Vào thập niên 20 việc
bắt bớ các linh mục và tu sĩ nam nữ trở thành quốc sách. Tại mọi thành
phố lớn, cha xứ các họ đạo nối đuôi nhau vào trại tập trung bên sa mạc Sibêria.
Đây cũng là trường hợp của một cha sở họ đạo ngoại ô thành phố Lêningrat.
Cha biết thế nào cũng có ngày công an tới gõ cửa nhà xứ và mời cha đi theo
họ. Nhưng cha vẫn tiếp tục công tác mục vụ hàng ngày, kể cả việc chuẩn bị
cho các trẻ em rước lễ lần đầu. Trong số các em tham dự rước lễ lần đầu
hồi năm 1925 có mười hai em sống trong khu phố gần viện mồ côi của họ
đạo. Và truyện gì phải đến đã đến.
Trước khi bị điệu đi biệt tích cha sở đã có đủ thời giờ
trao chìa khóa Nhà Tạm còn có Mình Thánh Chúa, trong viện mồ côi, cho gia đình
của ông giám đốc. Kể từ đó không còn Thánh Lễ và các buổi cử hành phụng
vụ nữa. Nhưng nhiều tín hữu, trong đó có mười hai em nói trên đây đã được
rước lễ lần đầu năm ấy, vẫn thường ghé nhà nguyện viếng thăm Chúa Giêsu Thánh
Thể.
Vào một buổi chiều nọ, một em đã tình cờ nghe được lời bàn tán to nhỏ của mấy
anh công an ngồi uống rượu trong một quán ăn của khu phố. Một người trong
họ cất giọng say lè nhè kết luận: "Như thế... như thế... là... chúng ta
nhất trí. Các đồng chí nhớ... tối... tối hôm nay mình... mình sẽ phá cửa
nhà nguyện. Chúng ta cũng đang cần một chỗ để tổ chức khiêu vũ mà.
Ngôi... ngôi nhà nguyện trong viện mồi côi vừa gọn đẹp lại vừa ấm cúng, lại gần
đường lui tới rất là thuận lợi. Thật là lý tưởng..."
Chú bé vừa nghe tới đó đã vội vàng ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà, rảo
khắp xóm gọi các bạn thuộc lớp rước lễ lần đầu, vừa thở hổn hển vừa nói:
"Tụi bay biết không tối nay công an sẽ tới phá cửa nhà nguyện để chiếm làm
chỗ khiêu vũ. Chúng mình phải bảo vệ Chúa chứ!"
Thế là các em cùng bàn tính kế hoạch. Em thì đề nghị phải làm thế này, em
nói phải làm thế khác. Đám trẻ bàn tính thật sôi nổi. Nhưng nói thì
hăng thế chứ không em nào biết phải làm sao để vào trong nhà nguyện được vì cửa
nhà nguyện khóa kỹ. Sau cùng chúng quyết định cứ tới nhà nguyện rồi hãy
tính. Các em không cho cha mẹ chúng biết gì. Tới nơi chúng quyết
định vào nhà nguyện theo lối cửa sổ. Thế là em lớn con và khỏe nhất chịu
đứng dưới làm thang cho mấy em khác leo lên. Em bạo nhất dùng đá đạp bể
kính cửa sổ và thế là chúng trèo vào phòng mặc áo và đến quì chung quanh Nhà
Tạm để cầu nguyện và canh giữ Chúa Giêsu.
Bên ngoài trời đã nhá nhem tối, các đường phố vắng tanh. Đám trẻ bỗng
nghe tiếng chân bước nặng nề của mấy anh công an say rượu, vừa đi vừa văng tục
và cười hô hối, tiếng súng lách tách theo nhịp bước. Tới trước cửa nhà
nguyện họ dùng báng súng phá cửa rồi nhào vào trong la hét om sòm: "Đuốc
đâu? Lửa đâu? Bật lửa lên!"
Dưới ánh sáng lù mù, mấy anh công an cứ tưởng mình đang mơ, họ dụi mắt há miệng
nhìn bọn trẻ đứng cầm tay nhau thành một vòng bán nguyệt trước bàn thờ và Nhà
Tạm, như một vòng đai kiên cố cản ngăn tất cả những ai dám tiến lên xâm phạm
Chúa Giêsu Thánh Thể. Qua giây phút ngạc nhiên mấy anh công an quắc mắt
đỏ ngầu rượu và hận thù, giận dữ quát hỏi:
- Lũ
ranh con, chúng mày làm gì ở đây?
Đám trẻ đồng thanh đáp với giọng cương quyết:
- Chúng
cháu bảo vệ Chúa Giêsu!
Mặc cho công an la hét đe dọa và bắt phải đi ra, đám trẻ nhất
quyết đứng yên tại chỗ. Cái gan lì điềm tĩnh của các em khiến cho mấy
người say rượu giận sôi lên. Họ liền chĩa súng về phía bàn thờ và nhả
đạn. Mười hai tấm thân bé bỏng ngã gục trước bàn thờ, em bị trọng thương,
em chết ngay tại chỗ, máu chảy lênh láng trước bàn thờ, vì tình yêu Chúa Giêsu
Thánh Thể.
Khi cha mẹ của các em biết tin, hớt hải chạy tới thì đã quá trễ. Các em
bị thương đang hấp hối thì thào với cha mẹ: "Chúng con bảo vệ Chúa Giêsu,
giờ đây tới phiên ba má!..."
"Giờ đây tới phiên bá má!" Lời ấy cũng nhắn gửi tới tất
cả chúng ta: "Giờ đây tới phiên các bạn!"
Chúng ta có được đức tin vững mạnh và tình yêu thiết tha đối với Chúa Giêsu
Thánh Thể như mười hai em nhỏ trên đây không? Liệu chúng ta có đủ can
trường, dũng cảm để bảo vệ đức tin và lòng mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể
trước những thử thách của cuộc đời như các em ấy không? Biết bao tâm hồn
anh dũng, người lớn cũng như trẻ thơ, đã liều mạng để bảo vệ đức tin, bảo vệ
Chúa. Còn bạn thì sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét