Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: Gia đình của tôi


      
 “Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”.  Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israen.  Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.  (Mt 19, 27-29)
Bạn thân mến, trong một thánh lễ tôi đã đọc bài Tin Mừng này.  Và bắt đầu từ chính kinh nghiệm, từ những gì đã trải qua trong cuộc sống mới của tôi tại Canada, tôi đã chân thành chia sẻ đoạn Tin Mừng này ứng nghiệm với cuộc đời của tôi như thế nào cho những người tham dự thánh lễ hôm đó.  Hay nói đúng hơn, chính Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho tôi biết nên chia sẻ thế nào, nên nói gì với giáo dân của tôi.
Tôi đã chia sẻ rằng Thiên Chúa có những kế hoạch làm việc thật mầu nhiệm.  Trước đây tôi không nghĩ, không bao giờ dám nghĩ, dám tin rằng rồi đây sẽ có một ngày mình lại là linh mục phục vụ nơi xứ người như thế này.  Quả thật Chúa đã dẫn tôi qua những nẻo đường kỳ lạ, và có thể nói tại vùng đất này là điểm dừng chân của tôi.  Ngài muốn tôi làm người thợ gặt cho Ngài tại cánh đồng truyền giáo ở đây.  Ngài biết tôi bỡ ngỡ và xa lạ với cộng đồng ở đây, nên Ngài gửi đến cho tôi những bàn tay chăm sóc khác, thay thế cho những sự chăm sóc mà tôi đã nhận được từ Cha Mẹ, từ gia đình, người thân của tôi bên quê nhà.
Hồi tưởng lại bài giảng của tôi trong thánh lễ hôm ấy, tôi cảm thấy mình đã chẳng chia sẻ, đã chẳng nói về điều gì sâu xa nhưng rất thực tế trong đời sống của tôi, khởi đi từ kinh nghiệm sống của chính mình.  Tôi đã chia sẻ với mọi người rằng: với phép Rửa tội, chúng ta thuộc về một gia đình khác, một gia đình rộng lớn hơn: Gia đình của Thiên Chúa.  Nhờ phép rửa tội, chúng ta trở nên anh em một nhà, con cái của một Cha trên trời. Chúng ta cùng gọi Thiên Chúa là Cha, dù có sự khác nhau trong ngôn ngữ nhưng vẫn có một mẫu số chung: Thiên Chúa là Cha, và vì chúng ta có chung một Thiên Chúa là Cha, có chung một phép rửa, có chung một đức tin, thế nên từ đó chúng ta có chung ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của yêu thương, ngôn ngữ của đức tin, và cứ thế, tôi tiếp tục chia sẻ với họ về những gì tôi nhận được kể từ ngày đặt chân đến Canada, một vùng đất hoàn toàn xa lạ với tôi.
Rất chân tình tôi đã nói về một sự đón tiếp chân thành mà họ dành cho tôi.  Tất cả mọi người, những ai mà tôi có cơ hội gặp gỡ hay làm việc chung đều luôn động viên tôi bằng những lời khích lệ chân thành, bằng sự đón tiếp nồng nhiệt và đầy yêu thương…
Trong tâm thức của mình, tôi đã coi họ là cha, là mẹ, là anh chị em của tôi nơi môi trường mới.  Dù có những bỡ ngỡ, có những bất đồng về ngôn ngữ nhưng tôi luôn cảm nhận sự kiên nhẫn và tử tế của họ dành cho tôi.  Khởi đầu tôi là người xa lạ, nhưng họ không loại trừ mà đã đón tiếp tôi.  Tháng ngày trôi qua, tôi hội nhập với họ và trở nên một phần tử trong đại gia đình mới.
Tôi đã chia sẻ với họ về mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội, về căn tính hoàn vũ và phổ quát của Giáo hội, căn tính ấy mạnh mẽ đến độ dù tôi có đi đến phương trời nào, tôi cũng luôn sống trong lòng Giáo hội, tôi cũng vẫn luôn thuộc về Gia đình Giáo hội.  Giáo hội là Mẹ và hết thảy những ai là Kitô hữu đều là con cái của người Mẹ ấy.  Giáo hội Công giáo, Duy nhất, Thánh thiện và Tông truyền là vậy. 
Cuối cùng tôi đã bày tỏ tâm tình cảm tạ ơn Chúa đã ưu ái gửi đến cho tôi những con người có lòng nhân hậu, quảng đại để đón tiếp tôi nơi xứ người; rồi tôi cũng mời gọi họ cũng hãy tiếp tục quảng đại dấn thân theo Chúa qua cuộc sống chứng tá hàng ngày.  Thiên Chúa luôn giàu lòng quảng đại.  Nếu chúng ta quảng đại để từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, thì tôi tin chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ không thua lòng quảng đại của chúng ta.  Chúng ta từ bỏ một, Ngài sẽ trao lại cho chúng ta mười; chúng ta hy sinh mười, Thiên Chúa sẽ trao ban lại cho chúng ta một trăm.  Mọi sự sẽ nhãn tiền ở đời này, có thể kiểm chứng, có thể thấy ngay trong cuộc đời này: “phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Bạn thân mến, bạn có sợ không khi phải đến một môi trường xa lạ để khởi sự cuộc sống mới?  Bạn có cảm thấy cô độc không khi bạn phải ở trong một vùng đất mà những người xung quanh không là bà con, thân thích, hiểu biết bạn, hoàn toàn xa lạ với bạn trong ngôn ngữ, phong tục tập quán?  Dù bạn có bản lĩnh, mạnh mẽ và tự tin đến đâu chăng nữa thì chắc hẳn cũng là có rồi, không ít thì nhiều.
Nhớ lại ngày 19.08 năm ấy, ngày mà tôi rời Việt Nam lên đường sang Canada.  Nhìn qua khung cửa sổ máy bay, thành phố Sàigòn dần dần khuất mờ đi trong những đám mây đang trôi lờ lững, lòng tôi tràn ngập sự bối rối và lo âu.  Tất cả đang dần dần rời xa: gia đình, bạn bè, môi trường sinh hoạt lâu nay…, tôi bỏ lại sau lưng tất cả để đi vào một vùng đất mới mà tôi chưa hề một lần trải qua.  Tôi lo sợ thật sự, một nỗi niềm lo sợ rất tự nhiên, rất con người.
Tôi đã lên đường với một mớ hành trang toàn sách vở, ít trăm bạc cầm trong tay.  Cái lớn nhất mà tôi có chỉ là một tâm tình phó thác trong tay Chúa quan phòng, xin để Chúa dẫn đưa, xin để Chúa định liệu và một lòng yêu mến tha thiết xin được hiến thân phục vụ.
Máy bay đã đưa tôi đi theo một định hướng có sẵn, cuộc đời của tôi cũng theo hướng đó mà đi.  Tôi bồi hồi nhớ lại những cảm xúc bịn rịn, chia tay ở phi trường, những giọt nước mắt, những cảm xúc rất chân tình chia sẻ và động viên tôi hãy can đảm mà tiến bước. 
Tôi lo lắng vì từ nay sẽ phải làm lại mọi sự từ đầu.  Tại môi trường mới, tôi như một em bé bắt đầu chập chững biết đi, bắt đầu tập nói, bắt đầu tập viết.  Mọi thứ sẽ đảo lộn và hoàn toàn xa lạ với tôi.
Cuối cùng thì tôi cũng đặt chân đến Canada trong một buổi chiều của mùa Thu.  Tiết trời se lạnh, số người ra đón tôi ở phi trường hôm ấy có đủ cả hai quốc tịch Canada và Việt Nam, và họ, bằng cách này hay cách khác, giúp tôi hội nhập dần với cuộc sống mới.
Để bạn dễ hình dung, tôi kể cho bạn nghe hai câu chuyện xảy ra với tôi trong giai đoạn đầu về sự bỡ ngỡ của tôi với cuộc sống mới:
1.  Bên này điện, nước và giấy là 3 thứ người ta xài rất hoang phí.  Trong những hội trường hay phòng họp rộng lớn, trong những dãy nhà vệ sinh và phòng tắm, người ta bắt rất nhiều đèn và thường để một cảm ứng điện tử (sensor) gần với công tắc đèn chính để mỗi khi có người qua lại, cảm ứng điện tử sẽ nhận ra và hệ thống đèn sẽ tự động bật sáng. 
Nước thì họ xài thả dàn, để chảy tràn lan vô tội vạ.  Nhiều khi chỉ để rửa tay, họ vặn vòi nước thật lớn và rửa thật lâu; hay khi họ tắm, họ ưa thích dùng bồn tắm để ngâm mình trong đó.  Họ dùng nước để tưới vườn và nhiều khi để nước chảy cả đêm trên khu vườn của họ.
Giấy thì rất nhiều, rất tốt và chuyện sử dụng thì rất phí phạm.  Tờ giấy trắng tinh, lấy ra ghi chỉ vài chữ rồi vo viên lại ném vào thùng rác, vô cùng phí phạm.  Không ai biết đến chuyện tiết kiệm giấy bằng việc tận dụng những tờ giấy mới chỉ có vài chữ trên đó.  Khi có việc cần ghi chép, họ lấy những tờ giấy trắng mới tinh mà sử dụng.  Nếu sống ở bên này, bạn chỉ cần nhìn vào thùng rác của họ thì có thể kiểm chứng được điều đó.
Tôi, đến từ một đất nước nghèo và còn nhiều khó khăn nên tôi ý thức chuyện tiết kiệm điện là chuyện dễ hiểu.  Nhìn những bóng đèn điện sáng trưng như thế dù không có ai bên trong tôi thường thấy xót xa và thương nhớ cho người dân bên quê nhà.  Do vậy nhiều lần khi đi vào khu vực nhà vệ sinh mà thấy hệ thống đèn sáng trưng, không một bóng người trong đó thì việc tôi thường làm là đưa tay tắt công tắc chính của hệ thống đèn. 
Sau một vài lần làm như thế, một hôm tôi thấy mẩu giấy thông báo nhỏ được dán ngay cạnh công tắc chính yêu cầu đừng tắt đèn.  Sau này ngẫm nghĩ lại thì thấy thật buồn cười bởi nhiều khi sự ý tứ của mình hóa ra lại làm người khác phiền lòng.
2.  Hay như câu chuyện sau đây: bạn có biết bên này vào các dịp sinh hoạt chung với nhau người ta thường sử dụng các loại dĩa bằng nhựa hay giấy cho các bữa ăn, mục đích chính là sự tiện lợi của chúng, chỉ cần sử dụng một lần rồi quăng tất cả vào thùng rác.  
Một lần kia, trong những dịp sinh hoạt tập thể như thế, thấy người ta đã ăn xong, tôi nhanh nhẹn thu dọn các dĩa bằng nhựa rất đẹp để đi rửa rồi xếp ngay ngắn vào kệ, tôi đã làm công việc ấy rất bình thường vì nghĩ rằng những dĩa nhựa này có thể sử dụng lại cho các lần sau.  Ít phút sau đó, tôi rời phòng ăn trở về phòng, một người Canada đã nhanh tay thu dọn tất cả những dĩa nhựa mà tôi đã cất công rửa đem quẳng hết vào thùng rác.
Trở lại phòng ăn, tôi kinh ngạc nhìn thấy thành quả lao động của mình nằm trong thùng rác.  Ngỡ ngàng nhưng không dám hỏi, buồn nhưng không dám thở than với ai hết và bỗng nhiên ý thức được rằng mình đang sống trong một đất nước khác không phải là đất nước mình.
Vậy đó thưa bạn, cuộc sống mới có rất nhiều thứ mới lạ mà lâu dần, với thời gian tôi mới hiểu và hội nhập được.
Tôi cũng không phủ nhận chuyện kỳ thị.  Có, có những chuyện như vậy.  Có khi lộ liễu thẳng thừng, có khi kín đáo, âm thầm nhưng nếu mình tinh ý, mình có thể nhận thấy.  Thật buồn khi nhìn thấy những ứng xử như vậy.  Nhưng tôi thiết nghĩ bao lâu còn mang thân phận con người, chuyện này có thể hiểu được và cảm thông được. 
Tóm lại, cuộc sống mới, dù có nhiều khó khăn hội nhập nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy thoải mái và bình an.  Người ta đã đón tiếp tôi, người ta đã chân thành chia sẻ và giúp đỡ tôi. 
Để bạn hiểu họ tốt và quảng đại thế nào, tôi thẳng thắn chia sẻ cùng bạn câu chuyện về sự giúp đỡ của họ dành cho tôi.  Câu chuyện ấy có thể tóm tắt như thế này: Đức cha Peter Mallon, vị Giám mục ký giấy cho tôi một suất học bổng sang Canada du học.  Ngài qua đời ngày 02.02.2007, và trong di chúc của mình, ngài để lại tất cả tài sản của mình cho Tòa Giám mục, trong đó có chiếc xe hơi Toyota Camry sản xuất năm 1995.  Tòa Giám mục quyết định bán chiếc xe này lấy tiền cho ngân quỹ, còn tôi dù có muốn mua cũng đành chịu vì lấy đâu ra tiền? 
Năm 2007 cũng là năm cuối của tôi trong chương trình Thần học ở Chủng viện và sắp bắt đầu giai đoạn thực tập mục vụ, tôi rất cần một chiếc xe để đi lại làm việc.  Và thế là bà Mary Hartl, một phụ nữ Canada mà tôi quen biết đã quảng đại ký một tờ ngân phiếu 5.000 dollars trả cho Tòa Giám mục để tôi làm chủ sở hữu chiếc xe ấy.  Bạn có biết hiện tôi vẫn còn giữ bản copy của tờ ngân phiếu ấy, và chiếc xe cho tới nay tôi vẫn còn sử dụng, dù nó đã 16 tuổi và chạy được gần 400.000km.
Tôi có hỏi Bà là tại sao bà lại thương quý tôi đến thế khi mà Bà chỉ mới quen biết tôi trong thời gian ngắn thì Bà đã trả lời tôi cách đơn giản là mấy năm qua Bà không đi nghỉ Hè, không đi du lịch đó đây nên có dư chút ít tiền và bà muốn dùng nó để làm một cái gì đó thiết thực hỗ trợ cho ơn gọi linh mục.  Câu trả lời quá đơn giản nhưng thật nó làm tôi xúc động và biết ơn Bà nhiều lắm.  Thật thế thưa bạn, nếu không có sự giúp đỡ ấy thì làm sao tôi có thể mua được chiếc xe, dù cũ, với số tiền cầm làm hành trang chỉ là vài trăm dollars?
Nghĩ lại, Lời Chúa như trong trích đoạn Phúc âm ở đầu bài viết quả thật là ứng nghiệm nơi cuộc đời tôi.  Theo Chúa đương nhiên phải từ bỏ.  Tôi đã từ bỏ Cha Mẹ, anh chị em, bạn hữu bên quê nhà; tôi đã từ bỏ tất cả, để lại sau lưng tôi một môi trường sống quen thuộc để lên đường sang một môi trường mới làm việc và phục vụ.  Chúa đã chứng nhận sự từ bỏ ấy để rồi Ngài lại ưu ái ban tặng cho tôi những Cha Mẹ mới, bạn bè và anh em mới, thân nhân mới.  Tất cả đó là những gì tôi muốn chia sẻ cùng bạn trong bài viết này. 
Rất mong rằng khi đọc xong bài này, bạn cũng hãy quảng đại dấn thân theo Chúa, theo Chúa trong bậc sống của bạn.  Hãy quảng đại dấn thân và từ bỏ để được thuộc về Chúa nhiều hơn, để theo Chúa trong sự tự do và siêu thoát hơn.  Hãy tin rằng Lời Chúa trong trích đoạn Tin Mừng trên sẽ ứng nghiệm trong cuộc đời bạn ngay ở đời này, và xa hơn nữa sẽ còn được phần thưởng đời đời làm gia nghiệp. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét