Khi còn ở Việt Nam , với tôi Chủ
nhật là một ngày thật đặc biệt. Tôi vui hưởng trọn vẹn ngày này vì đó
là ngày của Chúa, ngày của các bổn phận tôn giáo. Chủ nhật cũng là
ngày để thảnh thơi, nghỉ ngơi, thư giãn về phần xác sau một tuần làm việc mệt
nhọc. Sáng sớm thức dậy, tôi đi dâng lễ, thánh lễ sớm nhất của
ngày. Lễ xong là tôi hoặc xách xe honda đi thăm và uống cà-phê với bạn
bè; hoặc về nhà, pha ly cà-phê vừa uống vừa nghe nhạc, rồi làm các việc sinh hoạt
bình thường như giặt quần áo, dọn dẹp phòng, nhà cửa... Xong các việc
đó thì sử dụng thời gian nhàn rỗi bằng việc xuống phụ bếp nấu ăn hoặc tiếp tục
làm các việc cần thiết cho cá nhân. Với
tôi, Chủ nhật là ngày lễ hội. Đến nhà thờ để cùng với cộng đoàn tham
dự lễ hội của bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể; trở về nhà để cùng với người thân
tham dự lễ hội chia sẻ, lễ hội của sự đoàn kết, của tình thân thiết anh em ruột
thịt trong nhà. Có thể nói chính vì thế
mà các bữa ăn trưa và tối của ngày Chủ nhật trong gia đình tôi thường ngon, ấm
cúng và ý nghĩa hơn so với các bữa ăn khác trong tuần. Một phần là
vì bữa ăn được chăm chút đầu tư nhiều hơn, phần còn lại là vì các anh chị em,
con cháu trong nhà hiện diện đông đủ. Thật là đông, vui, ồn ào nhưng
hao!!!
Bây giờ làm linh mục rồi thì
khác. Mọi chuyện khác hẳn. Sáng tôi thức dậy sớm, thường
là 6 giờ hoặc trễ hơn một chút, vệ sinh cá nhân, tắm rửa rồi đọc kinh thần vụ,
kinh phụng vụ mà bổn phận các linh mục phải đọc mỗi ngày, rồi pha cà phê cho
vào một cái ly lớn bằng nhựa, loại có nắp và tay cầm để trong xe và lái xe lên đường
đi dâng lễ, vừa lái xe vừa uống.
Ngoài giáo xứ chính, Giáo xứ Thánh
Giuse, tôi còn có 2 họ đạo nhỏ phải coi sóc. Giáo xứ Thánh Gioan Tẩy
giả, cách xa khu vực trung tâm 35km và giáo xứ thứ hai, Giáo xứ Thánh Maria,
thì phải chạy thêm 65km nữa. Như thế khoảng cách tính từ nhà thờ
chính cho đến nhà thờ thứ ba là 100km.
Mỗi Chủ nhật tôi thường dâng 2 lễ
tại hai họ đạo này, cho nên phải lái xe đi từ 8 giờ sáng. Lễ thứ nhất
lúc 9 giờ, tôi tranh thủ đến sớm để cùng đọc kinh lần hạt với giáo dân hoặc gặp
gỡ họ nếu có nhu cầu. Đúng 9 giờ dâng lễ, lễ xong lúc 10 giờ, nán lại
với giáo dân đôi ba phút để hỏi thăm cuộc sống, để giải đáp những thắc mắc hay
những công việc cần trong tuần, rồi tôi lại thu dọn áo lễ, sách vở lên đường đến
nhà thờ thứ II.
Thánh lễ thứ II bắt đầu lúc 11 giờ. Cũng
như ở nhà thờ thứ I, tôi tranh thủ lái xe đến sớm ít là 15 phút để gặp gỡ giáo
dân ở đây. Dâng lễ xong là đúng ngọ, tôi cũng lại phải loay hoay ở
cuối nhà thờ để kiếm chuyện trao đổi với giáo dân, chuyện thời tiết, chuyện
công việc, chuyện sống đạo, chuyện con cái học hành… Phải có tinh thần hội nhập
và hòa nhập với mọi người như vậy vì bên này họ rất coi trọng tinh thần xã hội
và liên kết như thế. Họ không thích các linh mục đến dâng lễ, lễ
xong rồi ra về liền. Đợi chừng gần chục phút hay có khi hơn để kết
thúc những chuyện xã giao như thế, tôi chào tạm biệt bà con và đợi cho người cuối
cùng rời khỏi nhà thờ là tôi cũng ôm áo lễ, sách vở, đồ nghề của một linh mục
ra xe để lên đường trở về.
Lái xe 1 tiếng đồng hồ trở về lại
nhà thờ chính là hơn 1g chiều, chính xác là 1 giờ 15. Dừng xe lại đi
chợ mua đồ ăn để dành trong tuần trong vòng hơn nửa tiếng, rồi lại tiếp tục lái
xe về nhà kiếm gì ăn và rồi dọn dẹp, đem cất những món đồ mới mua.
Nếu đó là Chủ nhật bình thường thì
sinh hoạt của tôi là vậy, không có gì đặc biệt. Nhưng thỉnh thoảng
vì nhu cầu mục vụ có khi phải dâng đến 3 lễ hoặc có rửa tội, hoặc các hội đoàn
trong giáo xứ có họp. Để bạn dễ hình dung, tôi kể để bạn biết thêm
những việc khác có thể xảy đến với tôi trong một ngày Chủ nhật như thế này:
Hàng tháng sẽ có rửa tội một lần ở
nhà thờ chính và thường là vào lúc 2 giờ chiều. Do vậy khi về đến
nhà tôi sẽ không vội thay bộ quần áo đang mặc. Tôi sẽ phải lên nhà
thờ dọn đồ để chuẩn bị cử hành bí tích rửa tội. Những việc cần làm
là lấy nước đổ vào bồn nước rửa tội; khiêng cây nến phục sinh từ trong phòng áo
ra ngoài; lấy dầu Thánh, lấy mấy nến nhỏ và áo trắng cho em bé… rồi cử hành bí
tích rửa tội cho các em. Hoàn tất nghi lễ rửa tội xong thì cũng phải
thu dọn hết đồ đạc đã dọn ra đem đi cất, lúc đó cũng khoảng gần 3 giờ chiều.
Đến 4 giờ hoặc 5 giờ là thánh lễ
thứ III trong ngày tùy theo sự sắp xếp của những nhóm có yêu cầu xin dâng lễ, nếu
không phải dâng lễ thì có khi là một cuộc họp cho một nhu cầu mục vụ của một
nhóm giáo dân nào đó. Và mọi chuyện xong xuôi là 6 giờ tối hoặc có
khi hơn.
Mỗi tháng một lần lúc 7 giờ tối
ngày Chủ nhật thường có cuộc họp của quý ông Hội Hiệp sĩ Columbus. Tôi
là tuyên úy cho họ nên tôi phải hiện diện với họ. Những cuộc họp như
thế thường mất khoảng 2 giờ đồng hồ cho nên 9 giờ tối mới xong. Ở
nán lại nói vài câu chuyện xã giao với họ thêm 30 phút nữa, rồi đóng cửa nhà thờ
là kết thúc các sinh hoạt trong ngày của Chúa.
Về đến nhà xứ thì phải lo đọc kinh
chiều rồi mới kiếm gì ăn tối. Thay quần áo đang mặc, tắm rửa và lo đọc
kinh tối là kể như hoàn tất ngày Chủ nhật. Một ngày thật dài và nhiều
việc hơn bình thường.
Như đã nói, nếu không có gì bất thường
thì tôi sẽ kết thúc các công việc mục vụ vào khoảng 2 giờ chiều. Gặp
những ngày có nhu cầu mục vụ cần thiết thì sẽ kéo dài hơn và như vậy ngày Chủ
nhật quả thật trở nên một ngày dài lê thê và thấm mệt.
Nhưng vượt trên tất cả những điều đó,
tôi vẫn yêu thích ngày Chủ nhật vì đó là ngày của Chúa. Ngày phục vụ, và là ngày dành cho Chúa. Thời gian không còn là của tôi nữa. Thời gian là của Chúa, là của mọi người. Tôi
có một ý thức rõ ràng là từng giây, từng phút trong ngày này được thánh hiến và
dâng cho Chúa ý nghĩa như thế nào. Tôi cảm nhận được sự mệt mỏi trên
thân xác, muốn buông xuôi công việc, muốn kiếm tìm một chỗ nghỉ ngơi. Nhưng
bù lại niềm vui của tinh thần thì siêu thoát và vô giá thế nên ngày Chủ nhật với
tôi vẫn là ngày của niềm vui, niềm vui tinh thần, niềm vui trong Chúa, niềm vui
được phục vụ.
Bây giờ tôi chia sẻ với bạn một
suy nghĩ:
Nhiều người hay nói làm linh mục
thật là sướng, chỉ bận có mỗi ngày Chủ nhật và dâng lễ Chủ nhật xong thì chẳng
còn phải làm gì. Thưa bạn, thật ra thì không phải là vậy. Chúng
tôi bận rộn với đủ thứ việc! Có những việc có tên, có danh xưng rõ
ràng; nhưng cũng có những việc không có tên, chỉ có thể gọi đó là công việc cần
giải quyết. Ngày ngày chúng tôi vẫn phải tiếp xúc với đủ mọi loại hạng
người khác nhau. Đại đa số tìm đến chúng tôi khi họ có nhu cầu về
tâm linh, nhu cầu cần được sự an ủi vỗ về, nâng đỡ. Họ đang gặp thất
vọng, chán chường, họ đang cần tìm và khao khát muốn tìm chân lý, cần tìm một lối
thoát cho cuộc đời đang bế tắc.
Ngày ngày chúng tôi vẫn làm việc
và công việc của chúng tôi dường như không bao giờ kết thúc. Mỗi
ngày luôn có nhiều loại hình công việc khác nhau như đang xếp hàng chờ đến lượt
để giải quyết. Thỉnh thoảng tôi có cảm nghĩ rằng một ngày với 24 tiếng
đồng hồ dường như không đủ cho tôi. Thời gian của mình nó đi đâu hết,
thời gian sao mà qua nhanh thế! Mà thật vậy, thời gian không còn là
của mình nữa. Thời gian là của Chúa và của mọi người. Ai
cần đều có thể lấy và ai cần đều có thể có miễn là có ích cho phần rỗi của
chính họ.
Cũng vậy, ngày ngày tôi dâng lễ và
mỗi khi chủ tế Thánh lễ, tôi thấy mình dù bé nhỏ, tầm thường, tội lỗi nhưng với
phẩm phục chủ tế khoác trên mình, tôi thực thụ trở nên người lãnh đạo tinh thần
cho Dân Chúa, tôi hóa thân để trở thành một Đức Kitô thứ II, với mục đích
chính là “chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, mọi danh
dự và vinh quang đều thuộc về Cha, là Thiên Chúa Toàn năng đến muôn thuở muôn đời”. Khi
dâng lễ, tôi làm một công việc thiêng liêng cao quý là dẫn đưa mọi người về với
Chúa Cha là Đấng toàn năng, là nguồn mạch hạnh phúc, và là nguyên lý của mọi
loài.
Thế nên tôi luôn tự nhủ với lòng
mình, và cũng luôn nghiêm khắc với chính mình, để có thể tập trung hết tinh thần,
ý chí, và năng lực cho các nghi lễ. Tôi luôn ý thức cần phải cử hành
thật sốt sắng, thật chậm rãi, thật từ tốn các nghi lễ để giúp cho Dân Chúa đi
sâu vào các mầu nhiệm mà mình cử hành. Vì thế cho nên sau mỗi Thánh
lễ tôi thường cảm thấy rất mệt vì sự tập trung cao độ như thế. Năng
lượng trong tôi dường như đã được hoán chuyển và dâng hiến hết cho những gì tôi
cử hành.
Tôi rất thích dùng kiểu nói “dâng
lễ” thay vì là làm lễ, đi lễ, xem lễ vì nói đi lễ, xem lễ, hay làm lễ nghe
không có tính tôn giáo chút nào. Nói như thế thì Thánh lễ thật thụ động
và ám chỉ đến một hành động, chỉ về một công việc phải làm hơn là chữ dâng lễ,
cử hành hy tế, hiến lễ nó siêu nhiên và siêu thoát hơn bội phần.
Nhà văn Công giáo Trần Trung Lương,
bút hiệu Trà Lũ hiện cư ngụ tại Toronto, Canada có lần đã nói với tôi ngay sau
ngày tôi chịu chức linh mục: “cứ nhìn cách một linh mục dâng lễ thì tôi biết
vị linh mục ấy đạo đức hay không”. Thế mới biết chuyện tôi dâng
lễ quan trọng là thế nào và người giáo dân kỳ vọng nơi linh mục nhiều như thế
nào khi dâng lễ. Thưa bạn, chính câu nói này, dù lời nói có vẻ bâng quơ đã ảnh
hưởng đến tôi nhiều lắm bạn à.
Mẹ Têrêsa Calcuta cũng có một câu
nói mà tôi thuộc nằm lòng bằng tiếng Anh cũng như tiếng Việt: “Priest of
God, celebrate this Mass as if it is your first Mass, Your last Mass and your
only Mass”. Tôi tạm dịch là: “Hỡi
linh mục của Thiên Chúa, Cha hãy dâng lễ này như lễ mở tay, như thánh lễ sau
cùng, và như thánh lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời của Cha”.
Khi truyền chức linh mục cho tôi, Đức
cha chủ phong nhắn nhủ tôi rằng: “Con hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều
con tin và hãy sống điều con dạy”. Một
lời khuyên dành riêng cho tôi được Đức cha nhắc bảo long trọng và công khai trước
mặt Dân Chúa. Phần tôi, tôi đã quỳ trước mặt ngài để lắng nghe, để
khắc ghi từng lời, từng câu chữ nay lẽ nào tôi lại không thực hành những lời
khuyên ấy?
Thế nên sau khi dâng một thánh lễ,
chỉ cần một thôi, tôi cũng đủ cảm thấy sự mỏi mệt xâm chiếm thân xác như thế
nào. Mệt là vì sự cố gắng và tập trung cao độ. Mệt là vì
sự chăm chú, toàn tâm, toàn ý vào tất cả những gì cử hành. Mệt nhưng
vui và hạnh phúc vì thấy được những giá trị tinh thần liền ngay sau đó.
Thưa bạn, người ta thường đòi hỏi
nhiều nơi các linh mục, và đó là sự thật. Có ít người hiểu rằng
chẳng dễ gì khi làm một linh mục. Ở đây tôi không muốn
nói đến những khó khăn trên con đường tu học để trở thành linh mục. Tôi
muốn nói đến những khó khăn để chu toàn bổn phận và trách nhiệm của một linh mục. Thật
thế, là linh mục vừa phải chu toàn trách nhiệm của một mục tử, vừa phải làm gương
mẫu về đời sống đạo đức, vừa phải sống hài hòa với hết mọi người. Thật
còn khó hơn làm dâu trăm họ.
Tôi đã hăng say, đã nhiệt tình dâng
hiến hết cả niềm hăng say của tuổi thanh xuân, nhưng tôi vẫn còn
là con người, và ngày qua ngày bản tính con người trong tôi lại cố gắng lấy
lại những gì tôi đã từ bỏ. Đó quả là một cuộc đấu tranh nội
tâm liên lỷ để duy trì cho mình sự toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa và Dân Ngài.
Tôi chẳng cần lời khen
ngợi hoặc những quà tặng, điều cần là những người được trao phó cho tôi phục vụ
cũng giúp tôi thấy rằng tôi đã không hy sinh cuộc đời một cách vô
ích. Và vì tôi vẫn còn là con người, lâu lâu tôi cũng cần đến những cử
chỉ tế nhị của tình bạn, những lời hỏi thăm ân cần, những lời động
viên, khích lệ… Bạn hãy tưởng tượng vào
một đêm Chủ nhật nào đó như tôi, một mình thui thủi cô đơn để hiểu được điều
tôi muốn chia sẻ.
Để diễn đạt những ý tưởng tôi vừa
tâm sự cùng bạn, tôi xin trích dịch lại nơi đây Lời kinh đêm ngày Chủ nhật của
một linh mục trẻ -- A prayer of a Sunday night of a young priest,
của linh mục Michel Quoist.
Lời kinh là tâm tình của một linh
mục mới có 35 tuổi đời, được thể hiện bằng những vần thơ và qua dạng một mẩu đối
thoại ngắn giữa vị linh mục với Chúa. Xin bạn hãy kiên nhẫn đọc thật chậm
từng ý, từng câu để hiểu nỗi niềm của vị linh mục, xin bạn hãy kiên nhẫn đọc thật
từ tốn từ đầu đến cuối để hiểu hết ý và tâm tình của bài thơ:
Lời kinh đêm
Chủ nhật của một linh mục (*)
Chúa ơi, đêm nay con thui thủi cô đơn
Giáo đường đang dần dần yên tịnh,
Người ta bước dần xa, còn con lặng lẽ trở về nhà trong cô độc.
Con vượt qua những người đang tản bộ trở về,
Con băng ngang qua cả một đám đông đang túa ra từ một rạp chiếu
bóng.
Con bước đi dưới hàng hiên bán cà phê vỉa hè, nơi những người
dạo phố cố kéo dài thêm niềm vui của một ngày Chủ nhật.
Con gặp phải bầy trẻ thơ đang chơi đùa trên hè phố,
những đứa trẻ, lạy Chúa, con của những người khác, mà sẽ chẳng
bao giờ là của riêng con.
***
Chúa ơi, này con đây.
Cô đơn.
Sự tĩnh lặng quấy rầy con, nỗi cô độc hành hạ thân xác con.
Lạy Chúa, con mới 35 tuổi đời
Với một thân xác được tạo thành như bao nhiêu người khác,
với đôi tay sẵn sàng cho công việc,
và một trái tim để yêu thương.
Nhưng con đã dâng hiến tất cả cho Chúa.
Vì một sự thật là Chúa cần đến nó.
***
Con đã dâng hiến cho Chúa tất cả, nhưng mà thật khó quá Chúa ơi!
Thật khó khi dâng hiến tấm thân của con, vì nó cũng muốn thuộc
về những người khác
Thật khó khi yêu mà không đòi được yêu lại
Thật khó khi nắm bắt một bàn tay mà không thể giữ lại bàn tay ấy
cho riêng mình.
Thật khó khi có thể yêu mà không được yêu bởi chỉ được dành sự
yêu thương ấy cho Chúa.
Thật khó khi tự hủy chính mình để trở nên mọi sự cho mọi người.
Thật khó khi nên giống như người khác, ở giữa họ và là chính họ.
Thật khó khi luôn muốn trao ban mà không đòi nhận lãnh.
Thật khó khi kiếm tìm người khác, còn chính mình thì lại phải
quên đi.
Thật khó khi gánh chịu nỗi khổ đau vì tội lỗi của người khác,
vậy mà lại phải nghe, phải gánh lấy những tội lỗi ấy.
Thật khó khi phải nghe những chuyện bí mật mà lại không được
chia sẻ cho ai.
Thật khó khi cưu mang người mà không bao giờ, dù trong giây
lát, mong được cưu mang.
Thật khó khi nâng đỡ những người cô thân, cô thế mà không được
phép dựa vào sức mạnh của kẻ khác
Thật khó khi một mình cô độc,
Cô độc trước mọi người,
Cô đơn trước thế giới,
Cô đơn trước đau khổ, sự chết và tội lỗi.
***
Con ơi, con chẳng cô độc đâu,
Cha ở với con;
và Cha chính là con đó.
Vì Cha cần một khí cụ khác là con người để tiếp tục mầu nhiệm
Nhập thể và Cứu độ của Cha.
Từ thuở đời đời, Cha đã chọn con,
Cha cần con.
Cha cần đôi bàn tay của con để tiếp tục chúc lành,
Cha cần đôi môi của con để tiếp tục lên tiếng nói,
Cha cần thân xác của con để tiếp tục đau khổ,
Cha cần trái tim của con để tiếp tục yêu,
Cha cần con để tiếp tục cứu độ.
Hãy ở với Cha, con yêu dấu.
***
Này con đây, lạy Chúa;
Này đây thân xác của con,
Này đây trái tim con,
Này đây linh hồn con.
Xin cho con trở nên mạnh mẽ đủ để vươn đến cùng thế giới,
Đủ sức mạnh để mang được cả trần gian,
Thanh khiết đủ để ôm trọn thế giới mà không muốn giữ lấy cho
riêng mình.
Xin cho con trở thành nơi hội tụ, nhưng chỉ tạm thời,
Thành một con đường dài vô tận, bởi mọi sự đều quy tụ nơi đây,
mọi sự thuộc về con người đều dẫn đưa tới Chúa.
Lạy Chúa, đêm nay, khi vạn vật đều lặng lẽ, con thấm thía nỗi
niềm cô độc như một lưỡi đòng sắc bén,
Khi nhân loại chiếm hữu hồn con mà dường như chưa bao giờ thỏa
mãn
Khi cả thế giới đè nặng trên đôi vai con với sức nặng của tội
và sự dữ
Con lặp lại với Chúa lời thưa “xin vâng” của con - không phải
trong sự kiêu hãnh nhưng chậm rãi, rõ ràng, và khiêm hạ,
Con cô đơn, Chúa ơi, trước Chúa,
Trong sự bình an của buổi chiều hôm.
***
(*) (vì bản tiếng
Anh quá chặt chẽ về cấu trúc câu và từ ngữ nên có đôi đoạn tôi phải dịch thoát
ý chứ không thể bám sát bản văn)
Thưa bạn, đêm nay, đêm Chủ nhật,
tôi ngồi một mình trong căn phòng tĩnh mịch, trước bàn phím để viết những dòng
tâm sự kết thúc cho bài viết này; tôi như nghe đâu đó vang vọng lại tiếng Chúa
thì thầm với tôi:
“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ
làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17).
“Không phải anh em đã chọn Thầy,
nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được
hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15,16).
“Tôi chỉ chú ý đến một điều,
là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích,
để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi
trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 3,13-14).
Cám ơn Chúa đã gọi tôi, Ngài đã chọn
tôi để sai tôi ra đi, sai tôi lên đường cho sứ mạng cao cả. Tôi đã đáp
lại tiếng mời gọi ấy và đã lên đường. Nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu,
tôi còn cả một chặng đường dài phía trước. Còn cả một quãng thời
gian dài nhiều năm dâng hiến và phục vụ. Chẳng có ngày Chủ nhật nào
giống như ngày Chủ nhật nào, mỗi ngày có niềm vui nỗi buồn của nó, có sự cô đơn
nhưng cũng có hạnh phúc, có sự vất vả nhưng cũng có những niềm vui sâu sắc. Điều
tôi cần và tôi xin là ngay trong những khi mệt mỏi nhất, tôi vẫn luôn cảm nghiệm
thấy Chúa luôn đồng hành bên tôi và ban cho tôi ơn vững tin vào
Ngài. Bởi chỉ có Ngài, là Đấng đã nói: “Ơn Ta đủ cho con”.
Chủ
nhật 21.08.2011 -- Lm Louis Nguyễn Phúc Kim
Và đây là nguyên bản tiếng Anh để
bạn nào biết Anh ngữ có thể đọc tham khảo:
A prayer of a Sunday night of a young priest
Fr. Michel Quoist (1921 - 1997) --
Trích từ Prayers of Life, trang 49-51.
Tonight, Lord, I am alone.
Little by little the sounds died down in the church.
The people went away,
And I came home,
Alone.
I passed people who were returning from a walk.
I went by a movie house that was disgorging its crowd.
I skirted café terraces where tired strollers were trying
to prolong the pleasure of a Sunday holiday.
I bumped into youngsters playing on the sidewalk,
Youngsters, Lord,
Other people’s youngsters who will never be my own.
***
Here I am, Lord,
Alone.
The silence troubles me,
The solitude oppresses me.
Lord, I’m 35 years old,
A body made like others,
Arms ready for work,
A heart meant for love,
But I’ve given you all.
It’s true of course, that you needed it.
***
I’ve given you all, but it is hard, Lord.
It’s hard to give one’s body; it would like to give itself to
others.
It’s hard to love everyone and to claim no one.
It’s hard to shake a hand and not want to retain it.
It’s hard to inspire affection, only to give it to you.
It’s hard to be nothing to oneself in order to be everything
to others.
It’s hard to be like others, among others, and to other.
It’s hard always to give without trying to receive.
It’s hard to seek out others and to be oneself unsought.
It’s hard to suffer from the sins of others, yet be obliged to
hear and bear them.
It’s hard to be told secrets, and never be able to share them.
It’s hard to carry others and never, even for a moment, be
carried.
It’s hard to sustain the feeble and never be able to lean on
one who is strong.
It’s hard to be alone,
Alone before everyone,
Alone before the world,
Alone before suffering,
death, sin.
***
Son, you are not alone,
I am with you.
I am you.
For I needed another human vehicle to continue my Incarnation
and my Redemption.
Out of all eternity, I chose you.
I need you.
I need your hands to continue to bless,
I need your lips to continue to speak,
I need your body to continue to suffer,
I need your heart to continue to love,
I need you to continue to save,
Stay with me, son.
***
Here I am Lord,
Here is my body,
Here is my heart,
Here is my soul,
Grant that I may be big enough to reach the world,
Strong enough to carry it.
Pure enough to embrace it without wanting to keep it.
Grant that I may be a meeting place, but a temporary one,
A road that does not end in itself, because everything to be
gathered there,
everything human, leads toward you.
Lord, tonight, while all is still and I feel sharply the sting
of solitude,
While men devour my soul and I feel incapable of satisfying
their hunger,
While the world presses on my shoulders with all its weight
of misery and sin,
I repeat to you my “yes” - not in a burst of laughter, but
slowly,
clearly, humbly,
Alone, Lord,
before you,
In the peace of the evening.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét