Bạn thân mến,
những câu chuyện vui buồn xung
quanh đề tài tang lễ -- ‘nghĩa tử nghĩa tận’ theo văn hóa Tây đã được kể. Bây giờ xin mời bạn nghe những câu chuyện
khác về đám cưới, hôn lễ của Tây. Đã kể
những chuyện về tang lễ, chia ly tử biệt thì cũng phải kể về những gì liên quan
đến song hỉ, hôn nhân trong văn hoá Tây thế mới công bằng.
Khác với Việt Nam , tổ chức đám
cưới thường là vào dịp cuối năm; bên này người ta chọn mùa Hè. Lý do chính vì đây là khoảng thời gian đẹp nhất
trong năm, thời tiết tốt, trời trong xanh quang đãng, nắng đẹp, cây cối xanh tươi
và là dịp thuận tiện để mọi người từ xa có thể trở về đoàn tụ, quây quần bên
nhau. Mùa Xuân thì tiết trời vẫn còn lạnh
và vì mới trải qua mùa Đông dài lạnh lẽo nên cần phải có thời gian đủ để chuẩn
bị, theo kiểu người Việt chúng ta vẫn hay nói là cần có ‘ngày rộng tháng dài’
hay ‘ra Giêng anh cưới em!!!’. Chính vì thế không lạ gì khi bên này người ta
thường chọn mùa Hè trong năm để cử hành hôn lễ, tổ chức đám cưới.
Để chuẩn bị cho hôn lễ, người ta
thường lên kế hoạch từ trước đó một năm, có khi xa hơn nữa. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cú điện
thoại gọi đến văn phòng giáo xứ để hỏi về những thủ tục cần thiết cho đám cưới,
hoặc để xin giữ ngày trước của năm sau cho hôn lễ. Nhưng thật trớ trêu là thỉnh thoảng cũng có
những cú điện thoại gọi đến không để hỏi về những vấn đề quan trọng cần thực hiện
mà lại quá chú trọng đến những chuyện đại loại như: ‘Có phải nhà thờ của Cha
đẹp lắm đúng không; rằng có phải nhà thờ của Cha có lối đi từ dưới lên gian
cung thánh khá dài, có kiến trúc đẹp, cổ kính, và trang trí bên trong rất đẹp?’ Khi nhận những cú điện thoại như vậy tôi vẫn
hay thắc mắc là tại sao anh / chị lại muốn biết những chi tiết như thế, và câu
trả lời thường nhận được là chúng tôi muốn làm đám cưới ở nhà thờ của Cha! Bạn đọc đến đây, bạn nghe tôi kể như vậy bạn
có cảm nghĩ gì không?
Nhìn chung, việc tổ chức Hôn nhân
bên này cũng giống bên Việt Nam . Cô dâu, chú rể cũng phải ra tòa thị chính để
làm thủ tục kết hôn hợp pháp theo luật định, rồi cũng phải liên hệ với linh mục
sở tại trước đó ít nhất 6 tháng, nếu một hoặc hai bên là Công giáo; và nếu họ
muốn cử hành hôn lễ trong nhà thờ. Tôi
nói là nếu họ muốn cử hành hôn lễ của họ trong nhà thờ vì thật ra có khá nhiều
cặp hôn phối dù một, hoặc có khi cả hai bên là Công giáo nhưng vì lòng đạo khô
khan nguội lạnh, họ không còn muốn cử hành hôn lễ trong nhà thờ nữa. Họ cử hành hôn lễ ở ngoài nhà thờ, trong công
viên, ngoài bờ hồ, trong những địa điểm sinh hoạt của cộng đồng, thậm chí có
khi ngay khoảng sân trống phía sau nhà. Đó
là một sự thật đáng buồn không thể phủ nhận cho hiện tình sống đạo của người Canada .
Một chi tiết khá đặc biệt khác mà
tôi muốn kể cho bạn nghe ở đây là luật pháp đời cũng công nhận quyền chứng hôn
của hàng giáo sĩ. Điều đó cũng có nghĩa
là một giáo sĩ, kể từ khi chịu chức phó tế sẽ có quyền chứng hôn hợp pháp. Các giấy tờ, văn bản liên quan đến cuộc hôn
nhân ấy một khi đã được vị giáo sĩ ấy ký nhận thì cũng được xã hội và luật pháp
đời công nhận.
Chính vì thế mà ngay khi vừa chịu
chức phó tế, tôi đã được Tòa Tổng Giám mục Regina
nộp hồ sơ lên Chính phủ tỉnh bang xin cấp một văn bằng để tôi có thể chứng hôn
hợp pháp trên toàn lãnh thổ Canada . Văn bằng này có một mã số quy định và có hiệu
lực vô thời hạn, cho phép tôi có quyền chứng hôn và ký giấy xác nhận cho những đôi
bạn mà tôi sẽ cử hành hôn lễ.
Sau khi chứng hôn cho đôi bạn, tôi
chỉ cần điền tên mình và số hiệu có trên văn bằng, rồi ký vào các mẫu đơn hôn
phối của chính phủ, gửi đi cho Văn phòng Hôn nhân gia đình của tỉnh bang và thế
là hôn nhân của họ được công nhận là hôn nhân hợp pháp.
Bây giờ tôi kể để bạn có được một
cái nhìn tổng quát về hôn lễ của người Tây.
Hai người, hai nhân vật chính trong cuộc phải đầu tư khá nhiều thời gian
và công sức, tiền bạc cho ngày thành hôn.
Họ chuẩn bị từ rất xa và rất tốn kém.
Tuy nhiên, họ thường rất chú trọng đến những hình thức bên ngoài, nói
theo ngôn ngữ tiếng Việt thời a-còng hiện nay là sao cho hoành tráng thế
là được. Họ chăm chút từng chi tiết, từ
thiệp mời đến quần áo, trang trí trong nhà thờ… Họ coi trọng và rất coi trọng
hình thức và chủ yếu là sự trình diễn chứ ít chú trọng đến ý nghĩa và tầm quan
trọng và sự kết ước bền vững của hôn nhân.
Họ, đại đa số, tôi cho rằng có đến
99% các cặp hôn phối đã sống chung với nhau rồi mới tính đến chuyện làm đám cưới. Sống chung trước hôn nhân. Đó là một sự thật, một sự thật phổ biến trong
xã hội phương Tây. Năm lý do sau đây có
thể dùng để giải thích cho chuyện này:
1.
Người ta luôn đề cao tự do cá nhân.
Thanh niên nam nữ, một khi đến tuổi trưởng thành (17 tuổi), họ có thể
làm bất cứ điều gì họ muốn. Cha mẹ hay
những bậc cao niên không có quyền ngăn cản hay ra những ý kiến áp đặt trên tự
do của con cái.
2.
Ở xã hội bên này người ta không coi trọng chuyện tình cảm đã trải qua
trong quá khứ như thế nào của nhau, người ta không chú trọng đến chuyện trinh
tiết của phụ nữ. Quan niệm và văn hóa của
họ về “tiết hạnh” của người phụ nữ thông thoáng và đơn giản hơn nhiều lần so với
người Việt Nam. Thông thoáng và đơn giản
một cách đáng sợ!
3.
Đến tuổi trưởng thành, họ rời khỏi mái ấm gia đình, thế nên họ có tự do;
họ ở ngoài tầm kiểm soát của Cha Mẹ, dù rằng đó là sự “kiểm soát bị giới hạn”,
nghĩa là nếu cần Cha Mẹ chỉ có thể góp lời khuyên chứ không được áp đặt trên
quyền tự do của con cái.
4.
Do chủ nghĩa hưởng thụ, lạc thú cá nhân; và cũng do xã hội có khuynh hướng
bình thường hóa chuyện này. Thế nên nam
nữ gặp nhau, nếu muốn có thể chung sống tự do với nhau, thỏa mãn chính mình trước. Tình dục trước đã, hôn nhân tính sau.
5.
Bản ngã, cái tôi của mình là quan trọng nhất. Tôi là quan trọng nhất, tôi là số một, là chủ
thể chính. Tôi làm và tôi chịu trách nhiệm
về những gì tôi làm. Tôi muốn, tôi thích
thì tôi sẽ làm.
Trở lại chuyện sống chung trước
hôn nhân, có nhiều cặp tôi làm đám cưới, qua lời khai của họ, tôi biết họ đã ‘góp
gạo thổi cơm chung’ trong nhiều năm trời, và bây giờ khi kết hôn, con cái của
họ cũng tham dự bởi họ đã sống chung với nhau khá lâu từ trước đó.
Còn nhớ khi ở Việt Nam, tôi cũng
có nhiều lần làm các thủ tục điều tra hôn phối cho các đôi bạn, nếu gặp phải cặp
nào đã sống chung với nhau trước hôn nhân, tôi thường bắt gặp sự xấu hổ, lúng
túng, ngượng ngùng của họ khi phải thành thật khai nhận câu chuyện. Nhưng bên này thì không như vậy, mặt họ luôn
bình thản khi cung cấp thông tin về chuyện sống chung với nhau mà không lộ chút
áy náy, bối rối hay ngại ngần.
Tôi cũng muốn kể cho bạn nghe về sự
tự do và trưởng thành của đôi bạn. Hai
người, hai nhân vật chính trong cuộc tự làm lấy tất cả, tự lo lấy mọi chuyện, từ
tài chính đến chuyện lên lịch chọn ngày đám cưới, tổ chức như thế nào, địa điểm,
khách mời..., họ làm tất cả. Cha Mẹ chỉ
là những cố vấn và phụ giúp một phần việc nào đó cho đám cưới của họ mà
thôi. Ở Việt Nam, hôn nhân của hai người
vẫn còn được Cha Mẹ đôi bên can thiệp, mức độ nhiều hay ít tùy thuộc vào nhiều
yếu tố khác nhau. Theo thiển nghĩ của
tôi, những sự can thiệp ấy là một yếu tố tích cực giúp các đôi bạn định hướng
và hỗ trợ cho họ trong giai đoạn khởi đầu của hôn nhân. Tuy nhiên, các bậc làm Cha Mẹ cũng cần ý thức
là phải có một giới hạn cần thiết và đừng quá lạm dụng quyền hạn của mình, bởi
nếu không chúng lại là những ngăn trở khiến đôi bạn không có nhiều tự do để hoạch
định tương lai hay không còn chủ động để có thể tự lo cho cuộc đời mình.
Còn về vấn đề tôn giáo, đương
nhiên theo Giáo luật là họ cũng phải theo học các khóa hôn nhân và làm các thủ
tục cần thiết như điều tra hôn phối, các thủ tục này thường cũng mất khá nhiều
thời gian. Theo quy định của Tòa Giám mục,
tôi phải gặp gỡ một cặp muốn cử hành hôn phối ít là 3 lần để chuẩn bị cho họ trước
khi cử hành hôn lễ ở nhà thờ.
Cuối cùng tôi muốn nói thêm cho bạn
biết là kể từ khi chịu chức phó tế, rồi làm linh mục cho đến nay, tôi cũng đã từng
chứng hôn cho nhiều cặp hôn phối. Nhưng
duy chỉ có một lần tôi được vinh dự cử hành thánh lễ hôn phối. Họ không thích, không muốn vì lễ cưới dài, mất
thời gian, điều họ muốn chỉ là cử hành lễ nghi hôn phối đơn giản bao gồm phụng
vụ lời Chúa và nghi lễ hôn phối, bên Việt Nam chúng ta hay gọi là phép
giao.
Kể bạn nghe những chi tiết liên
quan như thế rồi. Bây giờ xin vào những
chuyện vui buồn trong đám cưới của Tây.
1.
Như đã nói sơ qua phía trên. Một
hôm tôi nhận một cuộc điện thoại của một người phụ nữ gọi đến từ một thành phố
khác hỏi tôi là muốn làm đám cưới ở nhà thờ của tôi. Chị ta đã ‘sỗ sàng’ hỏi thẳng tôi về lệ
phí phải trả cho một linh mục để được làm đám cưới trong nhà thờ. Thú thật với bạn là tôi cảm thấy những câu hỏi
như vậy xúc phạm đến lòng tự trọng của tôi nhiều lắm. Là linh mục, chúng tôi cử hành bí tích để ban
phát các mầu nhiệm Thánh, để chuyển ban ân sủng của Chúa cho nhân loại chứ
không làm thương mại, không buôn bán ân sủng của Chúa. Tất cả đều miễn phí và là hồng ân Chúa ban tặng
nhưng không, các Kitô hữu đều hiểu và phải hiểu như vậy. Chính vì thế, khi nghe cô ta đặt vấn đề về lệ
phí phải trả, lòng tôi đã bắt đầu ‘dậy sóng!’. Nhưng chưa hết, sự khó chịu ấy càng gia tăng
khi đi vào các chi tiết khác. Khi tôi hỏi
ngược lại là tại sao cô lại muốn làm đám cưới ở đây trong khi cô không thuộc địa
bàn giáo xứ do tôi phụ trách? Chị ta đã
nhanh chóng trả lời là vì nhà thờ của Cha đẹp lắm, chụp hình sẽ rất đẹp, lối đi
từ cuối nhà thờ lên gian Cung Thánh đủ dài và chắc chắn khi lên phim sẽ rất đẹp! Đó là một câu trả lời rất ‘thật thà’
mà tôi từng nghe.
Tôi đã bị choáng thật sự khi nghe
câu trả lời như thế. Dù thật lòng đến đâu
đi chăng nữa, tôi cũng tự nhủ thà không nghe thì hơn. Nhưng thật buồn thay là tôi nghe và đã nghe được
như vậy.
Tôi đã mất thời gian giải thích
cho cô ta hiểu về tầm quan trọng của bí tích hôn nhân, về các lệ phí phải trả
là trả cho nhà thờ, trả cho các chi phí về điện, và cơ sở vật chất chứ không phải
cho linh mục. Tôi đã mất thời gian để
giúp cô ta hiểu chúng tôi được truyền chức, được kêu gọi làm linh mục là để phục
vụ, để đem mọi người đến với Chúa, để đem mọi người về với Chúa chứ không phải để
thu vén lợi ích cho riêng mình; rồi tôi cũng mất thời gian giúp cô ta hiểu thế
nào là sự hân hoan của ‘tay trong tay bước vào Nhà Chúa’, của sự nghiêm
túc trao nhau lời thề nguyện trọn đời chung thủy bên nhau chứ không phải chuyện
dùng nhà thờ làm phông nền cho chuyện quay phim, chụp ảnh trong hôn lễ… Tóm lại là hôm đó tôi đã nói khá nhiều, mất
nhiều công sức nhưng cũng phải luôn cố gắng dằn lòng mình lại để giữ bầu khí nhẹ
nhàng không xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
Cuộc điện thoại vừa dứt thì tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng vì sự
cố gắng chiến thắng bản thân để giữ một thái độ bình tâm. Dù kết quả thật tốt đẹp, cô ta hiểu được những
điều tôi muốn giải thích, và cuối cùng cũng thuận theo ý tôi muốn, nhưng quả thật
lòng tôi thấy ngao ngán và buồn lắm thưa bạn.
2.
Một vấn đề khác. Khi thực hiện
các thủ tục điều tra hôn phối, tôi phải hỏi đến vấn đề thực hành đạo, và câu hỏi
thường được đặt ra là anh (chị) có thường xuyên đến nhà thờ tham dự thánh lễ
không? Câu trả lời mà tôi thường nghe được
là không! Họ chỉ đến nhà thờ vào hai dịp
lễ trọng đại nhất trong năm là Giáng sinh và Phục sinh. Còn các Chủ nhật khác trong năm thì không bao
giờ có mặt, hoặc nếu có cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay!
Người ta không đến nhà thờ tham dự
Thánh lễ, chỉ có người già mới chịu khó tìm đến với Chúa mà thôi. Thanh niên nam nữ và thiếu niên, thiếu nhi
thì rất ít. Đó là hiện tình sống đạo và
giữ đạo của người phương Tây. Nhà thờ rất
đẹp, cổ kính và tiện nghi, nhưng không ít nhà thờ đã phải đóng cửa vì không có
giáo dân đến tham dự Thánh lễ, trong khi chi phí bảo trì, tu sửa thì không ngừng
gia tăng. Không có giáo dân tham dự, điều
đó cũng có nghĩa là số tiền quyên góp sẽ không có, ngân sách sẽ thiếu hụt và
lâu dần nhà thờ sẽ phải đóng cửa, đó là một chuyện đương nhiên.
Đại đa số người Canada vẫn tuyên bố
mình là Kitô hữu nhưng không thực hành những gì căn bản nhất liên quan đến đức
tin như giữ bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật. Đó là một sự thật đáng buồn, đáng lo và luôn
làm đau đầu các nhà lãnh đạo tôn giáo. Bạn
có biết vào các Chủ nhật tôi phải lái xe 100km đường xa, từ nhà thờ chính đến
hai họ lẻ để dâng lễ. Nhưng phải nói thật
là số giáo dân tham dự thánh lễ nhiều khi còn thua... số cột trong nhà thờ. Vật chất dư thừa, đời sống tiện nghi và có
quá nhiều hấp lực thu hút con người nên họ có cả ngàn lý do nại ra để bỏ lễ Chủ
nhật mà không hề áy náy.
Có thể bạn đã từng nghe ai đó nói ở
bên Tây phương này, người dân chỉ đến nhà thờ vào những dịp Rửa tội, đám cưới
và đám tang. Và đó là một sự thật. Khi còn nhỏ, cha mẹ đem con đến nhà thờ xin rửa
tội; lớn lên đến nhà thờ làm đám cưới; và khi chết, người ta khiêng mình vào
Nhà Thờ làm đám tang thế là xong!
Một điều thật lạ là họ vẫn biết bí
tích Rửa tội là quan trọng, vẫn muốn cho con mình gia nhập Giáo hội, làm con
Chúa, con của Giáo hội nhưng không làm gương cũng như không khuyến khích con
mình thực hành chuyện sống đạo và giữ đạo.
Khi lo cho con cái rửa tội xong, họ bỏ mặc tất cả. Con cái của họ không biết đến nhà thờ là
gì. Chúng rất ít khi đi lễ, nếu có đi là
đi với Ông Bà Nội hay Ngoại chứ cha mẹ thì vắng bóng.
Sau đó khi lo cho con đi học, họ cũng
muốn cho con mình được học ở các trường học Công giáo dù có thêm những khoản
chi phí phải trả so với các trường công, hay các trường của nhà nước. Ở hệ thống giáo dục của các trường Công giáo
cũng có những lớp học về tôn giáo nhưng những lớp này thường không được chú trọng
đủ, rất yếu kém về chất lượng bởi chính các giáo viên cũng không biết, không thực
hành chuyện đạo nghĩa. Các em được dạy rất
sơ sài và thiếu sót rất nhiều. Do vậy
nhiều lần khi đến thăm các em học sinh ở những trường Công giáo mà tôi làm
tuyên úy, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ chỉ để dạy cho các em biết làm những việc
rất đơn giản như cách làm dấu Thánh giá, hướng dẫn chúng đọc kinh hay dạy chúng
cách cầu nguyện…
Nhiều và rất nhiều cặp hôn phối mà
tôi có dịp gặp gỡ không biết gì hết và không có những nền tảng căn bản về giáo
lý kinh nguyện và thánh lễ. Viết đến đây,
tôi nhận thấy hệ thống giáo dục đức tin của các giáo xứ bên Việt Nam quả thật
là hữu hiệu và giá trị. Sau Thánh lễ Chủ
nhật, các em sẽ ở lại tiếp tục việc học giáo lý, từ xưng tội, rước lễ lần đầu,
rồi thêm sức, giáo lý bao đồng, hay các khóa giáo lý hôn nhân, dự tòng được tổ
chức thường xuyên trong năm cho các bạn trẻ…
Bên này thì không. Các linh mục,
những giáo dân có khả năng, thiện chí có kêu gào, có năn nỉ, có sẵn sàng hy
sinh đứng ra tổ chức các hoạt động này nọ, cũng không được giới trẻ đáp ứng. Họ có quá nhiều niềm vui bên ngoài xã hội hấp
dẫn họ hơn nhiều so với chuyện hy sinh đến nhà thờ để đào luyện đức tin, học hỏi
để làm tăng thêm kiến thức, sự hiểu biết tôn giáo…
Ấy vậy mà khi được đề nghị cần làm
một điều gì đó tích cực hơn để thay đổi, cải thiện đời sống đạo thì họ thường
miễn cưỡng ngồi nghe, nghe với một thái độ thụ động và ơ hờ!
Cũng đã có người thẳng thừng nói với
tôi: họ không muốn nghe những lời động viên tham dự thánh lễ, không muốn được
khuyến khích cầu nguyện vì họ cho rằng họ đã biết đủ và với họ như thế là tốt rồi.
Thú thật với bạn khi gặp những
tình huống trên tôi rất buồn. Buồn và thất
vọng vì thấy họ là những người trẻ mà đức tin không được dựa trên những nền tảng
quan trọng là Lời Chúa và các bí tích; là cầu nguyện và các sinh hoạt trong
lòng Giáo hội. Có thể nói họ, (tôi đang
nói về người trẻ bên này) hầu như không có gì, không nên tảng căn bản,
không kiến thức Giáo lý, Thánh Kinh… tất cả chỉ là những tâm hồn trống vắng sự
hiện diện của Thiên Chúa. Chính Đức
Giêsu đã có lần than thở: “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng
tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8).
Tôi tin rằng nếu ở trong thời đại hôm nay, chắc hẳn Ngài cũng sẽ phải thốt
lên những lời khác nặng nề và day dứt hơn.
Thưa bạn, ngẫm nghĩ về những lời ấy, tôi thấy rằng lời ấy là một sự cảnh
báo nghiêm khắc cho chúng ta. Chúng ta cần
và rất cần phải làm công việc tái truyền giáo cho mọi người, và trên hết là cho
chính chúng ta.
3.
Thích hình thức màu mè và như phim ảnh.
Tôi nhớ lại vào thời điểm đến nhận giáo xứ Thánh Giuse, Moose Jaw theo
bài sai của Đức Giám mục thì đó cũng là thời điểm của mùa cưới. Ngay đám cưới đầu tiên mà tôi cử hành, họ cho
tôi biết họ đã chi gần 5 ngàn dollars cho việc chụp hình trước và trong hôn lễ
của họ. Tôi đã bị choáng khi nghe họ kể
như thế thưa bạn. Nhưng sau này lâu dần
thì cũng quen, tôi không còn mấy ngạc nhiên bởi đó là chuyện bình thường trong
xã hội và văn hóa ở đây, dù thỉnh thoảng khi nghe nói đến thì cũng vẫn còn thắc
mắc có cần thiết không chuyện chi một số tiền quá lớn như vậy?
Trước lễ cưới họ thường rủ nhau ra
công viên hay những nơi thắng cảnh để chụp hình, làm những đoạn video clip và
thường mất mấy ngày. Mất thời gian, công
sức và số tiền chi trả không bao giờ nhỏ.
Đám cưới của họ ở nhà thờ thường được
tổ chức giống như phim ảnh. Chú rể và bốn
hay năm phù rể sẽ tiến ra Cung thánh từ phòng mặc áo, đi từng người, từng người
một trong tiếng nhạc nền được phát ra từ CD; rồi sau đó đến lượt phía cô dâu, cũng
có từ bốn tới năm cô phụ dâu, từng cô một, tay cầm hoa, tiến lên gian Cung
thánh từ phía cuối nhà thờ. Họ đi từ tốn,
từng bước, từng bước một, đương nhiên cũng là bước đi trong điệu nhạc không lời,
họ đi mà như là trình diễn thời trang vậy, nhìn họ chảnh và thú thật nhiều khi
cũng ngứa con mắt lắm; và sau cùng là cô dâu xuất hiện. Đến lúc đó thì tôi, trong tư cách là Chủ hôn
phải lên tiếng mời mọi người đứng dậy, lúc ấy cô nàng mới xuất hiện, đỏm dáng
trong bộ váy dài tha thướt, hai bên là phụ thân, phụ mẫu tươi cười bước lên
gian cung Thánh, nơi có chú rể, các chàng phụ rể, các nàng phụ dâu đang xếp
hàng chờ sẵn.
Thỉnh thoảng cũng có cặp còn muốn được
tung hoa bởi hai em nhỏ đi phía trước, cô dâu đi đến đâu chúng tung hoa đến đó
trong tiếng nhạc và ánh chớp flash của các máy chụp hình, quay phim. Báo hại chỉ khổ thân tôi, sau đó phải lo dọn
dẹp, dùng máy hút bụi để làm sạch nhà thờ chuẩn bị cho Thánh lễ chiều thứ Bảy
thay Chủ nhật. Rất hình thức và nặng
tính trình diễn nhưng tôi không thể ngăn cản họ không được làm vì những gì họ
muốn làm đã là một phần trong văn hóa của họ.
Những chi tiết còn lại tôi muốn kể
để bạn biết là các đám cưới bên này thường là vào chiều thứ Bảy. Bình thường thì chỉ có một, nhưng cũng có khi
có đến hai đám cưới cùng trong một ngày, lúc 1 giờ và 3 giờ chiều. Nhưng thường thì đám cưới xong, đôi tân hôn
và họ hàng hai bên vui vẻ ra về để lại mọi chuyện trong nhà thờ cho ông Cha tự
xử. Ông Cha sẽ phải đi thổi nến, tắt điện,
rồi nhặt rác là các loại giấy lau mặt, các bông hoa vương vãi, thu dọn sách hát
vì họ lấy ra khỏi kệ mà không xếp lại vị trí cũ, rồi phải khiêng hai cái ghế của
đôi tân hôn trả về chỗ cũ, thu dọn các loại giấy tờ hôn phối, rồi chuẩn bị làm
lễ chiều thứ Bảy... Đó là phần việc lặt vặt tôi phải làm sau hôn lễ của họ. Như đã nói, tôi đã chứng hôn cho nhiều cặp nhưng
tuyệt nhiên, chưa bao giờ tôi nhận được một lời đề nghị làm giúp hay chia sẻ với
tôi công việc ấy từ những người tham dự đám cưới. Chưa bao giờ, thưa bạn! Tất cả, tự tay tôi phải làm lấy hết.
Các linh mục chúng tôi thỉnh thoảng
khi có dịp ngồi lại bên nhau thường hay nói vui với nhau là sau sáu, bảy năm học
Chủng viện, tốt nghiệp và ra trường với mảnh bằng cao học thần học, chịu chức
linh mục rồi làm những việc phục vụ như dọn bàn, dọn ghế cho cô dâu chú rể, chứng
hôn và chứng kiến hạnh phúc nên duyên của bao người; rồi khi được việc, xong việc
họ nhanh chóng rời bỏ mình thì cũng thấy có gì đó dễ làm mình tủi thân, và phải
chăng đó cũng là một trong những lý do khiến thanh niên bên này không muốn đi tu
làm linh mục?
Bạn thân mến, đó là những gì tôi
muốn kể cho bạn nghe trong bài viết này.
Một cái nhìn tổng quát về đám cưới Tây, những nét văn hóa trong hôn lễ của
họ, các quan niệm khác nhau về cuộc sống hôn nhân và tiền hôn nhân, và về tinh
thần sống đạo của họ… Tôi chỉ viết, chỉ kể
để bạn nghe về những gì tôi đã và đang trải qua trong cuộc đời phục vụ
trong tư cách là linh mục của mình. Xin
tạm ngưng nơi đây và xin hẹn gặp bạn trong bài viết tiếp theo.
Kỷ
niệm 3 năm ngày chịu chức phó tế
14.09.2008 -- 14.09.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét