Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

bản tin SHDC số 262

 SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 262      &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 27 năm B, 04-10-2015
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 :   sách  Sáng Thế                     St 2, 18-24
Cả hai thành một xương một thịt.
Bài đọc 2 : thư Do Thái                              Dt 2,9-11
Đấng thánh hóa là Đức Giêsu, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc.
Tin Mừng theo thánh Mác-cô                             Mc 10, 2-16
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.
II- Ý Lễ : Bà Thiết gk 7 : lễ giỗ chồng Gioakim và mẹ Catarina / lễ Têrêxa Bổn Mạng * c. Hường gk 7 : lễ Têrêxa Bổn Mạng * b. Trạch –Biểu Tcai : lễ cho CLH ÔB và 2 cháu * a. Dũng (Dung) gk 4 : lễ cho Lh Anrê, Maria, Phêrô và cầu bình an * c. Điểm gk 1 : lễ tạ ơn * c. Ân gk 1 : lễ giỗ chồng Giuse Hiến * c. Hoa gk 5 : lễ 100 ngày em Antôn * ae Vụ, Vơn-Sanh và Nam-Linh : lễ giỗ bố mẹ Đaminh và Maria, 2 Lh Đaminh-Maria * c. Điểm ĐN : lễ tạ ơn * bà Châu Txuân : lễ giỗ con, Giuse * gđ Trang (Sương) Txuân : lễ xin ơn Cha F. Diệp * c. B.Tuyết gk 6 : tạ ơn và cầu bình gđ * Cộng đoàn Giáo Khóm 9 : lễ Mân Côi mừng Bổn Mạng.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
 từ chiều 03-10 đến 09-10-2015 :  Giáo Khóm Đoan Trai
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Tháng Mân Côi với lòng yêu kính Đức Mẹ : ngoài Tháng Hoa, người công giáo có thêm tháng Mân Côi là tháng 10, với lời kinh Kính Mừng, như hoa tươi kết lại để dâng lên Đức Mẹ, với tất cả lòng yêu mến tin tưởng và cầu xin. Thông thường, chỉ 1 người đại diện trong gia đình tham gia giờ kinh giáo khóm, và quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy. Sự liên hệ trong giáo khóm, vì thế vẫn còn ở mức độ “đối phó” hơn là thật sự dấn thân với nhau và vì nhau.
Vậy chúng tôi khuyến khích các cha mẹ nên đem thêm con cháu mình đi đọc kinh giáo khóm để các em có dịp biết nhà cửa người bà con xứ đạo, vừa có dịp quen thuộc với kinh Mân Côi. Quả thật, có những em đã lớn, nhưng khi được hỏi đã cho thấy là không biết nhà ông này bà kia trong giáo khóm của bố mẹ. Các em như người xa lạ ! Đã vậy, lại có nhà không đọc kinh chung gia đình, nên các em chẳng biết gì về kinh nguyện công giáo. Thật đáng tiếc !
Dù sao, tháng Mân Côi cũng là dịp tốt để cộng đoàn chúng ta gần gũi nhau hơn, từ người lớn đến trẻ em.
2- Chương Trình đóng ghế quỳ cho Nhà Thờ :  được phát động nhân ngày lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô (29-6), đến nay vừa hơn 3 tháng. Tuy nhiên số người tự do hưởng ứng không nhiều, và chỉ mới nhận được 14.550.000$. Đây thật sự là việc đã đến lúc phải làm, sau khi hoàn tất những công trình trọng điểm trong Giáo Xứ. Ai cũng thấy rõ là ghế quỳ Nhà Thờ Tam Kỳ là “thập cẩm” nhất, đã ọp ẹp lắm rồi, không xứng tầm cỡ Nhà Thờ của thành phố. Phải chung tay, cùng nhau góp phần thực hiện, càng sớm càng tốt.
Theo tính toán và nhận định của Ban Mục Vụ, thì đây là công việc chung của xứ đạo, mọi người đều cùng được hưởng, chứ không riêng gì của ai. Vì thế, không thể để tự nguyện mà cần phải chia sẻ đồng đều. Để tránh không trở nên gánh nặng về tài chánh, Ban MV đã hết sức tiết kiệm và tính toán thực hiện, sao cho vừa đỡ tốn kém, vừa có độ bền và cũng đẹp nữa. Chúng ta không có khả năng thực hiện tới 7 triệu/ghế như tại Hội An, nhưng rất có thể, ít nhất cũng phải 1 triệu/ghế. Vậy nguồn quỹ đóng ghế, dự kiến theo BMV sẽ phải đến 100 triệu đồng. Với số lượng giáo dân Tam Kỳ khoảng hơn 1000 người, nếu mỗi người phải góp vào 100.000$, thì sẽ thực hiện được. Chúng ta không thể đóng góp dựa trên hộ gia đình, vì có những hộ rất đơn chiếc so với hộ nhiều người, là không công bằng. Vậy cách tính trên đầu người là trọn vẹn nhất, vô tư nhất, vì ai cũng có phần, có chỗ trong ngôi nhà chung Giáo Xứ.
Quý chức các giáo khóm sẽ đến nhận sự đóng góp này của từng gia đình, dựa trên nhân khẩu. Xin các gia đình vui lòng chấp nhận sự kiện này. Nếu có khó khăn kinh tế, thì góp nhiều lần cũng được. Thời gian này rất cần nguồn vốn để mua gỗ, xẻ ra và hong phơi khô, tránh chuyện ván cong-bật sau này.
Thiên Chúa tình yêu hiện diện trong công việc chúng ta làm, vừa để vinh danh Thiên Chúa, vừa làm đẹp ngôi Nhà Thờ của chúng ta. Nên hết sức tránh chuyện  bất hòa !
3- Cha Quản Xứ sẽ vắng nhà, Cha phó và BMV giúp giữ gìn sinh hoạt bình thường.

4- Góp Quỹ Bác Ái :  Ban Mục Vụ Gx : 120k

Giải đáp về Thánh Giá và tượng Chúa chịu nạn

TẠI SAO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TÔN KINH THÁNH GIÁ CÓ HÌNH CHÚA KITÔ BỊ ĐÓNG ĐANH ( CRUCIFIX)?

Lm P.X Ngô Tôn Huấn


Hỏi : xin cha cho biết tại sao người Tin Lành chỉ trưng cây thập giá không có Chúa chịu đóng đanh, trong khi người Công Giáo lại trưng hình Chúa chịu đóng đanh trên thập giá ở  trong nhà thờ cũng như ở tư gia ?

Trả lời : đây là câu hỏi rất quan trọng về  sự khác biết giữa Công Giáo và Tin Lành liên  quan đến cây thập giá của Chúa Kitô

Các Nhóm  Tin Lành, nói chung, đều  cho rằng Chúa Kitô  đã chết và đã sống lại rồi,  nên không cần thiết phải   tôn kinh thánh giá với thân thể  Chúa bị đóng đanh  nữa. Đó là lý do họ chỉ tôn kinh thập giá không có Chúa bị đóng đanh mà thôi.

Đây là niềm tin của anh  em Tin Lành, chúng ta không  muốn phê bình và tranh cãi gì với họ.

Về phần mình, sở dĩ Giáo Hội Công Giáo tôn kinh Thánh giá  với hình Chúa chịu đóng đanh  vì giáo lý sau đây của Thánh Phao lô Tông Đồ:
  “ Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đanh, một điều người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” ( 1 Cor 1: 22-23) ở nơi khác,  Thánh Phaolô cũng viết:
“ Bởi thế tại vì lề luật mà tôi đã chết đối với lề luật để sống cho Thiên Chúa. Tôi  cùng chịu đóng đanh với Đức Kitô vào thập giá.” ( Gl 2: 19)

Hay rõ hơn nữa:
   Hồi còn ở giữa anh  em, tôi không  muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà  là  Đức Kitô bị đóng đanh vào thập giá, ( 1 Cor 2 : 2)

Như thế cho ta thấy rõ là Thánh Phaolô  đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Kitô bị đóng đanh vào thập giá để hiến mạng sống mình làm “ giá chuộc cho  muôn người.” ( Mt 20:28),

Dĩ nhiên Thánh Phaolô  cũng không coi nhẹ sự kiện Chúa đã sống lại, đã ra khỏi Mồ đá sau ba ngày được mai táng ở đây, như Thánh Kinh đã quả quyết, căn cứ vào ngôi mộ trống và lời chứng của Maria Mac-đa-lê- na, và hai phụ nữ khác , là những người  đầu tiên đã đến viếng Mộ Chúa sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần . Các bà đã không thấy xác Chúa và Mac-đa lêna  đã khóc vì tưởng ai đã lấy trộm xác Chúa. Cho nên , để an ủi và cho các bà niềm tin về việc Người  đã sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các bà và bảo họ về nói với các Tông Đồ là Chúa đã sống lại và sẽ gặp các ông ở Ga-li-lê , (Mt 28: 1-8;  Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-7).

Thánh Phaolô cũng quả quyết như sau về sự Phục Sinh của Chúa Kitô:
  Trước hết tôi truyền lại cho anh  em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Kitô  đã chết vì tội lỗi chúng ta,  đúng như lời Kinh Thánh; rồi Người đã được mai táng , và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” ( 1 Cor 15: 3-4)

Đây là niêm tin của Giáo Hội và là điều Giáo Hội phải dạy cho con con mình  tin  từ xưa đến nay và còn mãi về sau cho đến ngày hết thời gian.

Nhưng sự  kiện Giáo Hội vẫn tôn kính Thánh giá với hình Chúa bị đóng đinh ( Crucifix) không có nghĩa  không chú trọng đến  việc Chúa đã sống lại như anh  em Tin Lành quan niệm; mà ngược lại, Giáo Hội muốn nhấn mạnh thêm về ý nghĩa Chúa đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá để đền tội thay cho cả nhân loại đáng phải phạt vì tội.

Nghĩa là Giáo Hội muốn cho con cái khi nhìn thân hình Chúa bị treo trên Thánh giá, phải nhớ đến trước tiên điều Thánh Phaolô đã dạy là : “ Thiên Chúa đã lên án tội trong  thân xác Con mình” ( Rm 8: 3)

Lên án tội  trong thân xác Con mình , vì   con  người đã phạm tội trong thân xác  nên Thiên Chúa đã sai Con mình là Chúa Giê su Kitô đến trần gian mang thân xác giống thân xác tội lỗi của con người để đền tội thay cho tất cả nhân loại.

Như thế, nếu ai sống theo xác thịt, với những đòi hỏi bất chính, đối nghịch hoàn toàn với bản chất cực tốt cực lành của Thiên Chúa,   thì sẽ dẫn đưa đến sự chết đời đời.Ngược lại,  ai sống theo thần khí, tức sống theo ý muốn tốt lành  của Thiên Chúa được Chúa Thánh Linh soi dẫn,  thì sẽ được cứu độ để sống đời đời với Chúa trên Nước  Trời  mai sau.

Lại nữa, vì Chúa Kitô đã chịu mọi khốn khó trong thân xác mình  để đền tội thay cho con người,  nên Thánh giá vởi hình Chúa đầu đội mão gai, chân tay bị đanh đóng thâu qua  treo trên thập giá sẽ  nhắc nhở cho chúng ta về tội lỗi của mọi người chúng ta khiến Chúa phải bị đánh phạt cách nặng nề như vậy.

Do đó,để xứng đáng hưởng công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa, mọi người tín hữu chúng ta phải quyết tâm chừa bỏ tội lỗi để không đóng đanh Chúa thêm lần nào nữa trong tâm hồn mình. Phải xa tránh tội vì chỉ có tội mới làm ngăn cách chúng ta với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Chỉ có tội mới đẩy chúng ta ra  khỏi tình yêu của Chúa để thuộc về ma quỷ là kẻ cầm đầu và gây ra mọi tội lỗi và sự dữ từ đầu cho đến bây giờ và còn mãi về  sau cho đến ngày hết thời gian.Cứ  nhìn vào thực trạng của thế giới hôm nay thì đủ biết tội lỗi ghê gớm thế nào, và vì sao Chúa Kitô còn phải chịu đóng đanh thêm nhiều lần nữa vì tội con người.

Đó là tội giết người, giết thai nhi để lấy các cơ phận của thai nhi đem bán như những món hàng thương mại để kiếm tiền như  bọn điều hành cơ quan Planned Parenthood  đã làm công khai và hợp pháp  từ bao lâu nay ở Mỹ. Đó là tội nhân danh tôn giáo để giết hại những ai không thuộc về phe của chúng,  như bọn quá khich Hồi giáo ( ISIS) đang làm ở Trung Đông. Lại nữa, đó là tội ác của bọn buôn người, buôn bán phụ nữ và bắt cóc trẻ gái để bán cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn ở nhiều nơi trên thế giới tục hóa  này.

Sau  cùng, sự có mặt của các tội con người đã và đang phạm ở khắp nơi cũng  biện minh cho lý do có nơi gọi là hỏa ngục để cho những kẻ đang làm những sự dữ mà không biết sám hối từ bỏ thì sẽ tự dẫn thân đến nơi khốn nạn này để bị trừng phạt xứng đáng với tội họ đã làm khi còn sống trên trần gian này.

Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, không muốn ai phải hư mất, vì Người “ muốn cho  mọi người được cứu độ và nhậm biết chân lý,” ( 1 Tm 2: 4). Nhưng chính con người lại muốn chọn bị hư mất, vì đã tự do chọn lựa cách sống nghich cùng Thiên Chúa mà không hề biết ăn năn sám hối để xin Người tha thứ .

Mặt khác, Thánh giá với hình Chúa bị đóng đanh cũng minh chứng hùng hồn điều Chúa Kitô đã nói với các Tông Đồ trước ngày Người bị bắt và bị treo trên thập giá. Chúa nói:
 “ Không có tình thường nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng  vì bạn hữu của mình.
Anh  em là bạn hữu của Thầy” ( Ga 15: 13-14)

Chúa coi tất cả chúng ta là bạn hữu của Người, và Chúa đã thực sự hy sinh tính mạng của Người cho chúng ta khi giang tay chịu chết trên thập giá. Vì thế, mỗi lần ngắm hình Chúa bị đóng đanh trên thập giá là dịp cho ta nhớ đến tình thương lớn lao của Chúa dành cho mọi người chúng ta, để từ đó ta thêm quyết tâm yêu mến Chúa Kitô  và  bước đi theo Chúa là “ con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” ( Ga 14: 6).

Tóm lại, thập giá với thân hình Chúa chịu đóng đanh nhắc cho ta giá đắt Chúa Kitô đã trả cho chúng ta được cứu rỗi, đồng thời cũng nhắc cho ta tình thương vô biên của Thiên Chúa Cha, Đấng đã hy sinh Con mình cho chúng ta được cứu chuộc và có hy vọng được sống đời đời với Chúa trên Thiên Đàng mai sau.

Do đó, Giáo Hội dạy phải tôn kính thập giá với thân hình Chúa Kitô  bị treo trên đó cho những  ai nhìn lên để xin ơn cứu chuộc, giống như con rắn đồng mà ông Mô-sê đã treo trên cây cột trong sa mạc xưa để những ại bị rắn độc cắn   nhìn lên sẽ được cứu sống.(x. Ds 21: 6-9)

Ước mong giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

thắc mắc của trẻ thơ cần được giải đáp

lời trẻ thơ thường là ngớ ngẩn, nhưng đôi khi lại rất vui, và có khi cha mẹ khó trả lời đúng đắn. Một vài gợi ý được sưu tầm, nhằm giúp cha mẹ một lời giải đáp.

Lời Trẻ Ý Già

JANA DUCKETT
Đôi khi trẻ em có nhưng câu hỏi khiến người lớn lúng túng, nhất là về Kinh Thánh và Đức tin Kitô giáo. Lời trẻ nhưng không ngây ngô đâu. Đôi khi những câu hỏi của chúng lại khiến chúng ta thấy thú vị và hiểu rõ vấn đề hơn. Đây là 20 câu hỏi của trẻ em và cách trả lời dành cho phụ huynh.
1. Tại sao Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ?
KINH THÁNH: Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất... Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (St 1:1-31).

TRẢ LỜI: Thiên Chúa tạo dựng thế giới và mọi vật trong đó vì Ngài thích làm nên mọi vật và Ngài muốn ở với chúng ta. Ngài muốn làm cho chúng ta trở nên các thành viên trong đại gia đình của Ngài. Ngài sáng tạo thế giới để chúng ta sinh sống và tận hưởng. Chúng ta như tấm gương phản chiếu vinh quang của Ngài qua thế giới.
CHA MẸ LƯU Ý: Đây là lúc thuận tiện để nói cho con cái biết rằng kế hoạch của Thiên Chúa có liên quan chúng. Hãy cho chúng biết rằng Thiên Chúa dựng nên chúng với mục đích đặc biệt mà chỉ có chúng mới có thể làm được.
2. Trên tàu của ông Nôe có khủng long không?
KINH THÁNH:  Kìa xem con thú Bơ-hê-mốt, Ta dựng nên nó như đã dựng nên ngươi, nó ăn cỏ như bò. Hãy nhìn nó đi: lưng mạnh mẽ, bụng rắn chắc, đuôi vươn dài tựa cây bá hương, gân đùi quấn chằng chịt, xương cốt tựa ống đồng, tứ chi như thanh sắt. Nó quả là tác phẩm tuyệt vời trong các công trình Thiên Chúa dựng nên; nhưng Đấng Sáng Tạo lại trao gươm cho nó, vì núi non cung cấp cho nó cỏ ăn và mọi dã thú nô đùa ở đó (G 40:15-20).
TRẢ LỜI: Đa số các chuyên gia Kinh Thánh đều cho rằng khủng long đã tuyệt chủng từ trước Đại Hồng Thủy, nghĩa là chúng không có trên tàu ông Nôe. Một lý do khác chúng ta biết về khủng long là vì Kinh Thánh không hề nói tới. Kinh Thánh không là sách khoa học nên chỉ nói về nhân loại và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
CHA MẸ LƯU Ý: Kinh Thánh không nói riêng về khủng long, nhưng nói rõ tổng quát: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3). Hãy nhắc nhở con cái rằng Thiên Chúa trung thành và đáng tin cậy ngay cả khi Ngài không giải thích đầy đủ.
3. Tại sao Thiên Chúa tạo dựng con người?
KINH THÁNH: Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1:26-27).
TRẢ LỜI: Người ta khác loài vật vì Thiên Chúa tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài (St 1:27). Chúng ta có thể nói chuyện với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, có tính sáng tạo và yêu thương người khác. Loài người là một phần trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa nên chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Ngài.
4. Thiên Chúa nhìn như thế nào?
KINH THÁNH: Thiên Chúa là thần khí, những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4:24). Ông Mô-sê đi lên cùng với ông A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và bảy mươi người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en. Họ nhìn thấy Thiên Chúa của Ít-ra-en; dưới chân Người như có nền lát bằng lam ngọc, trong vắt như chính bầu trời (Xh 24:9-10). 
TRẢ LỜI: Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở trong loại ánh sáng không ai có thể tới gần và Ngài là Thần Khí, nghĩa là Ngài không bị giới hạn vào hình thể như chúng ta. Ngài có dạng thể lý qua Đức Kitô và thể hiện cho chúng ta biết cách sống trên thế gian, cách “tỏa sáng” của chúng ta. Kinh Thánh nói Thiên Chúa là “Đấng dựng nên muôn tinh tú” (Gc 1:17), Ngài có thể tạo hình dáng đẹp nhất, Thiên Chúa Cha đầy sự tốt lành mà chúng ta luôn phải học theo: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
5. Thiên Chúa có bạn bè hay chỉ một mình?
KINH THÁNH: Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người (1 Ga 1:3).
TRẢ LỜI: Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết và Ngài cũng muốn chúng ta biết Ngài. Thiên Chúa là Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì vậy, Ngài không bao giờ một mình, và nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta không tách khỏi Gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta thuộc Gia đình của Ngài.
CHA MẸ LƯU Ý: Nếu con cái không hiểu về Chúa Ba Ngôi, hãy dùng quả trứng để biểu thị cho chúng biết rằng quả trứng có ba lớp (vỏ, tròng rắng và tròng đỏ) nhưng vẫn chỉ là một quả trứng.
6. Thiên Chúa sống ở đâu?
KINH THÁNH: Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14:23-24).
TRẢ LỜI: Nhà của Thiên Chúa là Trời, nhưng Ngài cũng muốn sống với những ai yêu mến Ngài. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa sống trong lời ca tụng của dân Ngài, cũng có nghĩa là ở đâu có vài người cầu nguyện nhân danh Ngài thì Ngài hiện diện ở đó (Mt 18:20). Khi chúng ta cho phép sự sống của Thiên Chúa sống trong chúng ta, sự sống đó sẽ vươn xa tới người khác.
7. Thiên Chúa có ngủ hoặc nghỉ ngơi?
KINH THÁNH: Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! (Tv 121:3-4).
TRẢ LỜI: Thiên Chúa không bị giới hạn vào thể lý như chúng ta, do đó Ngài không cần ăn uống hoặc ngủ nghỉ. Khi Kinh Thánh nói Thiên Chúa “nghỉ ngơi”, có ý nói là Ngài ngưng những gì Ngài làm. Chúa Giêsu nói rằng Ngài phải làm việc vì Chúa Cha luôn làm việc.
CHA MẸ LƯU Ý: Có thể đây là thời điểm tốt để nói thật rằng Thiên Chúa không hẳn giống như con người. Các của Ngài không như cách của chúng ta, và tư tưởng của Ngài cũng khác hẳn tư tưởng của chúng ta.
8. Ai tạo nên Thiên Chúa?
KINH THÁNH: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời (Tv 90:1-2).
TRẢ LỜI: Không ai tạo nên Thiên Chúa. Ngài luôn luôn hiện hữu và không lệ thuộc vào bất cứ thứ gì. Chúng ta cần sự hiện hữu của Ngài để sống khỏe và sống mạnh. Thiên Chúa không có khởi đầu, ở giữa hoặc kết thúc. Đó là lý do Ngài nói Ngài là “Đấng Hằng Hữu” (Xh 3:14), cũng là Đấng Hiện Hữu hoặc Đấng Tự Hữu.
9. Tại sao chúng ta thấy Thiên Chúa?
KINH THÁNH: Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi (1 Cr 13:12).
TRẢ LỜI: Chúng ta không thể thấy Thiên Chúa vì Ngài vô hình, nhưng chúng ta có thể nhận ra Ngài qua những việc Ngài làm trong cuộc đời của chúng ta và của người khác. Như trái bóng đầy hơi mà chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta thấy trái bóng càng lúc càng lớn hơn khi chúng ta thổi hơi vào. Thiên Chúa vô hình vì Thiên Chúa là Thần Khí, nhưng chúng ta có thể nhận thấy Ngài qua cách sống của các Kitô hữu khi họ biết yêu thương nhau hơn.
10. Các Kitô hữu có nghe thấy Thiên Chúa nói?
KINH THÁNH: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1:1-2).
TRẢ LỜI: Có. Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, qua các vị lãnh đạo tinh thần và Ngài cũng nói trực tiếp trong linh hồn chúng ta. Có một số người trong Kinh Thánh đã nghe được tiếng Chúa, chẳng hạn là cậu bé Samuel (1 Sm 3:10). Thiên Chúa luôn ở với chúng ta và không bao giờ bảo chúng ta làm điều gì ngược với những điều Ngài nói trong Kinh Thánh.
11. Bố ơi, tại sao con cần hai người cha là Thiên Chúa và cả bố nữa?
KINH THÁNH: Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7:11).
TRẢ LỜI: Thiên Chúa là Cha của mọi người, vì Ngài tạo dựng nên chúng ta, bảo vệ chúng ta và là nguồn sống của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta có ông bà, cha mẹ và những người chăm sóc chúng ta trên thế gian. Đó là lý do Thiên Chúa bảo con cái phải vâng lời cha mẹ như Cha trên trời – vì ích lợi cho chúng.
12. Đức Giêsu có là Thiên Chúa?
KINH THÁNH: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa (Ga 1:1-2).
TRẢ LỜI: Chúa Giêsu thực sự là Thiên Chúa. Khi đến thế gian và sinh ra làm con Đức Maria, Chúa Giêsu cũng là một con người có thân xác như chúng ta. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài khiêm nhường chọn cách làm con người để Ngài có thể cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi và đem chúng ta về với Thiên Chúa.
13. Thiên Chúa có biết khóc?
KINH THÁNH: Chúa Giêsu khóc (Ga 11:35).
TRẢ LỜI: Là con người, Chúa Giêsu cũng khóc chảy nước mắt khi lo buồn. Ngày nay Thiên Chúa không khóc, nhưng Ngài vẫn cảm thấy buồn khi người ta làm hại nhau, khi họ không vâng lời Ngài và không tin vào Ngài. Chúng ta có thể làm cho Ngài vui bằng cách sống tốt lành, thể hiện tình yêu thương đối với người khác, và nói với người khác về Đức Kitô.
14. Chúa Giêsu đi trên nước thế nào?
KINH THÁNH: Các môn đệ thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền (Ga 6:19).
TRẢ LỜI: Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và chứng tỏ quyền năng của Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và là Đấng sáng tạo cao cả. Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt biển cho thấy rằng Ngài quyền phép vượt qua luật tự nhiên, Ngài có thể đi trên nước khi Ngài muốn.
CHA MẸ LƯU Ý: Thiên Chúa làm cho mặt trời và mặt trăng đứng tại chỗ (Kbc 3:11).
15. Tại sao Thiên Chúa yêu thương loài người?
KINH THÁNH: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (Rm 5:8).
TRẢ LỜI: Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8). Yêu thương là bản chất của Ngài. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không vì chúng ta tốt lành và dễ thương, chẳng có ai xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương, nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta không vâng lời Ngài và làm ngơ Ngài.
CHA MẸ LƯU Ý: Có thể đây là lúc nói về sự khác biệt giữa tình yêu có điều kiện và tình yêu vô điều kiện.
16. Nước Trời như thế nào?
KINH THÁNH: Khi tôi xuất thần, người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê (Kh 21:10-11).
TRẢ LỜI: Cách mô tả Thành Thánh cho chúng ta có cái nhìn thấu vào Nước Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng các con đường làm bằng vàng, khảm ngọc quý và đặc biệt nhất là có Chúa Giêsu ở đó. Ngài hứa chuẩn bị chỗ ở cho chúng ta, để Ngài ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó (Ga 14:3).
17. Chúa Giêsu ở trong chúng ta như thế nào?
KINH THÁNH: sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Đó là điều bí ẩn: Đức Kitô ở trong lòng chúng ta qua niềm hy vọng của vinh quang (x. 1 Ga 1:3).
TRẢ LỜI: Khi chúng ta nói bằng cả tấm lòng là chúng ta sống và tin. Thiên Chúa thực sự ở trong chúng ta vì chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa hằng sống (2 Cr 6:16; 1 Cr 3:16). Chúa Thánh Thần là Đấng trợ giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn làm vui lòng Thiên Chúa.
CHA MẸ LƯU Ý: Hãy hỏi con cái xem chúng có bao giờ cảm thấy gì khi chúng sắp làm điều gì sai trái, điều gì đó khiến chúng thay đổi ý định. Hãy giải thích cho chúng biết rằng Chúa Thánh Thần cho chúng ta cảm giác để giữ chúng ta đi vào đường đúng, muốn vậy thì phải biết lắng nghe, chứ Ngài không ép buộc chúng ta.
18. Tại sao một số người chết khi chưa già?
KINH THÁNH: Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em (Pl 1:21-24).
TRẢ LỜI: Có tội lỗi vào thế gian nên có sự chết, từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội. Mọi thứ sống trên thế gian rồi sẽ chết: cây cối, động vật và con người. Sự chết có thể đến qua tai nạn giao thông, bệnh tật, tuổi già hoặc xảy ra bất thình lình. Thiên Chúa kiểm soát từng nhịp thở của chúng ta để chúng ta có thể vui sống, vì chúng ta biết rằng khi chúng ta chết thì chúng ta sẽ được sống đời đời trong sự sống viên mãn của Đức Kitô.
CHA MẸ LƯU Ý: Hãy nói chắc với con cái rằng cái chết không là điều sợ hãi, đó chỉ là như sự kết thúc của mọi câu chuyện hay mà chúng vẫn nghe và thấy thú vị mà thôi. Chết là chấm dứt cuộc đời tạm để được sống đời đời.
19. Trên Thiên Đàng có đồ ăn ngon không?
KINH THÁNH: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?”. Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24:41-43).
TRẢ LỜI: Kinh Thánh cho biết rằng sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài đã ăn món cá nướng. Nhưng chắc chắn rằng ở Thiên Đàng không cần ăn uống như trên thế gian nữa.
20. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, vậy tại sao mình phải tới nhà thờ?
KINH THÁNH: Chúa Giêsu nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Thánh Phaolô nói: “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10:25).
TRẢ LỜI: Như các gia đình đi đâu cũng đi chung với nhau, chúng ta cũng cần tới nhà thờ. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau và gặp gỡ mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, mọi nghề nghiệp,… Đó là phản ánh Đức Kitô trên thế gian. Khi gia đình của Chúa quy tụ bên nhau, có điều đặc biệt xảy ra là Thiên Chúa sẽ ngự ở giữa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)