Thưa bạn,
Chuyện mà tôi sắp chia sẻ sau đây
sẽ giúp bạn hình dung một phần công việc mục vụ của một linh mục phục vụ trong
một cộng đoàn Tây như thế nào. Sinh ra
và lớn lên ở Việt Nam , tôi cũng
đã từng có một khoảng thời gian nhiều năm dài sinh hoạt và phục vụ tại các giáo
xứ ở Đồng Nai và Sài Gòn trước khi sang Canada tu học, chịu chức làm linh mục
rồi phục vụ tại đây. Nhưng tôi chưa hề
thấy một sự việc tương tự như thế này xảy ra bên Việt Nam . Nó có khá nhiều tình tiết lạ kỳ nên tôi nghĩ
mình nên kể cho bạn nghe. Nghe không phải
để cho vui mà là để thương, để đồng cảm với những người trong cuộc và biết đâu
cũng sẽ là cơ hội tốt giúp bạn suy nghĩ về giá trị bền vững của Hôn nhân Kitô
giáo; và nếu được vậy chắc hẳn cũng sẽ giúp ích ít nhiều cho cuộc sống hôn nhân
của chính bạn hiện nay và mai sau.
Chuyện là thế này: Hôm đó là một
buổi chiều thứ Sáu trong tháng 8 (năm 2010).
Tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng của mình ở giáo xứ thì nhận được
một cú điện thoại từ Sở Công bằng Xã hội (The Social Justice Offcie). Cô nhân viên ở đó tha thiết xin tôi, trong tư
cách là một linh mục, giúp cho họ một việc mà theo cô nói là vượt quá khả năng
của họ. Thoạt đầu tôi cũng phân vân do dự
vì chưa biết là việc gì, rồi cô ta giải thích, cung cấp thêm thông tin và nhiều
chi tiết khác giúp tôi hiểu được phần việc phải làm như thế nào nên cuối cùng
tôi quyết định đồng ý giúp cho họ công việc ấy.
Công việc khá đơn giản. Tôi chỉ cần có mặt ở văn phòng của mình vào đúng
6g chiều theo những ngày đã được quy định và rồi ở vào thời điểm đó sẽ có một cặp
vợ chồng lần lượt đem con của mình đến, kẻ trước, người sau cách biệt trong một
khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Một
người sẽ phải đến ở cửa trước và một người sẽ phải đến ở cửa sau của văn phòng
giáo xứ. Xin được nhắc lại với bạn là họ
phải đến ở hai cửa trước và sau, tuyệt đối sẽ không có chuyện hai người đến
cùng một lúc và vào cùng một cửa. Phần
tôi, tôi có nhiệm vụ mở cửa cho họ, đón tiếp họ và đứa bé vào trong văn phòng của
mình, rồi chờ người đến sau. Khi người
thứ hai đến, tôi sẽ lại ra mở cửa và đưa đứa bé đã đến trước cho người đến sau
và dẫn đứa bé đến sau đem ra giao cho người đến trước. Công việc chỉ có vậy, thật đơn giản và chỉ mất
chừng vài phút là hoàn thành nhiệm vụ.
Cô nhân viên sở Công bằng Xã hội
giải thích cho tôi rằng đây là một cặp vợ chồng có hai con đã ra toà ly dị cách
đây gần sáu tháng. Các thủ tục pháp lý về
ly dị đã hoàn tất, chỉ một vấn đề còn chưa giải quyết được là chuyện trách nhiệm
trông nom và nuôi giữ con. Trong khoảng
thời gian gần nửa năm qua, họ đã chọn khu vực đậu xe của một siêu thị để làm
công việc chuyển giao con cho nhau. Nhưng
đã rất nhiều lần cảnh sát phải có mặt để can thiệp vì hai người không ai chịu
ai, cứ thấy mặt nhau là lớn tiếng gấu ó, miệt thị, chửi rủa, xúc phạm lẫn
nhau. Xét thấy sự xúc phạm nhau của hai
người lớn trước mặt hai đứa trẻ sẽ có tác động xấu, làm tổn thương đến tâm lý của
chúng nên họ đã phải di chuyển địa điểm giao nhận con sang nhiều khu vực khác
nhau nhưng cũng không thành công. Họ đã
mất khá nhiều công sức, đau đầu để tìm kiếm một địa điểm thích hợp cho việc này
nhưng vẫn không thành công và cuối cùng giải pháp tốt nhất được tìm ra là khu vực
nhà xứ, nhà thờ và sự hiện diện của một linh mục cho phần việc đó.
Sau khi đã hiểu rõ câu chuyện, tôi
đồng ý làm phần việc này với đôi chút cảm giác ngậm ngùi và chua xót. Hôn nhân tan vỡ và hậu quả của sự tan vỡ ấy
là vô cùng lớn không chỉ cho bản thân của hai người trong cuộc mà còn liên lụy,
ảnh hưởng đến con cái và xã hội. Nhiều
và rất nhiều hệ lụy tiêu cực xảy ra khi hôn nhân tan vỡ, nó ảnh hưởng xấu đến
biết bao nhiêu người và làm thành gánh nặng cho xã hội và cho những ai muốn xây
dựng một cuộc sống thanh bình và êm ả.
Ngày đầu tiên và ngày thứ hai diễn
ra suôn sẻ, dường như không có gì để nói.
Người đến trước luôn là anh chồng, một người Canada da trắng to lớn, vạm vỡ và
khoẻ mạnh. Anh ta dẫn theo một người phụ
nữ và giới thiệu với tôi là bạn gái của anh ta.
Trời ạ, chia tay chưa được 365 ngày mà đã đèo bồng thêm người khác, tay
này thật là can đảm và anh hùng, nói theo kiểu Việt Nam là điếc không sợ súng
hay có thể nói là thấy quan tài mà không đổ lệ. Đi theo hai người là một bé trai khoảng 10 tuổi. Tôi đưa họ vào văn phòng của mình, mời họ ngồi
và câu chuyện mới chỉ bắt đầu được đôi ba phút thì tiếng chuông cửa trước lại
rung lên. Tôi phải đứng dậy, cắt ngang
câu chuyện để ra đón tiếp người phụ nữ là vợ cũ của anh ta. Chị này cũng là một người da trắng, cũng to,
cao và mang dáng vẻ nặng nề, phục phịch.
Đi theo chị là một bé gái chừng 5 tuổi rất dễ thương và xinh xắn. Theo lời căn dặn của cô nhân viên làm ở Sở
công bằng Xã hội thì tôi phải chặn người phụ nữ này lại ngay tại cửa chính,
không cho chị ta tiến vào sâu hơn. Tôi
chào hỏi, tự giới thiệu mình ngay tại đó, rồi dẫn bé gái vào để giao cho người
bố, rồi dẫn cậu bé ra trao cho người mẹ.
Đợi cho tiếng chào tạm biệt vang lên, tiếng cài khóa cửa vừa dứt thì hai
người trong văn phòng của tôi cũng xuất hiện ở hành lang dẫn theo bé gái để
chào tạm biệt tôi và ra về. Đó là chuyện
xảy ra ở lần thứ nhất và thứ hai cách nhau một tuần.
Nhưng đến lần thứ ba thì bắt đầu
có phiền toái xảy ra. Anh chồng đã đến
không đúng giờ hẹn vì một tai nạn va chạm xe trên đường. Tôi đã phải ngồi tiếp chuyện người phụ nữ và đứa
bé con của chị trong vòng gần một tiếng đồng hồ khi mà cái bụng của tôi đang bắt
đầu sôi lên vì đói. Lần này, vì phép lịch
sự tối thiểu và cũng không thể cứ đứng ở cửa mà đợi chờ người chồng đến, tôi mời
chị ta tạm vào phòng khách ngồi chờ. Thế
là bắt đầu một màn tra tấn. Chị ta than
phiền, kể lể tội tình của chồng bằng một giọng chua chát và căm hận. Chị ta nói về một người đã từng tay kề tay, gối
kề gối của mình bằng những lời lẽ hết sức nặng nề và không ngừng kết tội, lên
án anh chồng. Tôi đã phải nghe và hứng
chịu trong suốt gần 45 phút đồng hồ cơn thịnh nộ mà chị luôn muốn và sẵn sàng
dành cho ông chồng nếu có cơ hội. Thú thật
với bạn là sau lần nói chuyện này, tôi ít nhiều có được những kinh nghiệm quý
báu về sự tự do độc thân và gánh nặng trong hôn nhân gia đình. Cuối cùng thì anh ta cũng đến, tôi lại phải
nhanh trí và nhanh chóng sắp xếp sao cho họ không chạm mặt nhau vì nếu không rất
có thể “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”, thiệt oan uổng lắm thay!
Nếu có thể kể thêm, còn nhiều sự
phiền muộn khác, đó là chuyện họ luôn chọn đến vào giờ cơm chiều của tôi. Nhiều khi đang nấu cơm, đang làm thức ăn hoặc
đang ăn cơm chiều thì tiếng chuông cửa vang lên... tôi đành phải bỏ dở chuyện của riêng mình đang
làm để đón tiếp họ. Lâu dần, tôi đành phải
thay đổi giờ cơm chiều của mình vì họ.
Hoặc như thái độ của người phụ nữ
khi đến đón hay giao hai đứa bé. Chị ta
luôn lạnh lùng và khó chịu. Thái độ của
chị ta làm cho tôi có cảm nghĩ rằng tôi đang làm một công việc mà tôi phải
làm. Nhiều khi không thèm thốt lên một lời
chào, không bật ra được một lời cảm ơn khi giao và nhận con.
Mọi chuyện cứ diễn ra đều đặn một
tuần hai lần như thế cho đến khi tôi phải vắng nhà một tuần để dự kỳ tĩnh tâm năm
của các linh mục. Cặp vợ chồng này đã được
thông báo lý do tôi phải vắng mặt nên họ phải chuyển địa điểm giao nhận con tại
nhà xứ sang nhà trẻ. Tại đó, vì không có
người thứ ba làm trung gian nên ngay lần thứ nhất họ đã trực diện gặp mặt nhau,
chuyện cũ lại bùng lên, họ lại lao vào hành hạ nhau bằng những lời nói nặng nề,
nhiếc móc, sỉ nhục nhau… Chưa hết, người phụ nữ, sau khi về đến nhà đã gọi điện
thoại cho cảnh sát cáo buộc anh chồng có ý đồ muốn hành hung và muốn giết chị
ta. Cảnh sát ngay lập tức ập đến và bắt
anh chồng đem đi nhốt trong tù. Sau hai
ngày thẩm tra mà không tìm ra chứng cứ buộc tội, họ đã trả tự do cho anh ta.
Trở về nhà sau tuần tĩnh tâm, tôi
bàng hoàng khi nghe anh chồng kể lại toàn bộ sự việc và anh ta tha thiết xin
tôi ra tòa làm chứng cho anh. Sau đó khoảng
3 tuần tôi đã được tòa án và luật sư đôi bên mời đến để làm chứng và có ý kiến
về sự việc đã xảy ra.
Bạn thân mến, câu chuyện tôi muốn
kể cho bạn nghe là vậy. Chắc bạn đã có
thể hình dung được những chi tiết chính của câu chuyện. Tôi muốn nói thêm cho bạn biết rằng giờ đây,
sau hơn một năm nhận lời giúp Sở Công bằng Xã hội thì công việc mà tôi đảm nhận,
công việc mà tôi gọi là Nhiệm vụ bất đắc dĩ vẫn còn tiếp diễn. Thật tôi cũng không biết đến khi nào thì sự
việc sẽ có thể được coi là kết thúc.
Thôi thì làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu dù thật lòng không muốn liên lụy
thêm. Âu đó cũng là một phần
trong ơn gọi và sứ mạng của mình, ơn gọi và sứ mạng đem sự hòa giải và bình an,
góp phần xoa dịu đau khổ mà anh em đồng loại đang phải hứng chịu vì nhiều
nguyên nhân khác nhau.
Tôi cũng muốn nhân đây kể thêm cho
bạn nghe một câu chuyện khác, câu chuyện về một lần đi ngồi tòa giải tội cho
các em học sinh tại một trường tiểu học Công giáo trực thuộc giáo xứ mà tôi là
linh mục tuyên úy. Tại đó, tôi đã gặp một
em học sinh lớp 6 đến xưng tội trong bộ dạng thểu não u buồn, quần áo thì lôi
thôi nhàu nát, mái tóc rối bời và khuôn mặt thì u uất ẩn chứa những tâm sự buồn. Thoạt nhìn thấy bộ dạng của em, tôi đã có
linh cảm đây là một cậu bé sống thiếu sự chăm sóc và bàn tay vỗ về chăm lo của
người Mẹ. Mà quả đúng là như vậy thật.
Ở tòa giải tội tôi đã đón tiếp em
trong sự dịu dàng ân cần nhưng nhiêu đó cũng không đủ xóa bỏ một khoảng cách xa
lạ. Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy thật khó
mà bắt chuyện với em cách cởi mở, chỉ đến khi tôi bật lên một câu hỏi về Cha Mẹ
của em, về gia đình của em thì em bỗng nhiên òa lên khóc nức nở, những giọt lệ
nhanh chóng tuôn ra thành hàng chảy dài trên khuôn mặt. Em nức nở và nghẹn ngào kể cho tôi rằng Cha Mẹ
em đã ly dị, giờ đây mỗi người một phương và em hiện sống với ba của mình.
Thú thật với bạn, khi nghe câu
chuyện của cậu bé, tôi thấy khóe mắt mình cay cay lúc nào không biết. Nó là một cảm xúc rất tự nhiên và rất con người. Tôi đã dành nửa giờ để an ủi, chia sẻ với em
về những gì mà em đang phải hứng chịu.
Tôi hiểu và đồng cảm cùng cậu bé về những thiếu thốn mà cậu đang phải nhận
lãnh: sự thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc, thiếu sự an ủi, nâng đỡ vỗ về. Cậu là kết quả của tình yêu, là hoa trái của
một cuộc tình nhưng oái oăm thay nay cậu lại là nạn nhân của sự đổ vỡ. Cậu đã và đang phải gánh chịu biết bao nhiêu
là bất công do những người mà cậu gọi là Cha Mẹ gây ra. Thật tội nghiệp và bất công cho cậu biết bao
nhiêu. Trí óc non nớt của cậu làm sao có
thể hiểu được và không ai có thể tiên báo trước cậu sẽ còn phải gánh chịu hậu
quả này đến bao lâu nữa.
Bạn thân mến, có cả ngàn, trăm
ngàn lý do để đưa đến chuyện ly dị và một khi căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm,
hai người, hai nhân vật chính trong sự việc thường mong muốn câu chuyện của họ đi
đến kết thúc nhanh chóng nhất và sớm nhất có thể. Họ chẳng nghĩ đến con cái hay nói đúng hơn, họ
không nghĩ đến chúng và tương lai của chúng nữa. Lúc này chỉ mong muốn mau tìm được tự do, được
giải thoát khỏi nhau, để khỏi là gánh nặng của nhau mà thôi. Thật tội nghiệp cho con cái biết bao, chúng
là những nạn nhân đầu tiên của ly dị, của đổ vỡ hôn nhân trong gia đình.
Điều đó thật đối nghịch nếu trở lại
những năm tháng đầu đời Hôn nhân của họ.
Họ đã bước vào đời sống ấy với sự hăm hở và nhiệt huyết của tuổi trẻ mà
không hề nghi ngại, hay tiên liệu hết những khó khăn sẽ đến sau này. Tất cả tiệp một màu hồng. Và thế rồi một khi sóng gió ập tới, họ chao đảo
và phân tán chính mình. Họ bị khủng hoảng
vì chưa được hay không được chuẩn bị kỹ càng.
Giải pháp ly dị là chuyện mà họ thường hay nghĩ đến nhất.
Vậy xin các bạn trẻ, những ai chưa
đi vào đời hôn nhân hãy cố gắng dành thời gian để suy nghĩ một cách nghiêm túc
về đời hôn nhân, về sự ràng buộc tất yếu sẽ đến trong hôn nhân để có những quyết
định sáng suốt và đúng đắn trước khi quyết định.
Hãy suy nghĩ cẩn trọng và cố gắng
hết sức để loại bỏ những màu hồng làm che mờ đi những thách đố sẽ đến sau này
trong hôn nhân. Đừng vì sắc đẹp, vật chất
hay bất kỳ lý do nào khác làm bạn quên đi trách nhiệm ràng buộc sau này. Sắc đẹp rồi đây cũng tàn phai theo năm tháng,
của cải vật chất chỉ là phù du, nay còn mai mất... Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại sự trung
thành mà thôi.
Với những ai đã và đang sống trong
đời sống hôn nhân, xin hãy biết trân quý những gì mình đang có. Một mái ấm gia đình, một đàn con đang cần sự
chăm sóc, bảo bọc và che chở, một người vợ (hay chồng) đang rất cần sự nâng đỡ
bổ túc của mình. Hãy nhớ đến những lời đã
thề ước với nhau: sẽ giữ lòng chung thủy cùng nhau khi thịnh vượng cũng như
lúc gian nan; khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng
nhau mọi ngày suốt đời nhau. Những lời
ấy đã được tuyên hứa long trọng công khai và do vậy làm nên bí tích Hôn nhân của
hai người. Những lời ấy làm nên một sự
ràng buộc thiêng liêng và chặt chẽ giữa hai người với nhau suốt đời chứ
không phải là chỉ ít tháng hay vài năm là có thể chấm dứt đường ai nấy đi.
Khi đã lập gia đình, hai người nên
một. Nên một trong thân xác và nên một
trong tinh thần. Một cộng đồng nho nhỏ được
hình thành. Thời gian trôi qua, con cái
lần lượt ra đời. Hai người trẻ trở thành
những ông bố, bà mẹ một cách tự nhiên.
Con cái là niềm vui cho hai người.
Chúng đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho hai bạn trẻ. Nhưng chắc chắn trách nhiệm sẽ nhiều hơn, hai
người sẽ vất vả hơn và nhiều chuyện phải lo toan hơn. Họ như mất tự do và trở nên dễ cáu kỉnh, mệt
mỏi hơn.
Sóng gió trong hôn nhân thì thời
nào và gia đình nào cũng có. Điều cần biết
là phải kiên nhẫn chịu đựng, phải chấp nhận và khôn ngoan tìm cách vượt
qua. Có chứ không phải không những phương
pháp giúp đôi bạn giải quyết những vấn đề căng thẳng của mình nếu họ chịu khó
ngồi lại nói chuyện với nhau để cùng tìm ra cách giải quyết êm đẹp nhất. Trên hết, còn có ơn Chúa, đôi bạn cần và rất
cần cầu nguyện để Chúa giúp sức cho họ trong những vấn đề nan giải trong hôn
nhân của mình.
Sau tuần trăng mật là tuần vỡ mật. Tôi vẫn thường hay nói vui như thế khi dạy
Giáo lý Hôn nhân và tôi tin rằng những ai đã và đang sống trong đời hôn nhân đều
có dịp trải qua kinh nghiệm quý báu này.
Sau giai đoạn mặn nồng là giai đoạn cay đắng và chua chát với nhau. Đây là giai đoạn mà những sự thật về nhau được
dần dần phát hiện. Ngỡ ngàng, hụt hẫng,
không ngờ...
Sau tuần trăng mật là thời kỳ mà
ngôn ngữ chợ đời thường được đem ra sử dụng.
Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, tất cả các loại võ nếu biết và thậm chí
võ mồm đều có thể được đem ra trưng dụng.
Nghe thì chua chát và ảm đạm quá nhưng đó lại là một sự thật không thể
phủ nhận.
Bây giờ tôi kể cho bạn nghe một
câu chuyện mà có lần tôi đã đọc được đâu đó, nay xin viết lại theo trí nhớ của
mình; và để kết thúc, tôi sẽ mượn ý thơ trong bài thơ “Ngập Ngừng” nổi
tiếng của thi sĩ Hồ Dzếnh thay cho tâm tình của mình.
Câu chuyện có thể tóm tắt như thế
này: Một nữ bác sĩ có phòng khám tư, trong số bệnh nhân đến với bà ngày hôm ấy,
có một ông cụ khá lớn tuổi đến để băng bó vết thương trên tay, và theo lời vị
bác sĩ này thuật lại thì vì thấy cụ ông cứ hay nhìn đồng hồ, và vào lúc đó bà
không bận rộn với bệnh nhân nào, nên bà quyết định khám vết thương cho
ông.
Trong khi săn sóc vết thương cho
ông cụ, bà bác sĩ hỏi là phải chăng ông có hẹn với một người nào đó sáng hôm
nay, vì thấy ông có vẻ vội vàng. Ông nói
không, chẳng qua chỉ là vì ông cần đi đến nhà dưỡng lão để ăn sáng với vợ
ông. Bà bác sĩ liền hỏi thăm sức khỏe của
cụ bà. Cụ ông cho biết là bà đã ở đó một
thời gian rồi và bà hiện đang bị chứng Alzheimer (chứng mất trí nhớ).
Trong khi trò chuyện, bà bác sĩ hỏi
ông cụ là bà cụ có khó chịu chăng nếu ông cụ đến trễ một chút. Ông trả lời rằng bà ấy không còn biết ông là
ai nữa, đã 5 năm nay bà không còn nhận ra ông nữa. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bà
bác sĩ đã hỏi ông: “Thế mà Cụ vẫn đến ăn sáng với cụ bà mỗi buổi sáng, mặc
dù cụ bà không còn biết cụ là ai nữa?”
Cụ ông vừa mỉm cười vừa vỗ nhẹ vào
tay bà bác sĩ và nói: “Bà ấy không nhận ra tôi, nhưng tôi vẫn biết bà ấy là
ai.”
Tôi đã thật
cảm động khi nghe câu chuyện này, chỉ một mẩu đối thoại ngắn ngủi nhưng súc
tích và ý nghĩa. Và đây là những chia sẻ
tâm sự của vị bác sĩ nọ. Bà nói: Khi
ông cụ đi rồi, tôi phải cố gắng cầm nước mắt, còn hai cánh tay tôi nổi da
gà. Tôi nghĩ rằng đây là thứ tình yêu
tôi muốn có trong đời.
Bạn thân
mến, “Bà ấy không nhận ra tôi là ai, nhưng tôi vẫn biết bà ấy là ai”. Mối tình của cụ ông dành cho cụ bà trong câu
chuyện mà chúng ta vừa nghe, có thể nói ví von là tình già, ăn đứt tình của những
bạn trẻ ngày hôm nay, vốn bị vật chất và sự hưởng thụ, tính ích kỷ làm cho hoen
ố và mất hết ý nghĩa. Tất cả chỉ muốn
thu vén cho mình, không biết chia sẻ và cho đi, không biết cho mà chỉ biết nhận,
không biết dành thời giờ cho nhau, không biết cảm thông, lắng nghe nhau. Và có thể nói nếu có phải cho nhau điều gì, họ
ưa tính toán chi ly và kể lể về những gì đã làm, đã dành cho nhau -- như thế
còn gì là tình nghĩa vợ chồng?
Và đây là
hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Ngập Ngừng” của thi sĩ Hồ Dzếnh: “Đời
chỉ đẹp khi hãy còn dang dở, tình mất vui lúc đã vẹn câu thề”.
Nếu có thể,
tôi sẽ xin phép nhà thơ đã quá cố để được ‘cải biên’ lại hai câu thơ
trên thành: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, lấy nhau rồi nham nhở lắm em ơi!”. Nói như thế thì phải chăng có gì đó chua xót
nhưng quả là đúng với hai câu chuyện tôi vừa kể cho bạn nghe ở trên phải không
thưa bạn?
Xin cầu chúc bạn luôn hạnh phúc trong hôn nhân của mình, cuộc
hôn nhân mà bạn đã chọn lựa cho chính mình và xin Chúa luôn chúc lành, luôn hiện
diện trong cuộc hôn nhân của bạn. Hãy cầu
xin với Chúa như thế vì ở đâu có Chúa hiện diện, ở đó có HẠNH PHÚC và BÌNH AN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét