Chó là loài vật thông minh sống
khá gần gũi với con người. Người Canada
rất cưng chó và vì thế có nhiều chuyện buồn cười liên quan đến chúng mà tôi đã
từng chứng kiến. Họ coi chúng gần gũi và
nhân cách hóa cho chúng, thậm chí với họ, chúng cũng có niềm tin. Câu chuyện
sau đây là một minh họa điển hình:
Vào cuối tháng Hai vừa qua, một
trong những họ lẻ do tôi coi sóc có một giáo dân lớn tuổi qua đời. Giáo
họ này cách xa giáo xứ chính khoảng 100km (gần 1 giờ lái xe). Tôi phải đến đó để
gặp gỡ tang gia mà sắp xếp chương trình cho tang lễ; cũng đồng thời để tìm kiếm
thông tin về người quá cố để cho vào bài giảng lễ an táng. Chuyện xảy
ra là sau khi gặp các con cháu của bà, nghe họ kể về cuộc đời của người quá cố
cũng cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thấy có mấy chi tiết đáng giá, tôi đành
lên xe trở về nhà thờ chính sau khi dặn dò họ là hãy suy nghĩ thêm và nếu thấy
có chi tiết nào giá trị về nhân đức hay đời sống đạo đức tốt lành của bà thì
email ngay cho tôi.
Chiều
hôm sau tôi nhận được một email từ người con trai của bà. Email chỉ vỏn vẹn vài dòng, kể vắn tắt về đời
sống đức tin tôn giáo của mẹ mình, nhưng dòng cuối cùng của email: “Mom
always made sure we had Catholic dogs around the farm as well” (tạm dịch
là: Mẹ của tôi đã luôn bảo đảm rằng phải luôn có mấy con chó Công giáo để canh
chừng nông trại) đập vào mắt tôi đã khiến tôi thật bất ngờ và phải bật lên cười
thành tiếng.
Thật
không thể tin nổi phải không thưa bạn đọc? Chó là một con vật mà cũng là chó
Công giáo, tức là chó có đạo, tức là cũng có chuyện chúng chịu phép rửa như con
người? Mà nếu có chó Công giáo thì chắc cũng phải có chó Tin lành, chó Phật giáo
hay chó Hồi giáo… Vậy tôi e rằng mấy con chó này không bao giờ giữ đạo vì đâu
có thấy chúng đến nhà thờ bao giờ, và nếu chó có niềm tin thì không biết chuyện
chúng sống đạo hay giữ đạo, chuyện ăn chay vào các ngày quy định theo luật buộc
sẽ ra sao nhỉ? Thế mới hay người ta đã đánh đồng mọi chuyện tâm linh và tự
nhiên một cách tả-pí-lù.
Còn
nhớ những năm tháng học ở chủng viện London, vào các buổi chiều mùa Đông tuyết
rơi hay mùa Hè nắng vàng, tôi vẫn thường hay thấy cảnh mấy bà đầm
Tây ăn mặc thiệt là đẹp, tay cầm sợi dây dắt theo con chó, tay còn lại
cầm một cái túi nilon (và có lẽ còn thêm vài cái nữa dự phòng ở trong túi) để …
hốt phân nếu chúng “i nặng” trong quá trình đi bộ. Thú thật với bạn, cảm giác đầu
tiên của tôi khi nhìn thấy cảnh một bà đầm cúi xuống, lấy cái bao nilon chụp
vào sản phẩm còn nóng hổi vừa xuất xưởng của con chó, rồi lấy bàn tay túm chúng
lại rồi nhẹ nhàng luồn mặt trong của bao nilon ra ngoài để thứ sản phẩm ấy nằm
lọt trong cái túi, trông nó chướng mắt, nó lập dị làm sao ấy. Thế nhưng họ làm
công việc ấy một cách hết sức bình thản và tự nhiên. Làm xong việc ấy, họ lại tiếp tục dắt chó
rong chơi nhưng lần này một tay vẫn là sợi dây có con chó, còn tay kia là túi
nilon có sản phẩm của con chó bên trong. Có lần tôi đã thốt lên với
mấy ông Thầy tu người Canada cùng lớp là làm như thế thì khác nào là nô lệ cho
con chó? Đáp lại phản ứng của tôi, mấy ông Thầy tu người da trắng ấy cứ cười nấc
lên, rồi nhún vai mà không cho tôi câu giải thích nào hết. Họ để tôi phải tự tìm lấy một câu trả lời
thích hợp.
Nhập
gia tùy tục và lâu dần thành quen. Sinh
hoạt chung với họ riết rồi tôi cũng thấy mấy cảnh như vậy trở nên bình thường. Nhìn hoài rồi cũng thấy quen quen mà không
còn chướng mắt, thậm chí lâu lâu không thấy mấy bà Tây dắt chó đi ngang qua khu
vườn của chủng viện là tôi lại nghĩ vẩn vơ: hay là mấy bà ấy dọn nhà đi nơi
khác rồi nhỉ?
Mà
thật vậy, sau này khi làm linh mục, tôi đi thăm mục vụ gia đình, thấy cảnh chó
mèo sống chung trong nhà, thấy cảnh người chủ thương mến các con vật này riết rồi
cũng quen, không còn thấy khó chịu nữa.
Hay
như câu chuyện sau đây liên quan đến bà Elizabeth Brown, một người phụ nữ Canada
mà tôi được gửi đến ở nhà bà trong những tháng đầu tiên ở Canada để học văn hóa
xứ người. Bà này có một con chó đốm thuộc
dòng bec-giê to lớn. Bà quý thương con
chó lắm thế nên đã chi gần một ngàn dollars để gắn một chip điện tử vào dưới lớp
da của con vật. Như thế khi nó đi lạc,
bà chỉ cần gọi điện thoại cho cảnh sát thông báo, qua hệ thống vệ tinh họ sẽ
giúp truy tìm và sẽ biết ngay con vật đang ở đâu.
Sau khi chịu chức linh mục, tôi có
trở về London thăm bà vào tháng 11 năm 2009.
Lúc này thì con chó đã chết, bạn có biết ở ngay cạnh lò sưởi, chỗ bà hay
ngồi để xem tivi sau giờ cơm chiều là một lọ đựng tro cốt của con chó yêu của
bà kèm theo một tấm hình nhỏ được lồng kính dựng ngay ngắn bên cạnh. Đó là những
câu chuyện có thật mà tôi thật khó có thể tin nếu nghe ai kể lại!
Và
bây giờ là những mẩu chuyện khác. Chuyện
xảy ra với bà thư ký của tôi, Doreen Wagner, một người phụ nữ Canada là công chức
nhà nước nay đã về hưu và làm việc văn phòng giáo xứ bán thời gian (part-time)
có hưởng lương. Bà này có hai con chó nhỏ, thuộc loài chó Nhật. Bà ta cưng hai con chó này vô cùng, đi đâu cũng
đem chúng đi theo. Cứ nhìn thấy cảnh bà
âu yếm, nựng nịu chúng thì biết. Mà nghĩ
cũng lạ! Bà có gia đình, có chồng, con
cùng sống chung trong một mái nhà nên đâu đến nỗi quá cô quạnh mà phải cần đến
con chó để bầu bạn. Hai con chó này bà
nuôi cũng đã khá lâu nên chúng quấn quýt bà, luôn theo sát chân bà. Hễ bà làm việc thì hai con nằm dưới chân, còn
nếu bà rảnh tay thì chúng nhảy phóc lên trên người bà mà nằm, những lúc như thế
thì thôi khỏi nói. Bà hôn bà hít, bà
xoa, bà vuốt, bà nựng, bà nịu, rồi tâm sự, hỏi chuyện chúng cứ y như là đang
nói chuyện với người thật việc thật vậy.
Cũng
chính vì bà nuôi hai con chó cùng một lúc nên số tiền phải chi trả hàng tháng
cho chúng không phải là một số tiền nhỏ: tiền thức ăn, tiền hàng tháng làm đẹp
bộ lông, thậm chí tiền nhổ răng cho chúng nữa.
Tôi đâu có biết những chi tiết này nếu như không tình cờ một bữa kia bà
kể: “Ông Cha biết không, tuần trước tôi mới đem con Gieny đi nhổ răng mất
700 dollars luôn đó!”. Tôi nghe mà
thật sự bất ngờ như không thể tin ở tai mình. Trời ơi, không biết nhổ mấy cái răng
mà phải chi tới một số tiền lớn như vậy? Pha chút tò mò và quan tâm, tôi đã hỏi
bà lại để biết chính xác số tiền đã chi và đã nhổ bao nhiêu cái răng của con
Gieny thì bà cho biết chính xác 700 dollars và 3 cái răng hết thảy.
Thiệt
hết biết! Bên Việt Nam, chó mà có đau răng thì đừng có hòng mang đến thú y mà
chữa. Chúng chỉ có nước chờ làm rựa mận hay chuẩn bị sẵn củ riềng, với xả và mắm
tôm chứ ở đó mà chi 700 dollars cho chuyện vớ vẩn này. Tuy nhiên bên này đó là chuyện có thể xảy ra
và đã xảy ra thật như vậy.
Cũng
với hai con chó này mà tôi đã ít là một lần gặp sự rắc rối. Chúng chạy vào văn phòng của tôi và tự do
phóng uế trong đó nhân lúc tôi đi thăm và xức dầu cho bịnh nhân ở bệnh viện. Về đến nhà, thì cảm nhận đầu tiên là có một
mùi chi đó thật đặc trưng nhưng cũng không kém phần khó chịu ở ngay trong phòng
làm việc. Ngặt một nỗi nhà bên này rất
kín, cửa kính luôn đóng chặt vì thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông. Vì chịu không nổi nên đành phải gác lại một số
việc trước mắt để truy tìm cho bằng được nguồn gốc của cái mùi khó tả ấy. Sau một hồi loay hoay tìm mãi mà vẫn không
ra, tôi đành gọi bà thư ký vào để cầu cứu.
Vào đến nơi thì bà ta nhận ra liền đó là mùi gì và rối rít xin lỗi
tôi. Cuối cùng thì với sự trợ giúp của
bà, chúng tôi đã tìm thấy chúng nằm trong một xó kẹt của tủ sách, nơi để mấy
chiếc hộp giấy carton để đóng đồ nếu cần.
Thế là lại mất thêm nửa giờ nữa để dọn dẹp và tẩy uế!
Chuyện
vui về hai con chó này thì còn nhiều lắm vì mỗi ngày bà Doreen đều cập nhật những
chuyện xảy ra liên quan đến chúng cho tôi nghe.
Câu chuyện sau đây bà kể sau khi trở về từ một chuyến đi xa: hôm đó hai
vợ chồng bà có việc phải đi xa, lái xe suốt gần 4 tiếng đồng hồ, bà dừng lại ở
một trạm xăng để đổ xăng và nhân tiện vào nhà hàng cạnh đó kiếm gì ăn trước khi
lái xe tiếp tục. Hai vợ chồng để hai con
chó trong xe với đầy đủ thức ăn và nước uống cho chúng, bà còn chu đáo hạ cửa
kính xe xuống một chút cho thoáng khí rồi mới an tâm rời xe vào nhà hàng.
Hơn
nửa tiếng sau khi trở ra, trên kiếng xe trước mặt đã dán sẵn một vé phạt của cảnh
sát vì tội ngược đãi súc vật. Lần theo số
điện thoại trên tấm vé phạt, bà gọi cho viên cảnh sát đã ký vé phạt, khoảng 10
phút sau viên cảnh sát đã có mặt và anh ta tranh luận với bà về tội danh ngược đãi
súc vật. Bà thì cho là không thể nào như
vậy được, còn viên cảnh sát thì cho bà biết là có một thanh niên đi ngang qua,
anh ta thấy hai con chó có vẻ tù túng trong xe, rồi anh ta đứng đó quan sát xem
chủ của chúng có gần ở đó không, và do không thấy nên anh đã gọi cảnh sát đến
yêu cầu can thiệp.
Cuộc
tranh luận xảy ra ước chừng 15 phút ngay tại bãi đậu xe và không bên nào chịu
thua bên nào. Cuối cùng viên cảnh sát yêu cầu bà dẫn hai con chó ra bên ngoài
cho anh ta xem chúng có bị thương tổn hay ảnh hưởng gì không sau hơn nửa tiếng
bị giam hãm trong xe. Bà đã thuận theo và đưa hai con chó ra khỏi xe, dẫn chúng
đi lòng vòng khu vục nhà hàng chừng 15 phút nữa cho viên cảnh sát chứng kiến thấy
là chúng không hề hấn gì. Cuối cùng thì viên cảnh sát đồng ý thu hồi lại vé phạt
và vợ chồng bà lại được tiếp tục lên đường.
Bạn
thấy đó, họ mất thời giờ và công sức với một công việc có thể nói chẳng quá cần
thiết như vậy, nhưng luật là luật và tôi kể để bạn thấy được phần nào tình yêu
họ dành cho súc vật, đặc biệt là chó.
Trong tiếng Anh có một câu thành
ngữ nói về tình yêu dành cho chó: “Love me -- love my dog”. Ai học
tiếng Anh có lẽ cũng có thể biết đến thành ngữ này. Nếu dịch sát nghĩa câu thành ngữ có năm từ
này sang tiếng Việt thì có thể dịch là “yêu tôi, hãy yêu luôn con chó của
tôi”. Điều đó có thể hiểu là nếu tôi quý mến người chủ của con
chó, tôi cũng phải quý mến con chó của người ấy, tôi không thể có chọn lựa nào
khác, dù tôi có thể là người không thích chó; hoặc cũng có thể nói tôi là người
ưa thích sự rạch ròi, phân minh, người là người mà vật là vật, đừng ai bắt tôi
yêu người và cũng phải yêu… chó. Cũng với câu thành ngữ này, chúng
ta có thể dịch cách ví von bằng một thành ngữ khác của dân Annam chúng ta: “yêu
nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”. Dịch như thế dù có vẻ dài dòng một chút nhưng
nghe thoát ý, thi vị hơn và thoáng đạt hơn; nghe có vẻ Việt Nam hơn và nhất là
tránh được từ “chó” trong câu thành ngữ của tiếng Anh.
Người
phương Tây họ rất yêu quý các con vật nuôi trong nhà. Trong ngôn ngữ của họ, có
một danh từ dành riêng để chỉ các vật nuôi trong nhà nói chung (pet: thú cưng). Mà
kể cũng lạ, danh mục những con vật nuôi trong nhà, là thú cưng của họ cũng nhiều
không kém, trong đó có cả những con vật mà với người Việt Nam chúng ta thì nếu
mà gặp là “giết” liền, là ra tay hạ sát ngay mà không cần phải suy nghĩ
chần chờ đến một giây, tỉ dụ như bò cạp, nhện, rắn…
Người
Việt chúng ta cũng có thú cưng, nhưng những con vật mà chúng ta yêu quý thường
giới hạn trong một nhóm các loài vật gần gũi nhất với con người như chó, mèo,
chim… còn với người phương Tây thì họ thương tất tần tật. Và dù có yêu quý chúng đến mấy, đại đa số người
Việt chúng ta thường cũng có một ranh giới rạch ròi mà không có sự nhân cách
hóa cho chúng. Chó mèo không bao giờ được
phép lên giường nằm chung với người, chúng có nơi có chốn của chúng; đồ ăn, thức
uống của chúng thường là những thứ dư thừa, cơm thừa, canh cặn, những thứ mà người
chủ ăn xong rồi mới đến phần của chúng; và không bao giờ chúng ta bỏ tiền để đem
chó, mèo đi làm đẹp bộ lông của chúng.
Nhưng
ở bên này thì không phải vậy. Nếu đến thăm
một gia đình người Canada, thật là chuyện bình thường nếu bạn có thấy mấy con
chó hay mèo luẩn quẩn trong phòng, hiên ngang đi lại trong nhà có thảm sang trọng,
hay nằm ườn thoải mái trên bộ sa-lông bọc da giá trị dù chúng có dáng vẻ bề
ngoài xấu xí, không dễ thương, không cảm tình chút nào. Người ta mạnh tay chi
tiền mua thức ăn riêng dành cho chúng, họ ôm ấp chúng, cho chúng ngủ chung trên
giường, dẫn chúng đi bộ mỗi ngày là chuyện thường tình ở huyện, thậm chí lâu
lâu đẹp trời, hứng chí, họ còn đem chúng đến tiệm chuyên nghiệp để cắt tỉa bộ
móng hay làm đẹp cho bộ lông của chúng.
Lan
man câu chuyện đến đây cũng khá dài. Những
câu chuyện tôi kể cho bạn là những gì vẫn được thấy trong cuộc sống đời thường ở
đây. Một xã hội văn minh tiến bộ, nhân
quyền, công bằng và bác ái luôn được đề cao.
Đan xen trong đó cũng còn có sự nhân ái không chỉ dành cho con người nhưng
còn dành cho loài vật dù có vẻ lập dị và kỳ quặc. Điều cần là giữ một thế quân bình, yêu thương
và nhân ái với loài vật nhưng không quá chú tâm để rồi phát sinh ra những phản
tác dụng và chi phí không cần thiết trong khi chung quanh môi trường chúng ta đang
sống còn có biết bao số phận khó nghèo, không cơm, không áo. Tôi nói thế chắc bạn đồng ý với suy nghĩ của
tôi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét