Bạn thân mến,
Khi còn ở với gia đình, thỉnh thoảng
Mẹ tôi hay sai tôi ra khu chợ đầu đường để mua miếng thịt, bó rau về làm cơm. Đây
là một trong những chuyện tối kỵ mà tôi không bao giờ muốn làm. Thời
bấy giờ kinh tế khó khăn, chuyện chi tiêu phải luôn chắt chiu dè xẻn, thế nên mỗi
lần phải đi chợ là Mẹ tôi luôn dặn dò phải trả giá, rồi lại thường giảng cho một
bài dài lê thê về cách chọn mua rau, thịt, cá… nghe mà thấy ngao ngán.
Với tôi đi chợ luôn là một ‘cực
hình’. Tôi không thích chuyện phải đi chợ. Mười lần
như một, hễ Mẹ tôi sai tôi đi chợ mua ít đồ thì y như rằng tôi cũng phải kiếm đủ
lý do để thoái thác. Chỉ đến khi mà không còn lý do nào hữu hiệu được
nữa, lúc đó tôi mới chịu ‘đầu hàng’ để đi. Đi cốt là để được yên thân, cho xong chuyện
chứ thực tâm chẳng hào hứng chút nào.
Tính tôi mắc cỡ, gặp mấy bà mấy cô
bán hàng là kể như nhắm mắt mua liều, dù mắc dù rẻ, đồ ngon hay dở cũng được,
miễn là làm được phần việc Mẹ nhờ, cầm được đồ về là xong. Mình là
con trai, chẳng lẽ đi chợ mua đồ lại còn kỳ kèo trả giá, thêm thêm bớt bớt? Do vậy nhiều khi cầm những thứ mua được về đến
nhà là lại bị nghe mắng cho một trận vì cái tội không biết, không hiểu, không
trả giá nên mua bị hớ… thiệt là ấm ức lắm thay.
Với tôi, chuyện buôn bán, trả giá,
nói thách, nói điêu, cân đo gian dối… dường như đã là một trong những nét văn
hóa đặc thù của người dân Việt từ Bắc chí Nam. Nhìn ở một khía cạnh
nào đó thì chuyện mua hàng trả giá, nói qua nói lại, chê ỏng chê eo… cũng khá
hay hay. Nhưng thực ra nó không có gì hay cho lắm vì tự nó dễ tạo
nên một sự cảnh giác cao độ nơi người mua và làm thành một sự gian dối nơi người
bán. Người bán vì muốn kiếm được lợi nhuận
càng nhiều càng tốt nên không ngần ngại nâng giá hàng lên thêm so với giá trị
thật của chúng; còn người mua luôn muốn mua hàng tốt nhưng giá rẻ nên phải uốn
ba tấc lưỡi để trả giá món hàng.
Sang đến Canada, chuyện đi chợ mua
đồ ăn thức uống là chuyện phải làm và không thể né tránh. Khi còn là
chủng sinh, học tập trung trong chủng viện, các bữa ăn đã có các nhân viên nhà
bếp lo lắng giúp cho nên không có gì để bàn. Lúc tôi bắt đầu thực tập
giúp xứ, thì cũng là lúc phải bắt đầu xắn tay thực tập chuyện chợ búa của
chính mình. Rồi đến khi làm linh mục, chuyện đi chợ, bếp núc, nấu nướng…
hết thảy phải tự tay làm lấy hết.
Bạn có muốn biết tại sao một linh
mục bên này phải tự làm lấy mọi chuyện như vậy không? Câu trả lời gồm những yếu
tố chính sau đây:
1.
Ở bên này không có giáo dân tự nguyện, nhiệt thành vào nhà bếp giúp cho
các Cha. Họ cũng quý mến các linh mục, nhưng quý mến theo kiểu Tây,
hoàn toàn khác với kiểu Việt. Không bao giờ có chuyện làm giúp các
linh mục chuyện bếp núc, cơm nước… Quý mến thì quý mến, nhưng chuyện ai người đó
lo.
2. Do luôn tôn trọng sự
riêng tư của nhau cho nên không có chuyện giáo dân đến thăm Cha mà tự tiện vào
nhà bếp để xem hôm nay Cha ăn gì, nhà bếp Cha có gì? Không! sẽ
không ai được phép vào nhà bếp nếu không mời hoặc không cho
phép. Nhà bếp đã vậy, đương nhiên phòng riêng của các linh mục càng
khó vào hơn.
3. Tự do là số một. Nếu
tự nấu ăn lấy, mình sẽ thoải mái hơn trong chuyện làm món gì, ăn lúc nào,… còn
nếu có bà bếp thì chắc chắn các linh mục phải ăn những món bà nấu, ăn đúng giờ
và không được bỏ bữa.
4. Phải trả lương. Chắc
chắn là vậy! Nếu chọn cho mình một bà bếp thì các linh mục phải trả
lương tính theo giờ làm cho bà. Họ luôn sòng phẳng trong mọi chuyện,
sẽ không có chuyện nhờ đến làm giúp. Cứ tính theo giờ bà bếp đến và đi mà cuối
tháng viết và ký một ngân phiếu cho bà.
Bạn cứ tính thế này: với mức lương tối thiểu một giờ là 10 dollars. Mỗi ngày 2 giờ nhân lên cho một tháng sẽ thấy
số tiền phải trả là không nhỏ. Hết nửa
tháng lương của một linh mục rồi.
5. Những chuyện riêng tư
giữa linh mục với giáo dân… sẽ không vì thế dễ dàng bị ‘rò rỉ’ ra bên
ngoài. Lấy ví dụ đang bữa cơm có điện
thoại, tôi phải ngừng bữa để trả lời, câu chuyện có thể lọt vào tai bà bếp dù
chỉ 50%. Nhưng chắc hẳn bà có thể hiểu được
câu chuyện qua lại nói về đề tài gì. Cũng
có thể bà thuộc dạng kín miệng, ít lời nhưng không ai biết trước được chuyện có
thể bị rò rỉ ra ngoài hay không nếu đó là chuyện khá quan trọng cần sự riêng tư,
kín đáo?
6.
Và cuối cùng cũng có thể tránh luôn chuyện đàm tiếu về quan hệ của các
linh mục với bà bếp. Dù không có gì nhưng
ai dám chắc là bà con giáo dân không khỏi dị nghị nói ra nói vào? Thôi thì tốt
nhứt là tránh cớ vấp phạm cho giáo dân và cũng là để giữ một khoảng cách an
toàn cho chính mình. Khỏi cần bà bếp!!!
Mình ên lo hết mọi chuyện cho được hai chữ bình an.
Tự do muôn năm. Tự do là số một. Không muốn bị ràng buộc và cũng thoải mái
trong chuyện ăn uống, bếp núc của mình, đại loại là với những lý do kể trên nên
tôi cũng theo các linh mục đàn anh bên này, tự đi chợ, tự mua thức ăn, tự nấu
cho riêng mình. Tóm lại là “muốn ăn thì lăn vào bếp”. Nhưng
trước khi “muốn lăn vào bếp” thì phải “lăn ra chợ” mua đồ đã. Và
đó là những gì tôi muốn kể cho bạn nghe.
Tôi học được một trong những cái
hay của người Canada là trước khi đi chợ bao giờ cũng phải có một danh sách những
thứ cần mua. Trong nhà bếp luôn có một xấp giấy và mấy cây bút để sẵn
trên bàn, khi cần, khi nhớ có thể viết ngay những thứ cần mua cho các nhu cầu sắp
tới và khi cần, chỉ việc xé tờ giấy ấy để lên đường đi chợ.
Làm như thế có một cái hay là sẽ
tránh được chuyện quên sót mua thứ này thứ kia.
Sẽ không xảy ra chuyện đi về đến nhà rồi thì mới phát hiện ra mình đã
quên mua một vài món hàng cần, tránh được sự bực mình không cần thiết.
Canada là xứ sở của tiêu thụ nên
hàng hóa bày bán luôn đa dạng, chất lượng và phong phú với đủ loại hàng hóa được
nhập về từ các nơi. Trong các gian hàng,
người ta cũng sắp xếp hàng hóa theo thứ tự và rất khoa học, chỉ việc đến khu
hàng có những thứ cần mua, chọn và bỏ vào giỏ là xong.
Trên tất cả những món hàng người
ta cũng luôn ghi gía tiền, trọng lượng, thành phần nguyên liệu, ngày hết hạn,
nguồn gốc xuất xứ cũng như những hướng dẫn sử dụng, thậm chí còn có cả những lưu
ý đặc biệt sẽ có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe… thế nên rất dễ dàng và thuận tiện
cho người mua trong việc chọn những món hàng cần thiết cho nhu cầu.
Tôi thường hay đi chợ vào chiều Chủ
nhật. Trên đường lái xe làm lễ về, tôi dừng
xe ghé ngang khu chợ vào mua đồ cho cả tuần.
Thật là một công hai việc, vừa thuận đường vừa tiết kiệm thời gian. Ở bên này bạn sẽ thấy cảnh một linh mục với cổ
côn trắng trên ve áo, hoặc mặc áo giáo sĩ đi chợ là chuyện bình thường. Mọi người bình đẳng với nhau thế nên đâu có
gì phải mắc cỡ.
Thỉnh thoảng tôi vẫn thường gặp
giáo dân của mình tại các khu chợ. Dừng
lại, mỉm cười, nói đôi lời xã giao với họ như bình thường rồi việc ai người nấy
lo. Đó là chuyện vẫn xảy ra với tôi.
Rau, đậu, trứng, thịt, xương, chuối,
cà chua… là những món hầu như tuần nào tôi cũng mua. Thực đơn mỗi ngày trong tuần của tôi đơn giản
chỉ là vậy.
Xương thì mua về để hầm lấy nước
ngọt nấu canh. Lâu lâu hứng chí thì lấy
ra nấu nồi phở nho nhỏ. Thịt mua về chia
phần ra rồi đem cất trong tủ đông lạnh để dành ăn cho cả tuần, còn trứng là món
‘chữa cháy’ rất hiệu nghiệm, khi cần có thể nhanh chóng chỉ vài phút là có bữa ăn. Mỗi lần mua hai vỉ trứng, mỗi vỉ 12 trái để
dành trong tủ lạnh mấy tuần cũng không sợ hư.
Nói về chuyện trứng, bạn có biết
có ngày tôi ăn đến 6 quả trứng. Sáng 2
quả làm ốp-la ăn với bánh mì; trưa hai quả nữa làm món trứng chiên ăn với cơm
nguội; và bữa tối 2 quả luộc lên dầm nước mắm có thêm chút ớt ăn với rau luộc là
xong bữa!
Nhanh, gọn và dễ làm cho nên nhiều
khi vì ở một mình, chẳng lẽ tôi bày ra đủ thứ món này món nọ để rồi mất thời
gian chuẩn bị và dọn dẹp sau đó? Dù biết
ăn trứng nhiều không tốt nhưng thôi thì ăn trứng cho nó mau.
Bây giờ lan man một chút sang chuyện
nấu ăn. Khiêm tốn mà nói, tôi biết cách nấu ăn và tôi có thể làm được
nhiều món: từ những món căn bản như mì tôm, luộc trứng, nấu cháo, kho thịt, kho
cá, xào rau, xào đậu, sườn rim đến những món có vẻ khó hơn một chút như canh
chua, chiên gà tẩm bột, nấu phở, thậm chí làm chả giò, cá hấp với bánh tráng cuốn
rau sống…. tôi đều có thể làm được tất. Cũng có nhiều món tôi chưa từng
làm và nghĩ mình không thể nấu được vì sự công phu, cầu kì của chúng. Ví
dụ bún bò Huế, mì quảng, bánh xèo…
Những món kể trên tôi nấu có thể
không ngon, không xuất sắc, không đạt trình độ đầu bếp thượng thặng, nhưng công
bằng mà nói cũng tạm tạm chứ không đến nỗi nào.
Nhiều khi làm xong bày ra trên bàn nhìn thấy cũng bắt mắt lắm. Ví dụ món
sườn rim ngọt chặt khúc nhỏ có rắc chút tiêu vàng ươm nóng sốt bày trên đĩa;
hay một tô canh yukini (một loại trái giống như trái bí xanh bên Việt Nam) có rắc
chút hành ngò và chút tiêu còn nghi ngút khói thơm lừng.
Tôi có một bạn trẻ hồi xưa là học
trò Giáo lý Tân tòng của tôi giờ đang ở Mỹ, thỉnh thoảng gọi điện thoại sang thăm
tôi. Cô ta hay hỏi là hôm nay Cha ăn món
gì, có ai nấu cho Cha ăn không, có ngon không?
Khi nghe tôi trả lời là tự tôi nấu lấy và tôi cảm thấy cũng ngon miệng lắm
thì cô ta phán một câu xanh rờn: “Cha ở một mình, Cha ăn Cha khen ngon chứ đâu
có người thứ hai để nhận xét ngon dở thế nào!”. Sic!, chẳng lẽ tôi nói không tin qua đây ăn
thử? Thật đúng là “phúc cho ai không
thấy mà tin”.
Tóm lại là vì sống một mình thì
thôi mình cứ vui hưởng cuộc sống với những khả năng và kinh nghiệm của
mình. Lâu lâu cũng phải biết tự khen
mình để an ủi và lên tinh thần của chính mình chứ.
Đành rằng chuyện nấu, chuyện ăn,
chuyện uống luôn là một nghệ thuật nhưng mà ở có một mình thì nghệ thuật với
ai? Làm sao cho qua ngày, đầy đủ dinh dưỡng
để còn sống mà phục vụ, để tiếp tục vác Thánh giá hằng ngày mà theo Thầy Chí
Thánh là được rồi.
‘Triết lý’ của tôi về chuyện
này là vậy. Ít trang sách kể bạn nghe về
cuộc sống và sinh hoạt cá nhân hằng ngày của tôi.
Mời bạn sau này nếu có dịp đến viếng
thăm giáo xứ của tôi, chắc hẳn rằng tôi sẽ đón tiếp bạn bằng hết khả năng của
mình, sẽ trổ tài phục vụ nấu cho bạn ăn một bữa cơm ngon lành với đầy đủ ba món
chính theo bữa ăn truyền thống của dân Việt: món xào, món kho mặn và món canh; đồ
ăn tráng miệng sẽ là chuối cắt nhỏ ăn với kem.
Chắc rằng ăn xong bạn sẽ xoa bụng gật gù khen ngon và đòi đi
nằm nghỉ với cái bụng căng tròn. Nhưng
không, thưa với bạn, ở với một linh mục nên không được phép đi nằm nghỉ ngay
sau bữa ăn. Theo thói quen ăn xong cơm
chiều là phải lần hạt một chuỗi Mân côi đủ 50 kinh trọn không hơn không thiếu. Nếu bạn cảm thấy không ngao ngán chuyện đọc
kinh dài lê thê; và chuyện lần hạt Mân côi ngay sau bữa ăn với bạn mà là chuyện
nhỏ thì xin mời bạn đến ghé thăm tôi.
Xin sẵn sàng welcome!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét