Trang

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Một câu chuyện thật thương tâm


Một câu chuyện thật thương tâm, chỉ mong sao là chuyện hư cấu, không có thật ! Mời các bạn cùng xem, nhất là bạn trẻ, để cảm tạ Chúa đã ban cho mình có cha có mẹ, gia đình đủ ăn đủ mặc.....

THÂN PHẬN BỌT BÈO

Nghề của Tèo là bán báo dạo, nó thích nhất là bán báo “Công An ” vì tờ báo đó toàn đăng bài ghi chép những vụ án, nhiều người thích mua. Tèo không biết chữ, bù lại nó có khuôn mặt thông minh và cái mồm rao báo dẻo quẹo. Chỉ cần lão đại lý phát hành báo đọc hộ mấy cái đầu đề bài báo là Tèo hiểu ý cần phải rao như thế nào để cho người ta chú ý mua nhiều. Hôm nay là ngày phát hành báo ” Công An ” cần đến sớm.

Hôm nay Tèo dậy sớm đến chỗ đại lý nhận báo còn có một nguyên nhân nữa.Tèo đã tích gần đủ tiền mua cho Ba nó một cái quần dài.Có lần Ba của Tèo nói với nó :”Từ ngày ở bộ đội trở về, chưa bao giờ Ba được mặc một chiếc quần mới.”. Nghe Ba nói vậy, Tèo thương Ba lắm. Má bị bạo bệnh, không có tiền chữa, mất sớm. Ba cứ ở vậy một mình nuôi hai anh em Tèo. Ba đã làm bao nhiêu nghề, hết đạp xe thồ đến bốc vác thuê, cuộc sống vẫn khổ. Nhất là từ hồi thằng Tý bị phát hiện có bệnh tim bẩm sinh, bệnh nó ngày một nặng mà không có tiền cứu chữa, cuộc sống của cả nhà càng cùng cực. Nghe có người hàng xóm nói :” Chỉ có nghề đãi vàng là đỡ, nếu không may trúng thì sẽ đổi đời.” . Ba của Tèo nghe theo với hy vọng đãi được vàng, có tiền chữa bệnh cho thằng Tý. Ba đã đi hơn một tháng, hẹn cuối tháng này sẽ về. Hôm Ba chuẩn bị đi đãi vàng, thằng Tý đang nằm trên giường thở khò khè, cố gượng dậy nắm lấy tay Ba, nói ngắt quãng : ” Ba đi giữ sức khoẻ… nghe Ba. Ba về với …con”. Ba gật đầu, xoa đầu nó : ” Ba sẽ về với các con. Con ở nhà phải nghe lời anh Tèo. Con ngoan, Ba sẽ mua thịt gà về cho mà ăn. Nhất định lần này Ba sẽ mua, chứ không thất hứa như mấy lần trước. “.Thằng Tý nghe Ba nói vậy nét mặt của nó đang có vẻ mệt cũng cố nở một nụ cười.Trước khi đi đãi vàng, Ba dặn hai anh em :” Ở nhà các con phải ngoan, Tèo nhớ chăm sóc em chu đáo, đừng có làm điều gì xấu để người ta chửi.”. Tèo nhìn Ba, gật đầu.

Đồ đạc Ba mang theo chẳng có gì, ngoài chiếc ba lô cũ, lép kẹp, nhàu nhĩ. Chiếc ba lô đó Ba có từ hồi trong quân ngũ. Ba mặc trên người một bộ quần áo bộ đội bạc màu, chiếc quần có hai miếng vải tím vá đằng sau…

…Sau khi để lại chiếc bánh mỳ cho em, Tèo chạy đến đại lý nhận báo để bán.


Đại lý phát hành báo nằm ở góc ngã tư lớn của thành phố. Lão đại lý phát hành báo béo trục, béo tròn đang ôm một chồng báo “Công An ” phân phát cho từng đứa bán báo dạo. Trong những đứa bán báo dạo, lão thích nhất thằng Tèo. Nó là thằng nhanh nhẹn, bán báo nhanh hết, chẳng bao giờ ăn gian của lão một xu.Với những tờ báo bán chạy, bao giờ lão cũng dành cho Tèo phần nhiều hơn so với mấy thằng bán báo dạo khác. Vừa thấy bóng Tèo chạy đến, lão đã vẫy tay:

- Ê, Tèo ! Phần báo ” Công An ” của mày đây, cầm lấy! Ưu tiên cho mày đấy nghe!

Nhận phần báo của lão đại lý đưa, thằng Tèo nói sung sướng:

- Dạ ! Con cảm ơn bác. Hôm nay báo “Công An ” có tin gì thật hay bác chỉ cho con để con rao bán.

Lão đại lý phát hành báo giở từng trang báo” Công An ” còn thơm mùi mực in chỉ cho Tèo thấy:” Đây là tin quỹ huy động vốn bất động sản bị vỡ…rồi có tin …”. Lão lật sang trang khác, lấy tay chỉ một cột báo: ” Có một lão già gần bảy mươi tuổi còn đi lấy một con bé mười lăm tuổi, bị con bé này giật tiền…”.Lão lại chỉ vào một tin đăng ở góc trang báo, cười hề hề: ” Tin này mới giật gân, nhà nước không cần xử, ở một làng có chín người đã đánh chết một thằng ăn cắp. Thằng ăn cắp không biết tên, kẻ gây chết người chưa bắt được… mày cứ rao những tin này thật to lên, báo bán chạy phải biết.”. Thằng Tèo cũng chỉ cần nghe thế thôi, nó đang sốt ruột, nhìn mặt trời lên cao, dòng người, xe cộ đi lại trên đường. Nó không nhanh chân, đến bến xe, quán cà phê… mấy thằng báo báo dạo kia chiếm mất chỗ thì chiều nay không đủ tiền mua cho ba chiếc quần dài, mà Ba sắp về .

Chẳng cần lão đại lý đọc thêm tin nào nữa, nội dung mấy bài báo như thế là đủ để rao rồi! Tèo đếm vội, đếm vàng số lượng báo “Công An ” được nhận rồi ôm cả chồng báo, nó chạy biến.

Khu vực đầu tiên Tèo đến là nhà đợi của bến xe liên tỉnh. Teo ôm chồng báo” Công An” len lỏi vào giữa hai hàng ghế khách đang ngồi, miệng nó liếng thoắng” Mời bà con xem tin các vụ án mới đây! Một ông già gần bảy mươi tuổi lấy một cô bé mười lăm tuổi, bị cô bé này giật tiền đây! Báo còn đăng một vụ án mới nhất đây! Chín người trong một làng đã đánh chết đích đáng một thằng ăn cắp đây!”. Nghe tiếng rao của Tèo, nhiều người khách đang ngồi đợi mua vé, bỏ tiền ra mua báo cho nó.

Cứ tiếng rao đó, chỗ nào đông người là Tèo lao vào, chồng báo cứ thế vơi nhanh. Điều ấy làm cho Tèo khoái chí, càng hăng bán báo. Nó nhảy lên chiếc xe ô tô sắp xuất bến, cầm tờ báo “Công An ” trong tay huơ huơ, giơ lên cao, rao to:

- Mời bà con, hành khách mua báo ” Công An ” mới phát hành sáng nay đây! Báo đăng một tin rất hay, chín người trong làng cảnh giác đập chết một thằng ăn cắp! Thằng ăn cắp chết ngay… Bà con mua báo đi để nâng cao cảnh giác…đề phòng mấy thằng ăn cắp…

Nhiều người khách trên xe, thấy khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của thằng bé mà thương hại mua báo cho nó.

Ra khỏi chiếc xe khách, nét mặt thằng Tèo hoan hỉ, nhất định ngày hôm nay sẽ mua đựơc cho Ba chiếc quần dài. Nghĩ như vậy, nó như quên mệt nhọc, tung tẩy đôi chân chạy dọc mấy con phố lớn, tiếp tục rao báo.

Đến gần trưa Tèo bán gần hết số báo ” Công An ” đã có. Vào một chỗ vắng, nó lấy ra một cái túi nhỏ được khâu cẩn thận phía trong nẹp quần để kiểm tra lại số tiền tiết kiệm.Trong túi đựng những đồng tiền được Tèo gấp phẳng phiu, nó đếm kỹ từng đồng một :” Hai nghìn… năm nghìn….mười lăm nghìn…hai lăm nghìn… Ba chục nghìn…bốn chục nghìn…”. Đây nữa, Tèo lấy tờ năm nghìn . tiền hoa hồng bán báo ngày hôm nay gộp vào, được bốn mươi lăm nghìn đồng. Bốn mươi lăm ngàn đồng, đủ tiền mua cho Ba của Tèo chiếc quần dài. Một tay Tèo cầm mấy tờ báo” Công An ” chưa bán hết, ôm nó vào ngực. Còn tay kia Tèo nắm khư khư mớ tiền đẫm mồ hôi, nó đi vào chợ, đến quầy bán quần áo may sẵn.

Tèo đã để ý và hỏi giá chiếc quần dài của người lớn ở quầy này từ mấy hôm trước. Nó đến trước bà bán hàng đang ngồi lim dim mắt, nói với giọng hơi run run:

- Thưa dì ! Di bán cho con chiếc quần kia !

Nghe tiếng của Tèo, bà bán hàng giật mình, choàng tỉnh :

- Con mua chiếc quần nào ?
- Dạ ! Cái kia – Tèo đặt mấy tờ báo ” Công An ” xuống quầy vải, lấy tay chỉ.

Bà ta nhìn Tèo với ánh mắt nghi ngại:

- Sao con lại mua quần người lớn? Mà con… có tiền không ?

Tèo phải vội giải thích:

- Con mua quần cho Ba của con. Còn tiền đây !- Tèo giơ nắm tiền đang cầm, nói có vẻ tự hào – Tiền con bán báo đấy!

Bà bán quần áo gật đầu, nhìn Tèo với ánh mắt thương cảm, hiểu ra vấn đề :

- Dì hiểu rồi, con tiết kiệm tiền để mua quần cho Ba .Nhưng những chiếc quần loại đó là hơi đắt đấy con ạ! Năm mươi lăm ngàn đồng, một chiếc.

Nghe bà bán quần áo nói vậy, nét mặt thằng Tèo thẫn thờ, ánh mắt dại đi. Nó nói lắp bắp:

- Sao hôm kia con hỏi dì chiếc quần này… dì nói chỉ có bốn mươi lăm ngàn đồng, một chiếc. Con để sẵn bốn mươi lăm ngàn đồng đây.
Bà bán quần áo lắc đầu, nói ngán ngẩm:

- Dì có thích lên giá đâu, nhưng con xem, bây giờ cái gì cũng tăng giá cả. Họ bỏ sỉ cho dì giá cao lắm, dì bán giá cũ là lỗ vốn …

Thằng Tèo buồn bã, nó lấy mấy tờ báo định quay ra, bỏ ý định mua chiếc quần dài cho Ba, chờ mấy hôm nữa vậy. Nhìn ánh mắt nhất là dáng đi thất thểu, chán nản của thằng bé làm cho bà bán quần áo động lòng. Bà gọi giật lại:

- Thôi, con lại đây dì bán cho, nhưng với điều kiện…- Bà ta nhìn Tèo cười – Con cho dì một tờ báo ” Công An”.

Thằng Tèo nghe vậy, nét mặt tươi tỉnh lại, đồng ý liền. Nó rút vội một tờ báo “Công An ” và đưa tờ báo ấy cùng nắm tiền tiết kiệm cho bà bán quần áo. Bà bán quần áo nhận báo và tiền của Tèo, nói có vẻ ưng ý:

- Để dì rút thêm mấy chiếc quần cùng loại nữa cho con chọn, để ba con về còn khen con…

Đối với Tèo, ngày hôm nay là ngày vui nhất, Ba nó vể sẽ có một chiếc quần mới để mặc. Chiếc quần ấy là công sức của nó bỏ ra suốt cả tháng nay. Cầm chiếc quần trên tay, chắc Ba của nó sẽ rất vui. Tèo cố gắng chọn chiếc quần thật bền để Ba mặc đi làm, lâu rách. Chọn hàng, Tèo vẫn nghe giọng đọc báo đều đều của bà bán quần áo. Bà ta đọc một tin cho bà ngồi bên cạnh cùng nghe:

- …Như thế là tội ác! Tại thôn Mỹ Thanh, xã Thanh Minh, Huyện Phước Hiệp, một vùng núi phía bắc của tỉnh Nam An xảy ra một vụ án đánh chết người rất thương tâm. Nhân đêm tối, một người đàn ông vào thôn Mỹ Thanh để ăn cắp gà. Đây là một thôn có rất đông dân di cư tự do đến, trình độ văn hoá thấp. Bắt được người ăn cắp gà, đúng lý đây chỉ là việc nhỏ, xử lý hành chính thì ngược lại những người trong thôn Mỹ Thanh lại tự giải quyết việc này bằng một hành động dã man, đáng lên án. Họ đánh kẻ ăn trộm gà bằng gậy gộc, đập nát mặt người này đến độ không còn nhận ra hình dạng ban đầu. Chín kẻ cầm đầu vụ này hiện đang bỏ trốn trong rừng, bị bộ đội biên phòng truy nã.

Theo mấy người chứng kiến việc này thuật lại, trước khi tắt thở, kẻ ăn trộm con gà chỉ nói được mấy câu :”…Tôi đi đãi vàng…không có …con tôi thèm thịt gà…tôi hứa…tôi lấy…mong các ông ,bà tha cho …tôi chết…nhắn thằng …” . Việc làm của những người ở thôn Mỹ Thanh thực sự là một tội ác, cần nghiêm trị. Ghi chú : Do nạn nhân bị đánh nát mặt, chúng tôi không chụp được ảnh. Nạn nhân mặc một chiếc quần bộ đội đã bạc mầu có vá hai miếng vải tím đằng sau.Trên cánh tay phải có xăm chữ LIÊN và hàng chữ ” ngày 27 tháng 8 “. Vậy ai là thân nhân của người bị nạn đến phòng công an huyện Phước Hiệp để làm việc.”.

Nghe đến chữ cuối cùng của bản tin bà bán quần áo đọc , mắt thằng Tèo hoa đi, chân của nó đứng không vững nữa. Đúng là Ba của nó rồi! Ba của Tèo trước khi đi đãi vàng đã mặc một chiếc quần như thế. ” LIÊN ” là tên của mẹ, ngày ” 27 tháng 8 ” là ngày mất của mẹ, Ba xăm vào cánh tay phải để nhớ. Trời ơi ! Suốt từ sáng đến giờ nó cứ rao cái chết của Ba, mà không hề hay biết! Ba chết rồi, Tý ơi … Ba chết rồi …

Thằng Tèo bỏ chiếc quần định mua, chẳng cần lấy lại tiền, cứ thế nó cắm đầu, cắm cổ chạy.Vừa chạy, nó vừa khóc nức nở …

Thấy thằng bé tự nhiên bỏ lại chiếc quần định mua, bỏ cả tiền, chạy như bị ma đuổi, bà bán quần áo ngạc nhiên gọi với theo:

- Này ! Sao con không mang chiếc quần về cho Ba ? Chạy đi đâu thế !
Tèo như không nghe thấy gì, nó vẫn chạy.

Bóng Tèo mất hút trong lớp bụi đường mù mịt

Bản tin SHDC số 110


SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 110        &      ' 0510.3834492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM B, 29-7-2012
I- LỜI CHÚA               xin xem trước
Bài đọc 1 : Sách Các Vua quyển 2                                   2V 4,42-44
Họ sẽ ăn mà vẫn còn dư
Bài đọc 2 : Thư Ê-phê-xô                                      Ep 4,1-6
Chỉ có một thân thể, một Cha, một niềm tin, một phép Rửa.
Tin mừng theo thánh Gioan                                                   Ga 6,1-15
Đức Giêsu cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.
II- Ý Lễ : Bà Chung : lễ giáp tuần cho chồng Phêrô và cầu cho Giuse Maria * anh Duy Sg : lễ cho Lh Antôn * anh Sự Thái Bình : lễ cho nội Maria * anh Thảo Thái bình : lễ cho Batôlômêô * gđ Châu-Thủy gk 9 : lễ tạ ơn * chị Liễu gk 5 : lễ 100 ngày anh Phêrô Mười.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều thứ Bảy 4-8 đến thứ Sáu 10-8: Giáo Khóm 5
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Chúa Nhật tuần sau, 5-8-12, Đức Cha Giáo Phận ban phép Thêm Sức  cho các em học sinh giáo lý trong giáo xứ. Thay đổi giờ lễ sáng : 9g00 thay vì 6g00. vì Đức Cha phải vào từ Đà Nẵng. Buổi chiều như thường.
Đây cũng là dịp để cộng đoàn giáo xứ chúng ta chúc mừng kỷ niệm 6 năm chức Giám Mục Giáo Phận của Đức Cha, mà đúng ngày là thứ Bảy 4-8. Xin cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Cha Giáo Phận trong trách nhiệm nặng nề, khó khăn, gập ghềnh nhiều hơn là xuôi chèo mát mái.
Về Bí Tích Thêm Sức, con số các em lãnh nhận Bí Tích không nhiều, và là thành phần lớp lớn, chuẩn bị mãn trường giáo lý. Đây là một thực tế không vui trong tình hình giáo xứ chúng ta. Vì với những lớp nhỏ, con số học sinh thường là đông đảo, nhưng càng lên lớp lớn, con số các em đi học giáo lý cứ ít dần. Một số ít chắc là do gia đình đổi chỗ ở, dọn đi nơi khác. Một số tự động bỏ học giáo lý, tự cho mình là đủ lớn, không cần đến lớp nữa, mà cha mẹ cũng chẳng quan tâm. Và cuối cùng chắc chắn có một số em chán nản, chối bỏ niềm tin của cha mẹ, bỏ đạo, khi tiếp xúc với tư tưởng chống phá đạo từ nơi xã hội cũng như học đường. Lỗi này phần lớn là do cha mẹ, không quan tâm nuôi dưỡng, khích lệ  con cái mình sống đức tin mạnh mẽ. Chính cha mẹ cũng đã yếu xìu, thì con cái làm sao đứng vững nổi.
Hiện nay, để củng cố chương trình và phong trào giáo lý thiếu nhi, chúng tôi đã nghĩ đến việc các em cần phải được vào học lớp thích ứng với độ tuổi, trình độ văn hóa... Nhờ thế, những em chưa được Rửa Tội, Thêm Sức đều dễ dàng hội nhập cho đến khi lãnh nhận Bí Tích. Rồi kết hơp với phong trào Hùng Tâm Dũng Chí, các em được phát triển tình bạn, và vui vẻ tới Nhà Thờ, không sợ lạc lõng lẻ loi. Cha mẹ nào ý thức thì khuyến khích các con tham gia sinh hoạt. Chiều Chúa Nhật phải dành cho đời sống đức tin, sinh hoạt hội đoàn, học hỏi giáo lý của các em, không nên lấy cớ đi học thêm.
2- Đại Hội La Vang và lễ đặt viên đá xây dựng Vương Cung Thánh Đường.  Đây là một lễ lớn hướng tới tương lai.
Chiều ngày 14-8, Thánh Lễ khai mạc do Đức TGM Girelli, đại diện Tòa Thánh chủ lễ. Sáng sớm 15-8, lễ đặt viên đá khởi công xây dựng, do Đức TGM Nguyễn văn Nhơn, chủ Tịch HĐGMVN chủ lễ. Để tham dự ngày hành hương quan trọng này, xin mời đăng ký trước nơi ông Hạnh, Trưởng Ban Mục Vụ (0913.106.654), để lấy vé và sẽ ngồi theo vé của mình. Giá vé đi và về trong 2 ngày, tạm tính là 180.000đ/người. Khởi hành lúc 10g00 thứ Ba 14-8, ăn uống và ngủ nghỉ hoàn toàn tự túc. Xin xem thêm chi tiết nơi bảng Thông Báo của giáo xứ.

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Ý nghĩa của sự THÀNH CÔNG, nhận định hay của 1 học sinh


Một bài học ý nghĩa, sâu sắc mà cuộc sống đã tặng cho em


Trên mạng xã hội Facebook, bài văn của một học sinh lớp 10 chuyên Văn một trường chuyên ở Hà Nội về "một bài học ý nghĩa, sâu sắc mà cuộc sống đã tặng cho em" đang nhận được nhiều chia sẻ.


Theo giới thiệu, bài văn được viết ngày 6/9/2006 và nhận điểm 9 với lời phê: "Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công".

Dưới đây là nội dung bài viết.

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá–học–của–một-người–cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.


Hà Minh Ngọc

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Chuyện ăn mặc ngày nay


Chuyện ăn mặc
Ngày nay, người ta biện minh với lý do là văn minh. Văn minh thì phải có văn hóa, nhưng văn minh đôi khi lại thiếu văn hóa trầm trọng, thậm chí là phi văn hóa ngay trong những cái được mệnh danh là văn hóa! 
Thường ngày, chúng ta thấy có những phụ nữ đi giữa phố nhưng ăn mặc lố bịch, gây “xốn” mắt thiên hạ. Chắc hẳn họ nghĩ là “đẹp” mới chưng diện kiểu vậy. Và chắc hẳn họ muốn tạo sự chú ý của người khác. Các ca sĩ là những người “làm văn hóa”, đáng lẽ phải thể hiện văn hóa thì lại ăn mặc phi văn hóa. Từ diễn viên hoặc người mẫu tới các cô gái bình thường cũng đua nhau chụp hình “nghèo”, họ gọi đó là để “lưu dấu tuổi xuân”, thậm chí họ còn quay các video clip tung lên các website để “bắt” người khác xem “miễn phí”. 
Người Việt vốn dĩ theo văn hóa Đông phương mang tính lễ giáo cao mà còn vậy, huống chi các nước “văn minh” khác trên thế giới!  Người xưa quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng ngày nay, những người tự nhận có - văn - hóa lại hùng hồn tuyên bố: “Cái đẹp đè bẹp cái nết”. Đúng là… “hết ý”! Ngày xưa người ta nói: “Hồng nhan bạc phận”, còn ngày nay người ta nói: “Hồng nhan bạc triệu”. Chắc hẳn Mẹ Việt Nam đau lòng lắm lắm! 
Cách ăn mặc thể hiện rõ nét văn hóa. Người Việt chúng ta nói giản dị mà thâm thúy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những điều tưởng chừng là cơ bản nhất theo bản năng như vậy mà vẫn phải học, huống chi những thứ khác. Lạ thật! 
Theo quan điểm ngày truyền thống, một phụ nữ có phẩm hạnh sẽ không bao giờ làm nổi bật bất cứ thứ gì trên cơ thể họ, trừ khuôn mặt hoặc mái tóc. Cô ta không bao giờ phơi bày đôi chân, bộ ngực, vòng eo hoặc mông. Chỉ có người chồng của cô ta mới có thể biết những thứ đó. Cách khoe ấy chỉ dùng để cụ thể hóa phụ nữ như công nghệ khiêu dâm. Phụ nữ không là một đóa hoa mà là một con người. Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không tập trung vào giới tính tới mức người ta cảm thấy ghê tởm. Khiêm nhường là con đường hai chiều. Chúng ta nên giáo dục sự khiêm nhường. Khi nói về sự khiêm nhường, chúng ta nên nói về việc ăn mặc, nữ giới và nam giới đều cần. Có biết tự trọng thì mới khả dĩ tôn trọng người khác, và đó cũng là tôn trọng nhân phẩm lẫn nhau. Khiêm nhường cũng là tự hạ - một phụ nữ khiêm nhường là phụ nữ kín đáo và dè dặt, cách ăn mặc phản ánh điều đó. Mặc đẹp không phải là chưng diện lòe loẹt hoặc thiếu trước hụt sau. 
Cái gì cũng có mục đích, ngay cả cách ăn mặc. Đồ này mặc lúc này, đồ kia mặc lúc khác. Rõ ràng và hợp lý. Đó là “luật ăn mặc”. Bikini để đi tắm biển, pyjamas để đi ngủ, đồ bộ lửng để mặc ở nhà, quần shorts để đi chơi… Thế nhưng người ta đã “đảo lộn” tất cả, thậm chí có người còn mặc những trang phục “ngược đời” đến những nơi tôn nghiêm! Phụ nữ tinh tế có thể “làm duyên” bằng nhiều cách. Dùng trang phục hở hang để “làm duyên” là hạ cấp!
 “Ăn cho mình, mặc cho người” – tục ngữ Việt Nam nói vậy. Ăn mặc nghiêm túc là tự trọng và tôn trọng người khác. Ăn mặc lố bịch không chỉ tự hạ thấp mình mà còn coi thường người khác. Ăn mặc nghiêm túc là gọn gàng và sạch sẽ, chứ không phải là đồ mới hoặc đồ tốt. Biết ăn mặc là người thông minh! Người giản dị là người có “chiều sâu”. Người thích chưng diện là người nông cạn, muốn dùng bề ngoài che giấu “cái yếu” của mình.
 Kinh thánh cũng nhắc nhở về cách ăn mặc:
 – Tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang, đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị: không phải là những kiểu tóc cầu kỳ, vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền,10 nhưng là những việc lành; như thế mới thích hợp với những người đàn bà xưng mình có lòng đạo đức (1 Tm 2:9-10).
 – Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa (1 Pr 3:3-4).
 TRẦM THIÊN THU

bản tin SHCD số 109


SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 109        &      ' 0510.3834492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B, 22-7-2012
I- LỜI CHÚA               xin xem trước
Bài đọc 1 : Sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a                                 Gr 23,1-6
Ta sẽ qui tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.
Bài đọc 2 : Thư Ê-phê-xô                                                      Ep 2,13-18
Chính Đức Giêsu là sự Bình An củz chúng ta. Người đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại thành một.
Tin mừng theo thánh Mác-cô                                                 Mc 6,30-34
Họ như bầy chiên không người chăn dắt.
II- Ý Lễ : gđ Thanh-Sen gk 3 : lễ giỗ chị Maria và mẹ Maria * bà Hồng gk3 : lễ cho Lh Phêrô Tự * Anh em Kỳ-Lệ-Hiền : lễ cho Lh Têrêxa * ôb Thụy-Khương : lễ bình an * bà Bội gk 6 : lễ tạ ơn và cầu bình an gia đình * chị Huyền gk 7 : lễ cho cha Giacô-bê / lễ bình an * anh Thảo T.Bình : lễ cho Lh Batôlômêô* ôb Khiêm Tam Tòa : lễ tạ ơn và cầu bình an * bà cụ Diệm gk 6 : lễ bình an * chị Trinh dự tòng Tam Xuân : lễ cầu ơn như ý * gđ Triều Phi Đoan Trai : lễ xin ơn khai trương * bà Bê gk 2 : lễ giỗ chồng Simon * bà Nguyệt (lương) gk 2 : lễ cho chồng Têphanô Ngô Thanh * bà Điểm gk 5 : lễ cho chồng Matthêu * gđ Thnh-Nhàn gk 5 : lễ cho Lh Vinhsơn * anh Nghi gk 3 : lễ cho ÔBTTiên và cầu bình an.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều thứ Bảy 28-7 đến thứ Sáu 3-8: Giáo Khóm 3
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
Đền Thánh Đức Mẹ Lữ Hành đang từng bước hiện thực. Từ những ý tưởng ban đầu để đáp ứng với yêu cầu làm đẹp thành phố Tam Kỳ, mà phía Nhà Nước muốn biến thành công viên, vườn hoa, chúng ta đã phải vất vả tìm kiếm giải pháp để tồn tại mảnh đất của giáo xứ. Yêu cầu của Nhà Nước là phải làm cơ sở tôn giáo. Vì thế xây dựng Đền Thánh là chính đáng, và chuyện phép tắc xây dựng có thể sẽ không nhiều trở ngại.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là một công trình có ý nghĩa, là một hình thức mục vụ mới, gọi là mục vụ du lịch (dựa theo nhận định của một số chuyên viên nhà đạo), thuận lợi đưa giáo xứ Tam Kỳ thành chỗ dừng chân, giao lưu quen biết với anh chị em khắp nơi, và dần dần biến đổi mảnh đất nhỏ trở thành nơi thánh, kính Đức Mẹ. Ngoài ra, ít nhiều cũng tạo nên nguồn thu nhập cho sinh hoạt giáo xứ.
Chuyện tiết kiệm : Tài chánh xây dựng là vấn đề quan trọng, vì lần đầu tiên, bản thân tôi, linh mục quản xứ, đụng phải chuyện lớn và rất lớn. Phải trên 3 tỷ đồng. Trông chờ kiều bào, cũng như người tứ xứ giúp mình ư ? Là chuyện không có căn cứ, chỗ dựa, vì ngay cả những người là đồng hương của giáo xứ Tam Kỳ cũng còn rất xa lạ với quê nhà, nói chi đến những người ngoài cuộc. Vì thế, cùng với ông bà anh chị em trong giáo xứ, chúng ta cùng đặt vấn đề quyết tâm thực hiện từ những đồng tiền nhỏ mọn, tiết kiệm mỗi ngày. Nếu mỗi nhà, mỗi người cùng có ý thức chăm lo việc chung, mỗi ngày bỏ vào thùng tiết kiệm một lần, thì không quá nặng cho tôi là Cha Quản Xứ, đồng thời lại được tứ phương giúp đỡ thì khó khăn này rồi cũng sẽ vượt qua.
Vì thế, xin các gia đình vui lòng hy sinh những đồng tiền lẻ, để khỏi góp một lúc, thấy lớn quá, lại khó khăn, nên dễ sinh than thở. Đồng thời, như đã trình bày trong phần giảng lễ Chúa Nhật vừa qua, theo Lời Chúa dạy, mạnh dạn phó thác của người tông đồ, tôi đã xin Quý Chức không nhận những đồng tiền trao tay tại nhà, mà chỉ nhận từ thùng tiết kiệm để xây dựng Đền Thánh. Làm như vậy, tránh được chuyện kêu ca, cũng như tránh được chuyện “bố thí” cho việc chung.
Hiện nay, qua hệ thống mạng thông tin điện tử, trên trang vietcatholic.net ngày 10-7-2012, đã có đăng bài giới thiệu  về Đền Thánh Đức Mẹ Lữ Hành của Tam Kỳ, do thầy Lê quang Vinh gửi đăng. Hy vọng là sẽ có nhiều người biết hơn, và ghé vai chia sẻ với giáo xứ chúng ta. Và tinh thần phó thác, nhưng nỗ lực hết mình của chúng ta sẽ được Thiên Chúa và Đức Mẹ trả công.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

TÌNH YÊU BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI


Chuyện nghìn lẽ một đêm của Ba tư có kể lại một phiên tòa như sau: 

Có 2 người anh em ruột nọ bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt, răng đền răng, kẻ sát nhân đã dùng đá ném chết cha họ, thì hắn cũng bị ném đá như luật đã định. Trước mặt quan tòa tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình, nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng 3 ngày để gởi gấm một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử. Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tử tội, giữa lúc quan tòa đang do dự, thì từ trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại tôi sẽ chết thay cho hắn”.

Tên tử tội được tự do trong 3 ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn 3 ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, tên tử tội hiên ngang tiến ra pháp trường, và dõng dạc tuyên bố: “Thật cám ơn lòng quảng đại của người đã bảo lãnh cho tôi, đúng ra tôi định mượn cớ này để trốn luôn, nhưng với một người không quen biết lại dám dùng cả mạng sống mình để bảo lãnh cho tôi, chính nghĩa cử đó đã làm tôi thay đổi quyết định”. Sau lời phát biểu của tên tử tội, người đàn ông đứng ra bảo lãnh cho tên tử tội cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này là vì tôi nhận thấy từ anh một tình người”. Sau lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người.

Từ đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: “Thưa Ngài hai anh em tôi cũng xin tha cho kẻ đã giết cha mình, vì chúng tôi đã hiểu được rằng sự sai lầm và tội lỗi không thể sửa trị bằng sự tiêu diệt và giết chết mà chính là tình yêu thương, lòng quảng đại tha thứ, là cách biến đổi con người tội lỗi tốt nhất.



Với câu chuyện các em vừa nghe. chắc các bạn sẽ biết phải sống như thế nào, để mọi người thấy các bạn là thấy được niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống, nhìn thấy các bạn là thấy được lòng quãng đại và sự tha thứ, thấy các bạn là thấy được rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và con người đang sống yêu thương nhau và sống cho nhau trong tình Chúa.

Mỗi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, sống yêu thương chan hòa với mọi người, để có thể là sức mạnh cải thiện những tâm hồn đang cần đến tình người các bạn nhé !.
 (ST)


Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Tin buồn về Giáo Hội tại Trung Quốc



Trong tháng 7, có hai lễ tấn phong Giám Mục tại Trung Quốc, trong đó có một lễ được Nhà nước bảo trợ, bất cần Tòa Thánh chấp thuận.     Còn lễ tấn phong được Tòa Thánh chấp thuận, thì ngay sau đó, Đức Tân Giám Mục Mã đạt Khâm, phụ tá giáo phận Thượng Hải liền bị bắt đi mất tích. Đây là tin buồn, vì gây chia rẽ trầm trọng, và tạo ra hai thứ Giáo Hội, một Giáo hội Thầm Lặng, hiệp thông vâng phục Đức Giáo Hòang, và một Giáo hội tự trị, làm tay sai cho nhà nước.Xin mời xem bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để hiệp thông cầu nguyện cho nhau, làm sao để "mưu ma vẫy vùng, không làm chuyển rung" (bài hát cầu cho ĐGH)



Thông cáo của Tòa Thánh về việc phong chức giám mục tại Trung QuốcWHĐ (11.7.2012) / VIS – Sáng 10 tháng Bảy 2012, Tòa Thánh Vatican đã ra thông cáo sau đây về vụ “phong chức giám mục” cho cha Giuse Nhạc Phục Sanh tại Cáp Nhĩ Tân và lễ tấn phong cha Tađêô Mã Đạt Khâm làm giám mục phụ tá giáo phận Thượng Hải.“Về việc truyền chức giám mục của cha Giuse Nhạc Phục Sanh, diễn ra tại Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) vào ngày thứ Sáu 6 tháng Bảy 2012, Tòa Thánh minh định như sau:1) Cha Giuse Nhạc Phục Sanh, được tấn phong giám mục mà không được Đức giáo hoàng ủy nhiệm vì thế là bất hợp pháp, phải chịu các hình phạt theo khoản 1382 của Bộ Giáo luật. Do đó, Tòa Thánh không công nhận cha là Giám mục của Hạt Giám quản Tông tòa Cáp Nhĩ Tân, và cha không có quyền quản trị đối với các linh mục và cộng đồng Công giáo ở tỉnh Hắc Long Giang.  Cách nay chưa lâu cha Giuse Nhạc Phục Sanh đã được thông báo: Tòa Thánh không chấp thuận cha là ứng viên giám mục và nhiều lần yêu cầu cha không được thụ phong giám mục khi không có sự ủy nhiệm của Đức giáo Hoàng.2) Các Giám mục tham dự cuộc phong chức giám mục bất hợp pháp này đã tự mình nhận lấy các hình phạt đã được Giáo luật quy định; các ngài phải trình bày với Tòa Thánh về việc tham dự việc phong chức này.3) Tòa Thánh đánh giá cao các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã ăn chay và cầu nguyện, xin cho cha Giuse Nhạc Phục Sanh biết hồi tâm, cho các Giám mục sống thánh thiện, và cho Giáo hội tại Trung Quốc được hiệp nhất, đặc biệt là tại Hạt Giám quản Tông tòa Cáp Nhĩ Tân.4) Mọi người Công giáo ở Trung Quốc, các mục tử, linh mục, tu sĩ, và giáo dân, đều được mời gọi bảo vệ những gì liên quan đến giáo lý và truyền thống của Giáo hội. Ngay cả trong bối cảnh khó khăn hiện nay, họ tin tưởng nhìn về tương lai, an tâm vì vững tin rằng Giáo hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô và những người kế vị ngài.5) Tòa Thánh tin rằng chính phủ Trung Quốc rõ ràng muốn đối thoại với Tòa Thánh. Tòa Thánh hy vọng nhà chức trách Trung Quốc sẽ không khuyến khích những cách hành xử đi ngược lại đối thoại như vậy. Người Công giáo Trung Quốc cũng muốn thấy các bước đi thiết thực theo hướng này, mà bước đầu tiên là không được có những cuộc cử hành bất hợp lệ và không phong chức giámmục khi không được Đức giáo hoàng ủy nhiệm. Những cuộc cử hành và phong chức này vốn gây ra chia rẽ và mang lại đau khổ cho các cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc và cho Giáo hội phổ quát.Lễ tấn phong cha Tađêô Mã Đạt Khâm làm giám mục phụ tá giáo phận Thượng Hải vào ngày thứ Bảy 7 tháng Bảy 2012 là đáng khích lệ và được hoan nghênh. Sự hiện diện của một giám mục không hiệp thông với Đức Thánh Cha là không thích hợp và cho thấy thiếu sự quan tâm đối với một lễ tấn phong giám mục hợp pháp”. (VIS, 10-07-2012) 

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Bản tin SHDC số 108


SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 108        &      ' 0510.3834492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM B, 15-7-2012
I- LỜI CHÚA               xin xem trước
Bài đọc 1 : Sách Ngôn sứ A-mốt                                          Am 7,12-15
Hãy đi làm ngôn sứ, tuyên sấm cho Israel,  dân Ta
Bài đọc 2 : Thư Ê-phê-xô                                                      Ep 1,3-14
Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.
Tin mừng theo thánh Mác-cô                                                 Mc 6,7-13
Đức Giêsu bắt đầu sai các tông đồ đi rao giảng.
II- Ý Lễ : Bà S gk 7 : lễ cho nội Giuse * anh Hậu gk 8 : lễ bình an * gđ Anh-Dung gk 8 : lễ bình an * gđ Tình-Thu gk 9 : lễ cho nội Antôn-Maria và BNLH * gđ Thanh-Huyền gk 7 : lễ cho Lh 2 trẻ và CLH mồ côi * Cng đoàn Giáo Khóm 5 : lễ mừng bổn Mạng, thánh Anrê Kim Thông * chị Hu gk 7 : lễ cho Lh Têrêxa / lễ cầu bình an và xin ơn như ý * gđ Phiên-Nhung gk 4 : lễ cho Lh Catarina Vi * gđ Hồng-Trang gk 8 : lễ cầu bình an cho gia đình * ôb Khẩn gk 5 : lễ hằng tuần cho con Catarina Vi * gđ Hoa (Lợi) gk 9 : lễ cho Lh Anna * chị Lý gk 2 : lễ cho nội Antôn và Maria * a. Thảo Thái Bình : lễ cho Lh Têrêxa * gđ Thnh-Nhàn gk 5 : lễ cho Lh Maria * chị Hường gk 7 : lễ cho Lh Têrêxa * b. Điểm gk 5 : lễ cho chồng Matthêu * 1 người : lễ giỗ Lh Giuse.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều thứ Bảy 21-7 đến thứ Sáu 27-7: Giáo Khóm 4
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Cộng đoàn Giáo Khóm 5 mừng lễ Bổn Mạng, thánh Anrê Nguyễn kim Thông, lễ đúng ngày 15-7, vì vậy, thánh lễ sáng Chúa Nhật, xin giáo khóm 2 nhường cho giáo khóm 5 phục vụ.
2- Tuần sau, 16 thường niên,  anh chị em giáo khóm 3 xin hoán đổi với giáo khóm 4 vì lý do nội bộ. Các cộng đoàn vui vẻ nhường bước với nhau.
3- Chúa Nhật ngày 5-8, Đức Cha về thăm giáo xứ và ban phép Thêm Sức.  Nhân dịp này, nếu có những người lớn nào chưa được lãnh nhận phép Thêm Sức, thì xin trình Cha Quản Xứ ngay để đón nhận vào danh sách. Còn các em lớp lớn đang học giáo lý, sẽ được chuẩn bị riêng, ôn lại các điều giáo lý căn bản. Xin cha mẹ, phụ huynh tạo điều kiện cho các em tham gia học thêm vào buổi tối, sau khi dự lễ chiều.
2- Nhân dịp lễ thánh Anrê Kim Thông, chúng ta xem vắn tắt tiểu sử của Ngài :
Anrê Nguyễn Kim Thông sinh khoảng năm 1790 tại Gò Thị, một họ đạo kỳ cựu nhất của địa phận Quy Nhơn, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn 20 cây số về hướng Bắc. Ông còn có tên khác là Năm Thuông.
Là người cha tốt lành, đạo đức, nên ông có được 2 con tận hiến là linh mục Nguyễn Kim Thư và nữ tu Anna Nhường. Nhiệt tình phục vụ, nên có thời dân làng tín nhiệm, ông đã làm xã trưởng, và trong xứ đạo, ông được đề cử làm trùm họ và sau còn được Đức Cha Cuénot Thể đặt làm trùm cả phụ trách toàn thể hạt Bình Định.
Ông có lòng kính mến Đức Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân côi hằng ngày. Với uy tín sẵn có, ông phụ tá đắc lực cho hàng giáo sĩ trong việc tông đồ, tìm nơi trú ẩn cho các ngài trong thời bách hại. Đức cha Cuénot Thể và nhiều linh mục đã tạm trú lâu ngày tại nhà ông.
Một người cháu của ông tên là Út, vốn tính ngang tàng, phóng đãng, nên hay bị ông quở mắng. Để trả đũa, y viết một lá thư nặc danh lên quan tỉnh, tố cáo ông về tội chứa chấp giáo sĩ. Thế là quan quân liền đến vây bắt ông cùng với bốn giáo sĩ khác, rồi giam vào ngục thất ở Bình Định.
Nhiều lần quan tỉnh gọi ông trùm cả ra công đường, nhỏ nhẹ khuyên ông bỏ đạo. Quan nói : "Ông dẫm chân lên thập giá đi, chỉ tôi và ông biết thôi, rồi về xưng tội là xong chứ có chi đâu". Ông trả lời : "Không được, thập giá tôi thờ kính mà dẫm lên sao được".  Sau ba tháng tù, ông nhận được án phát lưu vào Mỹ Tho thuộc miền lục tỉnh Nam kỳ. Đường vào Nam xa xôi, cùng với bốn tín hữu, ông bị đày vào Vĩnh Long. Ông trùm cả vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông xiềng, nên bước đi một cách khó khăn mệt nhọc. Tại Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ông ngày càng suy yếu, cha Được đã ban bí tích xức dầu cho ông. Sau đó ông lại tiếp tục mang gông xiềng đi xuống miền Tây. Bốn người bạn tù của ông xuống Vĩnh Long trước, có báo tin cho cha Bề trên Borelle Hòa về tình hình nguy tử của ông. Cha Borelle liền cử  một y sĩ đến Mỹ Tho chăm sóc, nhưng không kịp nữa. Vị chứng nhân của Chúa khi đặt chân đến nơi lưu đày được chỉ định, mới kịp đọc kinh Ăn năn tội, vài kinh Kính mừng, rồi tắt thở đang khi cầu nguyện với đức Trinh Nữ Maria. Hôm đó là ngày 15 tháng 7 năm 1855.
Thi hài vị tử đạo được đưa về Cái Nhum (Vĩnh Long), và sau đó các hiếu tử là linh mục Thư, ông Ngọc, ông Xa dời về an táng ở nhà thờ Gò Thị. Hiện nay hài cốt đã được di chuyển về chủng viện Làng Sông (Bình Định), nhưng nơi mộ cũ ở Gò Thị có một hốc nước (mất vệ sinh) mà lạ lùng là có nhiều phép lạ cho người đến khẩn cầu lấy nước uống.
Ông được Đức Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thiếu nhi xuất du, hành hương Mẹ La Vang

Lên đường lúc 6g15 ngày 4-7,  và trở về lúc 19g00 ngày 5-7. Một chuyện vui ơi là vui, đầy bổ ích. Mời các bạn trẻ và phụ huynh xem một số hình ảnh của chuyến đi. Còn rất nhiều hình, ai muốn xem hoặc làm ảnh kỷ niệm, thì liên lạc với chú Diệp, 0906724657.
cầu nguyện với Mẹ, trước giờ lên đường
Cha Sở huấn từ và chúc lành chuyến đi. Nào lên xe !
thầy cô và phụ huynh giúp dọn ăn trưa dọc đường : thầy cô ơi, em đói lắm rồi
đói quá ! gãi đầu và uống nước đỡ đói !
một - hai - ba, nạp năng lượng
thưa thầy, em sắp hết phần giao khóan rồi 
tập trung hàng đội tại linh địa La Vang
Mẹ La Vang đây rồi, chúng con đang về với Mẹ
sân chơi thật rộng, tha hồ mà chơi tập thể, trò chơi BA MẸ VÀ CHÓ SÓI
trò chơi đập bóng, khi mới cột chân thì "thẹn thùng", nhưng khi đập bóng thì hết biết
giải lao để đổi chơi trò mới
tham dự thánh lễ khi trời mưa
Chăm chú nghe Cha giảng
Dâng lên Mẹ những lời cầu xin...
Cho phụ huynh cầu nguyện với.
Dưới chân Mẹ cùng dâng lời cầu xin.
Gió rất lớn, nhưng chúng con tin Mẹ đã nhậm lời.
Đốt lửa trại bằng nến...cái khó ló cái khôn
Thầy trò cùng múa
Đúng sai vẫn múa, tinh thần là trên hết
Dưới chân tháp chuông cổ
Những giây phút cuối bên Mẹ trước khi trở về
Chúng con chưa muốn rời xa Mẹ
Giúp các cô chuyển thực phẩm lên xe
Tại sân Đại Chủng Viện...trong số này có ai được ơn gọi?
Trong khuôn viên chùa Thiên Mụ
Nơi tập thể dục của các thầy chùa
Bạn Vũ có vẻ thích làm chú tiểu quét lá Thông
Có phải Đà Lạt không nhỉ?

Cùng ăn trưa dưới gốc Si trước Đan viện Thiên An
Ở nhà làm gì được như thế này!
Tham dự giờ kinh nguyện với các thầy Thiên An
Ngạc nhiên chưa? Lần đầu tiên tham dự giờ kinh với các thầy
Quang cảnh chung trong nhà thờ
Cho chúng con xin một tấm hình lưu niệm
Cùng hiệpthông cầu nguyện với các thầy dưới nhà thờ hầm
Hầm đèo Hải Vân
Trở về với quê hương giáo phận Đà Nẵng