Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Đc Long và Mùa Vọng trên vùng cao

Các bạn có thể tìm đọc các bài ký sự mục vụ vùng cao, kể về hành trình Đc Anphong thăm viếng và dâng lễ với đồng bào dân tộc H'Mong tại địa chỉ : giaophanhunghoa.org . Qua đó, chúng ta thấy đức tin và đời sống đạo của bà con dân tộc, nhiều gian truân, vất vả như thế nào. Thế nhưng, tại đó, đức tin và đời sống đạo lại có sức sống và tồn tại. Trong khi đó, người kinh chúng ta ở vùng xuôi, với nhiều điều kiện tốt về kinh tế và giao thông, thì xem ra chúng ta lại tuột đố, lại trượt dài nhiều hơn.
Rất nên mở địa chỉ của Hưng Hóa để xem và chia sẻ cầu nguyện cho Đc Anphong, đang hăng say đến với đồng bào các dân tộc. Việc loan báo Tin Mừng còn nhiều gian khó lắm.
Dưới đây là bài viết tự thuật, của chính Đc Anphong, kể lại cảm nghĩ một chuyến đi của mình. Rất tiếc là bài viết trên Word có kèm hình ảnh, nhưng tôi đã không biết cách tải ảnh từ Word vào Web.

VỌNG VỀ GIÁNG SINH TRÊN NẺO CAO TÂY BẮC

Bước vào mùa Vọng năm nay, tôi đã có một chuyến mục vụ đáng nhớ ở các tỉnh miền cao của giáo phận Hưng Hóa, là các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu. Ngồi tưởng lại những tâm tình còn nóng hổi, tôi nghĩ phải chia sẻ với bạn đọc trong những ngày cận kề lễ Giáng Sinh năm nay.
Cho đến lúc này, tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, đạo công giáo vẫn chưa được chính thức công nhận cho sinh hoạt. Chúng tôi chưa thể lập một giáo xứ, xây một ngôi thánh đường và gửi một linh mục đến làm mục vụ tại đây, tuy trong thực tế, chính quyền vẫn cho cha Phạm Thanh Bình từ Sapa đến làm mục vụ tại tỉnh Lai Châu và Điện Biên một năm đôi ba lần.
Trưa thứ bảy, 29.11.2014, tôi cùng cha Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, cha Phạm Thanh Bình, quản xứ Sapa kiêm Lai Châu và Điện Biên, đáp máy bay từ phi trường Nội Bài đến Điện Biên. Sở dĩ thế là vì nếu đi bằng đường bộ từ Sơn Tây đến đây, khoảng cách chừng 500 cây số, phải mất 1 ngày. Sáng hôm đó có lễ khấn dòng của các nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa ; lễ xong, nếu có đi ngay, cũng không kịp để dâng lễ khai mạc Năm Phụng vụ mới cho cộng đoàn Điện Biên. Hơn nữa, nếu đi bằng máy bay thì lợi mọi bề : chi phí rẻ hơn, đỡ mất thời gian hơn, lại an toàn và ít mệt hơn đi xe. Chuyến bay chỉ mất gần một tiếng đồng hồ, thong thả để chúng tôi cử hành lễ tối tại Điện Biên.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi đi thăm và dâng lễ tại các giáo điểm Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ và Mường Nhé. Tổng số giáo dân tại các giáo điểm này là 2.200 người. Trong thập niên 60, 70, 90 của thế kỷ trước, người dân từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam đã rời nơi chôn nhau cắt rốn lên đây lập nghiệp. Do không có linh mục, không có bí tích, không có nhà thờ, nên nhiều người đã lơ là, nguội lạnh. Chúng tôi chưa thể biết được con số chính xác là bao nhiêu, nhưng cũng phải đến hàng ngàn. Tại huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, nằm sát biên giới Lào-Việt-Hoa, có 1.400 giáo dân H’Mông từ Sapa hoặc Giàng La Pán (Yên Bái) đến sinh sống cách đây cũng vài chục năm. Họ ở trong rừng sâu, trên núi cao, đường đi khó khăn, bị thiếu thốn thua thiệt mọi bề, nhất là về tôn giáo. Dầu vậy, họ thật đáng ngưỡng phục vì vẫn giữ vững đức tin. Họ tự rửa tội cho con cái sinh ra. Họ chỉ có thể tham dự thánh lễ qua đài Chân Lý Á Châu. Những đôi hôn phối phải đưa nhau đến Điện Biên hoặc Sapa để được kết hôn theo phép đạo… Hiện có 40 dự tòng đang mong mỏi được lãnh nhận các bí tích Khai tâm Kitô giáo mà vẫn chưa được, chỉ vì không có linh mục đến với họ. Tòa Giám Mục Hưng Hóa đã bốn lần gửi văn thư đề nghị chính quyền công nhận, để rồi sẽ thành lập giáo xứ, giáo họ, nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Anh chị em kitô hữu ở đây vẫn phải sống mùa Vọng kéo dài từ mấy chục năm nay !
Tôi cảm động biết bao khi đến được với anh chị em H’Mông trong chuyến đi này. Sáng ngày thứ ba, 02.12.2014, chúng tôi khởi hành từ thành phố Điện Biên rất sớm, vượt đoạn đường dài hơn 200 cây số, để đặt chân đến bản Huổi Thủng, xã Na Cô Sa lúc 2g30 chiều. Khi đến nơi, chúng tôi vô cùng vui mừng và ngạc nhiên khi rất đông bà con, khoảng 500-600 người, đã chờ sẵn, chắc là phải từ trước trưa, không biết có hạt cơm bỏ bụng không. Có những em bé chân đi đất, không mặc quần, mặt mũi lấm lem, có những người lớn gầy còm, đen đúa vì lao động, trong bộ y phục đặc trưng, váy xòe và “hở bụng”, của người H’Mông. Dù vậy, trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ nụ cười hiền hòa, sung sướng vì lần đầu tiên được gặp giám mục của mình. Họ tò mò hỏi nhau : “Giám mục nó là ai, nó như thế nào ?”
Vì không có thời gian để giải tội cá nhân, chúng tôi quyết định giải tội tập thể, để họ được rước Chúa trong thánh lễ đã khát khao mong đợi từ nhiều năm nay. Chúng tôi dâng lễ ngoài trời vì chẳng có nhà đủ rộng để chứa. Bạn hãy hình dung thánh lễ chiều hôm đó, một thánh lễ đơn sơ nhưng đong đầy sự linh thiêng giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa cao cả và những con người hèn mọn, giữa lời ca tiếng hát H’Mông-Việt xen lẫn, vút cao, phủ kín một khoảng không gian Huổi Thủng. Tôi thật sự xúc động trước lòng thành của những người H’Mông nghèo khó và khốn khổ này. Và tôi dự định lễ Giáng Sinh năm nay sẽ trở lại đây để đem niềm vui cho họ. Cuối thánh lễ, khi tôi hỏi : “Anh chị em có muốn Giáng Sinh này tôi lại đến dâng thánh lễ với anh chị em không ?”, họ đã vỗ tay rào rào và miệng hô to : “Có !”
Tối hôm đó, trên đường về thị trấn Mường Nhé, tôi miên man suy nghĩ : Lúc này, ở  khắp nơi trên thế giới, người người bắt đầu chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh với bao hăm hở, nào trang hoàng đèn đóm, làm máng cỏ thật hoành tráng, gửi thiệp chúc nhau, nào tặng nhau những món quà đắt tiền, sắp xếp những bữa tiệc linh đình. Ở các thành phố lớn, người ta không tiếc tiền làm những thảm đèn giây chăng ngang dọc đường phố, thắp sáng thâu đêm. Còn ở đây, nơi rẻo cao Tây Bắc này, có những con người khốn khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà không đủ ấm để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông, chẳng dám nghĩ đến niềm vui Giáng Sinh, dù chỉ nho nhỏ, như anh chị em ở những nơi kia, trên cùng mảnh đất hình cong chữ S. Họ nào biết đến thiệp mừng, quà tặng, tiệc tùng, đèn giăng như mắc cửi, mà chỉ biết đói rét, tối tăm, nhọc nhằn !
Tôi nghĩ giá những người đang được may mắn hưởng niềm vui Giáng Sinh kia biết dành một ít phút để tưởng nghĩ và cầu nguyện cho những anh em khốn khó ở vùng cao Tây Bắc này, cũng như biết sẵn sàng chia sớt một chút những món tiền mà họ dự định sẽ chi tiêu cho mùa lễ năm nay, thì niềm vui Giáng Sinh của họ hẳn sẽ tràn đầy và ý nghĩa biết bao !

Tôi còn nghĩ thêm rằng giả như Chúa giáng sinh lần nữa, phải chăng Ngài sẽ làm như thế này, là không chọn sinh ra trong những thành phố lớn đang từng bừng mừng đón lễ Giáng Sinh, nhưng tiếc thay, chỉ như một lễ hội dân gian quốc tế, vì đã đánh mất tính cách thiêng thánh của mầu nhiệm Nhập Thể, mà Ngài sẽ chọn giáng trần tại bản Huổi Thủng nhỏ bé, không ai biết đến, giữa những người H’Mông chất phác, đơn sơ, hiền hòa, cam chịu mọi thua thiệt của thân phận nghèo hèn.
Tưởng nghĩ thế thôi, không ngờ cách đây năm hôm, khi tôi đến với giáo xứ Lào Cai trong chuyến mục vụ thứ hai của mùa Vọng, cha Thành đã kêu gọi giáo dân chung tay góp sức để làm quà Giáng sinh cho anh chị em H’Mông ở Huổi Thủng, và thế là mọi người, từ em bé đến cụ già, vui vẻ ấn vào tay chúng tôi những tấm giấy bạc. Kết quả thật ngoài sự mong ước. Tôi lại cảm động khi thấy đây thật là những tấm lòng kitô hữu đích thật.
Và tôi lại tưởng tượng, lễ Giáng Sinh năm nay, những anh em tín hữu Lào Cai sẽ là những mục đồng, hiền sĩ vượt đêm đông, đường xa vạn dặm, đến thờ lạy Chúa ở bản Huổi Thủng, xa tít tắp trên tỉnh Điện Biên.
Cám ơn anh chị em H’Mông và Lào Cai đã cho tôi những tâm tình để sống mùa Vọng này thiết thực nhất.  Ấm áp thay, và cũng an ủi thay cho Chúa Hài Đồng !

       + Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa          

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét