Thứ tư Lễ tro khai mạc mùa chay thánh. Việc rắc
tro lên đầu nhắc nhớ thân phận con người chỉ là cát bụi, một mai sẽ lại trở về
bụi tro.
Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc đã
từng viết: “Thảo nào khi mới chôn nhau đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Điều
mà Nguyễn Gia Thiều cảm nhận về cái mong manh của kiếp người cũng là điều mà
Giáo hội muốn mỗi Kito hữu ý thức trong mùa chay thánh này, để mà thống hối, để
mà ăn năn và cầu xin Thiên Chúa ban cho những ơn lành để sống sao cho trọn kiếp
người, nhất là để sống điều mà Đức Benedit 16, trong sứ điệp Mùa chay 2012 đã
kêu gọi các tín hữu “hãy quan tâm nâng đỡ nhau”.
Để có thêm chất liệu suy tư và để cùng nhắc nhớ
nhau sống thánh trong mùa chay thánh này, chúng tôi xin trân trọng gửi tới quý
độc giả bài viết có tựa đề “Mong manh” của Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, giám
mục Hải Phòng, viết về thân phận mong manh cát bụi của con
người.
Kính chúc Đức cha, quý đọc giả một mùa chay
thánh thiện.
Tựa do Nữ Vương Công Lý
đặt.
“Phù vân quả là phù vân,
tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2)
Lại một Mùa Chay nữa đang về. Nghi thức khai mạc
Mùa Chay mang ấn tượng đặc biệt qua việc xức tro trên đầu các tín hữu. Những
thực hành đạo đức của Mùa Chay như sám hối, cầu nguyện, bác ái, chay tịnh đều
nhằm nhắc chúng ta nghĩ về thân phận mỏng giòn của kiếp người.
Một năm vừa qua đi được đánh dấu bằng biết bao
sự kiện vui buồn. Có những niềm vui của chiến thắng, thành công. Có những nỗi
buồn của tan vỡ, thất bại. Mỗi người tự do lượng giá những gì đã xảy ra. Với cái
nhìn đức tin, các tín hữu có thể đón nhận những sứ điệp Chúa nhắn gửi cho nhân
loại. Nhìn lại năm đã qua, người viết mời quý Độc giả cùng suy tư về hai chữ
“mong manh”, phần nào gồm tóm “sự đời” đã và đang diễn ra.
1- Sự mong manh của quyền
lực
Năm 2011 chứng kiến sự sụp đổ của một loạt các
nhà độc tài trên thế giới:
– Khởi đi từ sự kiện một anh bán rau trên hè phố
tự thiêu vì bị cảnh sát chèn ép, một cuộc cách mạng mang tên “Cách mạng Hoa
Nhài” đã ra đời tại Tunisia. Người thanh niên tự thiêu ngày 17-10-2010 có tên là
Mohamed Bouazizi. Mục đích của anh nhằm phản kháng việc cảnh sát cấm anh bán hàng trên đường phố. Công chúng tức
giận và bạo lực gia tăng sau cái chết của Bouazizi. Tổng thống Zine El Abidine
Ben Ali của Tunisia, một nhà độc tài, đã phải từ chức ngày 14 tháng 1 năm 2011,
sau 23 năm nắm quyền.
– Ngày 11-2-2011, ông Hosni Mubarak từ chức sau
30 năm ở cương vị tổng thống Ai Cập. Hàng triệu người dân đã đổ ra đường phố và
hô vang khẩu hiệu “Ai Cập tự do”. Bầu không khí lễ hội hiện diện tại hầu như mọi
con đường, khu phố khắp nước. Biến cố này đưa lịch sử đất nước sang một trang
mới. Từ New York (Mỹ) cho đến London (Anh), nhiều người Ai Cập cũng chào đón một
kỷ nguyên “hậu Mubarak”.
– Ngày 1-5-2011, tin thủ lãnh Al-Qaeda Bin Laden
bị sát hại đã được loan đi. Sinh thời, nhân vật “trùm khủng bố” này đã trở thành
nỗi ám ảnh của nước Mỹ, kể từ khi tòa Tháp đôi tại New York bị đánh sập vào ngày
11-9-2001. Tin này được Nhà Trắng xác nhận vào lúc 7 giờ ngày 1-5. Vì những lý
do chính trị, ông Bin Laden đã được thủy táng. Nghi thức thủy táng được thuật
lại như sau: “Xác ông được trùm vải trắng và đặt trong một cái túi chứa vật nặng
để cho chìm hẳn xuống đáy biển. Miệng túi được cột rất chặt. Cái túi được cho
trượt xuống biển bằng một tấm ván. Lúc đó là 6 giờ (giờ quốc tế) tức khoảng 12
giờ sau khi Bin Laden chết. Toàn bộ diễn biến lễ thủy táng kéo dài khoảng 50
phút” (trích từ trang WEB “Tin tức 24 giờ”, ngày 5-5-2011).
– Sau 42 năm trên vị trí lãnh đạo quốc gia
Lybia, đại tá Gadhafi đã bị giết ngay tại quê hương của mình là thành phố Sirte.
Khi nghe tin này, hàng loạt xe hơi trên đường phố tại Tripoli đã đồng loạt kéo
còi kèm theo tiếng súng bắn chỉ thiên để ăn mừng. Gadhafi bị lật đổ hồi tháng
8-2011, trong làn sóng nổi dậy lan khắp thế giới Ảrập. Toà án hình sự quốc tế
(ICC) cũng đã phát lệnh bắt Gadhafi vì các cáo buộc tội ác chống lại loài
người.
Một vài trường hợp điển hình trên đây cho thấy
quyền lực trần thế thật là mong manh. Có những người ở vị trí lãnh đạo một quốc
gia trong suốt gần nửa thế kỷ. Nếu họ là những bậc minh quân, thì quốc gia ấy
được hưởng biết bao điều tốt lành. Nếu họ là những người độc tài, quốc gia ấy
phải gánh chịu những hậu quả vô cùng thảm hại. Khi ở địa vị “thế thiên hành đạo”
mà họ không biết đặt ích lợi của người dân làm đầu thì ngai vàng của họ sẽ bị
lung lay và sụp đổ. Với danh nghĩa “công bộc của dân” mà không biết lo lắng cho
dân được hạnh phúc thì chiếc ghế của họ cũng không thể tồn tại lâu dài. Có người
nói: “Quyền lực giống như cát trong lòng bàn tay. Càng xiết chặt, cát càng chảy
tuột, nếu nhẹ nhàng, cát vẫn còn đó”. Trước tòa Philatô, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho
ngài…” (Ga 19,11). Mọi quyền năng từ Trời mà đến, nhưng một khi không thuận ý
Trời, thì quyền năng ấy sẽ bị lụn bại. Mọi chức vụ đều nhằm làm đẹp ý dân, nhưng
một khi không còn mang lại cho dân hạnh phúc, thì chức vụ ấy sẽ thành vô
nghĩa.
2- Sự mong manh của những tiến bộ kỹ
thuật
– Người dân Hoa Kỳ, nhất là những ai cư ngụ ở
thành phố New York, đã có một thời tự hào về Trung tâm Thương mại Thế giới
(World Trade Center), nổi bật với Tòa tháp đôi gồm 110 tầng, được kiến trúc sư
người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki thiết kế. Khởi công từ 1966 và khánh thành vào
4-3-1973, nó vượt qua chiều cao của tòa Empire State lịch sử, trở thành tòa nhà
cao nhất thế giới. Ấy vậy mà biểu tượng của niềm tự hào này đã bị tiêu hủy ra
mây khói trong vòng vài phút, trong trận khủng bố do hai chiếc phi cơ Boeing đâm
vào, ngày 11-9-2001. Tòa tháp đôi sụp đổ đã mang theo sinh mạng của khoảng 4.000
người. Du khách đến với New York hôm nay chỉ còn nhìn thấy một khu đất hoang
tàn, với những phế tích còn lại của Tháp đôi và những dòng chữ tưởng niệm các
nạn nhân vô tội do trận khủng bố dã man này.
– Nước Anh và nước Pháp đã từng đi đầu trong
công nghệ sản xuất máy bay với chiếc Concorde, là máy bay chở khách siêu âm
thương mại thành công nhất. Bay thử lần đầu năm 1969, Concorde bắt đầu được đưa
vào phục vụ năm 1976 và có thời gian hoạt động dài 27 năm. Chiếc máy bay này
được mang danh là “Chú chim trắng trên bầu trời”, và đã lập được nhiều kỷ lục,
gồm thời gian bay 2 giờ, 52 phút và 59 giây giữa New York và London, ngày
7-2-1996. Mặc dù được đánh giá ở mức kỹ thuật hoàn hảo tuyệt đối, ngày
25-7-2000, máy bay Concorde đã gặp phải một tai nạn tại Gonesse, Pháp. Vụ tai
nạn đã làm thiệt mạng 100 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên khoang
cùng 4 người dưới mặt đất. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên và duy nhất
của loại máy bay này. Sau vụ khủng bố tại New York ngày 11-9-2001, Concorde đã
được cho ngừng hoạt động ngày 24 tháng 10 năm 2003, chuyến bay “về hưu” diễn ra
ngày 26 tháng 11 năm ấy. Niềm tự hào của những ai đã tạo ra “chú chim trắng trên
bầu trời” dần đi vào dĩ vãng.
– Những ngày đầu năm 2012 này, thế giới kinh
hoàng khi nghe tin chiếc tàu du lịch hiện đại và khổng lồ của Italia gặp nạn.
Chiếc tàu này mang tên giống như chiếc máy bay Concorde. Tên đầy đủ của nó là
Costa Concordia. Con tàu trị giá 750.000 Mỹ Kim đã gặp nạn ngày 14-1-2012 ở khu
vực đảo Giglio, miền Tuscany, Italia. Tàu Concordia có trọng lượng 114.500 tấn,
đang chở 4.200 hành khách, đã va vào đá ngầm. Biến cố này được giới báo chí gọi
là “Tàu Titanic Italia”. Một điều trùng hợp kỳ lạ là sự kiện này xảy ra sau đúng 100 năm, kể từ khi con tàu Titanic gặp nạn.
Chiếc tàu Titanic chuyên chở 2.201 hành khách đã bị đắm ngày 15-4-1912 làm thiệt
mạng hơn 1.500 người.
Những trường hợp điển hình được nêu trên đây cho
thấy dù mạnh mẽ đến đâu, thì khoa học kỹ thuật cũng không bao giờ được coi là
hoàn hảo. Dù tối tân hiện đại đến mức nào, thì con người cũng không thể coi
những sáng chế tinh vi là tối thượng. Khi đã đạt tới đỉnh cao của công nghệ,
người ta bị cám dỗ khước từ Thiên Chúa, thậm chí còn có người báng bổ tự cho
mình có thể thay thế Thiên Chúa. Họ tự cho mình có thể làm được mọi sự. Theo họ,
Thiên Chúa đã trở thành một nhân vật của huyền thoại, hoặc giả nếu Ngài có hiện
hữu thì Ngài cũng không phải là Đấng Toàn năng. Thấy rõ được nguy cơ này, Đức
Thánh Cha Bênêđictô đã viết trong Tự sắc về Năm Đức Tin như sau: “So với quá
khứ, đức tin ngày nay đang phải chịu một loạt những vấn nạn đến từ não trạng
thay đổi, đặc biệt là ngày nay não trạng này thu hẹp lãnh vực những điều chắc
chắn hợp lý vào lãnh vực những chinh phục của khoa học và kỹ thuật”. Tuy vậy, vị
Cha chung của Giáo Hội khẳng định với chúng ta: “Giáo Hội không bao giờ sợ chứng
minh rằng giữa đức tin và khoa học chân chính không hề có xung đột, vì cả hai
đều hướng về sự thật, tuy bằng những con đường khác nhau” (Tự sắc Porta Fidei,
số 12).
3- Sự mong manh của kiếp
người
Ngẫm về sự mỏng manh của kiếp người, tác giả
Thánh vịnh đã thốt lên:
“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,
15-16)
Những phát minh khám phá trong lãnh vực y khoa,
dù rất hiện đại, cũng không thể kéo dài cuộc sống của con người trên cõi dương
gian. Kiếp người vẫn mỏng giòn, sớm nở chiều tàn, như đóa phù dung.
– Mong manh giữa sự sống và sự chết. Mỗi năm, cả
nước có đến trên chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông, hàng ngàn người
chết do tai nạn lao động. Tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng nghiêm trọng đã
và đang cướp đi sinh mạng của biết bao người. Có nhiều người còn trẻ đã phải
vĩnh viễn ra đi. Biết bao sáng kiến, biết bao quy định, nhưng số người chết vẫn
không giảm. Đã nhiều người lên tiếng, nhưng xem ra tình trạng này chưa được cải
thiện. Người dân đành phải sống theo kiểu “ai có thân người ấy lo”. Những điều
trên đây cho thấy kiếp người thật mong manh, nay còn, mai mất. Mỗi khi ra đường
là lo lắng, chỉ khi về tới nhà mới chắc là mình được an toàn.
– Mong manh giữa cái thiện và cái ác. Chỉ một
chút nóng giận cũng cướp đi một mạng sống. Chỉ một lý do đơn giản cũng làm mất
một cuộc đời. Có những người suốt đời chân chất, ăn ở hiền lành, vậy mà một giây
phút không làm chủ được bản thân đã trở thành kẻ giết người. Xã hội hôm nay cho
thấy ranh giới giữa thiện và ác thật mong manh. Hậu quả là vợ đốt chồng, con
giết cha. Xã hội khá nhiều những người con “nghịch tử”. Sự bất hiếu có nguyên
nhân muốn đặt lợi lộc vật chất làm ưu tiên hàng đầu. Xã hội đưa ra nhiều phong
trào, nhưng chỉ giống như “ném gạch giữa ao bèo”. Giáo Hội phát động nhiều chiến
dịch, nhưng chỉ như “muối bỏ biển”. Liều thuốc có hiệu quả chắc chắn phải là sự
cải hóa nội tâm. “Tâm bình, thế giới bình”, chỉ một khi con người có lương tâm
ngay thẳng, chân thành hướng thiện, lúc đó họ mới có thể góp phần xây dựng một
cuộc sống an bình.
– Mong manh giữa khôn và dại. Gần đây, thành
phần những người phải ra trước vành móng ngựa càng ngày càng đa dạng. Họ là quan
chức cao cấp, là người mẫu, là diễn viên điện ảnh, là chủ khách sạn, là người
cha người mẹ, là trẻ vị thành niên. Ai cũng hối hận nhưng đã quá muộn màng.
Trước khi bị bắt, ai cũng nghĩ mình khôn. Sau khi vào tù, mới ngỡ ra mình dại.
Những người đang khôn, bỗng trở thành dại trong chốc lát, vì tham vọng, ghen
tương và vì lóa mắt trước những cám dỗ vật chất. “Vàng là vật chất tỏa sáng,
nhưng không phải bất cứ thứ gì tỏa sáng đều là vàng”. Nhiều người ngẫm ra điều
ấy thì thấy mình đã quá dại dột. Làm sao biết mình khôn thực sự? Tác giả Thánh
vịnh trả lời: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10). Thực thế, khôn
ngoan theo kiểu người đời sẽ làm con người hư mất. Khôn ngoan trong ơn nghĩa
Chúa sẽ đem lại cho con người vinh quang. Vị Tông đồ dân ngoại cũng đã đúc rút
kinh nghiệm quý báu đó cho chính mình: “Chúng tôi không sống theo lẽ khôn ngoan
người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2 Cr 1, 12).
Thì ra trong “cõi người ta”, cái gì cũng chỉ là
tương đối. Quyền lực, danh vọng và của cải chỉ có ý nghĩa khi nó nhằm phục vụ
ích chung. Quyền lực được lâu bền nhờ tinh thần phục vụ, thân thế được lưu danh
nhờ biết sống vì tha nhân. Đức Giêsu đã nói về quyền lực: “Anh em biết: thủ lãnh
các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng lấy
quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa
anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải
làm đầy tớ anh em”. Đức Giêsu đã áp dụng triết lý sống này nơi bản thân Người:
“Con Người đến không phải được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến
dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28). Khái niệm “lãnh đạo là
người phục vụ” của Tin Mừng đã ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn hóa của các nước có
truyền thống Kitô giáo.
Khi nhận ra sự mong manh của cuộc đời, chúng ta
không bi quan chán nản trước những bất toàn. Khi thấy rõ giới hạn của con người
trần thế, chúng ta vươn tới Đấng toàn năng cao cả. Vâng, Thiên Chúa là Đấng
trung thành. Ngài luôn hướng dẫn cuộc đời chúng ta và trả công cho chúng ta theo như chúng ta đối xử với anh chị em
mình.
+ Gm Giuse Vũ Văn
Thiên
Giáo phận Hải Phòng
Nguồn: WHD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét