Thế là mình bị cận, bị cận thật rồi. Tôi cố mở mắt mình cho to để xem cho kỹ, để
thử cảm giác này là thật hay giả: vô tác dụng; lắc lắc cái đầu với hy vọng
không phải mình nhầm lẫn, rồi nhíu nhíu hai con mắt lại, rồi lại cau mày và gí
sát khuôn mặt vào quyển sách đang đọc, tôi cũng chỉ thấy những dòng chữ mờ mờ,
hư hư, ảo ảo.
Ô hay, chữ với nghĩa sao hôm nay lại
mờ tịt như thế này? Hay tại nhà in họ muốn tiết kiệm mực khi in ấn nên mình đọc
không được? hay là tại mình, sáng nay không ăn sáng mà chỉ uống càphê cầm hơi
nên bây giờ tinh thần mình không được minh mẫn?
Lấy cặp kính cận của ai đó để quên
trên bàn lâu nay, tôi đeo thử lên khuôn mặt mình. Thế là mọi sự lại rõ ràng. Nhìn qua cặp kính, mọi sự dễ chịu hơn, thoải
mái hơn nhiều nhiều lần so với khi chưa có kính.
Hay, hay thật, chỉ với một cặp
kính mà mọi sự trở nên dễ dàng hơn. Khoa
học và sản phẩm của khoa học làm cho con người nhanh chóng thích ứng với sự
thay đổi của thể lý. Khoa học đem lại biết
bao là lợi ích cho nhân sinh. Tự nhiên
tôi thấy mình lẩm bẩm thốt lên đôi lời cám ơn các nhà khoa học đã dày công
nghiên cứu; và cũng cám ơn Chúa đã cho con người thông minh để không sớm thua
cuộc, bế tắc trước những quy luật suy yếu của cơ thể theo thời gian mà tìm tòi,
mày mò ra những phát minh như thế này phục vụ cho nhân loại.
Ậy dzà, thế nhưng mà từ nay tôi sẽ
mất đi ít nhiều tự do. Dấu hiệu của sự mất
mát ấy là từ nay tôi sẽ phải lệ thuộc vào cặp kính. Đi đâu, làm gì thì chắc chắn cũng phải thủ cặp
kính trong túi áo vì nếu không có nó thì rách việc! Đúng là từ nay mình phải
làm nô lệ cho cặp kính cận này rồi; mình là một kẻ nô lệ thật sự rồi.
Cũng vậy, tôi phải tự nhủ với lòng
mình rằng dù bản tính hay quên, quên ví tiền, quên mang dù hay áo mưa khi mây đen
đang kéo cơn chuẩn bị mưa; quên mang theo mũ đội đầu khi trời đang hừng nắng... nhưng quên gì thì quên, nhứt định tôi không được
quên mang theo cặp kính vì nếu không tôi sẽ trông gà ra vịt, trông gà hóa cuốc... mọi sự sẽ đảo lộn tùng phèo. Đãng trí chuyện gì thì đãng trí, nhưng nhứt định
không được có chuyện đãng trí với cặp kính cận này rồi. Y đích thị phải là vật bất ly thân với mình rồi.
Ư-hừm, nhưng cũng nghiệm ra một sự
thật, một sự thật rất thật rằng từ nay mình đã bắt đầu già. Chợt thấy mình đưa tay lên trán lần thử xem đã
có vết nhăn hay chưa? Từ nay trên khuôn mặt sẽ có cặp kính ngự trên đó, mà nhất
thiết phải nằm đúng vị trí, trệch một chút: không được; lỏng lẻo, không cân đối:
không xong. Phải nằm đúng vị thế cần nằm
mới mong mọi sự được dễ dàng và làm được việc.
Thế đó, cặp kính trên mắt cũng là dấu hiệu tiên báo mình đã già. Đó là quy luật tất yếu của thời gian và là
quy luật của kiếp người vốn dĩ là sinh lão bệnh tử; hễ đã là người thì tất tần
tật ai cũng đều phải trải nghiệm qua. Chợt
rùng mình vì xem ra vị trí của mình từ nay...
gần với lòng đất hơn rồi.
Nhưng mà còn nữa, tự nhiên cặp
kính làm thành một khí cụ trang điểm cho khuôn mặt của mình. Đứng lên soi nhìn vào gương, tự nhiên thấy
mình bảnh chọe lạ thường, tự nhiên trông có vẻ “trí thức”, tự nhiên thấy
mình như là một nhà “bác học” dù trí óc vẫn cùn cằn, hờ hụt. Dáng vẻ bên ngoài tự nhiên “tăng giá”
bội phần nhờ vào cặp kính. Thông minh,
sáng sủa, đẹp trai hơn; “mặt tiền” từ nay nhìn có vẻ thoáng đãng hơn,
giá trị hơn... Hay, hay thật! những cảm
nghiệm rất đỗi tự nhiên và bình thường ấy cứ ào ào ập đến với tôi xung quanh
chuyện cặp kính. Và tự nhiên lại chợt thấy
mình mỉm cười vu vơ về những ý nghĩ ngộ nghĩnh vừa thoáng hiện trong đầu.
Thế nhưng, bỗng nhiên tôi lại băn
khoăn tự hỏi, thế tâm hồn mình có gì thay đổi không nhỉ? Liệu có sự xáo trộn
nào nghiêm trọng không? Từ nay mình sẽ phải nhìn mọi người, mọi sự vật xung
quanh với cặp kính này, vậy liệu có gì khác biệt không? Tự hỏi rồi tự trả lời:
ít nhiều chắc là phải có rồi.
Mình sẽ nhìn người, nhìn đời với sự
hỗ trợ của cặp kính. Bông hoa kia vẫn là
bông hoa, sắc màu rực rỡ vẫn không thay đổi.
Ngôi nhà to lớn vẫn đứng đó sừng sững, bất di bất dịch. Con người đối diện kia vẫn là con người, vẫn
có những uẩn khúc mầu nhiệm trong tâm hồn mà không ai có thể đo lường vì mỗi người
là một mầu nhiệm mà. Rõ là chẳng phải vì
cặp kính mà mình có thể nhìn thấu suốt tâm hồn con người và vạn vật xung
quanh. Mọi vật vẫn là vậy, chẳng có gì thay
đổi dù là khách quan hay chủ quan, phải chăng nếu có thì chỉ là sự thay đổi tự
lòng mình, là chủ thể của cái nhìn về sự vật.
Mà thật vậy. Từ nay phải nhìn đời qua cặp kính. Cái tâm tiêu cực thì cái nhìn tiêu cực, cái
tâm trong sáng, tích cực thì cái nhìn trong sáng, tích cực. Tự nhủ cần phải giữ cho tâm quân bình, minh bạch
và sáng để cái nhìn về sự việc và vạn vật xung quanh không vì cặp kính mà thay đổi
nhưng trái lại luôn công bằng, nhân ái và bao dung.
Bỗng nhiên thèm một cái nhìn của
Chúa Giêsu khi nhìn Nathanaen trong câu chuyện mà Tin Mừng Gioan đã thuật lại:
Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và
nói: “đấng mà sách Luật
Môsê và
các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con
ông Giuse, người
Nadarét”. Ông Nathanaen liền bảo: “Từ
Nadarét,
làm sao có cái gì hay được?”.
Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà
xem!”.
đức Giêsu thấy ông
Nathanaen tiến về phía mình, liền nói
về ông rằng: “đây đích thật là một người It-ra-en, lòng dạ không có
gì gian
dối”. Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao
Ngài lại biết
tôi?”. đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê
gọi anh, lúc anh
đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. Ông Nathanaen nói:
“Thưa Thầy, chính Thầy là
Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua It-
ra-en!”.
đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói
với anh là tôi đã thấy anh ở
dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy
những điều lớn lao
hơn thế nữa”. Người lại
nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ
thấy trời rộng mở, và các
thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống
xuống trên Con Người”. (Ga 1, 45-52)
Siêu thật, chỉ thoáng thấy
Nathanaen ở dưới cây vả trước đó và ít lâu sau đó khi thấy Nathanaen tiến bước
về phía mình, Thầy Giêsu đã đưa ra một lời khẳng định nặng ký trước mặt nhiều
người. Thầy có một cái nhìn xuyên suốt
lòng người, một cái nhìn đủ sắc bén, đủ mạnh để thấy được quá khứ và hiện tại của
một con người. Cái nhìn đó nhất thiết phải
đến từ thế giới của siêu nhiên, thế giới của Thiên Chúa chứ loài người với mắt
trần - xác thịt làm sao có được cái nhìn và thốt được những lời như thế? Ngẫm
nghĩ đến đây, tự nhiên mình cũng ước, cũng thèm được như Nathanaen để được nghe
một kết luận, một nhận định giá trị như thế từ Chúa. Tự nhiên thấy mình thầm ganh tị với
Nathanaen...
Rồi miên man suy nghĩ thêm, tôi chợt
nhớ đến ánh mắt của Thầy Giêsu khi nhìn Phêrô, lúc ông này vừa leo lẻo chối biến
quan hệ thân thiết của ông với Thầy ở dinh thượng tế. Chỉ với ánh mắt ấy mà không cần nói một lời,
Thầy Giêsu đã làm ông rơi lệ thảm thiết:
Họ bắt đức Giêsu, điệu
Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông
Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa
sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái
nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối:
“Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”. Một lát sau,
có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”. Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải
đâu!”. Chừng một giờ sau, có người khác
lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người
Galilê”. Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này
anh, tôi không biết anh nói gì!”. Ngay
lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa
quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp
gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và
ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (Lc
22, 54-62)
Đức Giêsu đã nhìn Phêrô chỉ một lần. Một lần nhưng đủ tác dụng để làm cho ông trở
nên một vị Thánh vĩ đại. Cái nhìn của
Ngài đủ làm ông thống hối ăn năn, đủ làm cho ông đau đớn cho tình trạng của
mình và đi đến chỗ quyết tâm hoán cải triệt để.
Đó chắc chắn phải là ánh mắt của Thiên Chúa, vừa nhân từ vừa nghiêm khắc,
vừa nhắc nhở vừa răn đe. Chợt lại thấy
mình thèm được ánh mắt của Chúa đụng chạm đến để mình được ơn thực sự hoán cải,
cải thiện đời sống trở nên tốt hơn, tốt hơn nữa. Ôi tội lỗi của con người, sự lì lợm và chai sạn,
ương bướng. Tội nhiều và ngập tràn nhưng
vẫn nhởn nhơ, dửng dưng như chưa là gì, chưa thấm tháp gì hết. Cần lắm thay ánh mắt của Chúa, ánh mắt đã
nhìn Phêrô năm xưa.
Còn nữa và còn nữa. Nhiều và rất nhiều lần ánh mắt nhìn của Chúa đã
được ghi lại trong Tin Mừng dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Với ánh mắt trìu mến, Ngài đã nhìn người
thanh niên giàu có, người đã tìm đến để hỏi Ngài là cần phải làm gì để được sống
đời đời, người đã đối thoại với Ngài bằng sự hiểu biết sâu sắc (Mc 10, 17-22);
Ngài đã nhìn đám đông dân chúng đi theo Ngài bằng ánh mắt chạnh lòng
thương bởi họ đã theo Ngài suốt mấy ngày để nghe Ngài giảng (Mt 14, 14);
Ngài đã ngẩng lên ngước nhìn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình bằng ánh mắt lượng thứ, thông cảm (Ga 8, 2-11)... Tất cả những ánh mắt ấy đều để lại những hiệu
quả và tác dụng mãnh liệt cho những đối tượng được nhắm đến.
Thế đấy. Với ánh mắt trong bản tính nhân loại Đức
Giêsu đã chuyển ban bao nhiêu là thông điệp.
Còn tôi, tôi tự hỏi với lòng mình là hằng ngày tôi vẫn nhìn tha nhân, sự
vật, và sự việc chung quanh với ánh mắt nào? Liệu có thông điệp nào quan trọng
và ý nghĩa được gửi đến cho mọi người hay không? Câu hỏi vẫn còn đó và đang đợi
trả lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét