Trang

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

bài giảng ngày 13-5 của Đc Long về Đức Mẹ và tình Mẹ : khá hay và ý nghĩa,

Bài giảng lễ Đức Mẹ Fatima tại nhà thờ Long Thạnh Mỹ của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long 13.05.2017

Cập nhật lúc 06:53 20/05/2017
Lời giới thiệu:
Cùng với Giáo Hội, chúng ta đang sống trong tháng hoa dâng Mẹ. Năm nay đặc biệt kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Ngày 13.5 vừa qua, đức cha phụ tá được mời dâng lễ kính Đức Mẹ Fatima tại giáo xứ Long Thạnh Mỹ, tổng giáo phận Saigon. Ban Biên Tập xin đăng bài giảng này, như một bông hoa góp thêm để kính dâng lên Mẹ trên trời và kính tặng mẹ dưới trần của mỗi chúng ta.
  
  
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
Có một sự kiện trùng hợp và rất thích hợp: Hôm nay chúng ta tôn vinh Đức Mẹ để kỷ niệm 100 năm biến cố Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-13/5-2017); ngày mai 14.5 là “Ngày của Mẹ” (Mother’s day), ngày mà các người làm con tỏ lòng thảo hiếu quý mến đối với người mẹ đã sinh ra mình. Hai lễ này liền sát nhau, nên tôi xin mời cộng đoàn cùng suy niệm đề tài: Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, và chúng ta cần làm gì để đáp lại tình Mẹ.
I. Đức Maria là Mẹ chúng ta: Bài Tin Mừng vừa nghe cho biết, lúc lâm chung, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan chăm sóc, và trối thánh Gioan làm con Đức Mẹ. Gioan là đại diện cho chúng ta, vì thế mỗi người đều là con của Đức Mẹ và Đức Mẹ là Mẹ của mọi người.
Kitô hữu chúng ta thật diễm phúc, vì có một người mẹ cao quý là Đức Maria. Giáo Hội không tiếc lời ca tụng Mẹ là Đấng tuyệt mỹ, tuyệt hảo, tuyệt vời, tuyệt diệu, bởi Mẹ là tuyệt tác của Thiên Chúa. Đức Mẹ được Chúa ban cho 4 đặc ân vô song là làm Mẹ Thiên Chúa, Trinh Trong Trọn Đời, Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Hồn Xác Lên Trời. Kinh cầu Đức Bà ca tụng Mẹ là Đấng “cực thanh cực tịnh, cực tinh cực sạch, tuyền vẹn mọi đàng, chẳng dúng bợn nhơ, rất đáng yêu mến, cực mầu cực nhiệm, cực khôn cực ngoan, rất đáng kính chuộng, rất đáng ngợi khen, có tài có phép, có lòng khoan nhân, trung tín thật thà, là gương nhân đức…” Không tước hiệu cao quý nào mà người ta không dành cho Đức Mẹ, đúng như lời bà Isave: “Em thật có phúc giữa mọi người phụ nữ” (Lc 1,42).
Tình mẫu tửMọi người mẹ đều đáng ca tụng, và trong mắt mỗi người con, mẹ mình là tất cả, mẹ là trên hết, mẹ là vĩ đại. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ”. Mỗi chúng ta đều có những kỷ niệm đẹp về tình mẹ. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, như nước trong nguồn lai láng trào tuôn, không bao giờ cạn. Có những bà mẹ gầy rộc người vì thức trắng đêm chăm con bị bệnh. Có một lần, tôi đã xúc động khi thấy nước mắt chảy trên gò má của một bà mẹ già có đứa con bị tù vì phạm trọng tội mà suốt mười mấy năm qua con ngồi tù, bà không được một lần gặp mặt vì nghèo không có tiền đi thăm nuôi. Tôi đã hỏi một câu hỏi thừa: “Bà có thương con bà không ?” Bà đáp: “Dù nó tội tình đến đâu, tôi vẫn thương, nó vẫn là con tôi”. Lòng bà giống hệt lòng người cha có đứa con hoang đàng trong Tin Mừng Luca chương 15. Hiểu được điều đó, tôi đã lo liệu cho bà một chuyến đi thăm con. Anh chị em đoán được bà vui biết chừng nào, và người con trong tù cũng được an ủi thế nào khi mẹ già lặn lội đến thăm.
Đấy là một câu chuyện buồn. Bây giờ tôi kể một câu chuyện cười ra nước mắt: Tuần Thánh vừa qua, tôi đến với anh chị em người Hmong ở huyện Phù Yên tỉnh Sơn La, nơi chưa bao giờ có lễ Phục Sinh. Lúc ấy đang mùa khô, cả bản thiếu nước sinh hoạt. Bốn ngày ở với họ là bốn ngày tôi không được tắm, ngứa ngáy khó chịu lắm. Chúng tôi cử hành lễ Vọng Phục Sinh trong một căn nhà của giáo dân vì ở đấy chưa có nhà nguyện. Nhà chật mà người đông, nên tôi cho các trẻ em ngồi sát chân bàn thờ. Ôi chao, hôi ơi là hôi, vì các em đã nhiều tuần không tắm. Có nước đâu mà tắm ! Thế mà các bà mẹ ôm con hít hà như chỉ thấy nơi chúng một mùi thơm tho. Khi làm phép nước phục sinh xong, tôi đi rảy cho giáo dân. Đứng một chỗ rảy cũng được, nhưng tôi muốn len lỏi vào giữa giáo dân để rảy nước cho hết mọi người. Đến chỗ các bà, một mùi khai nồng nặc xông lên nghẹt mũi, vì bà mẹ nào cũng địu con trên lưng, cả ngày, nó tha hồ thải chất lỏng chất rắn ra áo mẹ, váy mẹ. Các bà cứ để thế. Hôi mấy cũng không sao ! Thật là lòng mẹ. Mùi nước đái của con là nước hoa của mẹ !
Tôi có một anh bạn cựu chủng sinh. Anh vì sinh kế phải vào Saigon làm ăn, để lại mẹ già ở quê, lâu lâu mới về thăm mẹ được đôi ngày. Một lần anh về, tối đó mẹ anh bảo: “Con vào ngủ với mẹ nha”. Biết mẹ thiếu tình cảm, thèm hơi của con, anh lên giường, nằm với mẹ. Một mùi hôi làm anh khó chịu, vì mẹ anh không người chăm sóc nên chiếu chăn không được thơm tho. Nhưng rồi anh nghĩ lại ngày còn bé, mình ị ra người mẹ, đái ướt cả mẹ, mà có bao giờ mẹ tỏ vẻ khó chịu đâu. Nghĩ thế, anh ôm mẹ ngủ ngon lành như một đứa bé lên ba, dù anh đã có gia đình, tóc đã hoa râm. Sau khi mẹ mất, anh cảm hứng viết bản nhạc tựa đề  “Mùi của mẹ”, nghe thống thiết rơi nước mắt. 
Đối với nhân loại, Đức Mẹ hết lòng yêu thương như đã yêu Chúa Giêsu con Mẹ. Tình thương ấy khiến Mẹ không ngồi yên một chỗ trên thiên đàng, mà thôi thúc Mẹ đi đây đi đó trên thế giới, đến với đoàn con ở Fatima (Bồ Đào Nha), Lộ Đức và La Salette (Pháp), Banneux (Bỉ)… Việt Nam chúng ta tuy nhỏ bé nhưng cũng được Mẹ đến thăm ở La Vang (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam), La Mã (Bến Tre)… Những nơi Mẹ đến thăm là những nơi khốn khổ, nghèo hèn và nhỏ bé. Những lúc Mẹ đến thăm là lúc con cái Mẹ bị đau khổ, bị bách hại hay chiến tranh, như tại Fatima giữa thế giới đại chiến thứ I, La Vang vào thời chúa Trịnh, Trà Kiệu vào thời Văn Thân… Ngày xưa, khi đứng bên thánh giá Chúa Giêsu, lòng Mẹ đau đớn thế nào thì ngày nay khi thấy con cái Mẹ đau khổ, lòng Mẹ cũng quặn đau theo. Thật là khổ vì yêu, vì yêu mà khổ !

II. Chúng ta làm gì để đáp lại tình Mẹ ?
1. Tại Fatima, Đức Mẹ dạy “Hãy ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và lần hạt Mân Côi”. Ngày nay nhân loại sa đọa, tội lỗi, xúc phạm và chối từ Chúa nhiều lắm. Điều này làm cho Chúa và Đức Mẹ đau buồn ! Phanxico và Jacinta, hai trong ba em bé mục đồng được thấy Mẹ hiện ra năm xưa, sẽ được phong thánh ngày hôm nay tại Fatima, đã sống cuộc đời ngắn ngủi sau đó trong tâm tình sám hối, hãm mình đền tội thay cho mọi người, và siêng năng lần hạt Mân Côi. Chúng ta hãy học gương sáng của hai thánh trẻ này. Mỗi người, mỗi gia đình hãy lần hạt Mân Côi hàng ngày, để cầu cho hòa bình thế giới, cho Giáo Hội và  Đức Thánh Cha, cho kẻ tội lỗi trở lại, cho gia đình và bản thân. Tôi có thể quả quyết điều này là Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta biết bao ơn lành, có thể nói là phép lạ nữa, qua chuỗi Mân Côi, như xác tín của rất nhiều người.
2. Để đáp lại tình Mẹ, hãy yêu mến Mẹ. Chúng ta có thể yêu mến Đức Mẹ bằng nhiều cách, tôi muốn giới thiệu một cách này, đó là liên kết lòng yêu mến Đức Mẹ với bí tích Thánh Thể. Tại sao vậy ? Tại Mẹ đã âu yếm cưu mang Chúa Giêsu chín tháng mười ngày trong lòng. Đức Mẹ cho Chúa Giêsu thịt máu mình, để rồi sau này Chúa Giêsu lại cho chúng ta Thịt Máu Ngài trong bí tích Thánh Thể. Như vậy có một mối liên kết mật thiết giữa Đức Mẹ, Chúa Giêsu và chúng ta, như sợi giây nhau nối với cuống rốn. Nếu yêu mến Đức Mẹ, ắt chúng ta sẽ đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày. Ai yêu Chúa, thì cũng sẽ mến Mẹ. Họ sẽ nhờ Mẹ mà đến với Chúa. Đức Mẹ được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II ca tụng là “Người Nữ Thánh Thể”.
Tham dự thánh lễ kính nhớ 100 năm Đức Mẹ Fatima hôm nay, tôi cầu chúc anh chị em yêu mến Đức Mẹ hơn, gắn bó với chuỗi Mân Côi và thánh lễ hơn. Xin Đức Mẹ ở với anh chị em mãi mãi, làm cho anh chị em thấm đẫm tình Mẹ yêu con, và lòng con yêu Mẹ.   

Một số hình ảnh sưu tầm trên Internet về tình mẫu tử










 
+ Anphong Nguyễn Hữu Long - Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét