về thời tiết khí hậu; chuyện 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông xoay chuyển trong năm của Canada; chuyện ca đoàn thiếu nhi học sinh được thành lập để lôi kéo các em và phụ huynh của các em đến với Chúa, đến với nhà thờ; và chuyện đọc kinh lần hạt Mân côi đầu thánh lễ đã được kể.  Các chi tiết được tường thuật trong bài hẳn cũng giúp bạn thấy được những niềm vui nho nhỏ của tôi, một niềm vui được phục vụ và thấy được công việc của mình cũng có chút thành quả hữu hiệu.  Tất cả vẫn chưa thấm tháp vào đâu vì lòng đạo của họ nguội lạnh lâu lắm rồi, giờ có muốn khuấy động phong trào, có làm cho lòng mến ấy bùng lên thì cũng phải kiên nhẫn và cần thời gian dài để chuyển biến.  Những gì tôi đã khởi sự vẫn còn nhỏ nhoi và như muối thả vào biển thôi.  Vẫn còn phải cố gắng tiếp tục và kiên nhẫn mà thực hiện; và còn phải nghĩ ra nhiều kế khác để đem họ trở về cùng Chúa.  Viết đến đây tôi chợt nhớ đến lời kinh Sáng Soi mà chúng ta vẫn thường đọc: “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi Ơn Chúa mà thôi”, mà đúng vậy thật, mọi hoạt động phục vụ của chúng ta hết thảy chỉ có thể trông chờ nơi Ơn Chúa mà thôi, có Ơn Chúa mới mong thành công phải không bạn?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét