Hội đồng
Giám mục Việt Nam
40 Phố Nhà
Chung - Hà Nội
CÁC GIÁM MỤC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý
DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 (SỬA ĐỔI NĂM 2013)
Nhà nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
(sau đây gọi tắt là Dự thảo) để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2.1.2013 đến ngày
31.3.2013. Chúng tôi tán thành việc làm này, vì Hiến pháp của một quốc gia trước
hết và trên hết phải là của chính người dân, do ý thức trách nhiệm của người
dân và để phục vụ mọi người dân, không loại trừ ai. Ý thức trách nhiệm công
dân, nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam , Ban Thường vụ kính gửi đến Ủy
ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhân dân cả nước một số nhận định và
góp ý.
I. Quyền con người
Bản Dự thảo
đã dành cả chương II (điều 15-52) để nói về quyền con người. Quyền con người đã
được chính thức nhìn nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người
(10.12.1948), và Việt Nam
cũng đã ký kết. Bản Dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con
người. Vấn đề là làm thế nào để những quyền ấy được hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ,
bảo đảm theo pháp luật trong thực tế?
Quyền con
người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, do đó là những quyền phổ
quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Phổ quát vì tất cả mọi người, thuộc mọi
thời và mọi nơi, đều được hưởng những quyền đó. Bất khả xâm phạm vì xâm phạm là
tước đoạt phẩm giá làm người. Bất khả nhượng vì không ai được phép tước đoạt những
quyền đó của người khác.
Quyền
bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý
và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để
ban phát cách tùy tiện. Do đó, để quyền con người thật sự được "Nhà nước
và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật"
(điều 15), chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ một số điều.
Dự thảo
khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật
(điều 43), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (điều 25). Tuy nhiên, ngay từ đầu,
Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và
xã hội", lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng" (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự
do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung
trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực
thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ
nghĩa vô thần? Phải chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân
dân tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất
khả nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới
có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.
Trong thực
tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo
của người dân Việt Nam .
Đây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của
Việt Nam
về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật. Nếu cần một
nền tảng, chúng tôi thiết nghĩ đó phải là truyền thống văn hóa phong phú của
dân tộc Việt Nam ,
chứ không phải một hệ ý thức nào khác. Truyền thống văn hóa ấy đã được hình
thành trải qua nhiều thế kỷ, giúp dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước,
kiến tạo lối sống đầy tính nhân văn. Nền văn hóa đó chính là nền tảng cho đời sống
xã hội của dân tộc Việt Nam ,
những tư tưởng mới có thể và cần được đón nhận để bổ túc cho phong phú, nhưng
không thể thay thế. Có như vậy mới mong giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc giữa
những thay đổi mau chóng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay.
Do đó, chúng tôi đề nghị:
1. Hiến pháp cần xác định rõ: mọi
người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền
gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả
xâm phạm, bất khả nhượng.
2. Lấy truyền thống văn hóa dân tộc
làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội Việt Nam .
3. Nêu rõ nội dung quyền được sống
(đối chiếu với điều 21 Dự thảo): mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép
tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà nước có
nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của
mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.
4. Nêu rõ quyền tự do ngôn luận (đối
chiếu điều 26 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày
quan điểm và niềm tin của mình.
5. Nêu rõ quyền tự do tôn giáo (đối
chiếu điều 25 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền
này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành
các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết
nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam . Nhà nước không tuyên truyền
tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như:
đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập... Các tổ chức tôn giáo
có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế…
II. Quyền làm chủ của nhân dân
Quyền
bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội, nhưng chủ thể của quyền bính
chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân
trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ
bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không
thuộc đảng phái nào. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền "của dân, do
dân và vì dân" (Lời nói đầu). Vì thế việc tự do ứng cử của mỗi công dân là
đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và lành mạnh. Đồng thời việc
bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân
có được những đại diện mà họ tín nhiệm. Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực
của những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện
đó.
Do đó, chúng tôi đề nghị:
1. Hiến pháp cần phải làm nổi bật
quyền làm chủ của nhân dân, không chỉ bằng một mệnh đề lý thuyết nhưng cần được
thể hiện trong những điều khoản cụ thể của Hiến pháp, và có thể thi hành trong
thực tế. Bản Dự thảo khẳng định: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân
dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội
ngũ trí thức" (Điều 2). Nhưng trong thực tế, công nhân, nông dân và trí thức
là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Thực tế đó cho thấy
khẳng định về quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết.
2. Để tôn trọng quyền làm chủ của
nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự
lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào (x. điều 4), vì chủ thể của quyền
bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người
họ tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm
trước nhân dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng
không ai chịu trách nhiệm cả.
3. Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận
quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Điều này
đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hiến pháp mới cần công
nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa
số các quốc gia trên thế giới.
4. Hiến pháp phải tôn trọng quyền
tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành
phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo…
III. Thi hành quyền bính chính trị
Quyền
bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp. Để những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn
và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mỗi bên và vì công ích của toàn
xã hội. Trong thực tế của Việt Nam
nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và
lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo
đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam ,
cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển.
Nguyên
nhân sâu xa là không có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền.
Điều này thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp 1992, và Dự thảo vẫn tiếp tục
đường lối như thế.
Một đàng,
điều 74 khẳng định Quốc hội là "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất";
đàng khác, điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là "lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội". Vậy, ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội chỉ là công cụ của
đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý
nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?
Bản Dự thảo
cũng dành nhiều chương dài để nói về Quốc Hội (điều 74-90), về Chủ tịch nước
(điều 91-98), về Chính phủ và Thủ tướng (điều 99-106). Không có chương nào và
điều nào nói về Tổng bí thư đảng cầm quyền. Đang khi đó, thực tế là Tổng bí thư
nắm quyền hành cao nhất vì cũng theo Dự thảo, đảng cầm quyền là "lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (điều 4)! Như thế phải chăng đảng ở trên luật
pháp và ngoài luật pháp, chứ không lệ thuộc luật pháp? Nếu đảng cầm quyền đã
lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội, thì còn cần gì Quốc hội, cần gì đến Tòa án!
Những
phân tích trên cho thấy sự mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến
pháp. Sự bất hợp lý này dẫn đến tình trạng bất hợp lý trong thực tế cuộc sống,
là nguồn gốc của những bất công, dẫn đến bất ổn xã hội, kìm hãm sự phát triển
lành mạnh và bền vững của đất nước.
Do đó, chúng tôi đề nghị:
1. Phải vượt qua sự bất hợp lý từ
trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính
trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là "cơ quan quyền lực
Nhà nước cao nhất", do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân,
chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.
2. Xác định tính độc lập của các
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành
những quyền này cách độc lập và hiệu quả.
3. Luật hóa sự kiểm soát của nhân
dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể.
Kết luận
Những nhận
định và góp ý của chúng tôi chỉ nhằm mục đích góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp
lý và hợp lòng dân. Chúng tôi ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến
pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam .
Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2013
TM. Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục
Việt Nam
Tổng thư
ký Chủ tịch
(đã ký) (đã ký)
Cosma
Hoàng Văn Đạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giám
mục Bắc Ninh Tổng
Giám mục Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét