Trang

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ TAM KỲ


Tam Kỳ là thành phố tân lập, thủ phủ Tỉnh Quảng Nam, trên đường quốc lộ IA, cách Đà Nẵng về hướng Nam 70km. Trong thời chiến tranh, di dân từ khắp vùng lân cận qui tụ về, nơi đây sinh hoạt đạo khá sầm uất, nhưng nay toàn thành phố chỉ còn duy nhất Nhà thờ Tam Kỳ. Đây là Nhà thờ hạt của Giáo hạt Tam Kỳ, và trong địa bàn Giáo xứ Tam Kỳ ngày nay, có đến 17 họ đạo nằm rải rác. Tin Mừng đã chính thức được gieo vãi nơi đây gần 80 năm, nhưng Tam Kỳ vẫn là một vùng đất màu mở đầy hứa hẹn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng trong Giáo phận.
1. Thành lập.
Vào thế kỷ 18 - 19, các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) đã bắt đầu khai phá, gieo trồng hạt giống Tin Mừng tại vùng đất An Sơn. Mãi đầu thế kỷ 20, vào năm 1921, Tin Mừng từ An Sơn đến Thuận Yên, rồi mới xuôi dòng về Tam Kỳ, dưới sự hướng dẫn của cố Khánh, Quản xứ Thuận Yên. Xứ đạo Tam Kỳ bắt đầu với một giáo dân là lương y, quê An Sơn, đã hướng dẫn 4 gia đình trở lại Công giáo. Hạt giống Tin Mừng bén rễ, đâm chồi, vào năm 1925, Quản sở Thuận Yên là Cha Simon Dương Văn Vận  đã ban Bí tích Khai tâm Kitô giáo cho 24 dự tòng thuộc 4 gia đình trên. Nếu ngày xưa Chúa Giêsu dùng 12 tông đồ để khai sinh nên Giáo hội của Chúa, thì tại Tam Kỳ, Chúa dùng 24 tân tòng này cùng với một gia đình gốc ở Huế đang làm bưu điện tại đây, khai sinh Giáo xứ Tam Kỳ.
Vào năm 1929, những tín hữu đầu tiên này đã đóng góp tài lực mua một khung nhà về dựng làm nhà nguyện đơn sơ để hôm sớm cùng nhau kinh nguyện. Năm 1930, Cha Simon Vận đã đến khánh thành ngôi nhà nguyện ấy vào dịp lễ Chúa Ba Ngôi và Rửa tội thêm 35 người thuộc 10 gia đình khác. Lễ Chúa Ba Ngôi trở thành lễ Bổn mạng của Tam Kỳ từ đấy.
Năm 1932, lúc Đức Cha Tardieu Phú cai quản Giáo phận Quy Nhơn, Giáo xứ Tam Kỳ chính thức được thành lập với sự chăm sóc của linh mục Simon Dương Văn Vận. Hạt giống đức tin gặp được đất tốt đã sinh sôi một cách nhanh chóng, từ 24 dự tòng, giờ đã có trên 100 giáo dân. Giáo quyền đã quan tâm củng cố Giáo xứ và đẩy mạnh việc truyền giáo, làm cho giáo xứ phát triển nhanh chóng và vững vàng. Lòng nhiệt thành của các tín hữu được sự hỗ trợ của Toà Giám mục, Giáo xứ Tam Kỳ đã khởi công xây dựng nhà thờ trên mảnh đất rộng 5 mẫu tây, mua lại của Ông Trần Hoàng, vào ngày 10 tháng 01 năm 1940. Gần một năm miệt mài của giáo dân và thợ thầy, Giáo xứ Tam Kỳ đã hoàn thành một ngôi nhà thờ thật khang trang rộng rãi với chiều dài 50m, chiều rộng 20m, cao 30m, sườn gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường xây dày đến 40cm. Thánh lễ tạ ơn và khánh thành được cử hành đúng vào sáng Mồng Một Tết Ất Tý (1941). Tiền đường Nhà thờ được khắc 4 câu liễn đối thời danh do cụ Cửu Kiều, thân sinh ông Câu Soa sáng tác mà ngày này nhiều người vẫn còn thuộc :
- Nhật nguyệt vô tư chiếu
  Càn Khôn tại thử gian
- Vạn quốc đại đồng thiên tác chủ
  Tam Kỳ hiệp nhất đạo duy quy.

2. Các thời kỳ.
Năm 1952, Cha Giuse Lê Quang Khương được cử đến làm quản xứ thay cha Simon Vận về nghỉ hưu. Địa giới giáo xứ lúc này không còn bó hẹp nữa, vì một số các họ đạo như Gò Tre, Khánh Thọ, thuộc xứ Thuận Yên được nhập về. Số giáo dân lúc này lên đến 1000 người. Do nhu cầu mục vụ chăm sóc những dự tòng, Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn về phục vụ tại đây từ năm 1941. Đến lúc này, Cha Giuse Khương, và kế nhiệm Ngài là Cha Nguyễn Kim Ngọc đã lo xây nhà xứ, dựng trường Vân Côi, giao cho các nữ tu phụ trách. Mọi sinh hoạt của giáo xứ đã đi vào nề nếp, từng ngày ổn định và phát triển, không thua kém hai giáo xứ Thuận Yên và An Sơn đã có trước.
Năm 1957, Cha Gioan Nguyễn Quang Xuyên về thay cha Giuse Khương. Thừa kế nề nếp đã được các vị tiền nhiệm gầy dựng, Cha Gioan đẩy mạnh việc truyền giáo đến những địa bàn mới. Số giáo dân bắt đầu tăng mạnh, không chỉ nội thị Tam Kỳ, mà trải dài từ miền núi đến vùng biển, hình thành nhiều họ đạo mới. Tính đến năm 1962, con số giáo dân đã lên đến gần 10 ngàn người, sinh hoạt trong 51 họ đạo lớn nhỏ. Chỉ sau hơn 20 năm,  từ 4 gia đình trở lại đầu tiên, giáo dân Tam Kỳ giờ đây đã lên đến chục ngàn người. Đúng là việc Chúa làm, nói như Thánh Phaolô: “Tôi trồng, Apolo tước, còn Thiên Chúa cho mọc lên” . Chỉ có Chúa mới làm được những việc kỳ diệu như vậy. Lúc này, ngoài công việc loan báo Tin Mừng, Cha Gioan còn phải lo kiến thiết, xây dựng các nhà nguyện, các cơ sở vật chất khác, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo dân đông đúc. Tại Tam Kỳ, những công trình thực hiện trong giai đoạn này: xây dựng trường Trung học Đức Tín (1959), xây dựng nhà xứ, nới rộng nhà thờ phía tiền đường và xây tháp chuông, xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức (1961).
Từ năm 1966 đến năm 1972, do thời cuộc, các vị chủ chăn của giáo xứ bị chuyển đổi liên tục. Bên cạnh đó, giáo dân từ các xứ họ miền núi như Thuận Yên, Kỳ Thạnh, Kỳ Sơn, Kỳ Long… di tản về Tam Kỳ và lập nên những giáo xứ mới như Tín Đức, do Cha Đaminh Nguyễn Đức Huyên, nguyên phó xứ Tam Kỳ làm coi sóc, rồi Giáo xứ Chu Lai, do Cha GB. Đoàn Vinh Phúc gầy dựng và chăm sóc. Tam Kỳ liên tục tiếp đón các Cha Phó xứ hăng say như Cha Phêrô Vũ Văn Khoá, Cha Martinô Trần Văn Đoàn…
Năm 1972 Cha Bênêđitô Nguyễn Tấn Khóa thôi chức quản lý Toà Giám mục nhận bài sai về làm Quản xứ và Quản Hạt Tam Kỳ, ổn định các công tác mục vụ, giáo dục,  xây dựng đội ngũ nhân sự và các cơ sở cần thiết.
Sau biến cố 1975, chiến tranh chấm dứt, giáo dân tạm cư tại Tam Kỳ lần lượt trở về quê cũ xây dựng lại xóm làng, đồng thời một số khác cũng bắt đầu di chuyển vào miền Nam, các giáo xứ Tín Đức, Chu Lai trở nên thưa thớt và cuối cùng bị xoá sổ, khi chính quyền trưng dụng các cơ sở tôn giáo tại đây. Địa bàn Giáo xứ Tam Kỳ lại mở rộng thêm, kiêm nhiệm luôn địa bàn các giáo xứ như Tín Đức, Chu Lai, Kỳ Thạnh, Thuận Yên, lúc này không còn chủ chăn. Những khó khăn trong đời sống kinh tế, đi lại, nhân sự, dẫn đến việc hình thành một cơ cấu tổ chức mới cho giáo xứ và một đường hướng mục vụ mới linh động và hiệu quả hơn theo hoàn cảnh mới, dưới sự hướng dẫn của Cha Bênêđitô Nguyễn Tấn Khóa và Cha phó Phanxicô Xaviê. Hồ Quang Liêm:
· Qui tụ nhóm giáo dân mới sống rải rác để hình thành những giáo họ mới theo địa bàn dân cư và địa danh hành chính (12 giáo họ và 4 tổ nội thị và các nhóm ven thị xã Tam Kỳ)
· Thực hiện theo tinh thần mới của Công đồng Vaticano II, mời gọi giáo dân tham gia công tác tông đồ, dạy giáo lý bằng cách qui tụ và đào tạo tại chỗ về nhân sự.
· Thăm viếng, duy trì những liên hệ mục vụ và cử hành Bí tích ở tại Giáo xứ, nhất là tại các giáo họ đang gặp nhiều khó khăn về đức tin.
Từ năm 1990 - 2009, Cha Bênêđitô Nguyễn Tấn Khóa, được sự cộng tác liên tục của các Cha Phó xứ như Nguyễn Hữu Long, Đoàn Minh, Hoàng Gia Thành, Đặng Bá Linh, Ngô Tấn Thu, Trương Văn Long, Châu Ngọc Minh, Nguyễn Thanh Vũ,  luôn tiếp tục miệt mài mục vụ tại Giáo xứ Tam Kỳ rộng lớn. Đây là thời kỳ củng cố đời sống đức tin của giáo dân và tiến hành tái thiết xây dựng các cơ sở thờ phượng tại các họ đạo. Sau khi đập Phú Ninh được hoàn thành, giáo dân Thuận Yên qui tụ lại ở một địa điểm mới, tái lập sinh hoạt, và Nhà thờ Thuận Yên được xây mới năm 1994. Rồi tiếp tục đến Nhà thờ và nhà xứ Tam Thành, Nhà thờ Tam Lộc, Khánh Thọ, Gò Tre. Tái lập giáo họ Trung Đàn, Đoan Trai vào năm1994, hồi sinh giáo họ Lý Trà năm1997. Đặc biệt là Giáo xứ Thuận Yên được tái lập, Giáo xứ Tam Thành được khai sinh, từ sự chăm chút của Giáo xứ Mẹ Tam Kỳ. Mỗi công trình lớn nhỏ đều là một lịch sử, vì hoàn cảnh sinh hoạt tôn giáo bấy giờ còn rất nhiều hạn chế và khó khăn ngăn trở.
Ngày 26 tháng 8 năm 2009, sau 37 năm dài coi sóc Giáo xứ Tam Kỳ, Cha Bênêđitô Nguyễn Tấn Khóa bàn giao Giáo xứ Tam kỳ lại cho Cha Giuse Nguyễn Trí Dũng, nguyên Quản xứ Hoà Khánh, trước sự chủ toạ của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận, và đông đảo linh mục tu sĩ và giáo dân hiện diện. Ngài đã hoàn thành sứ mạng trong một giai đoạn khó khăn và trăn trở của Giáo Hội nói chung và Giáo xứ Tam Kỳ nói riêng. Ngài nhận sứ vụ mới tại họ đạo Tam Mỹ, giáo điểm mới tái lập của Giáo phận Đà Nẵng, cũng trong địa bàn Giáo xứ Tam Kỳ. Từ đây, Tam Kỳ bước sang một giai đoạn mới với vị chủ chăn mới, với nhiều hứa hẹn và cả những thách đố.
 3. Hiện tình giáo xứ.
Hiện nay, Tam Kỳ với số giáo dân là 2.270 người, được coi sóc bởi Cha Giuse Nguyễn Trí Dũng và Cha Phó Antôn Nguyễn Thanh Vũ. Các ngài đang tiếp nối các vị chủ chăn tiền bối, tiếp tục viết lên những trang sử truyền giáo cho Giáo xứ Tam Kỳ, một giáo xứ có địa hạt rộng lớn, phức tạp về địa hình vào bậc nhất trong Giáo phận, từ miền biển, trung du và lên cả vùng núi. Lòng  nhiệt thành của các chủ chăn cùng với sự trưởng thành của đàn chiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hoá xã hội của Thành phố Tam Kỳ ngày nay, Giáo xứ Tam Kỳ có quyền viết lên một trang sử mới, tiếp nối một thời quá khứ vàng son của mình.
Rộng lớn, đông đảo, nhưng Giáo xứ Tam Kỳ ngày nay chưa có một cộng đoàn tu sĩ nào hiện diện phục vụ. Đây là một điều đáng tiếc và cũng là một lời mời gọi. Trước năm 1975, đã có các cộng đoàn dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng hiện diện phục vụ. Họ đảm nhận công tác giáo dục, y tế, xã hội tại đây.
Mong sao Giáo xứ Tam Kỳ ngày thêm ổn định, phát triển, được sự hỗ trợ đắc lực về nhân sự từ các dòng tu, để Giáo Hội thêm phát triển và góp phần xây dựng xã hội tích cực hơn. 

Ban Truyền Thông Giáo Phận Đà Nẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét