Sau khi đã có dịp tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mác-cô, bây giờ chúng ta tìm hiểu đến Tin Mừng theo Thánh Luca. Cả hai tác giả đều là môn đệ của hai thánh Tông Đồ, nghĩa là không được trực tiếp kề cận bên Chúa Giêsu, như thánh Matthêu và thánh Gioan. Thế nên tác phẩm của Luca chắc chắn có mục đích riêng, cũng như có tác dụng riêng.
Mời các bạn cùng xem
TÌM HIỂU TIN MỪNG THỨ BA
TIN MỪNG THÁNH LUCA
Ts NGUYỄN HỌC TẬP
Phúc Âm Thánh Luca không có
gì khác hơn là quyển đầu tiên của tác phẩm ngài, Sách Tông Đồ Công Vụ là quyển
thứ hai của cùng một tác phẩm, không thể tách rời khỏi quyển đầu, theo chương
trình huấn dạy của ngài.
Truyền thống Giáo Hội đã bắt
đầu rất sớm tách rời Phúc Âm ra khỏi quyển Tông Đồ Công Vụ. Và rất tiếc, do đó
đã đặt Phúc Âm Thánh Gioan vào giữa, sau Phúc Âm Thánh Luca, như vậy làm tách
rời hai phần tác phẩm duy nhứt của Thánh Luca.
Ý định của Thánh Luca là
trình bày cho chúng ta một tổng kết có thứ tự ( Lc 1, 3), khởi đầu từ tin mừng
được khởi sự ở Galilea " sau phép rửa được Gioan rao giảng " ( Act
10, 37), kế đến " được loan
truyền đều khắp đến tận cùng trái đất " ( Act 1, 6).
Trước hết, chúng ta muốn
được duyệt qua lại lộ trình thiêng liêng mà Thánh Luca đã trải qua bằng suy
nghĩ và bằng cấu trúc thực tế, thể hiện lên tư tưởng ngài.
Chúng ta biết rằng các tác
giả Phúc Âm
- không dùng " các nguồn tài liệu "
một cách tùy tiện,
- không sắp xếp và trình bày thế nầy hay thế
khác tùy hứng,
- nhưng hành động có định hướng.
Đó chính là bởi vì các ngài
có mục đích cần phải đạt tới trong cấu trúc, sắp xếp, thích hợp hoá các tài
liệu mà mình có được.
Hiểu như vậy, chúng ta hiểu
được tại sao có " nền thần học " của Thánh Marco, Thánh Matthêu,
Thánh Luca hay của mỗi tác giả trong " Phúc Âm Nhất Lãm ".
- Một vài học giả định nghĩa Phúc Âm của
Thánh Marco là " Phúc Âm của người tân tòng " ( catecumeno), với
mục đích giúp cho những ai mới được hội nhập vào đức tin và đang tìm cách để
trở thành, trong một thời gian ngắn, người môn đệ của Chúa.
- Một vài học giả khác cho rằng Phúc Âm
Thánh Matthêu là " Phúc Âm giáo lý " ( cathechista).
tức là Phúc Âm dành để giúp cho những người còn phải được hội nhập vào đức tin.
Và đó là nhũng gì chúng ta thấy được trong cấu trúc năm bài giảng trong
Phúc Âm của ngài. Như vậy Phúc Âm của Thánh Matthêu là một kho tàng sung túc
dành cho các thầy dạy giáo lý, trong ý nghĩa cao qúy của từ ngữ, tức là
chính các Tông Đồ, những thầy dạy giáo lý tiên khởi.
- Trái lại Phúc Âm Thánh Luca là " Phúc
Âm của người môn đệ Chúa Kitô ". Điều đó có nghĩa là
Phúc Âm được viết ra cho những ai bắt đầu đi theo con đường làm đệ tử Chúa
Giêsu và nhứt định theo Người bắng bất cứ giá nào.
Có rất nhiều yếu tố minh
chứng cho định ý đó của Thánh Luca, vì dụ như đoạn mà chỉ có Phúc Âm ngài ghi
lại:
- " Ai đã tra tay cầm cày, mà còn
ngoái lại đàng sau, thì không đáng với Nước Thiên Chúa " ( Lc 9, 62).
" Tra tay cầm cày "
thôi, chưa đủ; đi cày được một khoảng ruộng thôi, cũng chưa đủ. Cần phải cày
sốt luống cày của mình, không nuối tiếc, ân hận.
Đặt tay cầm cày, nhưng rồi
ngoái lại sau lưng, có nghĩa là thất bại trong phận vụ môn đệ của Chúa Kitô.
- Một yếu quan trọng khác, để hiểu được vai
trò của người môn đệ, được Thánh Luca cung cấp cho trong một bản văn dài từ
chương 9, 5 đến chương 19,28.
Khối văn từ vừa kể, đặc biệt
của Thánh Luca, diễn tả cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem,
như là để nhắn nhủ ai tin vào Chúa Giêsu phải bước đi trên con đường " khổ
nhọc " nầy đến thượng đỉnh Giêrusalem, tức là đến thị xã của hy sinh
và cái chết.
Trong viễn ảnh Thánh Luca,
người môn đệ là người " đi theo " Thầy, bất cứ Người đi đến
đâu,cho đến cả tử đạo, nếu cần.
I - Tác giả.
Truyền thống Kitô giáo luôn
luôn xác nhận rằng Luca là vị bác sĩ của Thánh Phaolô ( Col 4, 14), cũng như là
tác giả của quyển Phúc Âm III.
Luca không phải là một tông
đồ, cũng không phải là nhân chứng trực tiếp cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu.
Ngài biết được Chúa Kitô qua các nhân chứng tiên khởi và chuẩn bị viết lên Phúc
Âm sau một cuộc nghiên cứu cẩn thận ( Lc
1, 2-3).
Thánh Luca đem vào một ít
thay đổi đối với nguồn mạch, mà ngài múc lấy để viết lên Phúc Âm, ví dụ
- thay vì nói về thân mẫu của Phêrô đang lên
cơn sốt ( Mc 1, 30), Thánh Luca với tư cách là bác sĩ cho biết bà " đang
bị sốt nặng " ( Lc 4, 38),
- trong khi Phúc Âm Thánh Marco cho biết
" có người bị phong hủi đế gặp Người..." ( Mc 1, 40), thì
Thánh Luca với cặp mắt bác sĩ chuẩn bệnh " có một người đầy phong hủi
" ( Mc 5, 12).
- sau cùng trong sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh
Phaolô và người bạn đồng hành của mình, Thánh Luca, được nhiều người mến chuộng
vì nhiều bệnh nhân ở hòn đảo Malta được Luca chữa khỏi.
- còn nhiều đoạn văn khác cho biết Thánh
Luca là một bác sĩ ( Lc 6, 18; 8,42; 13,11.32; Act 3,7; 9,33).
Thánh Luca hiện diện bất ngờ
và một cách kín đáo bên cạnh Thánh Phaolô, trong chuyến đi truyền giáo thứ hai
của ngài.
Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại các biến cố của
chuyến đi bằng cách dùng đại danh từ ở ngôi thứ nhứt số nhiều. Đó là những gì
được đề cập đến trong Act 16, 10-17; 20, 5-21; 27, 1-28. Dựa trên những đoạn
vừa kể của Sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta có thể đoán được rằng Thánh Luca đã
cùng đồng hành với Thánh Phaolô từ Troade ( bắc Tiểu Á ) đến hải cảng
Philippi ở Hy Lạp. Thánh Luca ở lại Philippi sáu hay bảy năm, cho đến lúc
Thánh Phaolô trở lại đó trong chuyến đi truyền giáo lần thứ ba.
Sau đó cả hai cùng đi
bằng đường biển đến Mileto và Cesarea. Sau khi lên khỏi thuyền ở Cesarea, cả
hai đều đi Giêrusalem.
Luca vẫn ở bên cạnh Thánh Phaolô
trong suốt thời gian ngài bị tù đày ở Cesarea, và cùng với Thánh Phaolô và
Aristarco, cả ba cùng mạo hiểm đi đến Roma.
Thánh Phaolô cho biết Luca
là một trong những người bạn trung tín nhứt của ngài, trong suốt thời gian bị
án cầm giữ tại gia ở Roma ( Col 4, 14; Phil 2,3s).
Trong thời gian nầy ở Roma,
có lẽ Thánh Luca có bắt được liên lạc với Thánh Marco.
Theo truyền thống, chúng ta
được biết Thánh Luca sống độc thân, hành nghề bác sĩ ở Acaia ( Hy Lạp), hưởng
thọ được 84 tuổi.
- Hoàng đế Constanzo đem thi thể của ngài về
Constantinopoli năm 357 ( sau Chúa Giáng Sinh ) .
- sau đó một truyền thống rất trể về sau ( năm 1177) cho biết thi hài
của Thánh Luca được đem về Ý Quốc và được mai táng ở Padova, mô của ngài hiện
nay nằm trong thánh đường Santa Giustina ( trung tâm Padova).
Trong thế kỷ XIV có tin cho
rằng Thánh Luca là một hoạ sĩ rất giỏi, chính ngài đã tạo nên bức tranh Mẹ
Maria ( hiện đang ở tại thánh đường Santa Maria Maggiore, Roma).
Giáo Hội mừng lễ ngài mỗi
năm ngày 18 tháng 10.
II - Đặc tính văn chương.
Thánh Luca với tính cách là
bác sĩ, viết văn với cặp mắt dò xét phản ứng tâm lý và các lý do ẩn giấu bên
dưới.
Chỉ có ngài mới viết lên
những hoàn cảnh tâm lý ( Mc3, 16; 4, 14s; 9, 43; 11, 1.29; 13,1; 17, 20; 18,
1.9; 19, 11).
Nguồn gốc dân ngoại của ngài
( không phải thuộc dân Do Thái ) và nhiều chuyến đi lâu dài giải thích cho
chúng ta biết tâm tình cởi mở và phổ quát đối với mọi người của ngài.
Ngài chứng tỏ cho thấy dành
nhiểu thiện cảm
- cho dân tộc thiểu số,
- cho những người bị đặt ra bên lề xã hội
- và những kẻ không được đối xử đặc ân đặc
lợi: người Samaritani, người phong
hủi, bọn thu thuế, lính tráng, các phạm nhân công cộng nhận diện, các mục đồng dốt nát, những kẻ
nghèo hèn, tất cả những hạng người đó là đối tượng được dành nhiều khuyến
khích trong Phúc Âm ngài.
Đọc Phúc Âm Thánh Luca,
chúng ta thấy được ngài hấp thụ được nền giáo dục Hy Lạp và Phúc Âm ngài viết
lên là viết nhằm cho cộng đồng Kitô hữu có nguồn gốc dân ngoại ( không thuộc
dân Do thái ) .Và cho chính họ, ngài đã có nhiều thay đổi đối với truyền thống
Phúc Âm. Ngài thường bỏ qua những từ ngữ Do Thái hay thay thế bằng những từ ngữ
Hy Lạp quen thuộc.
Trong Phúc Âm ngài, chúng ta
không hề gặp các từ ngữ Do Thái, thường gặp trong các Phúc Âm khác:
- " Abbà " ( Cha ) ( Mc 14,
36),
- " Ebanerges " ( con của thiên
lôi ) ( Mc 3, 17) = " lửa từ trời " ( Lc 9, 54).
-" Ephphata " ( mở ra ) (
Mc 7, 34);
- " Hosanna " ( xin cứu chúng con,
chúng con van xin ) ( Mc 11,9; Mt 21,9; Jn 12,13) = Lc 19, 38).
- " Rabbi " ( Thầy ), được Thánh
Luca thay bằng " Didaskale " ( Người dạy dỗ ) và " Epistata
" ( Sư phụ ).
Ngoài ra Thánh Luca dùng từ
ngữ để diễn dịch ý nghĩa, thay vì đồi " golgotha " aramaico,
ngày dùng từ ngữ Hy Lạp đồi " khranion " ( sọ ).
Một điều khác nữa của Phúc
Âm Thánh Luca, Phúc Âm viết cho Kitô hữu nguồn gốc dân ngoại, là ít khi ngài
trích dẫn Cựu Ước, so với Phúc Âm Thánh Matthêu.
Nhưng Thánh Luca có cách
khác để diễn tả niềm hy vọng Cựu Ước được thực hiện. Đối với ngài, Chúa Giêsu
chính là ngôn sứ, ngài rất thường dùng tước hiệu nầy để chỉ Chúa Giêsu, so với
Phúc Âm Thánh Marco ( Lc 4, 24; 7, 16.39; 9, 19).
Chúa Giêsu được trình diện
trong vai trò của Elia, ngôn sứ được sai đi đến các dân ngoại; tuy nhiên Phúc
Âm Thánh Luca không bao giờ nói đến việc Chúa Giêsu rao giảng cho dân ngoại. So
sánh vai trò của Chúa Giêsu với Elia một cách đúng đắn hơn, nếu chúng ta lưu
tâm đến một yếu tố khác: Thánh Luca không những đề cập song đôi giữa sứ mạng
của Chúa Giêsu trong Phúc Âm và sứ mạng của Giáo Hội trong Sách Tông Đồ Công
Vụ, mà còn cho thấy trong Giáo Hội sứ mạng của Chúa Giêsu được thực hiện chu
toàn.
Bởi đó chúng ta có thể gặp
được những lần ghi nhận song song giữa Phúc Âm và Sách Tông Đồ Công Vụ cùng một
chủ đề
- Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần (
Lc 3, 21ss; Act 2, 1ss);
- lời giảng dạy có liên quan đến Chúa Thánh
Thần ( Lc 4, 16-19; Act 2, 17);
- thái độ phủ nhận của dân chúng ( Lc 4, 29;
Act 7, 58; 13, 50);
- các phép lạ chữa lành nhiều người ( Lc 4,
40ss; Act 2, 43; 5, 16);
- Chúa Giêsu được tôn vinh ( Lc 9, 28-36;
Act 1, 9-11.
Và không
những Thánh Luca có ý tránh việc trích dẫn các đoạn Cựu Ước không mấy liên hệ
với dân ngoại, nhưng ngài còn đặc tâm lưu ý đến sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu,
được thực hiện trong Giáo Hội giữa các dân ngoại.
Vì tinh thần
tôn trọng thứ tự, Thánh Luca tránh lập đi lập lại nhiều lần những biến cố giống
nhau:
- Chúa Giêsu chỉ được xức dầu một lần ( Lc
7, 36-50);
- chỉ có một lần hoá bánh và cá ra nhiều (
Lc 9, 12-17);
- chỉ một lần thuật lại cây vả cằn cỗi không
sinh hoa trái ( Lc 13, 6-9);
- chỉ có một lần Chúa Giêsu trở lại gặp các
môn đệ trong vườn Giêtsemani ( Lc 22, 39-46):
- chỉ có một lần bị xử án trước quyền lực Do
Thái ( Lc 22, 66-71).
Cách xếp đặt
chất liệu và bỏ qua những yếu tố không mấy liên quan đến sứ mạng rao giảng Phúc
Âm cho dân ngoại, mặc dầu cho thấy tính chất nghệ sĩ của Thánh Luca, nhưng đàng
khác cũng không cấm cản Thánh Luca trích lại đến hai lần những lời huấn dạy của
Chúa Giêsu.
Thánh Luca
là một sử gia chăm chỉ chú ý, chớ không phải chỉ là một nghệ sĩ, bởi lẽ ngài
tôn trọng các nguồn tài liệu được cung cấp cho.
Bởi đó chúng
ta gặp được trong Phúc Âm ngài một vài lời huấn dạy, một trích từ nguồn Q và
một từ Phúc Âm Thánh Marco ( Mc 8, 16), được Thánh Luca lập lại đến hai lần (
Mc 11, 33; 8,17 = 12,2; 8,18 = 19, 26; 9,24 = 17,33; 9,26= 12,9; 9,50= 11,23.
Viết như
vậy, Thánh Luca có ý làm nổi bật tính cách song song giữa giai đoạn thứ nhứt,
sứ mạng ở Galilea của Chúa Giêsu và giai đoạn thứ hai trong cuộc hành trình
trọng đại ( Lc 9, 51-19,28).
III - Những đặc tính tín lý.
Diện mạo Chúa Giêsu được
Thánh Luca phát hoạ ra rất sung mãn và liên kết chặt chẽ với nhau. Dĩ nhiên là
trong những đường nét nền tảng đại cương cũng tương đồng với các Phúc Âm khác.
Tuy nhiên Phúc Âm Thánh Luca
có những đặc chú nhấn mạnh cá biệt
- tính cách phổ quát cho hết mọi người,
- đặc tâm chú ý thương yêu riêng biệt cho kẻ
nghèo hèn,
- lòng nhân từ đại lượng
- và tha thứ.
Là con người của Giáo Hội và
của truyền thống, Thánh Luca cũng là người có tầm hiểu biết rộng lớn và nhạy
cảm tế nhị, nhứt là đối với những kẻ tội lỗi, di dân, dân ngoại và người nghèo.
Một đồ án khởi đầu cả thể
được khởi sự trong Phúc Âm và kết thúc trong Sách Tông Đồ Công Vụ.
Phúc Âm cũng như Sách Tông
Đồ Công Vụ đều bắt đầu ở Giêrusalem của Đấng Cứu Độ với động tác ban Chúa Thánh
Thần ( Lc 1, 5-2, 52; 3,21ss.; Act 1-2).
Kế đến Phúc Âm cho chúng ta
biết
- sứ mạng của Chúa Giêsu ở Galilea ( Lc 4,
1-9,50)
- và chuyến đi của Người đến Giêrusalem ( Lc
9, 51-19,28).
Sách Tông Đồ Công Vụ tiếp
nối nhãn quang đó bằng cách thuật lại sứ mạng đầu tiên của các tông đồ,
- phần lớn vẫn còn hạn hẹp trong lãnh vực Do
Thái ( Act 8, 15),
- và tiếp tục sứ mạng đó là chuyến đi của
Thánh Phaolô đến trung tâm thế giới, thủ đô Roma, thủ đô của đại đế quốc Roma.
Không những có những gì song
song vừa kể giữa Phúc Âm và Sách Tông Đồ Công Vụ, mà chúng ta còn thấy được
Sách Tông Đồ Công Vụ tiếp tục nơi đâu Phúc Âm kết thúc dừng lại.
Trong Phúc Âm Thánh Luca,
Chúa Giêsu không giảng dạy trực tiếp cho dân ngoại, cũng không kết thúc việc
thiết lập lại vương quốc Người. Trong vương quốc Người phải gồm cả dân ngoại
nữa, nhưng chiều kích phổ quát cho hết mọi người đó chỉ được thực hiện sau khi
Chúa Giêsu đã lên trời, trong sứ mạng của Giáo Hội, như Thánh Luca nói lên
trong Sách Tông Đồ Công Vụ.
Thánh Luca hằng nhắc nhớ
những ai đọc tác phẩm của ngài rằng thời cánh chung ( Parusia), lúc Chúa
Giêsu đến vào thời điểm sau cùng là điều tuyết đối không xác định được. Vương
quốc không thể hiện vinh quang hoàn hảo với biến cố Chúa Giêsu thăng thiên,
cũng không với biến cố Giêrusalem bị sụp đổ. Trong Giáo Hội, Vương Quốc đó tuần
tự được thể hiện, cho thấy trước những gì sẽ ngưỡng mộ được của tất cả các hy
vọng và lời hứa.
Trong nhãn quang rộng lớn
hơn đó, Thánh Luca khai triển những chủ đề tùy thuộc liên hệ.
a) Ngài viết " Phúc Âm của lòng
nhân từ thương xót " hay " Phúc Âm của lòng tha thứ ".
Giữa các Phúc Âm Nhất Lãm
, Thánh Luca là tác giả duy nhứt các biến cố hay các dụ ngôn như
- người thiếu phụ tội lỗi ( Lc 7, 36-50),
- con chiên bị thất lạc, đồng bạc bị đánh
mất, đứa con trai hoang đàng ( chương 15),
- sự hiện diện của Chúa Giêsu trong nhà ông
Zaccheo ( Lc 19, 1-10),
- Chúa Giêsu tha thứ cho những kẻ giết hại
Người ( Lc 23, 34),
- người trộm lành ( Lc 23, 39-43).
Ở đoạn ( Lc 6, 36), Thánh
Luca ghi lại nguyên văn lời Chúa Giêsu:
- " Anh em hãy biết nhân lành, như Cha
anh em là Đấng nhân lành ".
Trong khi đó trong Phúc Âm
Thánh Matthêu, chúng ta có một câu với ý nghĩa hơi khác:
- " Anh em hãy nên trọn lành, như
Cha anh em là Đấng trọn lành " ( Mt 5, 48).
Cả " Bài Giảng Dưới
Đồng Bằng " đều đặt trọng tâm vào mối liên hệ bắt buộc xã hội dựa trên
đức bác ái ( Lc 6, 17-49), trong khi đó thì " Bài Giáo Lý Trên Núi "
của Thánh Matthêu dụa trên các khía cạnh luật pháp của sứ điệp và trên tầm quan
trọng của Lề Luật Moisen.
Thánh Luca cũng thêm vào bản
văn của Thánh Marco nhiều điều quan
trọng , như trong câu xác quyết:
- " Ta không đến để kêu gọi người
công chính, mà người tội lỗi " ( cfr. Mc 2, 17; Mt 9, 13) ..." hối
cải " ( Lc 5, 32).
Chúng ta cũng có một thay
đổi khác nơi ( Lc 8, 12), đối với ( Mc 4, 15; Mt 13, 19).
- " những kẻ ở bên vệ đường, là
những kẻ đã nghe lời, nhưng rồi qủy đến cất lời ra khỏi lòng họ,kẻo họ tin mà
được cứu độ " ( Lc 8, 12),
so với
- " Những kẻ nghe ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ" ( Mc 4, 15),
- " Những kẻ nghe ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ" ( Mc 4, 15),
- " Hể ai nghe lời rao giảng Nước Trời
mà không hiểu, thì qủy dữ đến cướp đi những điều đã gieo trong lòng người ấy:
đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường đón nhân" ( Mt 13, 19).
b) Lòng tha
thứ của Chúa Giêsu được ban cho tất cả mọi người, Bỏi đó chúng ta có thể nói
Thánh Luca viết " Phúc Âm cứu độ phổ quát cho mọi người ".
Bản liệt kê gia phả ( Lc 3, 23-38) không đóng kín
dòng dõi Chúa Ciêsu duy nhứt vào dòng giống nhà vua David, như những gì đã xảy
ra trong Phúc Âm Thánh Matthêu ( Mt 1, 1-16), nhưng Thánh Luca đặt Chúa Giêsu
vào dòng dõi của cả dòng giống nhân loại, bởi lẽ Người là con của Abraham, tổ
phụ đã là con Thiên Chúa. Đức tin của Abraham
có thể được mọi người đồng thuận chấp nhận, bởi đó tất cả đều trở thành
con cái Abraham ( Lc 3,8).
Sát liền trước lời xác quyết vừa kể, chúng ta có được một
đoạn trích dẫn đoạn văn Isaia được khuếch đại ( Mc 1,3: Mt 3,3 ), nhưng bản văn
của Marco cũng như của Matthêu đã bỏ qua những lời rất có ý nghĩa, " rồi
hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa " ( Lc 3, 6).
c) Điều được đặc tâm lưu ý đến, đó là lòng nhân từ
được Chúa ban cho mọi người nghèo khó và khiêm nhường. Bởi đó chúng ta có thể
nói là rằng Thánh Luca là tác giả " Phúc Âm của người nghèo".
Điều vừa kể được thể hiện rõ
ràng trong các đoạn tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, trong đó người
nghèo khó và những người không có giá trị gì trong xã hội đưọc tuyển chọn và
dành cho những đặc ân cao cả:
- cặp vợ chồng Zaccaria và Elisabeth,
- Mẹ Maria và Thánh Giuse được tuyển chọn
giữa những người Nazareth không có tiếng tăm gì,
- các mục đồng ngoài đồng án,
- một ông già và bà goá trong đền thờ.
Thánh Luca vẫn giữ nguyên
vẹn lòng kính trọng nầy đối với trạng thái thực thể khó nghèo trong Các Mối Phước thật, khi ngài viết
" Phúc cho các ngươi là những kẻ khó nghèo " ( Lc 6, 20), bằng
cách dùng cách đối thoại trực diện " phúc cho các ngươi ", và
không thêm vào gì khác, như Thánh Matthêu, " ... có tinh thần khó nghèo
".
d) Một điều khác cũng đáng được chú ý trong
Phúc Âm Thánh Luca, ngoài ra việc trình bày Chúa Giêsu là thân hữu của người
nghèo khó, người tội lỗi, người rốt chót trong xã hội. Đó là ngài còn cho chúng
ta biết Chúa Giêsu kỳ vọng và đòi buộc đối với những ai theo Người và nghe theo
lời huấn dạy của Người.
Bởi đó chúng ta có thể định
nghĩa Phúc Âm ngài là " Phúc Âm của từ bỏ tuyệt đối ", các
môn đệ Chúa Giêsu phải là những người " từ bỏ tất cả " ( Lc 5,
11).
Trong khi đó thì trong một
lời xác quyết tương tự, Thánh Marco và Thánh Matthêu chỉ giới hạn ở việc bỏ lại
chài lưới và người cha, để theo Chúa Giêsu ( Mc 1, 16-20; Mt 4, 18-22).
Cũng vậy, trong một lời xác
quyết khác, chỉ có một mình Thánh Luca kể lại, nhấn mạnh đến việc từ bỏ để hoàn
toàn dành cho Chúa Giêsu ( Lc 9, 62).
Chỉ có một mình Thánh Luca
thêm từ ngữ " vợ " vào danh sách liệt kê cho những người đến
hỏi phải hy sinh những gì cho Nước Chúa ( Lc 14, 26).
Còn nữa, Thánh Luca cũng cho
biết, khi ngài viết " anh em hãy tích tử kho tàng trên trời " ( Lc
6, 20), và " hãy bán đi những gì anh em có và bố thí " ( Lc 12, 33).
Thánh Luca trải rộng ra việc
chịu đựng thập giá từ mỗi thời điểm của thì cánh chung ( Mc 8, 34; 16, 24) đến
việc chịu đựng các đau khỗ mỗi ngày ( Lc 9, 23).
Việc cần thiết chịu đựng đau
khỗ và từ bỏ vừa kể đưọc coi như là những phương thế để thực thiện niềm vinh
quang, là những gì Chúa Giêsu " phải chịu đau khỗ " ( Lc 9,
22; 13, 33; 17, 25; 22, 37; 24, 7; 26, 44).
e) Việc tách rời và từ bỏ được đề cập là
những gì có thể được, bởi vì Chúa Giêsu và các môn đệ Người được trình bày cho
biết là những chủ thể hằng hướng về Thiên Chúa.
Trong ý nghĩa đó, Phúc Âm
Thánh Luca được định nghĩa là " Phúc Âm của cầu nguyện và của Chúa
Thánh Thần". Thánh Luca trình bày cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu
cầu nguyện trước bất cứ một giai đoạn quan trọng nào trong sứ mạng cứu độ của
Người:
- trong lúc Người chịu phép rửa ( Lc 3, 21),
- trước khi chọn mười hai Tông Đồ ( Lc 6, 12),
- trước khi cuộc tuyên xưng đức tin của
Phêrô ( Lc 9, 18),
- trong biến cố được biến dạng ra sáng láng
( Lc 9, 28),
- trước khi dạy chúng ta cầu nguyện bằng
Kinh Lạy Cha ( Lc 11, 1),
- trong vườn Giêtsemani ( Lc 22, 41).
Chúa Giêsu là vị Thầy dạy
chúng ta cầu nguyện và thường nhấn mạnh khuyên bảo các môn đệ Người cũng phải
là những người cầu nguyện ( Lc 6, 28; 10, 2 ; 11, 1-13; 18, 1-8; 21, 36).
Chúa Giêsu không ngừng đề
cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần ( Lc 1, 15.35.41.67; 2, 25-27; 3, 16. 22;
4, 1.14.18; 10, 21; 11, 13; 12, 10.12).
- Trong đoạn Thánh Matthêu ( Mt 7, 11) đề
cập đến những điều tốt lành Chúa Cha ban cho những ai van xin Người, thì Thánh
Luca nói về Chúa Thánh Thần như là ơn huệ tối thượng.
- Trong quá khứ Cựu Ước, Chúa Thánh Thần
được ban cho các Quan Toà, giờ đây Chúa Thánh Thần được sai đến cho Gioan Tẩy
Giả ( Lc 1, 15.80) và cho song thân của ngài ( Lc 1, 41.67).
- Chúa Giêsu được thụ thai bởi công trình
của Chúa Thánh Thần ( Lc 1, 35) và chính Người cũng đầy Chúa Thánh Thần ( Lc 4,
1).
- Những gì đã được thể hiện cho Chúa Giêsu,
cũng phải được thể hiện trong Giáo Hội, cho đến ngày Chúa Giêsu lại đến. Bởi đó
Chúa Thánh Thần cũng có vai trò quan trọng bậc nhứt trong Sách Tông Đồ Công Vụ.
Bởi vì Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, thời gian của thời cánh chung,
được Chúa Giêsu khai mạc và sẽ kéo dài cho đến khi nào Chúa Thánh Thần đem đến
kết thúc trong một thời điểm nào đó ở tương lai.
f) Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu có tràn
đầy nơi Người, là Đấng chiếu toả niềm vui và bình an giữa những ai biết lắng
nghe Người.
Bởi đó, chúng ta có thể nói
rằng Thánh Luca viết " Phúc Âm niềm vui cứu độ ".
Nhiều từ ngữ Hy Lạp khác
nhau diễn tả niềm vui hay lòng phấn khởi chúng ta thường gặp được trong Phúc Âm
Thánh Luca.
Đọc thoáng qua các Phúc Âm,
chúng ta có cảm tưởng rằng Phúc Âm Thánh Matthêu có cách viết nghiêm nghị và
long trọng, Thánh Marco viết như là phương thức ghi lại các điều xảy ra thành
quyển nhật ký, trong khi đó thì Phúc Âm Thánh Luca đầy tràn niềm vui, khi con
người ý thức được thực thể huy hoàng đó được thể hiện. Hơn bất cứ tác giả Phúc
Âm nào khác, Thánh Luca tường thuật lại lòng ngưỡng mộ của đoàn lủ dân chúng đi
theo Chúa Giêsu ( Lc 5, 26; 10, 17; 13, 17; 18, 43).
Tinh thần tràn đầy vui mừng
đó lan tràn trong dân chúng thể hiện những gì Chúa Giêsu hứa các môn đệ Người
sẽ " hạnh phúc " và " may mắn " ( Lc 1, 45;
6, 20-22; 7, 23;10, 23; 11, 27...; 12, 37...; 14, 14...; 23, 29).
IV - Nguồn tài liệu.
Ở đoạn Lc 1, 1-4, Thánh Luca
xác quyết rằng ngài đã tìm tòi một cách cẫn thận sự hiểu biết về Chúa Giêsu,
dựa trên các nhân chứng trực tiếp.
Ngài đã chuyên cần tìm kiếm
và nghiên cứu các nguồn tài liệu trực tiếp hay các nguồn truyền thống chính thức , cũng như các truyền thống loan
truyền riêng tư trong Giáo Hội:
- Ở Antiochia, có lẽ là nơi ngài được nhận
Phép Rửa, Thánh Luca có tiếp xúc với Manaèn, một người bạn ở tuổi thơ ấu thời
Erode Antiopa ( Act 13, 1), có lẽ nhờ cuộc gặp gỡ với Gioanna, vợ của Cuca,
thống đốc Antiopa ( Lc 8, 3). Có lẽ các nhân vật vừa đề cập kể cho Thánh Luca
biết đưọc tin tức về thái độ của Erode đối với Chúa Giêsu, những yếu tố, tin
tức, mà chúng ta chỉ gặp được trong Phúc Âm Thánh Luca ( Lc 13, 31-33; 23, 7-12).
- Ở Tiểu Á, có lẽ Thánh Luca được gặp gỡ với
các môn đệ Thánh Gioan và nhờ đó ngài có được nơi các môn đệ đó một vài chủ đề
cá biệt chỉ có trong Phúc Âm Thánh Gioan, như những gì thuật lại thời niên
thiếu và các yếu tố chính yếu cho đoạn tường thuật của ngài về cuộc khổ nạn và
vinh quang của Chúa Giêsu. Các dấu vết của Thánh Gioan trong Phúc Âm Thánh
Luca, như:
* các chủ đề về Giêrusalem và về đền thờ,
* điều quan trọng về cuộc hiển vinh của Chúa
Giêsu,
* các
yếu tố cá biệt chỉ có trong Thánh Gioan và Thánh Luca về sứ mạng của Chúa Giêsu
ở Nazareth ( Lc 4, 22b-30), có lẽ Thánh Gioan được Mẹ Maria cho biết chăng?.
* ảnh hưởng của Thánh Gioan trong Phúc Âm
Thánh Luca về cuộc Chúa Giêsu được biến dạng ( Lc 9, 28-36),
* bài ca chúc tụng của Chúa Giêsu ( Lc 10,
22),
* lời khuyến khích tin cậy vào Thiên Chúa (
Lc 12, 32).
Có lẽ Thánh Luca có được hai
năm - trong lúc Thánh Phaolô bị ở tù ở Cesarea ( Act 24, 27) - để thu nhặt tin
tức và phỏng vấn những người đã được biết Chúa Giêsu hay được nghe nói về Người
từ những chứng nhân mắt thấy tai nghe Chúa Giêsu:
- ngài được gặp phó tế Philippo, vị tông đồ
của Samaria ( Act 8; 21, 8). Và có lẽ từ vị phó tế đó, mà ngài có được tin tức
về những biến cố được thuật lại ( Lc 9, 52-56; 17, 11-19).
Người phụ nữ tội lỗi sám
hối, mà tên họ được Thánh Luca giữ kín, là người đã tin tưởng vào Luca, một bác
sĩ, và được Thánh Luca tường thuật lại lịch sử sám hối trở lại của nàng ( Lc 7,
36-50).
Mặc dầu Thánh Luca cũng như
Thánh Phaolô là những người chưa bao giờ lập gia đình, trong nhãn quang hướng
tất vả vào Nước Thiên Chúa và vào phận vụ tông đồ của mình ( Lc 14, 26; 18,
29), dầu vậy, các ngài cũng nhận biết vai trò quan trọng của người phụ nữ hơn
bất cứ trong một Phúc Âm nào khác. Thái độ đó của ngài có thể giải thích được
trong môi trường Hy Lạp của ngài, trong đó xã hội cho phép người phụ nữ cũng
được chiếm giữ vai trò quan trọng cao cả hơn những gì có thể xảy ra trong môi
trường Do Thái ( Act 8, 27; 16, 13-15; 18, 26; 24, 24).
Một nguồn mạch quan trọng
khác cho thái độ nền tảng của Thánh Luca, đó là do việc ngài hội nhập với Thánh
Phaolô. Điều vừa kể, ảnh hưởng của Thánh Phaolô, chúng ta sẽ có dịp đề cập đến,
khi nào đi vào phần bình luận nội dung Phúc Âm Thánh Luca ( Lc 7, 9; 10, 7...
39; 11, 13; 17, 7-10; 18, 1.14; 21, 19.28.34-36).
Có lẽ Thánh Phaolô đã làm
cho niềm tin của Thánh Luca trở nên xác quyết về tính cách phổ quát của ơn cứu
rỗi, về ý muốn thánh hoá của Chúa Giêsu, về thái độ lạnh lẽo của Người đối với
Lề Luật.
Ngoài ra các nguồn tài
nguyên bằng miệng vừa kể, Thánh Luca đã dùng nhiều văn kiện tài liệu và tự do
xử dụng các tài liệu đó. Nguồn mạch văn bản chính yếu của ngài là Phúc Âm Thánh
Marco. Thánh Luca dùng 60% của 661 câu văn của Thánh Marco. Các bản văn của
Thánh Marco chiếm đến 1149 câu văn Phúc Âm Thánh Luca. Các đoạn văn của Thánh
Luca song song với của Thánh Marco như sau:
- Lc 4, 31-6, 19 // Mc 1, 21-3, 12.
- Lc 8, 4-9, 50 // Mc 4,1-9, 41.
- Lc 18, 15-21 // Mc 10, 13-13, 37.
Việc tùy
thuộc vào Thánh Marco của Phúc Âm Thánh Luca còn phức tạp hơn nữa. Các đoạn
tường thuật nhiều khi có vẻ như Thánh Luca lấy lại của Thánh Matthêu, qua trung
gian Thánh Marco:
- Lc 4, 1-3 trực tiếp dựa trên Mc 1, 13, mà
có lẽ Thánh Marco lại dựa vào Phúc Âm Thánh Matthêu 4, 1-3.
- Và còn một số trường hợp khác cũng tương
tự:
* Lc 6, 26// Mc 2,12 // Mt 9,8,
* Lc 8, 44 // Mc 5, 27 // 9, 20.
Có những
trường hợp, nhứt là những đoạn thuật lại gọi là " Chúa Giêsu nói rằng "
( ghi trực tiếp nguyên văn ) của Thánh Luca, dường như ghi lại nguyên văn các
câu của Thánh Matthêu. Trong trường hợp vừa kể, có lẽ cả Thánh Luca và Thánh
Matthêu đều múc lấy từ một bản văn chung ., bản Q.
Phương thức
Thánh Luca dùng các nguồn tài liệu cho Phúc Âm ngài cho thấy rõ hơn nữa lối
hành văn và đặc tính cá biệt của Phúc Âm III.
Thánh Luca
dùng nguyên liệu lấy từ các nguồn khác một cách tôn trọng kính cẩn, nhưng không
thụ động " sao y bản chính ", tức là không thêm vào sự cộng tác
cá nhân của ngài.
Ngài cho
thấy với tâm hồn nghệ sĩ nhãn quang của ngài. Để cho bản văn được điều hoà và
có lối hành văn trí thức, nhiều khi ngài bỏ qua các yếu tố có thể khiến cho
người đọc nhàm chán, hoặc xúc phạm đến đọc giả dân ngoại. của ngài.
Tâm thức
nhạy cảm thúc đẩy ngài loại bỏ đi những hoàn cảnh, trạng thái vũ lực hoặc thiếu
kính trọng, ví dụ như
- biến cố Thánh Gioan Tẩy Giả bị tử hình ( Mc
6, 16-29),
- các
lời bình luận cộc cằn của các môn đệ ( cfr Lc 8, 22-25 // Mc 4, 35-41),
- các lời mắng nhiếc trong cuộc khổ nạn ( Mc
14, 65; 15, 15-19).
- ngài cũng bỏ qua tất cả các lời bình luận
cho rằng sự hiểu biết về tương lai hay về tư tưởng của người khác bị giới hạn
nơi Chúa Giêsu..
Ngoài ra
những gì bỏ qua, Thánh Luca còn đưa vào những sữa đổi và khai triển thêm so với
các chất liệu ngài nhận được, như chúng ta đã có lần đề cập đến khi nói về các
chủ đề về tín lý.
V - Thời
gian và nơi chốn được viết lên.
Phúc Âm
Thánh Luca được viết bằng tiếng Hy Lạp, theo các học giả, ở thời điểm sau năm
70 ( sau Thiên Chúa Giáng Sinh ).
Một truyền
thống khá cỗ xưa, được Thánh Ireneo cho biết và nguồn tài liệu khác cũng được
Thánh Gerolamo và Gregorio Nazianzeno cung cấp, cho biết rằng miền nam
Hy Lạp là nơi Thánh Luca viết lên Phúc Ạm ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét