Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

thêm một bài mữa về cái khó và hay của tiếng Việt thân thương

Viết Về Nước Mỹ:Học Tây, Học Ta

31/03/2017Tác giả: Lại Thị Mơ
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.

* * *

Mẹ nó vừa đậu xe vào garage, là con Du-Đì và thằng Dim- Mì, đã xô cửa vào nhà, ngúng nguẩy than phiền với bà ngoại:

- Ngoại ơi, đi học tiếng Việt boring lắm.

Bà ngoại ở trên lầu, lật đật chạy xuống:

- Sao mà boring? vui chứ con.

Bà ôm cả hai đứa cháu vào lòng dỗ dành. Con Judy và thằng Jimmy, mà bà cứ gọi là Du-Đì và Dim-Mì.

Chả là bà thuộc về những người thích dấu huyền, mà nhà văn Đặng Trần Huân gọi người Việt mình ở Mỹ. Chữ nào cũng cho dấu huyền hết (cho dễ nói ấy mà). Hồi xưa thì Ma cì Macys, bây giờ thì Gú Gồ Google, Áp Pồ Apples…

Vì thích dấu huyền nên bà gọi thằng Tommy là Tô Mì, Jimmy là Dim Mì, Judy là Du Đì. Sau đó mỏi miệng quá bà chỉ gọi tắt con Du, thằng Mì, thằng Dim tụi nó cũng biết nói đứa nào. Nghe mãi cũng quen, bố mẹ cũng nói theo luôn.

Hai đứa nhóc đang cằn nhằn bà ngoại bắt đi học tiếng Việt ở nhà thờ mỗi sáng Chủ Nhật, thay vì được ngủ nướng ở nhà. Bà cứ dỗ ngon dỗ ngọt: các con không biết tiếng Việt thì làm sao nói chuyện với bà được. Bà đâu có biết tiếng Mỹ, mai kia lớn theo bà về VN làm sao nói chuyện được với ông bà nội và cousins. Các con còn nhiều cousin lắm, vẫn còn ở VN.

Nghe lời bà ngoại, hai đứa cháu cũng chịu đi học tiếng Việt ở nhà thờ VN mỗi sáng Chủ Nhật. Cô giáo mặc áo dài, tay lúc nào cũng cầm cây thước gỗ( mà chúng nó bảo dài và to lắm). Cô bắt tất cả phải ngồi im một chỗ, trong khi ở trường, lớp mẫu giáo của chúng nó được chạy lung tung trong lớp, miễn đừng mở cửa ra ngoài là OK.

Đi học tiếng Việt, cô cứ nhắc: im lặng, còn cây thước thì cô liên tục đập chan chát trên bàn. Những chữ thông thường cô nói im lặng thì con Du và thằng Dim hiểu,vì có bà ngoại nói mỗi ngày. Tuy nhiên những đứa không có ông bà ở chung. Bố mẹ quen nói tiếng Mỹ ở nhà, nên chúng cứ tỉnh bơ. Buộc lòng những ngày đầu, cô giáo phải xen thêm tiếng Mỹ: quiet, zip your mouth…

Cô bắt phát âm a,b,c bằng tiếng Việt. Cô là người ở miền Nam trước kia, nên cô dạy phát âm a, bê, cê, dê, đê… chứ không có theo kiểu cờ lờ mờ. Học xong 24 chữ cái, cô sẽ dạy ghép vần. Cô đọc bê o bo huyền bò. Khi mất nước, cô đã lớn, nên cô không biết đánh vần bờ o bo huyền bò. Cô dạy kiểu nào, không quan trọng, vì khi nhuần nhuyễn, trẻ em chỉ còn đọc nhẩm trong đầu, có ai đọc to lên nữa đâu.

Thằng Dim và con Du khúc khích kể cho bà ngoại nghe, chỉ có phát âm hai chữ con bò mà thằng Kenny nói mãi cũng không được. Nó cứ nói ngọng “coong bo”. Trong khi cô khen Jimmy và Judy nói rõ lắm, chẳng có ngọng chút nào cả. Tưởng chuyện gì? Chúng nó còn biết gọi quả chuối, vì bà ngoại không bao giờ hỏi: con có ăn banana không? Được đà chúng còn chỉ vào bức tranh trên tường, nói với cô giáo: đây là con vịt. Chữ vịt tròn trịa là niềm hãnh diện của bà ngoại dạy cho cháu ở nhà. Con vịt chứ không phải là con dịt. Thằng Dim và con Du cười ha ha khi nghe bà dặn dò. Có bà ngoại ở chung, các cháu banana, mà bà hay gọi đùa là Mỹ con, ngoài vàng trong trắng biết gọi trái cây hàng ngày được bà cho ăn, bằng tiếng Việt: quả chuối, quả táo, quả cam. Chỉ có vậy thôi, nhưng mỗi khi họ hàng gặp nhau. Bà ngoại cũng vui lắm, vì ai cũng tấm tắc khen cháu bà giỏi quá. Các cháu bà còn biết nói: chúc mừng năm mới mỗi khi tết đến.

Con Du và thằng Dim thắc mắc: con là chuối, còn bà là gì? bà nói tao là xoài, ngoài vàng trong cũng vàng luôn. Hai đứa bé cười ha ha, đặt ngay nickname cho bà là bà ngoại xoài.

Cô giáo bảo Du và Dim nói giỏi rồi, nhưng phải học đọc và viết nữa.Vì khi cô chỉ chữ con bò, Du đâu có biết cái gì. Du chỉ thấy hình mới biết.

Hai đứa cháu cằn nhằn cô giáo Việt Nam “ dữ” quá, cô của chúng nó ở trường đâu có screaming, lúc nào cô cũng nói nhẹ nhàng. Quả thật làm cô giáo ở VN thường bị mấy ông chồng dèm pha, bà ấy quen hét ở trường rồi, nên về nhà ít khi nào nói thấp giọng. Làm sao mà không hét, khi trong lớp sĩ số không bao giờ dưới 50, lớp dạy Toán ở trường Văn Học của thầy Trần bích Lan còn hơn một00 người. Học trò ngồi chen vai thích cánh, chứ có qui định dưới con số 25 như ở đây đâu.

Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Dạy học ở VN là trên đe dưới búa, nhất là sau ngày quê nhà đổi chủ. Kiếm được chút tiền lương ít ỏi, kèm theo 13kg và một ít nhu yếu phẩm, cô thầy giáo phải chịu bao điều khổ tâm. Bắt thi đua hết cái này tới cái khác từ tham gia lao động XHCN, đi quét đường quét sá ngày Chủ Nhật. Cho tới phấn đấu thành giáo viên tiên tiến của nhà trường cách mạng.

Họ dùng chữ lưu dung cho những giáo viên của chế độ cũ được giữ lại, như một ân sủng của chế độ mới. Họ dùng những tiếng thật kêu nhu yếu phẩm, nhu yếu gì mà chỉ có nửa kg đường và 13 kg gạo. Ai làm người đó ăn, ngày xưa dù là cấp bậc hạng bét trong Quân Đội VNCH là binh nhì vẫn có lương vợ con. Chủ mới không có cho phụ cấp, ai làm người đó hưởng. Học trò miền Bắc thì phá như quỷ, hỗn như gấu. Làm sao không hét được.

Tuy cằn nhằn, nhưng sau vài tuần hai đứa bé bắt đầu thích đi học sáng Chủ Nhật. Chúng biết đếm từ 1 tới 100, nhưng không thể phát âm mười lăm (15), hai mươi lăm (25). Mà chỉ có thể nói mười năm, hai mươi năm… mỗi lần như vậy bà lại nói: bà sợ hai chữ mười năm lắm, bà nhớ khẩu hiệu mười năm trồng cây, cứ ra rả phát ra suốt ngày từ cái loa phóng thanh trong xóm ngày xưa vẫn còn ám ảnh. Bà nói hai mươi năm là 20 years, chứ không phải là số 25. Em gái tôi gạt đi, kệ chúng nó bà ơi, cũng như mình nói ngọng tiếng Anh, tụi Mỹ vẫn hiểu như thường. Hai mươi lăm với hai mươi nhăm mấy khi nào dùng đến.

Chẳng biết khi nào đám trẻ mới đọc được một bài học thuộc lòng. Bởi vì các cô giáo chỉ đi làm thiện nguyện nên cũng đi dạy bữa đực bữa cái. Bà chỉ mong sao cháu bà đọc được kha khá, để bà còn dạy cháu ca dao tục ngữ, hoặc nghe bà kể chuyện cổ tích.

Quê nhà xa xôi, là một cái gì xa vời bà không với tới được. Mấy đứa cháu bà đã mang chúng về quê hương bằng những bát canh rau muống nấu với tôm khô. Để cậu Út đi làm về reo lên: hôm nay bà nấu món “thanh long quá hải”, rồng xanh qua biển là món ăn thường xuyên của cả nhà, khi ông ngoại còn ở trong trại cải tạo. Ngày xưa nghèo khổ mới phải ăn rau muống. Qua đây ăn rau muống đắt hơn ăn thịt gà. Em tôi khi vượt biên được nhận vào Mỹ sau 7 tháng 7 ngày ở đảo. Những ngày trên đảo ăn uống thiếu thốn, qua định cư bên Mỹ phải vừa đi học vừa đi làm. Không có tiền mua xe, phương tiện di chuyển là xe bus hay xe lửa. Đi chợ chỉ mua 3 món là gà, cải bắp và táo. Đã mấy chục năm vẫn còn ngán. Nhưng đặc biệt qua Mỹ, người Việt không ai bị ám ảnh về rau muống, mà trái lại ai cũng thích. Ngày xưa làm gì rau muống chui vào được nhà hàng. Bây giờ thì trái lại nhà hàng sang mới có món rau muống xào tỏi. Vì họ tính rất mắc. Hình như trong các món còn mang nét quốc hồn quốc túy, mà người Việt tha hương mang ra hải ngoại, đó chính là món rau muống xào tỏi. Để rồi các bà nội trợ cả Nam lẫn Bắc đều thi đua khoe tài: gỏi rau muống (có tôm thịt húng nhũi), dưa rau muống (lấy toàn cọng), canh chua rau muống…

Bà ngoại nói rằng, người Bắc đi tàu há mồm vào Nam, mang theo hạt rau muống. Người Bắc ăn rau muống nhiều đến nỗi bị chế diễu là dân rau muống. Còn người Nam thích ăn giá sống (người Bắc ăn giá phải trụng nước sôi). Từ đó Bắc kỳ gọi Nam kỳ là dân giá sống,

Về mặt ăn uống người Việt không bỏ được rau muống. Thì về cách suy nghĩ thầy cô giáo người Việt vẫn có một khoảng cách với học trò. Không thể nào họ có thể ngồi chênh vênh trên một quả banh, đặt ở bờ hồ bơi của trường. Học sinh tiểu học sẽ xô thầy xuống hồ rồi cười nắc nẻ. Chúng nó tha hồ bắn súng nước vào mặt thầy, hay làm đủ thứ trò để hành hạ thầy cô giáo của chúng. Đây là ngày hội của trường (school fair) các thầy cô phải làm hề cho trẻ con cười thoả thích. Trước khi rời trường trung học, học sinh cuối cấp còn được phép làm trò tinh nghịch gọi là prank. Có một trường vào ngày prank, bánh xe của các thầy cô đều bị xì hơi xẹp lép. Hoặc chúng lật ngửa bàn ghế ở các phòng. Có lần chúng lọt vào được lớp nhỏ hơn, đem giấu hết back pack, báo hại con nít khóc um sùm.

Còn ở trường đại học, gây quỹ kiếm tiền gọi là frundrazer, thầy cô mặc quần áo bơi, phải nhảy ùm xuống bơi, Mỗi khi có em nào mua vé ủng hộ. Người mua được quyền yêu cầu tên người nhảy. Đây là dịp cho học trò trả thù các thầy cô hắc ám. Cuối năm còn có mục đánh giá thầy cô từ phong cách giảng dạy, tới cách giao tiếp với học sinh. Ở nước dân chủ, người ta không hề trù dập người khác vì những lời góp ý. Không phải cứ là người lãnh đạo là luôn luôn đúng. Nobody perfect.

Vì cô giáo người Việt quá nghiêm trang, hơn nữa quan niệm của người lớn, lúc nào cũng chỉ muốn nhồi nhét kiến thức. Cha mẹ chỉ muốn con có kết quả tốt, điểm cao mang về. Nên đi học thêm tiếng Việt, trẻ con thấy quá đơn điệu, chỉ có vào lớp ê a, rồi về. Không có trò chơi, chỉ có bảng đen và phấn trắng. Nếu môn tiếng Việt được chính thức dạy ở trường, có lẽ học sinh mau tiến bộ. Vì chúng nghĩ là sự bắt buộc (mandatory), còn tới nhà thờ bữa đực bữa cái, và dạy không có phương pháp, nên cũng không hiệu quả lắm. Nhất là ở nhà cha mẹ cũng không khích lệ bằng cách dùng tiếng Việt ở nhà. Vì vậy trình độ tiếng Việt của trẻ em cũng bị hạn chế. Ở lớp tiếng Việt chỉ có những em nhỏ (đa số dưới 10 tuổi), các teenagers không thích ngồi ở những lớp này. Bơi ngược giòng thì rất mệt, vì vậy chuyện để thế hệ banana đọc được sách báo tiếng Việt không dễ dàng thực hiện. Mặc dù có nhiều trẻ nói rất sõi với ông bà cha mẹ ở nhà bằng tiếng Việt, nhưng đọc để hiểu được ca dao tục ngữ VN, như ước mơ của bà ngoại Judy và Jimmy, mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ.

Ở những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo. Như Việt Báo cũng có tổ chùa cho các em nhỏ viết văn. Đây là mục mà bà ngoại thích nhất. Bà mơ ước sẽ có ngày kể cho cháu nghe chuyện Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa để cho cháu biết nỗi thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi. Bà vẫn tin rằng nếu các cặp đôi còn nghĩ đến con, đừng quá ích kỷ, có lẽ họ sẽ không dễ dàng bỏ nhau. Để đưa đến cảnh tan đàn xẻ nghé nhan nhản như hiện nay.

Rồi tới nghi lễ tôn giáo, mai đây vô chùa, kinh sách viết bằng tiếng Việt, làm sao trẻ con đọc được. Ma chay cúng kiếng chắc cũng bỏ từ từ. Khi có người thân mất, trẻ con chỉ ngồi cho có mặt, hoàn toàn không có một chút ý thức gì về nghi lễ tụng niệm của Phật Giáo.

Ngoại trừ có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật trong nhà. Các cháu bà cũng gọi cha mẹ của chúng là bố và mẹ, bà là bà. Không có mom, dad, grandma gì cả. Ấy vậy khi nói chuyện với bạn, chúng cũng biết nói my mom như bạn của chúng. Đó là phong cách Việt vẫn duy trì trong nhà. Bà ngoại lúc nào cũng nhắc: mình là người Việt, các con phải luôn luôn nhớ điều đó.

Biết ăn các món ăn Việt, nói tiếng Việt dù không phải trơn lu lu, đọc lõm bõm, viết được vài chữ chúc tết, để gửi về chúc tết ông bà nội con ở VN. Đó là tất cả cố gắng của bà ngoại ráng duy trì nguồn gốc Việt của một gia đình lưu vong trên xứ Mỹ.

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi.
Mẹ hiền ru tiếng ru xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời.
Vâng mãi mãi, người Việt còn tiếng Việt còn.
Đó là ước muốn muôn đời của những người già nhắn nhủ cho con cháu sau này. Luôn luôn hãnh diện: Tôi Là Người Việt Nam./.

Lại Thị Mơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét