Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: Nghĩa tử là nghĩa tận


Bạn thân mến,
Thứ Sáu tuần qua tôi cử hành tang lễ cho một cụ bà người Canada hưởng thọ 78 tuổi.  Tang lễ của bà chỉ có vỏn vẹn 14 người tham dự, đó là những người quen biết với bà và có thể nói đó là một tang lễ u buồn nhất mà tôi từng cử hành cho đến nay.  U buồn và ảm đạm không chỉ vì bầu khí của một tang lễ nhưng vì những diễn biến xảy ra trước và sau tang lễ làm cho lòng tôi cảm thấy man mác buồn và phải thú nhận rằng cảm giác ấy vẫn còn vướng bận tâm trí tôi ít nhiều.  Điều đó thôi thúc tôi nên dành thời gian của những buổi chiều Chủ nhật để viết lại câu chuyện chia sẻ cùng bạn và cũng kể cho bạn một vài câu chuyện khác liên quan đến văn hoá tiễn biệt, chia ly của người Bắc Mỹ.
Bà cụ mà tôi muốn kể ở đây có một hoàn cảnh sống khá đặc biệt.  Lập gia đình khi còn rất trẻ, lúc mới 18 tuổi, trải qua mấy chục năm chung sống, hai ông bà có được duy nhất một người con gái, và cô này khi lớn lên rồi cũng lập gia đình, cô sinh ra cho ông bà 2 đứa cháu ngoại, một trai một gái.
Phận tình duyên của cô này không được may mắn.  Người chồng của cô có lẽ là con cháu, hậu duệ của bác thằng Bần thế nên anh ta tối ngày đam mê cờ bạc, hễ rảnh là lại tìm đến mấy sòng bạc casino kéo máy.  Tài sản gia đình do vậy lần lượt đội nón ra đi.  Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, hai vợ chồng phải bán căn nhà mà họ đang ở, phân chia gia tài và đường ai nấy đi.  Phần người vợ, chị ta ra đi với chút ít vốn liếng còn lại và 2 đứa con mà đứa lớn nhất mới 8 tuổi.
Chị ta buồn giận chồng không nghiêm túc làm ăn, tối ngày chỉ biết cờ bạc, làm bạn với bác thằng Bần, đó là chuyện dễ hiểu nhưng do thất vọng và quá cô độc, chị đã mượn rượu giải sầu.  Ngày qua ngày chị ta trở nên đệ tử trung thành của lưu linh lúc nào không hay.  Nói cho cùng, theo như tôi nghe được, chị cũng có cố gắng cai nghiện và muốn tu chí để trở thành người tốt, một người Mẹ gương mẫu nhưng không thành công và thế là cuối cùng Sở An sinh xã hội đã đến bắt hai người con và cách ly chúng ra khỏi người mẹ.  Họ gửi mỗi đứa đi một gia đình ở hai thành phố khác nhau.  Mẹ con ly tán, chúng lớn lên trong những gia đình xa lạ không phải gia đình ruột thịt của mình và dần quên đi gốc gác thật của mình.
Phần người mẹ, từ khi bị bắt mất con, chị ta trở nên như người mất hồn, sống mà không ra sống, lây lất qua ngày và càng chìm đắm hơn trong rượu chè, say xỉn.  Chị ta cứ thế mà trượt dài, sống một cuộc sống không hy vọng, không tương lai, không tình thương hết sức bi thảm.
Chính vì lẽ đó, khi mẹ mình nằm xuống, chị ta cũng không hề biết cho đến khi cảnh sát truy tìm ra chị và báo tin.  Khi biết tin rồi, chị cũng vẫn cứ như người cõi trên, chẳng biết phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu.
Trở lại câu chuyện chính của bà cụ trước khi qua đời khoảng 3 năm.  Do tuổi đã cao, không còn khả năng chăm sóc cho nhau được nữa, cụ ông lại bị bịnh mất trí nhớ (alzheimer) nên họ quyết định mỗi người một nơi.  Ông vào viện dưỡng lão còn bà tiếp tục ở lại cô quạnh, lủi thủi một mình trong ngôi nhà với nhiều kỷ niệm vui buồn.
Và chính tại ngôi nhà này, bà cụ đã trút hơi thở cuối cùng trong sự cô đơn lạnh lẽo mà không một ai hay biết.  Một người bạn già của bà gọi điện thoại đến mà không thấy trả lời.  Sinh nghi bà này liên lạc với cảnh sát và khi đến nơi người ta thấy bà cụ đã chết từ hai ngày trước.
Tôi phải xin mở ngoặc để nói thêm rằng đây không phải là trường hợp cá biệt.  Những trường hợp chết trong nhà mà không một ai biết thường rất hay gặp bên Bắc Mỹ (Mỹ và Canada).  Người hay phát hiện có người chết trong nhà thường là các nhân viên bưu điện.  Sở dĩ như vậy là vì hầu như ngày nào các nhân viên bưu điện đều phải ghé đến bỏ thư hay các tờ quảng cáo vào thùng thư được treo ở phía trước nhà.  Sau mấy lần đến mà không thấy ai ra lấy đi số thư đã bỏ vào thì hầu như có thể kết luận là chủ nhà đó có vấn đề.  Nếu giả như chủ nhân đó vắng nhà do đi du lịch hay đi xa có công việc thì thường họ sẽ thu xếp để có thể có người quen ngày ngày đến lấy thư trong thùng và bỏ vào nhà cho họ.  Thế nên khi bỏ thư mà không thấy nhận, nhân viên đưa thư của bưu điện sẽ liên lạc, thông báo ngay cho cảnh sát để họ đến và xem chuyện gì đã xảy ra.  Thường khi cảnh sát đến, họ phá cửa vào nhà thì thấy có người chết trong đó.
Bà cụ ra đi trong hoàn cảnh như vậy, thật cô đơn lạnh lẽo trong những giây phút cuối đời.  Cảnh sát đã tìm xem các thông tin liên quan đến bà cụ để thông báo.  Người ta tìm ra cô con gái của bà cụ lúc này đang say xỉn nằm ngủ vật vờ ở một trạm xe buýt công cộng.  Họ đưa cô ta về nhà, đợi đến khi cô ta tỉnh hẳn rượu rồi mới thông báo về sự ra đi của Bà Cụ.  Đáp lại những thông tin ấy, cô ta phất tay rồi nói trong âm giọng vẫn còn lè nhè: “mấy người cứ làm việc của mấy người, tôi không có ý kiến gì hết!”  Tôi đã được nghe kể lại những chi tiết này từ người em chồng của bà cụ. 
Thấy không thể có sự cộng tác từ người con duy nhất trong việc lo tang lễ cho Bà Cụ, cảnh sát và Sở An sinh Xã hội lại phải truy tìm người khác.  Họ tìm ra một người em chồng của bà cụ, hiện là giáo viên trung học ở một tỉnh khác cách xa giáo xứ tôi đang phục vụ chừng 7 tiếng lái xe (quãng chừng gần 900km).  Anh này là em chồng nên có thể nói ít nhiều cũng không có quan hệ gần gũi với chị dâu, hơn nữa, vì đang mùa lo cho học sinh thi cử, kết thúc năm học nên anh không thể về ngay để sắp xếp, tổ chức tang lễ cho chị dâu được.  Qua sự sắp xếp giữa anh với dịch vụ an táng bằng điện thoại, người ta đành đem xác bà cụ vào nhà tang lễ và tạm thời để đó cho đến khi anh có thể về để bàn bạc sắp xếp mọi sự.
Cuộc đời của hai người phụ nữ trong câu chuyện tôi vừa kể là một chuỗi dài những tháng ngày đau khổ và thấm đầy nước mắt.  Tôi đã gặp người con gái của bà cụ trước ngày cử hành tang lễ để lắng nghe, tìm kiếm những thông tin về người quá cố và đã được nghe cô con gái kể lại trong nước mắt những chi tiết trên.  Giờ đây khi bà cụ nằm xuống, cô ta không một đồng xu dính túi, tất cả giao phó cho người chú.
Tôi cũng đã gặp người em chồng của bà cụ, người đứng ra đảm nhận trách nhiệm lo tang lễ cho chị dâu mình.  Anh ta cũng cố gắng tỏ ra thiện chí để lo chu tất việc hậu sự.  Nhưng ngặt nỗi lực bất tòng tâm và vì quan hệ với người quá cố cũng không có gì là quá gắn bó.  Thế nên bạn có thể hình dung là anh ta để mặc tôi lo sắp xếp mọi chuyện.  Ngay sau thánh lễ an táng, anh ta đến tìm gặp tôi trong phòng thánh chỉ để nói với tôi rằng: Mọi sự đã xong, ông Cha làm những gì còn lại dùm vì tôi phải lái xe về lại nhà ngay trong chiều nay.  Như thế có nghĩa là cùng với nhân viên nhà quàn, tôi sẽ đưa xác bà cụ ra nghĩa trang và hoàn tất nghi thức an táng, tiễn biệt cho bà cụ mà không có thân nhân hiện diện.  Tôi thật sự ngao ngán, bối rối và cảm thấy chua xót nhiều lắm.
Bạn thân mến,
Tôi đến đất nước này thấm thoát thế mà đã gần bảy năm.  Đó là một khoảng thời gian đủ dài để tôi học thích nghi và đáp ứng với nền văn hoá có những nét xa lạ với văn hoá Việt Nam của mình.  Tôi rời Việt Nam khi tuổi đã bắt đầu khá lớn, và do vậy cũng cảm thấy ít nhiều tự tin và trưởng thành để nhanh chóng hội nhập với văn hoá xứ người.  Tuy nhiên, trái với tất cả những cảm nghĩ ban đầu ấy, tôi đã có cả một khoảng cách khá dài đầy ắp những khủng hoảng để hội nhập với văn hoá xứ người.  Giờ đây khi ngồi nhìn lại quãng đường đã qua, tôi vẫn cảm thấy rùng mình vì biết bao nhiêu là khó khăn mình đã trải qua.  Người bên này, họ có nếp sống văn hoá rất khác lạ so với văn hoá Việt Nam của chúng ta.  Hằng năm, họ dành dụm tiền để du lịch. Năm nào họ cũng đi và thường đi vào kỳ Hè nếu có con cái, hoặc mùa Đông nếu con cái đã lớn và trưởng thành.  Họ đi rất nhiều nơi trên thế giới, biết rất nhiều về lịch sử, văn hoá, địa lý của các nước, họ có thể kể vanh vách tên những địa danh du lịch, thành phố lớn mà họ đã đến viếng thăm.  Thế nhưng một điều thật lạ lùng là họ chẳng bao giờ chịu dành thời gian để tìm hiểu, kết thân với láng giềng.  Nhà nào biết nhà nấy.  Sáng đi làm, chiều về là đóng cửa ở trong nhà, tuyệt nhiên không có chuyện sang chơi nhà hàng xóm.  Nếu cần phải liên lạc, nói chuyện với hàng xóm, họ nhấc điện thoại a-lô, a-lô vài phút là xong.
Họ đi đây đi đó, biết rất nhiều nơi trên thế giới nhưng không hề biết nhà hàng xóm có bao nhiêu người, sinh sống ra sao.  Không ai quan tâm tới ai, mỗi một gia đình là một lối sống khép kín.  Điều đó hoàn toàn trái ngược với văn hóa, sinh hoạt của người Việt chúng ta vốn tắt lửa tối đèn, sớm tối có nhau.
Cũng vậy, con cái lớn lên, họ đẩy chúng ra đời tự lập từ rất sớm và như một quy luật, khi đến tuổi về hưu, con cái sẽ cảm thấy không có trách nhiệm phải chăm sóc cha mẹ nên chúng tìm cách đưa vào nhà hưu dưỡng sớm cho rảnh nợ.  Người Việt chúng ta thì thường có hai, ba thế hệ sống chung trong một mái nhà.  Nhưng với người phương Tây thì không.  Đến thăm họ, bạn sẽ thấy nhiều khi chỉ có một cặp vợ chồng già, tự lo lắng chăm sóc cho nhau, còn con cái chúng sống ở những nơi khác, nhiều khi xa vạn dặm.
Khi còn học Chủng viện ở London, tôi đã từng có lần theo một gia đình Việt Nam đến dọn đồ giúp cho một Bà cụ chuẩn bị chuyển vào viện dưỡng lão.  Chuyện xảy ra hôm đó mãi vẫn còn in đậm dấu ấn trong tôi.  Làm sao quên được cảnh bà cụ bịn rịn, lưu luyến chia tay ngôi nhà mà bà đã từng sống trong hơn 50 năm trời.  Đám con cái của bà thì đứng lặng thinh nhìn Mẹ mình lần hồi từng bước chậm chạp, mân mê cái bàn, cái ghế, sờ vào cái tủ, cái kệ mà mắt thì ngân ngấn nước mắt còn miệng thì thầm thì như nói chuyện với những đồ vật đã gắn bó với cuộc sống của bà hơn nửa thế kỷ.  Bà năn nỉ xin các con cho mình mang theo chiếc đồng hồ quả lắc, cái tivi cũ mèm từ thập niên 80 và một vài món đồ khác là những kỷ niệm đặc biệt nhưng các con của Bà cụ dứt khoát không chịu, viện lý do phòng của bà ở nhà dưỡng lão nhỏ và chật chội.
Chuyện gì phải đến rồi cũng đến.  Tôi nhìn bà cụ được hai người con dìu ra xe để đưa đi nhà dưỡng lão mà lặng người.  Bà lê bước chân nặng nhọc, đầu cứ cố ngoái lại phía sau như thể muốn lưu giữ lại lần cuối hình ảnh của ngôi nhà yêu dấu với tâm trạng biết chắc rằng một khi đã ra đi thì không trở lại và chắc chắn lũ con sẽ bán lấy tiền mà chia nhau.
Nhưng xem ra như vậy là còn may mắn đó thưa bạn.  Bà vào nhà dưỡng lão, ở đó sẽ có những bạn già khác, có các nhân viên chăm sóc cho chuyện ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ… còn hơn sống cô quạnh trong nhà lủi thủi một mình và tự mình làm hết mọi chuyện. 
Trường hợp của một cụ ông mà tôi làm lễ an táng ở thành phố Regina cách đây 2 năm còn thê thảm hơn.  Ông chết trong bệnh viện mà bên cạnh không có một thân nhân nào.  Có duy nhất một người con trai thì anh ta đang cùng gia đình đi du lịch mùa Hè ở Châu âu.  Nhà quàn đã gọi điện thoại cho anh ta để bàn bạc về chuyện tổ chức tang lễ và ngỏ ý sẵn lòng chờ đợi anh ta về thì mới tiến hành tang lễ.  Sau khi biết chi phí để bảo quản xác tại nhà quàn, anh ta đã thẳng thừng từ chối chuyện chờ đợi anh ta mà yêu cầu cứ tiến hành mọi chuyện vì anh ta sẽ đi trọn một tháng mới về.  Việc đơn giản nhất mà anh ta có thể làm được cho tang lễ của Bố mình là đọc cho nhân viên số thẻ ngân hàng để họ rút tiền trang trải chi phí tang lễ và hẹn ngày trở về sẽ coi lại sổ sách chi tiêu.
Đọc tới đây chắc bạn nghĩ sao mà thê thảm vậy? Làm sao lại đối xử với người có công sinh thành dưỡng dục nên mình tệ đến như vậy được? Nhưng quả thật chuyện đó đã xảy mà tôi đã từng được chứng kiến.
Nếu bạn có hiện diện trong những cử hành tang lễ của họ, bạn sẽ thấy điều này là không có khăn tang, không có nước mắt và không có chụp hình quay phim.  Tất cả đều lặng lẽ và êm ả.  Không kèn không trống, không có những tiếng khóc tiếc thương, không nhang khói và đèn cầy hay nến đỏ.  Có một vài lẵng hoa và con cháu tất cả đều âu phục màu đen u ám.
Tôi làm linh mục thấm thoát đã gần 3 năm, đã nhiều lần cử hành tang lễ cho đủ mọi hạng người.  Có một vài tang lễ cho những người khá nổi tiếng, nhiều và rất nhiều người đến tham dự, cũng có những tang lễ cho những người bình dân, chỉ chừng 100 người trở lại tham dự… Nhưng nhìn chung, tất cả đều như đã kể trên.  Người Tây họ trọng chí khí, họ sợ nước mắt hay những hình ảnh xấu xí, họ ưa cái đẹp và sự hoàn hảo một cách lạ lùng.  Việc đầu tiên cần làm cho người quá cố trước khi liệm xác là trang điểm khuôn mặt sao cho nhìn tươi tắn như đang ngủ; người còn sống họ không ưa thích nhìn thấy cảnh đau đớn, hãi hùng, không muốn thấy những giọt nước mắt hay những tiếng khóc than do vậy họ không hề khóc và không chụp ảnh quay phim trong tang lễ cũng như lúc tiễn biệt ngoài nghĩa trang.  Nói khác đi, họ không muốn bị ám ảnh về những cảnh chia li tử biệt sẽ có thể có sau này khi xem lại những đoạn phim hay hình ảnh về tang lễ.
Bài đã khá dài nên xin kết thúc nơi đây.  Chắc bạn cũng hình dung được sự khác biệt của hai nền văn hóa liên quan đến chuyện tiễn biệt, chia ly sống-chết.  Bài viết chỉ kể, chỉ thuật lại những gì đã xảy ra trong đời linh mục của tôi mà không có những nhận xét so sánh mang tính cách cá nhân.  Phần còn lại xin dành cho bạn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét