Trang

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Phép lạ Thánh Thể, khó tin mà có thật


Khó tin mà có thật


Tác giả Nora V. Clemente-Arnaldo


Tôi muốn chia sẻ tài liệu này trích từ cuốn “Miracles of the Eucharist” (Phép Lạ Thánh Thể) của các tác giả Bob và Penny Lord. Hy vọng rằng phép lạ này sẽ soi sáng chúng ta nhiều hơn về việc rước Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta đừng coi việc tiếp nhận Thánh Thể chuyện tất nhiên, nên rước lễ với niềm tin vữn vàng vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ và Thánh Thể.

Từ thời Giáo hội sơ khai, thành phố Zaragoza là nơi đặc biệt được Chúa Giêsu chúc lành qua Mẹ Maria và Thánh Giacôbê Tông đồ. Các sự kiện lạ đã xảy ra tại Zaragoza như phép lạ Đức Mẹ Cột Trụ (Our Lady of Pilar) năm 40 và phép lạ Thánh Thể năm 1427.

Zaragoza là nơi quan trọng của Kitô giáo, đã bị tấn công bởi quân La Mã, tà thuyết Arians (*) và quân Hồi giáo Ả-rập. Quân Ma-rốc và Hồi giáo Ả-rập luôn xâm lăng Âu châu từ khi đế quốc La Mã sụp đổ. Quân Ả-rập thống trị nhiều nơi tại Tây Ban Nha suốt 700 năm, và họ ảnh hưởng mạnh ở các vùng như Zaragoza. Khi xảy ra phép lạ Thánh Thể năm 1427, người Hồi giáo không còn thống trị dù việc họ vẫn sống ở Tây Ban Nha là sự chịu đựng của các vị lãnh đạo Kitô giáo. Người Hồi giáo Ả-rập ở Zaragoza rất ghét người Kitô giáo vì họ không được nắm quyền.

Cuộc hôn nhân của hai vợ chồng ở Zaragoza gây “chấn động”. Người vợ than phiền với bạn bè về cách đối xử ô trọc của người chồng. Một hôm, một người bạn của phụ nữ này đề nghị chị ta tới một pháp sư Hồi giáo  trong thành phố để pháp sư này “làm bùa” cho chồng chị trở lại yêu thương như xưa. Được giáo dục của Công giáo, mới đầu chị lưỡng lự nhưng rồi sự yếu đuối con người khiến chị đồng ý.

Chị tới pháp sư Hồi giáo và giải thích nỗi khổ của mình. Pháp sư thấy có dịp may để báng bổ điểm cốt lõi của Công giáo là Thánh Thể. Ông ta xảo quyệt, còn phụ nữ này lại cả tin. Ông ta bảo chị lấy Bánh Thánh ở nhà thờ đưa cho ông ta để ông ta làm bùa cho chị. Hôm sau, chị tới nhà thờ Thiên thần Micae là nơi chị vẫn rước lễ. Sau khi rước lễ, chị đến một góc tối trong nhà thơ như thể để cầu nguyện, rồi chị nhả Mình Thánh ra, bỏ vào túi rồi đến nhà pháp sư.

Đến nơi, chị mở túi và ngạc nhiên vì không còn thấy dạng Bánh Thánh mà là một hài nhi xinh đẹp, có hào quang xung quanh thân thể. Khi chị cho pháp sư thấy hài nhi, ông ta sửng sốt. Nhưng ông ta ghét Chúa Giêsu nên ông ta bảo chị đưa hài nhi về nhà và lấy lửa đốt. Ông ta còn bảo chị đốt xong thì đem tro lại cho ông ta để ông ta làm bùa yêu cho chị bằng cách trộn tro đó vào đồ ăn hoặc rượu cho chống chị dùng.

Chị đưa hài nhi về nhà, cột chặt hài nhi bằng dây kẽm rồi bỏ hài nhi vào lửa như người ta quay heo. Nhưng hài nhi không cháy mà lại càng lúc càng sáng hơn rồi chỉ còn ánh sáng chói!

Thiên Chúa đã biểu lộ sức mạnh của Ngài. Phụ nữ này chạy ra đường vừa khi bế hài nhi trên tay vừa khóc vì sợ. Chị đến nhà pháp sư. Khi thấy hài nhi trên tay chị, ông ta quỳ xuống vì sợ và xin Chúa tha thứ tội ông đã ghét Chúa. Hai người này đều thay đổi thái độ và đến nhà thờ ở Zaragoza. Phụ nữ này đã xưng tội, còn pháp sư tìm linh mục đại diện của giáo phận để hỏi làm cách nào để được tha tội tày trời như thế.

Tin tức về Bánh Thánh biến thành hài nhi được lan nhanh khắp thành phố. TGM Don Alonso Arbuello được thông báo về sự kiện này nhưng ngài vẫn cẩn trọng. Nghe khó tin nhưng một ủy ban điều tra đã được thành lập để xem xét sự lạ này. Đáng nghi ngờ là có liên quan pháp sư Hồi giáo. Nhưng cuối cùng mọi sự sáng tỏ là có sự can thiệp siêu nhiên. Hãy tưởng tượng một đứa bé bị bỏ vào lửa mà không cháy, lại còn sáng rực hơn! Người ta tin rằng Thiên Chúa đã hành động.

Hài nhi được đưa đi từ nhà hai vợ chồng kia vào thứ Bảy đó trong một đoàn rước trang trọng để đưa về nhà thờ chính tòa, có sự hiện diện của các vị chức sắc của thành phố, các nhà quý tộc và đa số dân của thành phố. Cuối cuộc rước TGM Don Alonso Arbuello mở màn che cho mọi người thấy một Hài nhi trên chiếc đĩa vàng.

Hài nhi được đặt lên bàn thờ San Valero để cộng đoàn Zaragoza có thể chứng kiến và cung kính phép lạ. Hài nhi được tôn kính suốt thứ Bảy đó và sáng Chúa nhật hôm sau, TGM Don Alonso Arbuello đã cử hành Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Khi dâng lễ vật, ngài đã dâng bánh rượu lên Chúa Hài Nhi đang tỏa hào quang, rồi Hài Nhi biến mất, còn lại là Bánh Thánh. TGM Don Alonso Arbuello tiếp tục dâng lễ.

Kết quả của Thành Thể thực sự nổi bật. Phụ nữ đó đã hoán cải và hòa giải với chồng, rồi sống gương mẫu suốt quãng đời còn lại. Pháp sư Hồi giáo cũng trở lại Công giáo. Từ một người ghét cay ghét đắng Đức Kitô và căm ghét những gì thuộc Kitô giáo, ông đã tôn thờ Thiên Chúa và là người kiên quyết bảo vệ đức tin, đặc biệt là tin sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Lòng sùng kính Thánh Thể cũng trở nên rất mạnh ở Zaragoza, đến nỗi người ta được coi là những người bảo vệ kiên vững của Thánh Thể.

Phép lạ Thánh Thể tại Saragossa đã được Giáo hội chứng kiến và ghi lại. Phép lạ xảy ra để chứng tỏ sự hiện diện thật của Chúa Giêsu, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37)!


TRẦM THIÊN THU

(chuyển ngữ từ All-About-The-Virgin-Mary.com)


(*) Arianism: Thuyết của Arius, quen gọi là bè rối Ariô, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicê (năm 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rôma là Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức “Nhân chứng của Đức Giavê” (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét