Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhìn về người công giáo

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nổi tiếng khi còn bé đã có hồn thơ. Lớn lên, ông hoàn toàn là nhà thơ xã hội chủ nghĩa, nổi tiếng trên thi đàn văn hóa.
Mới đây, ngày 14-7-2014, trên báo Tuổi Trẻ & Đời Sống đã phát đi bài viết của ông trong mục GÓC NHÌN. Nhà thơ đã nhìn lại tình trạng xã hội chủ nghĩa xuống đốc thê thảm, không còn gì là văn hóa, là đạo đức. Đây là tiếng cảnh báo giữa nhiều tiếng chuông báo động khác về hiện tình xã hội Việt Nam. Tuy nhiên điều đặc biệt hơn, đó là ông đã trích dẫn lại ý tưởng và cách nhìn của nhà thờ Trần Nhuận Minh, về người công giáo trong xã hội Việt Nam. Cách diễn tả đó có lúc đã không đúng lắm với Kinh Thánh, lời Chúa, nhưng nhìn nhận được như ông Nhuận Minh và nay thì đến Đăng Khoa, hẳn sẽ là cách thức nhìn nhận giá trị của người có Đạo, là điều mà trước đây, họ luôn bị xã hội gạt ra ngòai, chỉ có đảng là đúng là hơn. Nay thì phải thấy ngược lại.
Mời bạn có dịp xem bài. Đây chưa phải là tòan văn bàn Góc Nhìn của Trần Đăng Khoa, vì chính số báo cũng cho biết còn một kỳ nữa. Tuy nhiên, điều nhận ra được ngay nơi bài viết, cũng đã đủ hữu ích, là tiếng nói thuận lợi cho cách sống đạo lặng lẽ, nhưng hiệu qủa của người công giáo.

NGẪM VỀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI VÀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
bài viết trong mục GÓC NHÌN
của nhà thơ Trần Đăng Khoa
đăng trên báo Tuổi Trẻ & Đời sống, số 303, ngày 14-7-2014
Trong tháng Tám tới, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, sẽ diễn ra Hội Thảo Khoa Học Văn Hóa, văn học và đạo đức xã hội. Đây là một việc làm kịp thời và cần thiết. Nhà thơ Trần Nhuận Minh sẽ dự cuộc hội thảo này và ông sẽ trình bày những vấn đề mà ông quan tâm nhất. Đây cũng là mảng đề tài lớn bao trùm trong hầu hết những tác phẩm rất sâu sắc của ông.
Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, chưa bao giờ đời sống xã hội của mọi người dân được cải thiện như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ đạo đức xã hội, bắt đầu từ nhiều gia đình, đã xuống cấp đến mức thảm hại và thảm bại như bây giờ. Rất nhiều ngôi nhà cao tầng và biệt thự hiện đại được xây dựng, với những tiện nghi đắt tiền, mua sắm từ nhiều nước châu Âu, nhưng trong ngôi nhà cao tầng hay biệt thự đó, không ít gia đình tan nát. Có trường hợp có án mạng. Hằng ngày báo đưa tin, cùng với việc khánh thành nhà máy này, khai trương công ty nọ, kinh tế tăng trưởng, ... là hàng lọat vấn đề nhức nhối đau lòng. Có lẽ ít có hoặc chưa từng có trong xã hội Việt Nam trước đây. Đó là học sinh đánh cô giáo ngay trên bục giảng. Vợ đổ xăng đốt chồng, lúc chồng đang ngủ. Cháu giết bà nội để chỉ lấy 200.000$ mua ma túy. Xin thưa, không thể nào kể xiết, và nếu báo không đăng, tòa không xử, thì có lẽ có người còn cho đó là những chuyện bịa đặt để bêu xấu xã hội tốt đẹp của chúng ta. Quả là xã hội của chúng ta trên tổng thể là tốt đẹp và điều đó hoàn toàn là có thực. Ai cũng dễ nhận ra, nhưng những mặt trái của nó thì đã đến lúc cần phải bình tĩnh mà nhìn cho ra vấn đề, và tìm cách khắc phục cho bằng được. Tất nhiên đó cũng là việc của toàn xã hội và các nghành pháp luật. Nhưng để đến lúc các nghành pháp luật phải vào cuộc, thì về cơ bản chúng ta đã thất bại rồi. Vì đó bao giờ cũng là việc cực chẳng đã. Có nhiều góc độ để soi xét.
Chỉ xin nói ở một góc độ là giáo dục gia đình. Người ta thường nói, gia đình là tế bào của xã hội. Trước hết là có không ít ông bố bà mẹ hư hỏng, mà nhiều hơn cả là các vị bố mẹ là cán bộ các cấp. Đây là bài học trực tiếp đối với các con. Sâu sắc và có hiệu qủa cao hơn bất cứ bài học nào trong nhà trường. Xuất phát từ nghèo đói, lại đi qua chiến tranh, với nhiều ràng buộc của đạo đức, ít nhiều có tính Khổng Giáo, nên đến khi đổi mới, bước vào cơ chế thị trường bung ra, cán bộ lại dễ hư hỏng nhất. Bố mẹ tham ô, thì con cái ít biết. Chứ bố mẹ nhận hối lộ thì con cái nào cũng biết cả. Rồi ngọai tình. Tôi nhớ dạo lâu có đọc một truyện ngắn của một nhà văn nữ, rất có tài, khi đó còn là 1 cây bút trẻ, đại khái rằng : cô bé là nhân vật trong truyện rất khâm phục bố, bởi bố luôn dạy con về vẻ đẹp của lý tưởng, của đạo đức... Rồi một lần cô dọn giường cho bố, thấy trong gối có thư của một tình nhân gửi cho bố mình, gợi lại cả những kỷ niệm không quên được, trong các cuộc ân ái. Cô bé để lại thư vào gối cho bố như cũ. Cô không hề nói gì với ai, chỉ lặng lẽ buồn. Tất cả đều vẫn bình thường, nhưng ở chỗ thiêng liêng nhất trong lòng cô thì không còn bình thường nữa rồi. Ông bố chỉ thấy con lảng tránh các cuộc tâm sự truyện trò với mình mà không hề biết rằng, cô đã nhìn bố bằng con mắt khác. Cô cảm thấy mình đã bị lừa, và bố có nói lý tưởng gì,  đạo đức gì, cô cũng chẳng thèm nghe nữa. Có một cái gì cao cả thiêng liêng ở trong lòng cô đã chết. Cô bé sẽ lớn lên và hành động thế nào sau này. Chúng ta đã có thể hình dung được.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã 25 năm là ủy viên MTTQVN tỉnh Quảng Ninh. Ông xác nhận rằng có những xứ đạo từ trước đến nay không có người trộm cắp, hiếp dâm, không có người nghiện ma túy, càn quấy gây rối. Cũng không có người trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Vào thăm nhà người có đạo là nhận ra ngay vẻ chân thành lịch lãm của họ, dù chủ nhà là bà quét rác, hay anh phụ hồ thợ xây. Trong nhà họ có một nền giáo dục nhất quán đàng hoàng mà khởi nguồn là từ Kinh Thánh. Kinh Thánh dạy nhiều thế hệ người công giáo cùng với đức tin trong đó Chúa của họ vừa cao cả, vừa gần gũi với người lao động, nhưng trước sau thủy chung ân nghĩa. Họ làm nhiều việc thiện vì người khác, kể cả việc hút mủ cho 1 bệnh nhân bị cùi, tức là phong hủi, điều mà ở đời này không ai dám làm. Trong nhà người công giáo nào cũng có quyển Kinh Thánh. Để thay cho 1 cam kết, hoặc 1 lời thề, họ đặt tay phải lên quyển Kinh Thánh mà không phải nói một câu nào. Kinh Thánh dạy họ nhiều điều và điều quan trọng nhất là đức tin. Nhưng rất đáng chú ý là những điều rất cụ thể trong cách ứng xử hằng ngày mà đến nay nhiều điều vẫn thấy còn có ích và có thể làm được. Vì như Chúa dạy, khi được mời dự tiệc, con nên đến trong tay con phải mang theo một thứ gì. Rồi khi vào bàn tiệc, con nên đưa mắt nhìn xem mình nên ngồi với ai, cố không ngồi với những người có chức vụ cao hơn, hoặc giàu sang hơn, vì ngồi với họ, con sẽ ăn mất ngon. Và nếu nghĩ là mình đáng ngồi bàn loại 2, thì con ngồi ở bàn loại 3. Như thế khi cần, chủ tiệc sẽ mời con lên mà không bao giờ phải bảo con rời chỗ. Rồi con cố không làm người đầu tiên gắp trước món thức ăn mà con cho là ngon nhất trong bàn tiệc... Rồi một trang khác, Chúa dặn, hằng tuần con xem mình có điều gì sai trái thì thú tội với cha, hoặc đến Nhà Thờ tự sám hối, như ta thường nói là tự phê bình. Lòng con sẽ luôn được thanh sạch. Đạo đức gia đình và xã hội là khởi nguồn từ đó, cũng là từ văn hóa văn học.

Còn ta, ta dạy các cháu đủ mọi điều lớn lao, đối với tổ quốc, với nhân loại. Cái đó là rất đúng, nhưng cùng với điều ấy, việc đối xử với bố mẹ, với thầy giáo, với người già cả ốm đau khuyết tật cơ nhỡ. Rồi khi đơn giản nhất là khách đến nhà, ứng xử thế nào thì lại không sách nào dạy cả. Nhà thơ Trần Nhuận Minh vốn là một thầy giáo. Ông biết rất rõ điều đó. Ông nhớ khi mới lên 8 tuổi, tản cư ở một làng tề, con ông chủ nhà học thuộc lòng bài gì đó trong sách Cách Trí, trong đó dạy học trò khi đi đường gặp một đám tang thì cư xử ra sao. Ông chỉ nghe lỏm rồi nhớ mãi cho đến giờ, khi đã 70 tuổi, ông vẫn hành xử theo sách Cách Trí thời tây mà ông nghe lỏm được từ miệng con chủ nhà trọ. 
...còn tiếp một kỳ nữa (theo tờ báo)

1 nhận xét: