Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Nỗi lo của cha mẹ


Trần Bá Nguyệt
 
Không có cha mẹ nào trong thời đại hôm nay lại không lo lắng cho sự “xuống cấp” của quan hệ giữa họ và con cái. Nhất là khi con cái vừa trải qua tuổi dậy thì. Sự xuống cấp đó nhiều khi tự nó không phải là xấu nhưng chính cha mẹ làm cho tình huống đó xấu hơn do không bắt kịp đà thay đổi của xã hội, hoặc vì quá thủ cựu đối với những quan niệm của xã hội cu, do đó lại càng không đuổi kịp những gì thuộc xã hội mới mà xã hội mới đó mang lại và áp đặt lên con cái mình.
Ngoài ra còn một sự kiện khác nữa, đó là khi con cái càng lớn sự độc lập với cha mẹ càng nhiều thì ngược lại cha mẹ lại bước vào tuổi 50 hay 60, lớp tuổi cũng có nhiều thay đổi (có người còn gọi đó là lứa tuổi “sớm nắng chiều mưa” khó có thể làm hài lòng người khác và cũng khó hài lòng với tuổi trẻ) của những ngày chớm thấy mình nhìn “sự đời” bằng con mắt trần cũng như bằng con mắt tinh thần không còn đầy sắc hồng như thời còn trai trẻ. Tuổi mà cuộc đời với những biến chuyển, những giai đoạn lên voi xuống chó đã làm cho các “cô chú, ông bà” khó mà còn giữ được niềm tin và sự bình thản như thời gian trước đó hai ba chục năm. Hố sâu giữa hai thế hệ vì thế càng thêm nhiều ngăn trở.

 Ong bà NHK. Có ba người con trai và hai người con gái. Tất cả ở vào tuổi hai mươi và chớm qua ba mươi. Hai ông bà chưa già nhưng cũng đã bước qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” với những thăng trầm của cuộc sống theo hoàn cảnh chung của đất nước. Nói chung, ba lần chạy loạn, ba lần làm lại cuộc đời. Các con vì thế cũng bảy nổi ba chìm theo nỗi lênh đênh của cha mẹ. “Nhờ trời” công việc làm ăn của ông bà có thêm năm người con trợ giúp nên ít nhiều cũng thong thả. Nhưng làm cha mẹ có con đến “tuổi hăm, tuổi băm”, hai ông bà phải nghĩ đến chuyện lập gia đình cho con cái. Ba cậu con trai thi đỡ lo hơn ba người con gái, ông bà nghĩ vậy. Nhưng sự đời đâu có phải đơn giãn như thế. Anh con trai đầu cưới một người vợ thời hiện đại. Cô có việc làm, có địa vị xã hội ngon lành. Tốt quá rồi còn đòi hỏi chi nữa. Dầu vậy, chẳng biết học được ở đâu, nhưng cô đã rất mau quên những lời hứa hẹn “yêu thương, thông cảm, tôn trọng, đùm bọc, giúp đỡ nhau” lúc còn trong giai đoạn thề non hẹn biển “anh nói gì em cũng nghe ráo” trong cuộc sống chung. Câu đầu tiên cô tuyên bố với anh chồng trước mặt ông bà đó là từ nay anh chồng không còn được tự do như trứơc nữa. Cô quán xuyến mọi việc và thay vì anh chồng là gia trưởng thì bây giờ cô là gia trưởng. Dần dần cô còn quyết định hôm nay anh chồng ăn gì, mặc gì, có nên đi dự đám cưới, đám tiệc của người này hay người kia không, vân vân và vân vân. Thỉnh thoảng anh chồng “vọt” về nhà hàn huyên với bố mẹ và đánh cờ với hai em trai để hưởng lại những giây phút “không nghẹt thở” của gia đình riêng của mình. Hai người em trai thấy gương của người anh nên – thề ở vậy với cha mẹ và hai em gái cho đến già. Ong bà dĩ nhiên đứng ngồi không yên vì nghĩ trách nhiệm của cha mẹ chưa tròn dù ông bà vẫn nhớ là người xưa đã nói “thân gái (hay thân trai cũng vậy) mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Biết sao! Hôn nhân của con cái có mấy khi được như cha mẹ tính toán đâu. May mà các con của ông bàNHK còn giữ được nề nếp gia phong. Anh chị OA trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp khác. 

 Anh chị OA có hai con gái về thành phố học đại học. Việc chu cấp tài chánh đã là một gánh nặng nhưng không phải là điều lo lắng chính của anh chị. Chỉ một năm xa gia đình vào thành phố, hai cô con gái đã không còn dáng điệu của làng quê. Quần jeans xệ rún hai tấc, áo thun trên rún ba mươi phân, đôi giày hai màu khác nhau tương ứng với mái tóc một bên là Vàm cỏ đông, một bên là Vàm cỏ tây, một dòng sông hai màu nước, bên xanh, bên đục!!! Và lấy cớ ngày Tết đi lại khó khăn cũng như để đi làm thêm và tiết kiệm ngân sách cho anh chị, hai “nàng Kiều” ở lại thành phố, không về quê ăn Tết. Anh chị cũng chỉ giật mình khi nghe người quen báo cáo: Hai cô đã dọn nhà sang ở chung với “mấy anh cùng lớp” suốt hai tuần nghỉ Tết, rồi sau đó kéo dài để “vừa giúp nhau học tập, vừa đỡ tốn tiền nhà”! Nếp sống mới mà. Chuyện nhỏ. Có gì đâu mà ầm ỉ. “Góp gạo nấu cơm chung, tập sống như vợ chồng, sống thử chơi nhằm nhò gì ba chuyện nhỏ khác”. Bởi vậy có cô sinh viên y khoa sau sáu năm học đã có tới năm lần phá thai mà báo chí đã đăng rồi đó. Cũng là chuyện nhỏ gọi là “để giữ hạnh phúc gia đình sau này” đó mà. Với lại “có mấy anh ấy” đi kèm sẽ không sợ “người khác” chọc phá. Tiện lợi năm bảy đàng. Sau này khi tốt nghiệp về tới quê nhà có ai biết chuyện gì xảy ra đâu mà sợ.
 
 Thời của con cái không còn phải là thời của cha mẹ. Đó là điều dĩ nhiên. Điều quan trọng là cha mẹ có bắt kịp nhưng tốc độ xoay vần đến chóng mặt của cuộc sống thanh thiếu niên hay không? Không thiếu gì những câu nói của lớp con cái: “Ong bả già rồi biết gì?” “Ong bả quê thấy mẹ!” Nhất là khi những nơi con cái tiếp cận để học đòi phần lớn chỉ “dạy” cho con cái dối trá, bon chen, giành giật, xin xỏ để ngoi lên ngõ hầu hơn người khác. Lo lắng lắm chứ khi mà số trẻ em phạm pháp vị thành niên (dưới 16 tuổi) chiếm tỉ lệ 16,71% tổng số những người phạm pháp toàn quốc (Báo cáo Bộ Công An trong tài liệu Phòng người Thanh thiếu niên phạm tội: Trách nhiệm của Gia đình, Nhà trường và Xã hội 10-2004). Tình trạng còn đáng lo hơn khi nhà trường sử dụng học sinh sinh viên như một món hàng trong hoàn cảnh mà nhà trường được coi như một thứ xí nghiệp “làm ăn phải có lãi” mà trong đó học phí cứ nay tăng, mai tăng “làm sao để có thể tự thu tự chi” cho đủ. Con cái quen việc đào luyện như sản xuất một thứ hàng hóa được tính toán bằng tiền nên coi thường việc giáo dục nhân cách. Mà nói chuyện nhân cách sao được khi mỡ mắt ra, mở báo chí ra là thấy vô số những việc làm vô nhân cách. Người ta sẵn sàng làm hàng giả, thực phẩm đầy hóa chất, sẵn sàng chém, giết, lừa lọc nhau, dựa vào người có quyền thế để làm giàu. Người ta tranh giành nhau để chứng tỏ mình hơn người. Ý niệm công bằng, bác ái, yêu thương, quan niệm về lương tâm và lòng nhân đạo đối với một bộ phận khá lớn thanh thiếu niên hiện nay là chuyện xa vời và hầu như không bao giờ tồn tại trên cõi thế gian này. Đấu tranh là để sinh tồn, là tiền đề để phát triển. Vì thế tránh sao được những đảo lộn ngoài xã hội khiến phát sinh những đảo lộn trong gia đình. Nỗi lo của cha mẹ hôm nay lớn hơn bao giờ hết. 
                                                                                                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét