Theo yêu cầu của một số ít người, muốn được xem lại bài giảng, chia sẻ Lời Chúa đêm lễ Bổn Mạng giáo xứ, mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, kỷ niệm 80 năm thành lập giáo xứ Tam Kỳ .....
GIẢNG LỄ CHÚA
BA NGÔI 2012
Kính thưa cộng đoàn Dân Chúa,
Chiều tối hôm nay, cộng đoàn
giáo xứ chúng ta long trọng mừng kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi làm bổn mạng
giáo xứ, là thánh hiệu của nhà thờ chúng ta. Đây là một vinh dự cho giáo xứ Tam
Kỳ, đơn giản vì chúng ta không đụng hàng với các giáo xứ bạn trong Giáo Phận.
Chẳng có giáo xứ nào được như Tam Kỳ, mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi làm Bổn mạng
cả. Đã vậy, hôm nay, chúng ta lại còn long trọng mừng kỷ niệm 80 năm thành lập
giáo xứ, kể từ ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi năm 1932 xa xưa. để tạ ơn Thiên Chúa
nhân lành, đã cho giáo xứ Tam Kỳ đứng vững cho đến nay, và luôn được liên kết
và tôn thờ Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể mãi cho đến nay.
Thưa cộng đoàn, Thiên Chúa
Ba Ngôi là một tín điều căn bản, mọi người tín hữu đều xác tín như thế, khi làm
dấu thánh giá trên mình. chúng ta luôn luôn nhắc đến Thiên Chúa, Đấng hằng hữu.
Thiên Chúa có Ba Ngôi, nhưng cùng một bản thể, cùng một uy quyền, bằng nhau mọi
đàng. Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng vẫn chỉ là một
Thiên Chúa mà thôi. Chữ nho gọi tắt là Thiên Chúa tam vị nhất thể đó.
Thế nhưng nhìn nhận có Thiên
Chúa thật hay không thì lại tùy mỗi người. Không phải ai ai cũng đều nhận biết
Thiên Chúa. Vì thế, nếu người tín hữu nhìn nhận và xác tín vào Thiên Chúa, thì
đó là một vinh dự, một sự nhận thức mà không phải ai ai cũng có.
Trước hết, xin được kể lại
với cộng đoàn mẩu chuyện đối thoại đơn sơ, nhưng xác thực chắc chắn để chúng ta
cùng thấy vấn đề :
Có người kia vào tiệm để hớt
tóc. Ông ngồi vào ghế và bắt chuyện thời sự với người thợ hớt tóc. Chuyện chỗ
này đánh nhau, khủng bố, chuyện chỗ kia thiên tai dịch họa. Nơi này thì nghèo
đói, dân chúng lang thang khổ sở, nơi khác thì dịch bệnh sida lan tràn, nhiều
bệnh nhân bị bỏ rơi, phải chết trong đau đớn và tủi nhục. Anh thợ hớt tóc chợt
lên tiếng : Đó, ông thấy không, làm gì có ông trời, có Thiên Chúa Vì nếu có Thiên Chúa thì trời xanh có mắt ở
đâu. Tại sao lại để xẩy ra những cảnh thương tâm như vậy, bệnh tật, chiến
tranh, nghèo đói, chết chóc. Chỉ toàn chuyện khổ không à ! Đúng. Không thể có
Thiên Chúa, vì nếu có Thiên Chúa công bằng và nhân ái như người ta vẫn hay nói
thì làm gì có những chuyện buồn như thế được. Nếu có Thiên Chúa thì bây giờ
ngài đã chết rồi, ngài không còn ý nghĩa, không còn tác dụng gì đối với loài
người chúng ta. Tôi thì tôi chấp nhận chuyện không có Thiên Chúa. Và nếu có Chúa
thì do con người tưởng tượng ra để bù đắp cho những chuyện mê tín nhảm nhí,
chuyện của đàn bà và trẻ con mà thôi.
Người thợ hớt tóc nói một
thôi một hồi trong khí thế suy tư của mình, như một đáp án chính xác và rõ
ràng, làm người khách được hớt tóc phải cứng miệng luôn. Chính ông cũng chưa
biết phải trả lời thế nào. Làm sao để giải đáp được vấn nạn nhỉ, trong khi chính
ông thì luôn tin tưởng có Thiên Chúa và Ngài là đấng nhân lành, công bằng. Ngài
có đó, hiện diện đó, nhưng thường im lặng. Chúa ơi, làm sao con có thể trả lời
thắc mắc về Chúa cho người anh em con đây. Chúa ơi, xin giúp con với.
Thế rồi, hớt tóc xong, ông
đứng dậy vươn vai, sửa lại quần áo, và ra đứng ngoài cửa để tính tiền. Bất
chợt, đi ngang qua trước tiệm là một người đàn ông đầu bù tóc rối, râu ria rậm
rạp và lởm chởm, trông thật bẩn thỉu. Ông nhìn thấy người đó và kìa, một ý
tưởng hay lóe lên trong đầu. Ông vội quay vào, gọi người thợ hớt tóc lại. Ông
nói ngay với anh : Này anh, tôi nói thật với anh, trong xã hội chúng ta, không
có thợ hớt tóc. Anh có chấp nhận không ?
Anh thợ sửng cồ : Sao lại
không ? Chính tôi mới hớt tóc cho ông đấy thôi. Tiệm này là tiệm hớt tóc,
chuyên việc hớt tóc cho mọi người, ông không biết à ?
Ông khách từ tốn trả lời,
tay chỉ về phía người đàn ông râu tóc bờm xờm : Đó anh xem, nếu có thợ hớt tóc,
thì tại sao lại có người lôi thôi lếch thếch như vậy. Đầu tóc, râu ria bẩn thỉu.
Thợ hớt tóc ở đâu mà để ông ta ra như vậy.
Anh thợ trả lời : thì chúng
tôi vẫn có đó. Nhưng tại ông ta không chịu hớt tóc, chứ có phải tại không có
chúng tôi, không có thợ hớt tóc đâu
Ông khách của chúng ta được
dịp để giải thích. Anh nói đúng rồi. Vẫn có thợ hợt tóc đó chứ, nhưng tại cái
ông kia từ chối không đến với các anh nên mới ra như vậy chứ gì. Đúng không nào.
Thì cũng thế, tôi nói lại với anh vấn đề lúc nãy anh đưa ra. Thiên Chúa vẫn có
đó, nhung tại loài người chúng ta không chấp nhận, không đến với Ngài, nên
chiến tranh, hận thù, khủng bố, đói khổ, bệnh tật vẫn cứ triền miên. Thử đến
với Ngài, thử nhìn nhận Ngài vẫn còn đó đi, sẽ học được nơi Thiên Chúa tất cả
những gì cần để xây dựng hòa bình, chấm dứt hận thù, chia sẻ với nhau là hết
nghèo đói, và bệnh tật thế nào rồi được chữa lành hết. Tất cả chỉ tại chúng ta
đã từ chối Thiên Chúa đó thôi anh ạ.
Bây giờ đến lượt anh thợ
cứng miệng. Bởi vì chính anh làm nghề hớt tóc nhưng lại bị người ta từ chối để
rồi râu tóc bù xù, trở thành con người lôi thôi, bẩn thỉu. Thì ra chuyện từ
chối nhau và những thiệt hại của nó, thật chẳng khác gì với việc nhân loại từ
chối Thiên Chúa, như chính anh đang từ chối.
Vậy, những người tín hữu
chúng ta thêm được niềm tin nhé để biết chắc chắn rằng mình không mê tín đâu,
không nhảm nhí đâu. Chúng mình biết có Thiên Chúa thật mà, và chạy đến với Chúa,
học nơi Lời Chúa để biết sống đời này sao cho thật tốt. Sống với Chúa, và cuộc
sống có Chúa, thì tâm hồn bình an, hạnh phúc. Chúng ta chẳng khác gì người
khách đến tiệm hớt tóc, nhìn nhận có thợ hớt tóc để chính mình được gọn gàng
sạch sẽ. Nhìn nhận Thiên Chúa là điều có lợi cho chính mình, cho gia đình mình,
và ngược lại, từ chối Thiên Chúa là một điều thiệt hại vô cùng.
Giáo xứ Tam Kỳ chúng ta đã
tròn 80 năm xây dựng đức tin tại nơi này. Điều đó cũng có nghĩa là tại nơi này,
các cụ của chúng ta đã nhìn nhận có Thiên Chúa, đã sống gắn bó với Ngài. Và
ngôi thánh đường Thiên Chúa ba ngôi nơi đây là hình ảnh thanh bình hoan lạc của
người tín hữu đang sống với Thiên Chúa. Các cụ của chúng ta từ hơn 80 năm về
trước, đã đi tìm Thiên Chúa từ giáo xứ Thuận Yên, nơi có các ông cố tây, và
cộng đoàn giáo dân để học cho biết lẽ thật về cuộc đời. Rồi đến thời cha già
Simon Dương văn Vận, cha sở Thuận Yên, chính thức đến mở mang đời sống đức tin,
xây dựng nhà thờ đầu tiên ở dưới phố bây giờ, mà lễ mừng đầu tiên được biết là
lễ Thiên Chúa Ba Ngôi năm 1930. Và từ đó, danh hiệu Chúa Ba Ngôi đã được chọn
cho nhà thờ Tam Kỳ để mãi mãi ghi nhớ. Đến năm 1932, thì nhà thờ này xây dựng
xong và Bề Trên Giáo Phận là Đức Cha Tardieu Phú chính thức thành lập giáo xứ
Tam Kỳ. Hôm nay lễ mừng 80 năm là như vậy. Thế rồi khi ông xã Hoàng đã dâng
cúng 5 mẫu đất tại nơi chúng ta đang hiện diện đây, để làm nhà thờ mới to lớn
hơn, vì con số giáo dân đã lên đến hơn 1000 người, thì năm 1940, Nhà thờ Tam Kỳ
chính thức được chuyển về đây, như chúng ta đang thấy.
Niềm vui tìm được Thiên Chúa
chẳng khác nào niềm vui của người nhờ hớt tóc, mà trở nên gọn gàng, sạch sẽ,
các cụ tiền bối của chúng ta đã ra sức cộng tác với các cha quản xứ, nào là cha
Simon Vận, cha Giuse Khương, cha Gioan Xuyên, cha Simon Ngọc để mở mang Hội
Thánh tại địa phương này. Con số gần 10000 giáo dân vào thập niên 1960, đời cha
Xuyên, cho thấy một cánh đồng truyền giáo phong phú và phát triển mạnh như thế
nào. Thời kỳ thịnh vượng đó, những giáo
xứ khác được tách ra từ Tam Kỳ, như giáo xứ Tín Đức với cha Đaminh Nguyễn đức
Huyên, giáo xứ Chu Lai với cha Gioan Baotixita Đoàn vĩnh Phúc, giáo xứ Lý Trà
với cha già Phêrô Lê đức Châu là cả một dấu chứng tốt đẹp của cái cảnh một vốn
bốn lời, lãi mẹ đẻ lãi con. Đến năm 1972, cha Bênedito Nguyễn tấn Khóa về nhận
xứ và tiếp theo đó là biến cố 1975, chấm dứt chiến tranh, đất nước đi vào xã
hội chủ nghĩa, giáo xứ Tam Kỳ bước vào thời kỳ khó khăn và tan tác. Giáo dân đi
kinh tế mới. Các giáo xứ Tín đức, Chu Lai, Lý Trà phải giải tán, không còn nhà
thờ, không có chủ chăn, đoàn chiên tan
tác. Tất cả phải nhập trở lại với Tam Kỳ và cha Bênêđitô phải kiêm nhiệm một địa
bàn rộng lớn, gồm huyện Tam Kỳ và Nuí Thành, từ trên núi xuống dưới biển. Thời
kỳ đầu, cha Khóa có sự trợ giúp của cha Phanxicô Xaviê Hồ quang Liêm. Nhưng rồi
mất cha Liêm, một mình cha phải cáng đáng gần 9 năm trời mới lại có các cha phó
về giúp đỡ liên tục, bắt đầu từ năm 1991, với cha Anphong Nguyễn hữu Long, rồi
các cha Marcello Đoàn Minh, Đaminh Đặng bá Linh, Phêrô Hoàng gia Thành, Phaolô
Ngô tấn Thu, Phêrô Nguyễn ngọc Phi, Philipphê Trương văn Long, và cuối cùng là
cha phó Antôn Nguyễn thanh Vũ, thì cha Khóa hoàn tất thời gian 37 năm tại Tam
Kỳ để đổi về Tam Mỹ và đến phiên tôi được Bề Trên đổi về đây ở với ông bà anh
chị em từ cuối tháng 8-2009.
Kính thưa cộng đoàn. Đây không
phải là lúc đọc lại lịch sử giáo xứ Tam Kỳ, vì phạm vi bài giảng lễ không cho
phép. Sẽ còn thiếu thốn rất nhiều, vì chưa đề cập đến các vị câu biện, là những
người giáo dân đã hăng say và hy sinh rất nhiều cho việc mở mang xứ đạo. Ai
muốn biết nhiều hơn, thì xin mời vào trang mạng giaophandanang.org, hoặc
blogger gxtamky.blogspot.com. Lúc này, chỉ xin phép nhắc qua những vị mục tử đã
đến đây, đem hết tâm huyết làm việc vừa phát triển, vừa lưu tồn đức tin cho
cộng đoàn dân Chúa, để tất cả chúng ta cùng thấy rằng, chúng ta phải mang ơn
những người đi trước, các vị tiền bối, từ linh mục đến giáo dân. Chúng ta có
được như ngày nay là nhờ công sức của các ngài. Chúng ta dâng lễ tạ ơn, kỷ niệm
80 năm lập xứ, là để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã gieo vãi hạt giống Tin Mừng và
dùng các tiền bối để làm cho hạt giống phát triển. Sự đời, lúc thịnh lúc suy là
chuyện dễ hiểu. Điều quan trọng là có Thiên Chúa đồng hành, có Chúa Kitô ở với
Hội Thánh hay không ? Có Chúa và nhiều
người nhiệt tâm gìn giữ và vun trồng, ma quỷ và cửa hỏa ngục đã chẳng làm gì
được. Nhà Chúa vẫn còn đó. Tháp chuông nhà thờ vững vàng vươn cao và tỏa bóng
che chở đoàn chiên, để tiếng chuông chiều vẫn ngân nga, gọi mời chúng ta đến
nơi thánh đường Thiên Chúa Ba Ngôi này mà chúc tụng, thờ phượng một Thiên Chúa
duy nhất, là đấng tạo hóa, là nguồn sinh lực cho mọi Kitô hữu trên bước đường
đời.
Thiên Chúa, đấng Tạo hóa,
cũng chính là người thợ hớt tóc cừ khôi, mà tất cả những ai đến với Ngài đều
trở nên sạch sẽ, tươm tất. Ai đón nhận Ngài, thì trở nên những con người mới, và cuộc đời sẽ lại thêm phấn khởi vui
tươi, sẽ bắt đầu và lại bắt đầu.
Đêm nay, chúng ta long trọng mừng kỷ niệm 80 năm thành lập giáo xứ Tam Kỳ, trong niềm biết ơn
Thiên Chúa nhân lành, tri ân các bậc tiền bối đã nhọc nhằn công sức vun trồng
và giữ gìn cho cây đức tin sinh hoa kết trái nơi đây. Chúng ta nguyện tiếp bước
các tiền nhân, sống kiên cường trong niềm tin và giáo dục con cháu mình, không
thể để chúng lạc mất đức tin được nữa. Phải giúp con cháu thấy thế nào là chính
lộ, là con đường dẫn tới Thiên Chúa để đi cho đúng, và đi cho đến nơi. Chúng ta
không thể để cho công sức tiền nhân trở thành công dã tràng, nhưng hãy cùng
nhau ra sức làm cho giáo xứ Tam Kỳ ngày một lớn lên trong lòng xã hội hôm nay,
nói lên tiếng nói chứng nhận có Thiên Chúa thật, và Thiên Chúa luôn yêu thương
chúng ta, chúc lành và mời gọi chúng ta đến với Ngài. Ngài chính là Thiên Chúa Ba Ngôi, đấng
hằng sống và hiển trị, muôn thuở muôn đời, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét