Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Bài viết về Đức Bênêđitô, và việc bầu Giáo Hoàng


Làn khói trắng trên điện Vatican

Đăng bởi lúc 12:29 Sáng 8/03/13

trích từ VRNs (08.03.2013) – Sài Gòn –

Từ đỏ sang nâu

Khi đồng hồ gõ đúng tám tiếng, và chuông các nhà thờ ở La Mã đổ dồn buổi tối ngày 28/02/2013, Giáo Hoàng Benedict XVI chấm dứt chức vụ cai quản giáo hội Thiên Chúa toàn cầu. Ngài cởi bỏ lại đôi giày màu đỏ của một giáo hoàng, để mang vào chân đôi giày da không thắt dây làm tại Mễ Tây Cơ. Những chiếc giày da nầy – đúng ra là ba đôi cả thảy, hai đôi màu huyết dụ và một đôi màu nâu – là quà của một người dân Mễ kính biếu ngài trong chuyến du hành cuối cùng của Giáo Hoàng Benedict thăm nước Mễ hồi tháng Ba năm ngoái.

Giáo dân Martin Duenas, người công dân chủ hãng giày của thành phố Leon với 400 năm lịch sử sản xuất giày da đã biếu giáo hoàng ba đôi khi ngài tới thành phố tự quản nầy thuộc tỉnh Guanajuato, nơi sản xuất 60% tổng sản lượng da toàn quốc gồm giày, dép, ủng, thắt lưng, áo khoác da, và các phụ kiện bằng da khác cho cả hai thị trường nội địa và quốc tế. Tổ tiên của Martin Duenas đã khai sinh truyền thống giày da của gia tộc, nhưng thế giới chỉ biết tên tuổi dòng họ nầy khi báo chí tường thuật giáo hoàng đã mang đôi giày nâu của nhà Duenas vào giờ ngài tạm biệt điện Vatican.

Giày đỏ của giáo hoàng là truyền thống phát sinh từ năm 1566, khi Giáo Hoàng Pius V quyết định chuyển trang phục của giáo chủ Thiên Chúa giáo từ màu đỏ sang màu trắng, chỉ trừ ba phần cuối cùng gồm nón chụp, áo choàng không tay và giày. Lần nầy, Giáo Hoàng Benedict thoái vị, ngài phải nhường màu đỏ của đôi giày lại cho vị hồng y mà hồng y đoàn sắp bầu chọn để trở thành giáo hoàng chính thức, bởi giáo hội Thiên Chúa giáo chỉ có một giáo hoàng duy nhất. Kể từ tối 28/02/2013, Benedict không còn là đương kim giáo hoàng, mà chỉ là Giáo Hoàng Hưu trí, danh xưng tiếng Anh là Emeritus Pope, tiếng Pháp Pape Emeritus, và tiếng Hán là 退休教皇 (thoái hưu giáo hoàng). Cũng kể từ giờ phút lịch sử ấy, giáo hoàng Benedict phải dùng giày màu huyết dụ hay màu nâu mà anh thợ giày Mễ vô tình chuẩn bị cho ngài đúng một năm về trước. Hãng giày da to lớn Martin Duenas sản xuất mỗi tháng khoảng một ngàn đôi, do thợ chuyên môn may bằng tay, dùng da cừu sơ sinh. Bản tin của tòa thánh tiết lộ về mấy đôi giày của giáo hoàng đã làm chuông điện thoại tại văn phòng công ty không ngớt đổ chuông, và trong những người chờ trên đường dây để được nói chuyện với hãng có cả phóng viên truyền hình ABC và CNN của Hoa Kỳ. Dù thế, hãng quyết định vẫn không gia tăng lượng sản phẩm của mình, và không nhận đặt hàng qua trung gian. Khách hàng muốn một đôi như của giáo hoàng phải gọi trực tiếp đến cho hãng tại Leon, để thỏa thuận mua với giá 200 Mỹ kim mỗi đôi.

 Giáo hoàng thoái vị

Là giám mục của giáo phận La Mã, giáo hoàng còn là nguyên thủ (ex officio) của Thành quốc Vatican – một quốc gia có chủ quyền thế tục như bất cứ nước nào trên thế giới. Ngài lãnh đạo chính phủ của một quốc gia độc lập với khoảng 900 công dân nhưng không ai có hộ khẩu thường trú. Vatican nằm lọt trong lòng thành phố La Mã của nước Ý, nhưng lại có chủ quyền riêng, và có lãnh thổ nhỏ nhất thế giới với diện tích khoảng 44 hecta (108.7 mẫu Anh). Ngược lại, giáo hoàng cai quản tới 1.2 tỉ tín đồ đạo Thiên Chúa trên khắp thế giới, là một vị vua chuyên chế duy nhất tại Châu Âu, nắm tuyệt đối trọn đời cả tam quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng là một quốc vương không truyền ngôi cho con cháu.

Trên thế giới, lãnh đạo các nước được bầu cử lên, đảo chánh xuống, tự mình cướp chính quyền, hay từ chức như cơm bữa. Nhưng việc giáo hoàng La Mã từ chức là chuyện vô cùng hiếm, lần cuối cùng xảy ra hồi Giáo hoàng Gregory XII từ chức vào ngày 4/07/1415, để chấm dứt tình trạng ly giáo đau buồn nhất trong lịch sử giáo hội vì cùng lúc có đến 3 người tự nhận là giáo hoàng tại các thành phố La Mã, Avignon và Pisa.

Lần nầy, giáo hoàng làm thế giới kinh ngạc khi bất ngờ đưa ra quyết định từ chức vì lý do cao niên, hôm 11/02/2013. Hôm ấy, phần lớn các phóng viên quốc tế quyết định không tường thuật việc Giáo hoàng Benedict XVI xuất hiện trên khung cửa căn phòng của Ngài nhìn xuống Công trường Thánh Phêrô, vì thủ tục kéo dài 20 phút nầy quá thường, gần như mỗi tuần như mọi tuần. Chỉ trừ một nhóm rất ít, gồm Charles De Pechpeyrou trong nhóm hai phóng viên người Pháp, một phóng viên người Nhật, Andreas Beltramos ký giả thông tấn xã Notimex của Mễ, và một nữ ký giả Ý là chị Giovanna Chirri, của thông tấn xã ANSA. Trong giờ phút bất ngờ nhất của thánh lễ thanh tịnh, Đức ông Marini trao cho giáo hoàng mẩu giấy, và ngài đọc bằng tiếng Latinh. Chị kể: “Khi giáo hoàng đọc xong, tôi hiểu được câu nói bằng tiếng Latinh của ngài, nhưng não tôi như bị dòng điện chạy qua, và điều mà tai tôi vừa nghe hết sức vô lý”. Là người duy nhất trong nhóm năm người đang có mặt hiểu được cỗ ngữ Latinh, hiểu rất rõ là đàng khác, nhưng chị vẫn không dám tin vào thính giác của mình. Chị tức tốc gọi cho linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên tòa thánh, để xin xác nhận về mẩu tin không hề xảy ra trong 598 năm nay, nhưng không ai bắt máy. Xét lại lần nữa về khả năng nghe đọc tiếng Latinh của mình, Giovanna Chirri quyết định hành động đúng chức năng của một nhà báo, trong cuộc cạnh tranh nghề nghiệp với các hãng tin khác. Chị gọi về tòa soạn, lúc 11:46 sáng, với bản tin tiếng Ý lịch sử, “Papa lascia pontificato dal 28 febbraio″ (Giáo hoàng sẽ thoái vị vào ngày 28 tháng Hai). Thông tấn xã ANSA phát ra toàn thế giới bản tin của Chirri, nhưng không tòa soạn nào chịu đăng bản tin khó tin. Đó là những phút mà người làm báo tưởng như mình bị lên đoạn đầu đài, ngột ngạt, căng thẳng, chờ phát đạn vào đầu. Chirri bắt đầu khóc và run rẩy. Hai chân như muốn quỵ xuống, phần thì lo sợ về cái tin quá lớn, phần thì thương tiếc một vị giáo hoàng mà chị hết lòng tôn kính. Chị kể lúc ấy chị nghĩ thà rằng chị nghe sai về lời loan báo của giáo hoàng còn hơn là ngài sẽ thoái vị thực sự. Các bạn đồng nghiệp của chị nghe lời kể của chị, đã gọi điện thoại về Paris, Tokyo và Mexico City để kiểm chứng nhưng không nơi nào có thể xác nhận bản tin kinh thiên động địa. Thêm nhiều phút nữa, món quà tưởng thưởng cho người ký giả mới đến, và mọi cơ sở báo chí và truyền hình trên trái đất mới nổ bùng bản tin của Chirri, sau khi linh mục Federico Lombardi cho phổ biến bản tin chính thức của Tòa thánh Vatican, xác nhận quyết định thoái vị của Giáo hoàng Benedict là điều có thực, với lời phát biểu của chính giáo hoàng như sau: “Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19/04/2005.”

Rời ngôi vị giáo hoàng, Benedict để lại nhiều mẩu chuyện thú vị có thật về cá nhân ngài, nghe cứ tưởng như được thiên hạ thêu dệt thành huyền thoại:

• Hãng bia Weideneder Brau Vertriebs GmbH ở thị trấn Tann bên Đức tung ra thị trường một loại bia có tên “Bia Giáo hoàng”, trên nhãn hiệu dán ở mỗi chai ghi đậm hàng chữ “Dành riêng cho đứa con vĩ đại của tổ quốc: Giáo hoàng Benedict XVI”.

• Giáo hoàng Benedict XVI là người con út trong ba người con của một ông cò. Lớn lên, cả ba người con của cụ ông Josef Ratzinger không ai theo bố để chọn nghề cảnh sát. Người anh cả sinh năm 1924 kéo luôn hai đứa em vào tu viện. Về sau, cậu con cả trở thành Đức Ông Georg Ratzinger, cô em gái thành nữ tu Mary, và cậu em trai thành giáo hoàng La Mã, làm giòng họ Ratzinger không kẻ nối dõi tông đường. Nữ tu sĩ Mary là người quản gia cho ông anh hồng y của mình cho đến khi chị qua đời vào tuổi 69.

• Tới năm 16 tuổi, Josef Ratzinger đã bị động viên và trở thành một binh sĩ trợ tá ở một đơn vị cao xạ phòng không Đức. Đến 1945, vào cuối Thế Chiến Hai, quân nhân Josef Ratzinger đào ngũ khỏi Quốc xã, và bị Đồng Minh bắt, trở thành tù binh chiến tranh của quân đội Hoa kỳ.

• Giáo hoàng Benedict thông thạo các thứ tiếng Đức, Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, và biết một ít tiếng Bồ Đào Nha, chưa kể La Tinh là một thứ tiếng bắt buộc của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo.

• Giáo hoàng Benedict thích giải trí bằng đàn piano, và nghe nhạc Mozart và Beethoven mỗi ngày. Ngài thích mèo, nên có tới hai con; một trong hai con là mèo hoang, do ngài bắt gặp trong thành phố La Mã. Vào lúc thoái vị, ngài vẫn còn gìn giữ được tất cả các con thú nhồi bông do chính tay mẹ ngài làm cho lúc ngài còn thơ ấu. Thức ăn mà ngài hợp khẩu là món ravioli nấu bằng khoai tây xứ Bavarian, và tráng miệng với một miếng bánh ngọt nhỏ.

• Ngài theo học trường tiểu học tại thị trấn quê mùa Traunstein, nhưng về sau theo học triết lý và tôn giáo ở Viện đại học Munich.

• Josef thụ phong linh mục ngày 29/06/1951 và lấy bằng tiến sĩ thần học vào năm 1953. Bốn năm sau, ngài quay lại làm giảng sư thần học suốt từ 1957 đến 1969 tại các tu viện ở Freising, Bonn, Munster, và Tubinga. Sau 1969, ngài trở thành viện phó Viện đại học Regensburg, đồng thời làm giảng sư thần học tại đây.

• Về mặt tôn giáo thuần túy, từ 1962, ngài làm tham vấn cho Hồng y Joseph Frings, Tổng giám mục giáo phận Cologne tại Công đồng Vatican II. Ngài đã cho xuất bản nhiều bài tham luận và kinh nguyện, xuất bản rải rác từ 1968 đến 1973. Năm 1977, ngài được Giáo hoàng Paul VI phong làm giám mục giáo phận Munich và Freising. Cùng năm nầy, ngài được bổ nhiệm vào hồng y đoàn.

• Năm 1981, Hồng y Ratzinger trở thành người lãnh đạo thánh bộ Giáo lý và Đức tin, chủ tịch Ủy ban Kinh thánh, kiêm chủ tịch Ủy ban Thần học Quốc tế của Giáo hoàng. Đến 1988, ngài được chọn làm phó chủ tịch hồng y đoàn, để 4 năm sau, trở thành chủ tịch của co8 cấu giáo hội nầy.

• Trước khi Giáo hoàng Jean Paul II qua đời vào ngày 2/04/2005, Hồng y Ratzinger đã được báo Time bầu chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Khi cuộc bầu cử của Mật nghị Hồng y được tiến hành, ngài được chọn với kết quả nhanh một cách kỷ lục, vào ngày thứ nhì, ở vòng bầu cử thứ tư, để chính thức đăng quang vào ngày 19/04/2005.

• Trở thành giáo hoàng, ngài là vị hồng y cao tuổi nhất được bầu lên cai quản hội thánh kể từ năm 1730, và là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng một cái iPod.

 Trống tòa

Hiện Vatican trong tình trạng trống tòa, không có nguyên thủ quốc gia, và giáo hoàng vừa thoái vị là Benedict XVI, gốc người Đức, tên khai sinh là Josef Ratzinger. Bộ máy điều hành giáo hội Thiên chúa giáo tại La Mã đang do Hồng y ngoại trưởng Tarcisio Bertone và Tổng giám mục Giovanni Lajolo, Chủ tịch Ủy ban Lễ nghi kiêm Thủ hiến Vatican, đảm nhiệm để sắp xếp cuộc bầu cử vị giáo hoàng thứ 266 để kế nhiệm. Nhưng hai nhiệm vụ trước tiên của Hồng y Bertone ngay sau khi giáo hoàng Benedict rời Vatican, là bấm ổ khóa căn phòng của giáo hoàng, và bảo đảm rằng chiếc nhẫn “ngư phủ” và ấn tín bằng chì của giáo hoàng được phá hủy đúng lễ tục như khi một giáo hoàng qua đời, chấm dứt triều đại Benedict XVI.

Ngày làm việc cuối cùng triều đại giáo hoàng Benedict XVI bắt đầu bằng việc tiếp kiến lần cuối và chào từ giã các hồng y đang hiện diện tại La Mã. Đến 5 giờ chiều, tại sân Thánh Damaso, hồng y Quốc Vụ Khanh từ biệt giáo hoàng. Chiều tối 28/02, lúc 8 giờ, danh xưng của giáo hoàng Benedict đã được cải danh thành Giáo hoàng Hưu trí, một tước hiệu danh dự dành riêng cho các vua chúa và các tổng biên tập báo chí sau khi họ thoái vị. Bước ra khỏi Điện Vatican, ngài được Hồng y Niên trưởng tháp tùng bằng xe tới bãi đáp trực thăng để bay đến điện mùa hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo tại phía nam La Mã. Vị giáo hoàng 85 tuổi không hề được cấp bằng lái xe, nhưng ngài có bằng phi công trực thăng. Tuy nhiên, trên chuyến bay nầy, ngài không cầm cần lái, mà chỉ là hành khách danh dự của chuyến bay dài 15 phút. Tại thị trấn Castel Gandolfo, hồng y Chủ tịch, Thư ký Phủ Thủ hiến Vatican, cùng với Thị trưởng Castel Gandolfo nghênh tiếp giáo hoàng. Trên cửa sổ của cung điện nầy, Giáo hoàng Benedict có bài nói chuyện chót trong cương vị giáo hoàng, với những người hành hương dưới sân. Sau đó, ngài lui vào cuộc sống ẩn dật và cầu nguyện, sau gần 8 năm trên ngôi giáo chủ Thiên Chúa giáo.

Đội cận vệ Thụy Sĩ gồm 134 người với trang phục truyền thống bốn màu xanh, đỏ, vàng và cam và nón lông đỏ hộ tống giáo hoàng từ bãi đáp trực thăng vào đến bên ngoài cửa cung điện Castel Gandolfo và chấm dứt nhiệm vụ, song song với nhiệm vụ của giáo hoàng. Đây là lực lượng quân đội duy nhất của Vatican, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho bản thân giáo hoàng. Vì giáo hoàng hưu trí Benedict không còn là đương kim giáo hoàng, nên họ không có nhiệm vụ bảo vệ nữa. Tại bên ngoài cửa điện Castel Gandolfo, họ cởi bỏ quân phục và vũ khí, thay quần áo thường dân, để được xe dân sự chở trả về lại thành phố La Mã, sau khi bàn giao phận sự bảo vệ giáo hoàng hưu trí lại cho lực lượng an ninh Vatican.

Lính cận vệ Thụy Sĩ đến từ quốc gia trung lập Thụy Sĩ. Muốn gia nhập, ứng viên phải là nam thanh niên độc thân, công dân Thụy Sĩ, tốt nghiệp bậc trung học, là tín đồ Thiên Chúa giáo, tuổi từ 19 và không quá 30, cao tối thiểu 174 cm. Để được tuyển vào đội cận vệ giáo hoàng, họ phải trải qua khóa thụ huấn quân sự tại nước mình, và ký hợp đồng phục vụ 24 tháng.

Tại Vatican, trong tuần lễ bắt đầu từ thứ Hai 4/03/2013, các hồng y bắt đầu các buổi họp để bàn bạc về lịch trình bầu cử vị giáo hoàng mới. Các cuộc họp nầy gồm khoảng 100 hồng y quá 80 tuổi, cùng với khoảng 115 hồng y dưới 80 tuổi, là những vị sẽ tham dự cuộc bầu cử trong tháng nầy ở Nhà Nguyện Sistine.

Giáo hội Thiên Chúa giáo hiện có 209 hồng y còn sống nhưng sẽ chỉ có tối đa 117 vị được quyền tham gia Mật tuyển viện Hồng y 2013, vì những vị nào đáo 80 tuổi trở lên trước ngày trống tòa giáo hoàng đã mất quyền tham gia mật nghị – theo quy định của Giáo hoàng Paul VI vào năm 1970, và được Giáo hoàng John Paul II sửa đổi năm 1996.

Một tuần lễ trước ngày trống tòa, Hồng y Julius Riyadi Darmaatmadja, 78 tuổi, nguyên Tổng giám mục Jakarta bên Indonesia cho biết sẽ không tham dự mật tuyển viện bầu giáo hoàng mới. Đó là quyết định tự nguyện vì vấn đề sức khỏe cá nhân. Cách nay hai năm, thị lực của ngài ngày càng suy giảm đến mức phải có người trợ giúp khi đọc các văn bản và tài liệu, trong khi điều luật của mật tuyển viện hồng y không cho phép nhân viên trợ giúp.

Ba hôm sau, một chức sắc nữa của giáo hội, Hồng y Keith O’Brien cho biết đơn xin từ nhiệm của ngài từ nhiều tháng trước, đã được Giáo hoàng Benedict chấp thuận vào hôm 18/02. Thời điểm công bố việc từ nhiệm xẩy ra chỉ một ngày sau khi vừa có những lời cáo buộc về lạm dụng tại Anh làm nhiều người tin rằng Vatican đã khuyến cáo hồng y nầy tránh xa cuộc mật tuyển bầu giáo hoàng mới, và rằng La Mã hẳn đã không hành động nhanh gọn như thế nếu cuộc điều tra thiếu cơ sở để kết luận. Ngoài ra nữa, mới vừa 2 tuần trước, Hồng y O’Brien còn gây sóng gió dư luận, khi tuyên bố với BBC rằng vị giáo hoàng mới cần xem xét lại vấn đề loại bỏ giáo luật bắt giáo sĩ phải ở độc thân, cũng như Mật tuyển viện Hồng y nên lưu ý vấn đề chọn một vị giáo hoàng đến từ châu Á hay châu Phi, là những nơi mà đạo Thiên chúa đã được truyền bá sâu rộng hơn trong khi suy đồi ở châu Âu và Bắc Mỹ. Terrence McKiernan, người thành lập trang mạng BishopAccountability.org chuyên lưu trữ hồ sơ các vụ lạm dụng của hàng giáo sĩ lập luận: “Các hồng y bị ô danh vì các vụ khủng hoảng không thể là người đứng ra chọn lựa một giáo hoàng để giải quyết các vụ ô danh của mình”.

Như thế con số hồng y cử tri tham gia mật tuyển viện chỉ còn 115 vị. Con số này có thể giảm hơn nữa, vì có thêm hai vị hồng y khác đang được lượng định xem sức khỏe có cho phép tham dự mật tuyển viện hay không. Đó là hồng y Antonios Naguib, người Ai cập, 78 tuổi, đã từ nhiệm sau một cơn đột quỵ vào năm ngoái, và hồng y Julio Terrazas, 77 tuổi, Tổng giám mục Santa Cruz de la Sierra thuộc quốc gia Bolivia. Hồng y Terrazas giữ ý định sẽ về La Mã để bầu giáo hoàng mới, nhưng phiếu bầu của ngài tùy thuộc quyết định của bác sĩ.

Bầu cử giáo hoàng là quyền và nhiệm vụ của các hồng y, và chỉ của các vị ấy mà thôi, miễn là họ không đạt đến số tuổi 80 vào ngày trống tòa. Khi đã là hồng y, quyền bầu giáo hoàng của họ trở thành bất khả tiêu hủy, ngay cả khi họ bị treo chén thánh (interdictum: không được phép cử hành thánh lễ) hay đã bị dứt phép thông công (excommunicatus: bị giáo hội La Mã khai trừ).


Thể thức bầu giáo hoàng mới

Trước khi từ nhiệm, Giáo hoàng Benedict thay đổi luật lệ bầu giáo hoàng, cho phép hồng y đoàn khởi sự cuộc bầu chọn sớm hơn, thay vì phải chờ từ 15 đến 20 ngày sau khi trống tòa như thông lệ từ 900 năm nay về việc bầu tân giáo hoàng thay cho một vị giáo hoàng vừa mới qua đời.

Thủ tục bầu giáo hoàng tiến hành trong bí mật tuyệt đối giữa các hồng y không quá tuổi ấn định, gọi là Mật nghị Hồng y, dịch từ tiếng Anh và Pháp dùng chung: conclave, tức phiên họp mật để bầu giáo hoàng. Danh từ nầy bắt nguồn từ hai từ ngữ Latinh cum (với) clave (cái chìa khóa), để diễn đạt hồng y đoàn bị khóa kín cửa trong thời gian bầu chọn vị giáo hoàng kế tiếp, tại Nguyện đường Sistine.

Trước khi Nguyện đường Sistine được niêm phong, tất cả các hồng y được nghe hai bài giảng thuyết, một trước giờ họ tiến vào cuộc mật nghị, và một sau khi họ đã vào bên trong nhà nguyện dùng làm nơi bỏ phiếu. Cả hai bài giảng có nội dung trình bày tình hình hiện tại của giáo hội, đi kèm những đề nghị về các phẩm chất cần thiết thích ứng cho một vị giáo hoàng vào một thời điểm nhất định nào đó. Trong cuộc bầu giáo hoàng hồi 2005, người đăng đàn thuyết giảng mở màn là linh mục Raniero Cantalamessa thuộc dòng tu Phanxicô, và bài giảng chuẩn bị khai mạc trong nhà nguyện Sistine là do Hồng y Tomas Spidlik, cựu giáo sư Viện Đông phương học của Đức Giáo Hoàng và là hồng y thành viên không bầu cử vì quá tuổi.

Trong sáng ngày bầu cử thứ nhất được hồng y đoàn chọn, các hồng y cử tri tập họp ở Thánh đường Thánh Phêrô để dự thánh lễ. Buổi chiều, họ lại tề tựu ở Nguyện đường Pauline, rồi tiến về Nguyện đường Sistine, vừa đi vừa hát kinh Veni Creator Spiritus (Nguyện xin Chúa Thánh thần đến). Vào bên trong nhà nguyện, các hồng y tuyên thệ chấp hành thủ tục bầu cử theo giáo luật, để, sau khi được chọn, vị hồng y ấy sẽ bảo vệ quyền tự do của một Đức Thánh Cha, sẽ duy trì sự bí mật, và loại bỏ tất cả các chỉ thị, căn dặn của chính quyền thế tục về cuộc bầu cử. Hồng y niên trưởng đọc to lời thề, và từng vị hồng y cử tri đặt tay lên Kinh Thánh, rồi nói lớn: “con xin hứa, và thề”.

Sau khi tuyên thệ, vị giáo sĩ niên trưởng (Camerlengo) ra lệnh cho tất cả các mọi người – trừ các hồng y cử tri – phải rời nhà nguyện. Vị nầy phải rập khuôn theo đúng nghi thức, đứng ngay cửa nhà nguyện dùng làm phòng bầu phiếu, hô lớn bằng tiếng Latinh, “Extra omnes!” (Tất cả mọi kẻ không phận sự, bước ra ngoài!) cùng lúc với tiếng chuông rung. Sau đó, chính tay vị nầy khóa cửa nhà nguyện từ phía bên trong; phía bên ngoài, một sĩ quan trong đội bảo vệ an ninh cũng tra ổ khóa. Tiếp theo, vị hồng y trong tư cách Camerlengo cùng với 3 hồng y khác làm một vòng kiểm tra tất cả mọi góc tường và phòng ốc để bảo đảm rằng không có ai ngoài các hồng y cử tri còn sót lại trong phòng bầu cử. Cánh cửa chính của nhà nguyện còn có tên Sala Regia mở sang một tiền phòng, nối thông xuống bên dưới bằng cầu thang Scala Regia, dẫn thẳng tới phòng làm việc của sĩ quan an ninh. Tất cả các cửa khác trước đây dùng để vào ra Nguyện đường Sistine nay đã được bít kín, biến thành tường nhà nguyện, trước ngày bầu cử. Ngoài cánh cửa chính Sala Regia chỉ có 4 cửa sổ thông để chuyển thực phẩm và công văn, mỗi cửa đều được canh phòng cẩn mật bởi chính các giám mục. Trước cuộc bầu giáo hoàng 8 năm trước đây, Nguyện đường Sistine còn được lệnh kiểm tra các bộ phận điện tử ghi âm lén bằng phương tiện tân tiến nhất, vì đã có tin đồn rằng trước kia, ký giả báo chí đã giả dạng nhân viên phục vụ các hồng y để nằm vùng soi mói tin tức.

Các hồng y cử tri bên trong phòng mật nghị được phép nhận vào một chiều thư tín riêng và các liên lạc gia đình, nhưng không được liên hệ ngược trở ra với bên ngoài. Tất nhiên là không có điện thoại bàn hay điện thoại di động. Để bảo đảm việc bảo mật, mọi thư từ trước khi chuyển qua cửa sổ thông đều được lính gác đọc trước, trừ phi công văn thư từ có ghi “Riêng tư” thì được trình cho hồng y thư ký mật nghị, để trao lại cho vị hồng y trực ban được chỉ định cho riêng ngày hôm ấy đọc trước, hoặc nếu vị nầy nhận thấy cần thiết, sẽ mang đọc công khai cho toàn mật nghị hồng y cùng nghe. Báo chí và sách vở được phép chuyển vào không hạn chế, và hồng y được phép tới cửa sổ để nói chuyện với người nào ở bên ngoài mà mình cần, nhưng với điều kiện có sự hiện diện của lính gác.

Trong ngày bầu cử, nếu có một hồng y nào đến trễ sau khi hồng y đoàn đã tề tựu bên trong Nguyện đường Sistine, vị ấy vẫn có quyền vào sau để tham dự, nhưng sĩ quan an ninh phải liên lạc với hồng y niên trưởng bên trong, để đồng ý về một giờ giấc nhất định nào đó để trong và ngoài đồng loạt mở khóa cửa. Người đến trễ bước qua cửa sẽ được toàn thể hồng y đoàn kéo ra tiền phòng để chào đón vị cử tri đến muộn. Cánh cửa nhà nguyện Sala Regia cũng có thể được mở nếu có vị hồng y nào bệnh bất ngờ cần phải chuyển ra bên ngoài, nhưng vị ấy sẽ không được phép quay vào lại nữa. Vì hồng y đoàn gồm toàn những bô lão cao niên, nên chẳng có gì bất thường nếu có vài ba vị trong đoàn bị trái gió trở trời, thậm chí, trong lịch sử đã có hồng y chết khi đang dự mật nghị bầu giáo hoàng.

Sinh hoạt thường nhật của mật nghị hồng y gần giống như sinh hoạt ở một tu viện Thiên Chúa giáo. Sáng 8 giờ: dự thánh lễ, rồi về phòng riêng của mình để chuẩn bị dùng bữa ăn nhẹ buổi sáng. Vào các ngày khác, mỗi hồng y cử hành thánh lễ trong phòng riêng của mình vào giờ giấc nào thuận tiện, nhưng thường thì các hồng y nào không thấy trở ngại sức khỏe đều vào nhà nguyện để cử hành thánh lễ đồng tế. Buổi trưa, mọi người quay về phòng riêng; bữa ăn trưa được mang đến mỗi phòng. Sau đó là giấc ngủ trưa ngắn như thông lệ của các quốc gia miền nam. Tiếp theo, họ có thể đi dạo trong các hành lang hay đến phòng thăm các hồng y bạn, cho đến ba hay bốn giờ chiều, là giờ tập họp lại trong nhà nguyện, để nghe nói về các hoạt động đang tiến hành của mật nghị, do nhiều chức sắc khác nhau của giáo hội trình bày.

Khoảng chín hay mười giờ tối, bữa ăn nhẹ buổi tối được phục vụ, trước khi chuông rung, và câu thông báo đọc lớn, “In cellam, domini” (Xin mời quý ngài về phòng), báo hiệu giờ ngủ đêm. Thật ra, giờ ấy là giờ các ngài tủa ra, dọc các hành lang, để thảo luận lẻ về các diễn tiến trong ngày. Nếu hồng y nào không muốn tiếp khách, người giúp việc sẽ đặt trên sàn nhà trước của phòng hai thanh cũi, tượng hình thập giá, là dấu hiệu cho biết ngài chủ căn phòng không tiếp khách. Hồng y có thể nhận thức ăn riêng do dầu bếp mình nấu, nhưng trước khi chuyển vào, mỗi món đều được lính canh khám xét để phòng ngừa việc giấu thư riêng trong thức ăn.

Vì thủ tục đòi hỏi một ứng viên phải đạt 2/3 tổng số phiếu – trong trường hợp kỳ nầy là 76 phiếu – mới đắc cử, nên cuộc bầu cử không thể tiên đoán là sẽ kéo dài bao lâu. Mỗi hồng y được trao phiếu bầu, trên đó có ghi bằng tiếng Latinh “Eligo in summum Pontificem…” (Tôi xin bầu lên chức vị Giáo Hoàng…) để cử tri viết tên vị hồng y mà mình chọn, gấp lại làm tư, đưa cao phiếu bầu và đọc to lời thề nguyện “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng là tôi bầu cho người mà, trước mặt Chúa, tôi suy xét là đáng được bầu nhất”; rồi mới đặt lá phiếu của mình vào bình lớn có khay che để trên bàn thờ. Sau khi tất cả bầu xong, một vị giám sát lắc bình nhiều lần để trộn lẫn các phiếu trước khi một vị khác kiểm phiếu. Mỗi phiếu lần lượt được mở ra và đọc lớn tên người được bầu để các hồng y đoàn cùng theo dõi kết quả. Trong buổi chiều của ngày thứ nhất, hồng y đoàn tổ chức vòng bầu phiếu thứ nhất. Nếu không vị nào được chọn, hoặc nếu không kịp tiến hành vòng một, thì trong mỗi ngày kế tiếp, mỗi ngày tiến hành bốn vòng bỏ phiếu, hai lần buổi sáng, hai lần buổi chiều. Cứ trước mỗi vòng như thế, các hồng y lại đọc lời tuyên thệ tuân thủ luật bầu cử. Sau ba ngày, nếu chưa đạt kết quả, cuộc bầu cử sẽ tạm ngừng một ngày để cầu nguyện và nghe bài giảng của một Hồng y Trợ tế cao niên. Sau bảy vòng bầu, nếu thất bại, cuộc bầu cử lại sẽ ngừng một ngày, để nghe một bài giảng khác. Nếu thêm bảy vòng bầu mới vẫn không có kết quả, cuộc bầu cử phải đình hoãn lần thứ ba, và nghe giảng. Nếu vẫn thất bại thêm một loạt bảy vòng lần thứ tư, họ sẽ ngưng một ngày nữa để cầu nguyện, trao đổi và đối thoại. Cuộc bầu cử diễn ra sau đó sẽ tập trung vào hai ứng viên có số phiếu bầu cao nhất, nhưng hai hồng y ứng viên nầy sẽ không được quyền dùng lá phiếu của mình. Quy định không thay đổi là ứng viên phải hội đủ hai phần ba tổng số phiếu. Càng về sau, thủ tục càng nhiêu khê hơn, nên luật bầu cử vửa được sửa lại, cho phép sau vòng bầu thất bại thứ 30, hồng y ứng viên nào đạt được phân nửa + 1 (quá bán) kể như đắc cử.

Sau mỗi vòng bầu cử, tất cả phiều bầu vừa dùng xong, đều phải bỏ vào lò đốt mới xây xong trước ngày Mật nghị Hồng y khai mạc, nối thông lên một ống khói đặt trên mái nhà nguyện Sistine. Việc đốt phiếu là nhằm mục đích bảo mật, nhưng dần dà, thiên hạ xem việc khói đốt bay ra từ ống khói Sistine là dấu hiệu đã có hay chưa có tân giáo hoàng. Ngày 26/10/1958, màu khói trắng không ra trắng và đen chẳng thật đen đã gây ngộ nhận lớn cho thế giới, do đó Vatican quyết định phải minh bạch. Thông thường, giấy đốt sẽ sinh ra khói trắng, và khói trắng tượng trưng do dấu hiệu tin mừng, như thế, sau mỗi lần bầu cử thất bại, phải làm cho khói đen thật đen (fumata nera). Ngày trước, tòa thánh dùng rơm rạ ướt, để tạo khói đen, và đã tạo tin mừng hụt, vì khói không đen. Từ đó, Vatican dùng hóa chất. Benzene là hóa chất tạo màu khói trắng, nhưng độc hại và nguy hiểm, nên người ta dùng đường và axít lưu huỳnh. Dầu rái trét đáy thuyền có thể tạo khói đen, nhưng kết quả không tuyệt đối, nên Giáo hoàng John Paul II yêu cầu các nhà thờ ở La Mã rung chuông kèm với khói trắng, để xác định hồng y đoàn vừa bầu được vị giáo hoàng mới.

Thông thường, Mật nghị Hồng y phải mất 5 ngày mới chọn được giáo hoàng, nhưng cũng có lần cuộc bầu bán đã kéo dài tới 3 năm. Người ta cũng kháo nhau rằng tòa thánh cắt giảm suất ăn của các hồng y để họ đói nên phải sớm đồng lòng ở một ứng viên nào đó. Mọi người đều biết là các phiếu bầu sau khi kiểm xong được buộc lại với nhau, rồi cho vào lò, trộn với hóa chất để tạo khói đen. Nếu cuộc bầu cử thành công mỹ mãn, phiếu bầu sẽ được đốt không phải pha gì cả, nhằm giữ màu khói trắng (fumata bianca), để cả thế giới hay tin.

Sau khi đắc cử, hồng y ấy được Chủ tịch Hồng y Đoàn hỏi ngài có chấp nhận làm giáo hoàng không, nếu nhận, “Quo nomine vis vocari?” (ngài lấy tên hiệu là gì). Rồi vị tân giáo hoàng bước vào Phòng Nước Mắt cạnh nhà nguyện Sistine để tự mặc trang phục của mình. Ngài có thể chọn một trong ba bộ khác cỡ nhau, trước khi Hồng y Trợ tế bước ra bao lơn của tòa thánh để dõng dạc tuyên bố: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam!” (Tôi xin loan báo tới mọi người một tin vui cực điểm: chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng!).

Bài báo nầy được viết 24 giờ trước giờ Hồng y Đoàn La Mã khai mạc phiên họp sơ khởi để ấn định ngày Mật nghị Hồng y 2013 vào phòng kín để tiến hành bầu cử. Không riêng tín đồ Thiên Chúa giáo khắp thế giới, mà tín hữu tôn giáo bạn cũng trông ngóng. Rất lạ, kỳ nầy, báo chí quốc doanh bên Việt Nam theo dõi rất sít sao, và cật lực thông báo tin tức đầy đủ, đặc biệt là không với ngôn ngữ mạ lỵ, dè bĩu, xuyên tạc. Giáo sư Trợ tế Keith Fournier nhận định rằng Giáo hoàng John Paul đã chạm trán với chủ nghĩa Cộng sản, Giáo hoàng Benedict đụng độ với thuyết tương đối, còn vị giáo hoàng sắp được bầu lên trước Ngày Lễ Lá năm nay sẽ phải đương đầu với chủ nghĩa thế tục chiến đấu. Có lẽ những người vô thần biết quyền lực của một giáo hoàng còn lợi hại với chủ thuyết Cộng sản hơn như thế.

NgyThanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét