Trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Chữ Quốc Ngữ và chính xác, ai là người sáng tạo ?

 Chữ Quốc Ngữ là một công trình của các thừa sai tại Việt Nam, là niềm hãnh diện của người công giáo khi đóng góp phần việc quan trọng cho nền văn hóa nước nhà. Tuy nhiên chính xác ai là người sáng lập ra chữ quốc ngữ, có phải là cha Alexandre de Rhodes, người Pháp, như vẫn được nghe biết hay không, thì hôm nay, qua bài viết của Ts Nguyễn tường Bách, chúng ta sẽ thấy rõ hơn, đúng hơn, phải là cha  Francesco de Pina, người Bồ đào nha, một linh mục trẻ và xuất sắc về ngữ học. 

Mời các bạn xem chi tiết do Ts Bách trình bày.
Sự ra đời của chữ QUỐC NGỮ
​Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh
Tiến sĩ  Nguyễn Tường Bách (tại Đức)
 
 
 Lisboa - Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha là dân tộc của những người đi biển. Hơn thế nữa, từ xưa, họ là những người chịu bỏ xứ đi tha hường. Lisboa là cảng biển thiên nhiên duy nhất của bán đảo Iberia, từ trước công nguyên đã là một trung tâm chính trị và kinh tế. Lisboa nằm ngay trên cửa biển, hòa nước ngọt của sông Tejo vào nước mặn của Đại Tây Dương, mênh mông một màu nước, khơi gợi lòng viễn du của một dân tộc sẵn sàng lên đường. Thực vậy, kể từ thế kỷ thứ 15, khi tài đi biển của người Bồ Đào Nha lên đến đỉnh cao, quốc gia này bành trướng thành cường quốc số một ở Châu Âu, chiếm lĩnh nhiều thuộc địa ở Brazil, Châu Phi, Ả-rập, Ấn Độ và Trung Quốc.
. . .
Năm 1511 thuyền nhân Bồ Đào Nha bắt đầu nhắm đến Trung Quốc và Nhật Bản. Họ vòng từ miền nam Ấn Độ, đi đường biển dọc theo miền Trung Việt Nam để lên đảo Macau.

Nhà truyền giáo đến với cộng đồng bằng thuyền ở Việt Nam xưa
 
Hẳn họ đã dừng chân tại Hội An để buôn bán và tiếp tế lương thực, nên năm 1524 họ dựng một tấm bia đá ở cù lao Chàm. Song song, các nhà truyền giáo lần lượt đến Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ thứ 16 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha của hai dòng thánh Francisco và Agustino đến Việt Nam, nhưng cuối cùng bỏ cuộc.
 
Đầu thế kỷ thứ 17 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt Nam một lần nữa và lần này họ thành công. Dòng Tên* chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615. Đàng Ngoài năm 1627. Trong giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ có một nhân vật xuất sắc, đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. Pina sinh  năm 1585, đến Macau năm 1613, đặc biệt rất giỏi tiếng Nhật. Năm 1617 ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Ki Tô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa.. Thế nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo đồng nghiệp có một khó khăn trầm trọng , đó là họ không sao học được chữ Nôm. Chàng linh mục trẻ tuổi Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao lưu với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự la tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ chúng ta ngày nay. Theo lời xác nhận của chínhPina, kể từ năm 1622, ông đã xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự la tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng nói Viet Nam. Pina cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có một thứ chữ viết được hình thành trong điều kiện như thế.
 
Năm 1624 Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo khác. Trong số người đến học với ông có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là António de Fontes (1569 -?), sinh tại Lisboa. Vị kia chính là Alexandre de Rhodes (1591-1660), sinh tại Avignon, Pháp.Hai vị này lãnh hai trọng trách, de Fontes là trụ cột cho giáo xứ truyền giáo ở Đàng Trong, còn de Rhodes sẽ ra Đàng Ngoài vào năm 1626, lúc đó trong thời kỳ của Chúa Trịnh Tráng. Một ngày nọ trong thang12 năm 1625, một chiếc tàu của Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng, Pina lên tàu để mang hàng hóa vào bờ. Khi đến bờ chẳng may thuyền chìm, Pina chết tại đó, ông chỉ sống được 40 tuổi.
 
Sau cái chết bi thảm của Pina, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục xây dựng chữ quốc ngữ mà hai nhân vật có công nhất chính là hai người Bồ, Gaspar de Amaral (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647). Còn Alexandre de Rhodes thì bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, phải đi Macau. Mười năm sau, năm 1640 de Rhodes trở lại Đàng Trong và đến năm 1645 bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. De Rhodes trở về La Mã và năm 1651 ông cho xuất bản tập tự điển Việt-Bồ Đào Nha-La Tinh (Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum).
 
Trong các đời sau, nhiều người tôn Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ quốc ngữ nhưng thực ra đó là công của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, mà người đầu tiên phải là Francisco de Pina.
 
Một tình cờ của lịch sử đã đưa các vị giáo sĩ Bồ Đào Nha phát minh ra một loại chữ viết cho cả một dân tộc xa lạ, trong đó họ buộc phải dùng mẫu tự và âm tiết của ngôn ngữ mình để diễn tả một tiếng nói khác, vốn mang đầy thanh âm trầm bổng như tiếng chim. Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật.
 
Từ 1930 chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt.
 
Chú thích* Bài viết trích từ chương Những Người Đi Biển, trong tập bút ký "Đường Xa Nắng Mới" của TS Nguyễn Tường Bách, tên bài viết do blog tự đặt.
 
¤¤¤

Sự ra đời của chữ quốc ngữ -
Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh
 
CHỮ QUỐC NGỮ
 
 
Nhân kỷ niệm 85 năm bãi bỏ chữ Nho (1919) và
80 năm (1924) quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy
tại cấp tiểu học Việt Nam
 
Chữ Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn năm mãi đến tận đầu thế kỷ thứ 20.
Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630). Ông là người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng Việt
(nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa. Thực ra mẫu tự chữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự chữ Roman chứ không phải là chữ La-tinh).

Kế tục công trình của những người đi trước là các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt, Alexandre de Rhodes đã xuất bản Bài giảng giáo lý Tám ngày đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt - La - Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome.

*** Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được chúng ta ngày nay gọi là chữ quốc ngữ (chữ viết của quốc gia)

***Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại Hà Nội cái năm thành Hà Nội thất thủ vào tay quân Pháp do đại tá Henri Rivière chỉ huy. Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn. Gia đình Nguyễn Văn Vĩnh nghèo nên không có tiền cho con cái đi học. Lên tám tuổi, cậu Vĩnh đã phải đi làm để kiếm sống. Công việc của cậu lúc đó là làm thằng nhỏ kéo quạt để làm mát cho một lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở ở đình Yên phụ - Hà Nội.
Vừa kéo quạt, cậu vừa nghe lỏm bài giảng. Cậu ghi nhớ mọi thứ rất nhanh và còn trả lời được các câu hỏi của thày giáo trong khi các cậu con nhà giàu trong lớp còn đương lúng túng.
Thầy giáo người Pháp thấy vậy bèn nói với ông hiệu trưởng giúp tiền cho cậu vào học chính thức.
Năm 14 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khóa học và trở thành một thông dịch viên xuất sắc.
Sau đó ông được bổ làm trợ lý cho công sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh. Năm 1906, lúc ông 24 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp gửi sang dự triển lãm tại Marseilles. Tại đây, ông được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí. Ông còn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp. Trở về Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ nghiệp quan chức và bắt đầu làm báo tự do.
Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ.
Năm 1913 ông xuất bản tờ Đông dương Tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ.
Ông là người đầu tiên dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩm của các đại văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine, Molière, v.v. và cũng là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp.
Bản dịch Kiều của ông Vĩnh rất đặc sắc, vì ông không chỉ dịch cả câu mà còn dịch nghĩa từng chữ và kể rõ các tích cổ gắn với nghĩa đó - một điều chỉ có những ai am hiểu sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ Nôm),Trung Hoa (bằng chữ Nho), và Pháp mới có thể làm được.
Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của ông Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và đẩy xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ quốc ngữ.
Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Bắc Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt.
Ngày 18 tháng 9 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc Ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học.
Như vậy là, sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt – La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ quốc ngữ.
Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy nhiên, đã không thể kiếm sống bằng nghề báo của mình. Ông là người luôn lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh.
Vì thế chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông. Tòa báo của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó năm 1936 vì sốt rét.
Người ta tìm thấy xác ông nằm trong một chiếc thuyền độc  mộc trên một dòng sông ở Sepole.
Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt một cây bút và một quyển sổ ghi chép: Ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp Một tháng với những người tìm vàng. Khi đoàn tàu chở chiếc quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ, hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong một sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông
Con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của Mình đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt. ---Tôi đã vẽ bức tranh Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam –
Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.------ Lời cảm ơn:Tác giả bài viết này biết ơn thân sinh của mình – nhà giáo Nguyễn Đình Nam, người đầu tiên kể cho tác giả về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ khi tác giả còn là học sinh tiểu học, khi sách giáo khoa chính thống còn gọi Alexandre Rhodes là gián điệp còn Nguyễn Văn Vĩnh là bồi bút của Pháp.
Tác giả xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ - con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và ông Nguyên Lân Bình - cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh vì những câu chuyện xúc động về cuộc sống và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng như của gia tộc cụ.
Tác giả xin cảm ơn thày Trí - cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh , đồng thời từng là thày dạy toán của tác giả khi tác giả là học sinh trung học.Nguyễn Đình Đăng
Tokyo, 10/11/2004
Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh

Bản tin SHDC số 167

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 167           &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 26 thường niên năm C, 29-9-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Ngôn Sứ A-mốt                          Am 6,1.4-7
Giờ đây, chúng sẽ bị lưu đầy. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn.
Bài đọc 2 : Thư thứ 1 gửi ông Ti-mô-thê           1 Tm 6,11-18
Hãy tuân giữ điều răn của Chúa cho đến ngày Chúa chúng ta xuất hiện.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 16, 19-31
Con đã nhận phần phước của con rồi. Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn khốn khổ.
II- Ý Lễ :  ô. Tùng TCai : lễ cho Lh Phêrô-Maria và CLH * gđ Tùng-Phương gk 9 : lễ tạ ơn * gđ Nghĩa-Nhung gk 6 : tạ ơn và cầu bình an * 1 người : lễ  cầu cho CLH và CLH vô danh * chị Tuyết (Sang) gk 1 : tạ ơn và cầu bình an * ôb Hùng-Mận : lễ cho mẹ (ngoại giáo) mới qua đời * bà Tình, Phú Thịnh : lễ cho chồng Antôn Nghị mới qua đời * bà Sen LTrà : lễ cho chồng Antôn Ái * gđ Nguyên-Xuân gk 8 : tạ ơn và cầu bình an * gđ Sửu T.Ba TXuân : lễ cho Lh thai nhi * chị Trinh gk 5 : lễ 49 ngày cho chồng Têphanô Hậu * chị Cang (lương) : lễ 100 ngày cho mẹ, Matta Bé.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 05-10 đến 11-10 : Giáo Khóm 2
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo Xứ Lệ Sơn chầu lượt :  Lệ sơn thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, và cũng thuộc giáo hạt Hòa Vang. Giáo xứ có 3 nhà thờ, là ba khu vực giáo dân lâu đời, nhưng hai họ kia thuộc về huyện Điện bàn. Số giáo dân 1180 người, và cha Simon Hứa thanh Tuyên là quản xứ. Lệ Sơn đón nhận đức tin từ Phú Thượng truyền xuống, có bề dày và truyền thống trên trăm năm. (113 năm lập xứ). Điều khó khăn cho việc truyền giáo ở đây chính là tính cách xóm làng, và gia tộc, đã từng ở chung với nhau, quen nhau quá, nên khó mà chấp nhận thay đổi thành người công giáo, mặc dù mọi người trong làng xóm đều quí mến đạo công giáo và người có đạo.
2- Thàng Mười - Tháng Mân Côi của Đức Mẹ. Với lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày mùng 7, tháng Mười sắp đến nhắc nhở các gia đình lần chuỗi hạt Mân Côi để kính mến và cầu xin ơn lành qua Đức Mẹ. Vì thế, như trước đây, để dễ thực hiện Mệnh Lệnh của Đức Mẹ Fatima, các giáo khóm lại tổ chức kinh nguyện tại từng gia đình. Chúng ta lại có dịp thăm viếng và cầu nguyện chung
với nhau. Tháng Mân Côi này, mỗi buổi tối, sẽ có Cha Xứ, Thầy Xứ và Ban Thường Vụ, chia nhau đến thăm và kinh nguyện.
Để khởi động, khai mạc tháng Mân Côi, xin mời mọi người cùng tập trung trong Thánh Lễ chiều tối thứ Ba 01-10, lúc 19g00. Đặc biệt, trước Nhan Thánh Mẹ, chúng ta sẽ làm một việc có ý nghĩa, đó là ĐỐT LÊN LỜI NGUYỀN, cầu xin với Mẹ : ai có ước nguyện, khấn xin gì với Đức Mẹ, thì tiến lên bỏ mảnh giấy có ghi nội dung vào lư hương đang hực lửa trước tượng Đức Mẹ. Mảnh giấy này được phân phát trước, để về nhà, xem xét và ghi chép ước nguyện của mình hoặc gia đình mình, khi đến phần ĐỐI LÊN LỜI NGUYỀN, thì tiến lên bỏ vào lư hương. Sau lễ, các giáo khóm lại cung nghinh Đức Mẹ về thăm từng nhà.
3- Chúa Nhật tuần sau, 6-10, khai giảng năm Học Giáo Lý mới. Thánh Lễ vào buổi chiều với các em thiếu nhi, thầy cô giáo lý viên và các phụ huynh. Sau Thánh Lễ, cộng đoàn ra sân Nhà Thờ, Ban Giáo Lý tổ chức lễ khai giảng, có thêm phần văn nghệ và múa lân phụ diễn...
4- Thứ Hai 7-10, kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, lễ đúng ngày, bổn mạng cộng đoàn giáo khóm 9. Ai cần chuỗi Mân Côi, loại 10 hạt, loại 50 hạt, mời đến nhận nơi Cha xứ. Đồng thời có cuốn sách hay, kể lại 100 phép lạ qua chuỗi Mân Côi, được nhiều người khen là hay và đang thực hành việc lần chuỗi, ai muốn, cũng có ngay để về đọc.
5- Quỹ Bác Ái : ôb Hạnh-Liễu gk 5 : 200.000đ+ thầy Thu-Khoa gk 1 : 2.000.000đ.

6- Chia tay : giáo xứ chúng ta sắp chia tay với gia đình thầy Thu và cô Khoa ở gk 1 để đi định cư bên Úc. Thầy Thu đã từng là phó Chủ Tịch HĐMVGX, là một giáo dân vững vàng trong đức tin và nghiệp nhà giáo. Một thầy giáo đã hỏi lại tôi rằng “có phải thầy Thu Công Giáo” ? (vì có nhiều thầy Thu trong ngành giáo dục). Nói như thế là biết thầy đã giữ vững lập trường, mặc dù cũng bị cám dỗ như nhiều người. Trong xã hội, thầy cũng từng là phó Chủ Tịch UB Đoàn Kết CG Quảng Nam, với tư cách quyền CT trong nhiệm kỳ vừa qua. Nay sắp ra đi, thầy cô gửi lại quỹ Bác Ái 2 triệu và góp cho đại lễ GS sắp tới 1 triệu nữa, để làm qùa chia tay. Ngoài ra, thầy Thu cũng đã vận động gia đình bên Úc góp cho Đức Mẹ Lữ Hành 76 triệu ngày 10-12-2012. Cầu chúc gia đình thầy được bình an và nhanh chóng ổn định trên xứ người..

Ly Cà-phê buổi sáng của bạn và triết lý cuộc sống

TRIẾT LÝ VỀ LY CÀ PHÊ
Thứ 1:
"Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng lại thì café sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét."
Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại café cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luôn trông ngóng về những thứ đã qua. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng - những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán và khó chịu thậm chí là gây ra sự đớn đau cho chính họ mà thôi. Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn...

Thứ 2:
"Hãy bảo đảm café bạn uống cần phải luôn tươi mới. Hãy uống ngay khi pha xong bởi café chỉ nên giữ ấm khoảng 15 phút trên bếp trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu. Thưởng thức ngụm café đầu tiên với cảm giác sảng khoái, tuyệt vời..."
Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay khi mà thực tại là cơ hội của sự đổi mới? Hãy nắm bắt nó khi cơ hội vẫn còn. Không nên lãng phí thời gian mà hơn hết là hãy biết sử dụng nó để mọi thứ trở nên có ích hơn... Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly café và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ - đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi...

Thứ 3:
"Hãy rang café đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn café sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô café sẽ chỉ là nước loãng..."
Về nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi về sự quan tâm, săn sóc trong tình yêu vậy. Nó nhắc nhở ta nên biết cân nhắc và trân trọng với những gì mình đang có. Sự quan tâm quá mức đôi khi sẽ không đem lại một kết quả như ý mà thậm chí còn làm hư hỏng một tình yêu. Nhưng ngược lại, nếu thiếu vắng đi sự săn sóc, hay vì quá vô tâm và hời hợt thì tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan và nhạt nhẽo. Mất dần đi vị ngọt rồi sớm muộn cũng trở thành thứ nước loãng mà thôi.

Thứ 4:
"Đừng cố sử dụng lại bã café – vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét khi pha."
Nên dứt khoát trong việc tình cảm. Đừng nên cố gắng vớt vát với những thứ đã không thuộc về mình. Việc đừng sử dụng lại bã café cũng như việc không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Sẽ chẳng thể đi đến một điều gì khi mà ta đứng này mà vẫn trông núi nọ. Tập trung và trân trọng với những gì mình đang có. Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị café thực sự cũng như là một điều cốt yếu để tạo dựng một hạnh phúc cho bản thân.
Thứ 5:
Cuộc sống cũng giống như 1 ly café. Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café lên... nhấp 1 ngụm... và chợt nhận ra rằng, ly cafe chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy để lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly...

Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo..., và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên. Chính tôi, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị nếu ta không chờ đợi. Hãy tận hưởng ly café của cuộc sống!

Lời kết: Để có được một ly café ngon - người pha đòi hỏi phải có một kiến thức rộng rãi. Để có một tình yêu thật sự đẹp, không thể không đòi hỏi những sự vun vén của cả hai. Yêu như thế nào, cư xử và cách quan tâm ra sao, bên ly café cuộc sống đã nói lên rất nhiều. Thôi thì hãy để một sáng đẹp trời, qua nhà đón người mà mình yêu mến. Nhẹ nhàng ăn sáng, rồi nhẹ nhàng thưởng thức một ly café thật đậm đà và tươi mới. Không mùi khét, không vị đắng và chẳng còn loãng nhạt... Từ từ uống, từ từ tìm thưởng thức và từ từ tìm hiểu một Triết Lý Café...

(Sưu tầm)

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Cảm nhận về một địa phương đầy tình người

Dưới đây là một câu chuyện hay, kể lại những ghi nhận về tình người tại một địa phương nhân vì chuyện Nine One One ngày 11-9-2001 (khủng bố đâm máy bay vào tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York).
Mời bạn đọc để thấy rằng lúc hoạn nạn cần có nhau hơn là để khai thác, lợi dụng nhau. Ở Việt Nam mình thì ngược lại. Bão tố thiên tai là cơ hội tốt để giàu lên, hơn là để giúp nhau. Ước chi người Việt mình có cách xử thế đầy tình người nhỉ !

Thứ Ba, 24 tháng Chín năm 2013 22:06
Tác Giả: Jerry Brown (Phan Hạnh chuyển ngữ)
Tưởng Niệm Tháng 9 ngày 11 (911)

Thật không thể tưởng tượng được trên thế giới nầy lại có một nơi mà công đồng người dân ở đó thể hiện tấm lòng tốt như vậy!
Lòng tốt của họ đã được trân trọng và tưởng thưởng xứng đáng, dầu lòng tốt đó phát xuất từ tình người và hoàn toàn vô vị lợi.

    Trích: Chuyến bay Delta 15
       "  ... Bất chấp mọi điều xấu xa chúng ta thấy đang diễn ra trong thế giới ngày nay, câu chuyện này khẳng định rằng vẫn còn rất nhiều người tốt và thánh thiện trên thế giới và họ sẽ hiện ra khi tình thế xấu tệ đi... (Jerry Brown)

03 delta airline
Vào sáng ngày Thứ Ba, 11 Tháng Chín năm 2001, chúng tôi đã rời khỏi Frankfurt khoảng 5 giờ đồng hồ rồi và đang bay qua Bắc Đại Tây Dương.

Thình lình tấm màn ngăn cách giữa buồng lái với khoang tàu chứa hành khách vén mở và tôi được gọi vào buồng lái gặp phi công trưởng ngay lập tức.

Vừa bước vào buồng lái là tôi để ý nhận thấy ngay nét nghiêm trọng lộ trên khuôn mặt mọi người. Phi công trưởng đưa cho tôi một bản in ra vừa nhận từ trụ sở chính của hãng Delta Airlines ở Atlanta viết vỏn vẹn câu: "Mọi tuyến không lưu trên lục địa Hoa Kỳ đều ngăn cấm giao thông hàng không thương mại. Hãy đáp khẩn cấp càng sớm càng tốt xuống phi trường nào gần nhất. Hãy thông báo điểm đáp. "

Không ai nói một lời nào cho tôi biết điều này mang ý nghĩa gì. Chúng tôi biết đây là một tình thế nghiêm trọng và chúng tôi cần phải tìm đất liền để đáp ngay. Phi công trưởng xác định sân bay gần nhất là phi trường Gander, Newfoundland, cách 400 dặm. Ông liên lạc với trạm không lưu Canada để xin cho thay đổi tuyến bay và được chấp thuận ngay mà không cần hỏi lý do. Tất nhiên sau đó chúng tôi đã hiểu ra lý do tại sao họ chấp thuận không do dự.

Trong khi phi hành đoàn chuẩn bị cho máy bay hạ cánh, một tin nhắn đến từ Atlanta báo cho chúng tôi biết có hoạt động khủng bố trong khu vực New York. Vài phút sau tin cập nhật cho biết có không tặc.

Chúng tôi quyết định nói dối với hành khách trong khi chúng tôi vẫn còn ở trên không. Chúng tôi nói với họ rằng máy bay gặp một trục trặc nhỏ về cơ khí và cần phải hạ cánh tại sân bay gần nhất ở Gander, New Foundland để kiểm tra. Chúng tôi hứa sẽ cung cấp thêm thông tin sau khi hạ cánh ở Gander. Có nhiều hành khách phàn nàn, nhưng điều đó không có gì mới lạ! Bốn mươi phút sau, chúng tôi hạ cánh xuống Gander. Giờ địa phương lúc bấy giờ tại Gander là 12:30 PM tức là 11:00 AM New York.

Khi chúng tôi đáp thì đã có khoảng 20 máy bay khác trên mặt đất đến từ khắp nơi trên thế giới và họ cũng đã phải chọn lối đi vòng này trên đường đến Hoa Kỳ.  

Sau khi chúng tôi đã đậu trên phi đạo chờ lệnh mới, phi công trưởng thông báo như sau: "Thưa quý vị, chắc quí vị thắc mắc phải chăng tất cả các máy bay xung quanh chúng ta có vấn đề cơ khí tương tự như chúng ta. Thật ra chúng ta đang ở đây là vì một lý do khác." Sau đó, ông tiếp tục giải thích thêm đôi chút cho chúng tôi biết về tình hình tại Hoa Kỳ. Có những tiếng thở hổn hển ồ to lên và những tia nhìn hoài nghi thảng thốt. Phi công trưởng thông báo cho hành khách biết rằng giới hữu trách của phi trường Gander bảo chúng tôi giữ yên tại chỗ.

Bấy giờ trách nhiệm và quyền quyết định về tình trạng của chúng tôi tùy thuộc ở chính phủ Canada và lệnh của họ là không ai được ra khỏi máy bay. Và cũng không ai dưới đất được phép đến gần bất kỳ phi cơ nào. Chỉ có cảnh sát sân bay cứ lâu lâu lại đến dòm ngó chúng tôi một lúc, xong đi qua các máy bay khác. Trong khoảng một giờ đồng hồ kế tiếp, thêm nhiều máy bay hạ cánh và sau cùng Gander tiếp nhận tất cả là 53 máy bay từ khắp nơi trên thế giới, 27 chiếc trong số đó là phi cơ hàng không thương mại của Mỹ.

Trong khi đó, những mảnh tin tức bắt đầu phát ra trên hệ thống âm thanh của phi cơ. Lần đầu tiên chúng tôi được biết các phi cơ bị không tặc đã đâm vào Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở New York và vào Lầu Năm Góc trong vùng Washington DC. Mọi người cố gắng dùng điện thoại di động của họ, nhưng không thể kết nối vì hệ thống truyền sóng ở Canada khác. Một số người gọi thông qua được, nhưng chỉ có thể với tổng đài ở Canada và họ cho biết rằng các làn sóng nối kết vào đất Mỹ đã bị chặn hoặc bị nghet.

Khoảng vào buổi tối trong ngày, tin tức cho chúng tôi rằng hai tòa cao ốc Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới đã sụp đổ và chiếc phi cơ thứ tư bị không tặc đã đâm xuống đất. Bấy giờ hành khách đều kiệt sức về thể chất lẫn cảm xúc, không kể nỗi sợ hãi, nhưng tất cả mọi người đều bình tĩnh đáng kinh ngạc. Chúng tôi chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ thấy 52 phi cơ bị lạc khác để nhận ra rằng chúng tôi không phải là người duy nhất trong tình trạng khó khăn này.

Trước đó chúng tôi được thông báo rằng họ sẽ cho phép hành khách lần lượt ra khỏi máy bay mỗi lần một chiếc. Lúc 6 giờ chiều, sân bay Gander nói với chúng tôi rằng phiên chúng tôi được phép rời phi cơ sẽ là 11 giờ sáng hôm sau. Hành khách không hài lòng tí nào, nhưng họ cũng buông xuôi chấp nhận tin không vui này mà không phản đối ồn ào; họ bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng để ở qua đêm trên máy bay.

Gander hứa với chúng ta sẽ chăm sóc y tế, nếu cần thiết, nước, và dịch vụ vệ sinh. Và họ đã giữ lời. May mắn thay chúng tôi không có tình huống y tế nào phải lo lắng. Chúng tôi có một phụ nữ trẻ mang thai 33 tuần. Chúng tôi đã chăm sóc rất chu đáo cho thai phụ đó. Đêm trôi qua không gặp biến cố nào ngoại trừ sự xếp đặt chỗ ngủ không được thoải mái.

Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 12, một đoàn xe buýt trường học chạy đến. Chúng tôi ra khỏi máy bay và được đưa đến nhà ga, nơi chúng tôi thông qua thủ tục nhập cảnh và quan thuế, và sau đó phải ghi danh với Hội Hồng Thập Tự.

Sau đó chúng tôi (phi hành đoàn) được tách ra khỏi đám đông hành khách và được xe van đưa đến một khách sạn nhỏ. Chúng tôi không biết hành khách của chúng tôi được đưa đi đâu. Nhân viên của Hội HTT cho chúng tôi biết rằng thị trấn Gander có dân số 10.400 người và họ đang có khoảng 10.500 hành khách phải chăm sóc từ tất cả các máy bay đã buộc phải đáp xuống Gander! Họ bảo chúng tôi hãy yên tâm nghỉ ngơi tại khách sạn và họ sẽ liên lạc khi các phi trường Mỹ mở và hoạt động trở lại, nhưng chắc cũng mất một thời gian.

Chỉ khi chúng tôi đến khách sạn và bật TV lên, chúng tôi mới biết hết toàn diện của cuộc tấn công khủng bố ở quê nhà (nước Mỹ), 24 giờ sau khi nó bắt đầu diễn ra.

Trong lúc đó, chúng tôi có rất nhiều thì giờ rảnh rỗi và nhận thấy rằng người dân Gander vô cùng thân thiện. Họ bắt đầu gọi chúng tôi là "người máy bay." Chúng tôi hưởng nhận tính hiếu khách của họ, khám phá thị trấn Gander kết cuộc đã trải qua một khoảng thời gian khá tốt đẹp.

Hai ngày sau, chúng tôi được gọi và được đưa trở lại sân bay. Trên máy bay, chúng tôi đoàn tụ với các hành khách và khám phá những gì họ đã làm trong hai ngày qua. Những điều chúng tôi khám phá đó thật không thể tin được.

Gander và tất cả các cộng đồng xung quanh (trong vòng bán kính 75km) đã đóng cửa tất cả các trường trung học, hội trường, nhà nghỉ, và bất kỳ nơi tập hợp lớn nào khác. Họ biến đổi tất cả các cơ sở vật chất đó thành chỗ trú ngụ chung cho tất cả lữ khách lỡ đường. Có chỗ thì trải chiếu, chỗ thì trải nệm, chỗ thì trải túi ngủ và gối nằm.

Tất cả các học sinh trung học được kêu gọi tình nguyện thì giờ để chăm sóc cho "khách." 218 hành khách của phi cơ chúng tôi được đưa tới một thị trấn có tên là Lewisporte, cách Gander khoảng 45 cây số, nơi đó họ được trú ngụ trong một trường trung học. Hành khách phụ nữ nào muốn có khu ngủ riêng cũng được sắp xếp theo ý muốn. Các hành khách đi chung cả gia đình cũng được giữ lại chung với nhau. Tất cả các hành khách lớn tuổi được đưa tới nhà riêng. 

Các bạn còn nhớ người phụ nữ trẻ mang thai chứ? Bà ấy được đưa đến một nhà riêng đối diện bên kia đường với một cơ sở chăm sóc khẩn cấp 24 giờ. Có một nha sĩ được cử sẵn nếu cần đến, các y tá nam và nữ túc trực cạnh đám đông trong suốt thời gian tạm trú.

Các cuộc gọi điện thoại và e-mail cho Mỹ và thế giới được thiết lập sẵn để tất cả mọi người có thể dùng mỗi ngày một lần. Vào ban ngày, hành khách được cung cấp các chuyến "du ngoạn". Một số chọn đi du ngoạn bằng tàu thuyền trên các hồ và bến cảng. Một số chọn đi băng đồng trong các khu rừng của địa phương. Các tiệm nướng bánh địa phương tiếp tục mở cửa để làm bánh mì tươi cho khách hàng.

Thức ăn được các cư dân nấu nướng ở nhà rồi mang đến cho các trường học. Người nào thích dùng bữa ở nhà hàng theo sự lựa chọn của họ cũng được đưa đi và được cung cấp các bữa ăn tuyệt vời. Tất cả mọi người đều được cấp phiếu đến các tiệm giặt địa phương để giặt quần áo vì tất cả hành lý vẫn còn giữ trên máy bay.

Nói cách khác, mỗi nhu cầu thuần nhất của lữ khách lỡ đường cũng đều được đáp ứng đầy đủ. Hành khách đã khóc khi kể lại với chúng tôi những câu chuyện này.

Cuối cùng, khi có tin tất cả phi trường ở Mỹ đã mở cửa trở lại, họ được chở đến sân bay đúng giờ và không thiếu một hành khách nào. Hội HTT địa phương đã nắm đầy đủ tất cả các thông tin của mọi hành khách và đã đưa trả hành khách về lại đúng chuyến bay. Họ phối hợp tất cả mọi thứ một cách tốt đẹp. Thật đúng là hoàn toàn không thể tin được.

Khi hành khách đã trên tàu, nó giống như họ vừa mới đi một chuyến du hành trên biển. Tất cả mọi người đều biết tên nhau. Họ trao đổi những câu chuyện của họ trong mấy ngày qua, khoe với nhau xem người nào được đối xử tốt hơn.

Chuyến bay của chúng tôi về đến Atlanta trông giống như một chuyến bay du ngoạn ăn chơi được thuê bao. Phi hành đoàn tránh ra để họ tự do. Thật không thể tưởng. Hành khách hoàn toàn hàn gắn với nhau và gọi nhau bằng tên một cách thân mật, cùng nhau trao đổi số điện thoại, địa chỉ, địa chỉ email.

Và sau đó là một điều rất lạ thường xảy ra. Một trong những hành khách của chúng tôi đến gần tôi và hỏi tôi rằng ông ta có thể dùng hệ thống âm thanh của phi cơ để nói vài lời được không. Chúng tôi không bao giờ cho phép điều đó. Nhưng lần này thì khác. Tôi nói "tất nhiên" và đưa máy vi âm cho ông. Ông nhắc mọi người về những gì họ vừa trải nghiệm trong mấy ngày qua. Ông nhắc nhở họ về lòng hiếu khách mà họ đã nhận được từ tay của những con người hoàn toàn xa lạ. Ông tiếp tục nói rằng ông muốn làm một điều gì đó để đền đáp lại cho những cư dân tốt bụng của Lewisporte.

Ông cho biết ông sẽ thành lập một Quỹ tín thác dưới tên của DELTA 15 (Số hiệu chuyến bay của chúng tôi). Mục đích của quỹ tín thác là cung cấp học bổng đại học cho học sinh trung học của Lewisporte. Ông kêu gọi mọi khách đồng hành cùng chuyến bay đóng góp bất kỳ số tiền bao nhiêu cũng được. Khi chúng tôi đã gom góp đủ hết các tờ giấy ký hứa có ghi số tiền, tên họ, số điện thoại và địa chỉ, tổng số khoản tài trợ là trên $14.000!

Người đề xướng đó là một bác sĩ ở Virginia, ông hứa phần ông sẽ đóng góp bằng với số tiền đó và sẽ tiến hành thủ tục giấy tờ lập học bổng. Ông cũng nói rằng ông sẽ chuyển đề nghị này đến Công Ty Hàng Không Delta và sẽ yêu cầu họ cùng hiến tặng.

Khi tôi viết bài này, quỹ tín thác đã lên hơn $1.5 triệu và đã hỗ trợ 134 học sinh theo học đại học.

Tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện này bởi vì bây giờ chúng ta cần những câu chuyện đẹp như thế này. Nó mang lại cho tôi một chút hy vọng khi biết rằng người ta dù ở nơi xa xôi vẫn có thể đối xử tử tế với người lạ trôi dạt tới. Nó nhắc tôi thế giới này có bao nhiêu điều tốt đẹp. Bất chấp mọi điều xấu xa chúng ta thấy đang diễn ra trong thế giới ngày nay, câu chuyện này khẳng định rằng vẫn còn rất nhiều người tốt và thánh thiện trên thế giới và họ sẽ hiện ra khi tình thế xấu tệ đi.

Xin thượng đế ban phước cho Hoa Kỳ. Xin thượng đế ban phước cho người dân Canada... và đặc biệt là xin thượng đế ban phước cho người dân Newfoundland."
==

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

bản tin SHDC số 166

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 166           &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 25 thường niên năm C, 22-9-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Ngôn Sứ A-mốt                          8,4-7
Đức Chúa chống lại những kẻ lấy tiền bạc mua người cơ bần.
Bài đọc 2 : Thư thứ 1 gửi ông Ti-mô-thê           1 Tm 2,1-8
Hãy cầu xin Thiên Chúa cho mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 16, 1-13
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.
II- Ý Lễ :  ô. Cảnh gk 1 : lễ tạ ơn * bà Ngọc TCai : lễ cho Lh Phêrô -Maria và CLH * ôb Cân TCai : lễ cho Lh Phêrô-Maria và BNLH * 1 người : lễ cho CLH vô danh * bà Thiết gk 7 : lễ cho cha mẹ Gioakim-Maria / lễ cho chồng Gioakim và con Giuse * gđ Cường-Dung gk1 : lễ tạ ơn và cầu cho ba Vinh-sơn* chị Ân gk 1 : lễ giỗ chồng Giuse Hiến * chị Cúc gk 7 : lễ cho cha mẹ Phêrô-Maria và cho Lh ÔBNn * chị Tâm (Thọ) gk 7 : lễ tạ ơn và cầu bình an * gđ Phượng-Khanh gk 3 : lễ tạ ơn và cầu cho Lh thai nhi* ô.Anh ĐTrai : lễ giáp năm mẹ, Maria * chị Hoa (Lợi) gk 9 : lễ tạ ơn và xin ơn Đức Tin cho các con * gđ Văn-Trang gk 8 : lễ bình an * 1 người : lễ tạ ơn và cầu bình an / lễ  cầu cho CLH * 1 người : lễ cho Gioan Baotixita-Luxia-Maria và BNLH.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 28-9 đến 06-10 : Giáo Khóm 1
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Dòng Thánh Phaolô chầu lượt :  Dòng Thánh Phaolô ở Đà Nẵng thuộc loại dòng Giáo Hoàng, có tính cách quốc tế, khác với dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn là dòng Giáo Phận, thuộc phạm vi trách nhiệm các Giám Mục địa phương. Các Sơ dòng thánh Phaolô đã di cư từ Hà Nội vào Đà Nẵng từ năm 1954 và phát triển mạnh, bây giờ đã tách ra thành hai tỉnh dòng Đà Nẵng và Hà Nội. Linh đạo của Dòng là phụng sự Thiên Chúa và truyền giáo qua các việc xã hội như chăm sóc người già neo đơn, các bệnh nhân, trẻ khuyết tật, mở nhà trẻ, giáo dục thanh thiếu nữ... Nhà Mẹ ở bên cạnh Nhà Thờ Chính Tòa, với Sơ Giám Tỉnh Đà Nẵng là Maria Nguyễn thị Xuân Lang và khoảng 430 Sơ làm việc ở nhiều Giáo Phận miền trung.
2- Để chuẩn bị năm học giáo lý mới cho thiếu nhi, sẽ khai giảng vào đầu tháng 10, Ban Giáo Lý đã gửi giấy đăng ký đến từng nhà qua Ban Mục Vụ giáo khóm. Xin quý phụ huynh nộp lại giấy đăng ký này nơi giáo khóm, hoặc tại Văn Phòng BMV ngay sau lễ CN, hoặc trong tuần này, để Ban Giáo lý kịp biên chế vào lớp cho thiếu nhi.
Cũng xin nhắc lại, để đừng ai quên cuộc họp quan trong với các phụ huynh thiếu nhi, cùng với Qúi Chức Giáo Khóm, vào tối thứ Bảy 28-9, lúc 19g30 (sau Thánh Lễ). Đây là cuộc họp đầu tiên với phụ huynh, được tổ chức bài bản, giúp quý vị hiểu biết về chương trình làm việc của Ban Giáo Lý, và tạo sự gắn bó, liên lạc giữa gia đình các em và giáo xứ.
3- Đăng ký khóa học Giáo Lý Dự Tòng và Hôn Nhân. Xin mời các anh chị có ý hướng chuẩn bị hôn nhân công giáo tham gia khóa học mới sẽ mở (như thường lệ một năm hai khóa) vào thứ Hai 07-10 tới đây. Khóa học diễn ra trong 6 tháng, với các buổi tối thứ Hai-Tư-Sáu, vào khoảng 19g15 tối.
Xin lưu ý các bạn trẻ, hôn nhân là chuyện quan trọng cả một đời, cần phải vững bền theo luật Chúa dạy. Vì thế, khôn ngoan là phải có chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, không thể chỉ đẹp mắt vừa lòng nhau sơ sơ vài tháng là quyết định đi tới. Đặc biệt, là người có đạo, muốn đem bạn mình đến với Chúa và Hội Thánh thì càng phải chuẩn bị cho bạn mình những nhận biết sơ khởi về đức tin, dắt bạn đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ, tập dần cho quen với Đạo Thánh Chúa trước khi đến lớp giáo lý. Cũng không thể để cho đến lúc nhà bạn bên lương coi ngày rồi mới đến trình cha xin học giáo lý gấp gấp cho kịp, vì không ai có thể giúp giải quyết được. Giáo lý công giáo của chúng ta không đơn thuần chỉ là một mớ bài vở phải học, mà còn là chính cuộc sống thể hiện niềm tin đó. Vậy hãy giúp nhau chuẩn bị hôn nhân có thời gian, có điều kiện học giáo lý dự tòng ổn định. Các bạn sinh viên đang yêu cũng có thể đăng ký học giáo lý, trong khi chuẩn bị ra trường. Đừng để đến phút chót mới nói chuyện quan trọng này !
4- Sinh hoạt Giới Trẻ, nhờ có thầy Micae Phong phụ trách, sẽ đi chuyên sâu nhiều vấn đề người trẻ, chia sẻ về những đề tài Nhân Bản như: Tự Chủ, Tôn Trọng, Trung Thực, Trách Nhiệm, Tha Thứ … Đây là sân chơi bổ ích cho bạn trẻ và giới sinh viên từ 18 tuổi trở lên. Các bạn hãy đến tham gia sinh hoạt hằng tuần vào tối Chúa Nhật, từ 19g30 đến 21g00, tại sân Nhà Thờ.

5- Quỹ Bác Ái : chị Tâm (Thọ) Gk 7 : 100.+ chị Hoa (Lợi) gk 9 : 100.+ ông Hạnh gk 5 : 200.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

ản tin SHDC số 165

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 165           &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 24 thường niên năm C, 15-9-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Xuất Hành                                   32,7-11.13-14
Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã ngăm đe.
Bài đọc 2 : Thư thứ 1 gửi ông Ti-mô-thê           1 Tm 1,12-17
Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 15, 1-32
Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
II- Ý Lễ :  bà Cương TXuân : lễ cho cha (lương) mẹ Catarina * ô Quáng gk 9 : lễ giỗ vợ Matta Nguyệt * gđ Thanh-Hiền gk 7 : lễ cho Lh 2 con và CLH mồ côi * chị Ánh Thái gk 6 : lễ cầu bình an / lễ cho CLH Phêrô-Giuse và cha Bênêđitô * chị Hiền gk 7 : lễ bình an/ lễ cho CLH vô danh* gđ Tài-Sơn TXuân : lễ cho Giuse-Maria.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 21-9 đến 27-9 : Thăng Tiến Hôn Nhân
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo xứ Hội Yên chầu lượt : Hội Yên ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, tuy nằm sâu trong vùng núi, nhưng vẫn thuộc thành phố Đà Nẵng. Nằm bên bờ sông Cu Đê, là nơi đón nhận Đức Tin từ lâu đời, nhưng Hội Yên không phát triển việc đạo được nhiều bằng giáo xứ An Ngãi. Năm 2007, giáo họ Hội Yên thuộc An Ngãi được nâng lên hàng giáo xứ, và Giáo Phận đã làm hợp đồng giao cho Dòng Truyền Giáo thánh Vinh Sơn phụ trách. Cha Phêrô Trần công Thạnh dòng Vinh Sơn là cha quản xứ đầu tiên với 470 giáo dân hiện nay. Cơ sở giáo xứ còn rất khiêm tốn, phần vì kinh tế dân miền núi, phần vì ít giáo dân.
2- Thời tiết đã bắt đầu vào mùa mưa, trời tối sớm hơn, nên đề nghị giờ kinh lễ tối hằng ngày khởi đầu từ 18g00 và thánh lễ lúc 18g30. Bắt đầu áp dụng từ tuần sau, thứ Hai 23-9.
3- Đăng ký khóa học Giáo Lý Dự Tòng và Hôn Nhân. Xin mời các anh chị có ý hướng chuẩn bị hôn nhân công giáo tham gia khóa học mới sẽ mở (như thường lệ một năm hai khóa) vào thứ Hai 07-10 tới đây. Khóa học diễn ra trong 6 tháng, với các buổi tối thứ Hai-Tư-Sáu, vào khoảng 19g15 tối.
4- Xây dựng Nhà Vãng Lai.  Cha Bênêđitô Khóa rời giáo xứ Tam Kỳ một cách thoải mái, vì đã giải quyết xong việc trả lại đất Nhà Dưỡng Lão ngày xưa cho giáo xứ. Đó là phần đất phía sau Nhà Thờ với 4 gia đình lương giáo tạm cư. Chính Quyền đã chấp thuận cấp đất cho 4 gia đình này, và nay phần đất này được dùng để xây dựng một công trình, mà phần kinh phí không thuộc về giáo xứ. Vì vậy, giáo xứ chỉ có trách nhiệm giúp việc xây dựng mà thôi. Hiện nay, đã có giấy phép xây dựng, và ngày 19-9 này sẽ khởi công. Công trình sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng.
5- Công trình đường ranh, tường rào nghĩa địa Gò Trầu, đã hoàn tất tuần lễ vừa qua, với chiều dài 145m, cao 0,50m, trụ cao 0,70m, với giá 43.500.000đ (giá 300.000/m)  Như vậy, xin được kêu gọi cộng đoàn, những người hảo tâm, và đặc biệt một số gia đình có hoàn cảnh rồi sẽ xử dụng nghĩa địa, nhưng chưa góp phần, để bù vào số tiền 11.330.000đ còn nợ, vì chỉ mới nhận được 32.170.000đ
Nhân dịp xây tường rào, Ban Mục Vụ cũng quyết định xây bàn thờ trên lễ đài, để khỏi nhọc công vận chuyển bàn thờ lên mỗi khi có thánh lễ. Rất may, và xin cám ơn anh Minh, người lương, chủ thầu xây dựng, đã dâng cúng phiến đá granite để làm bàn thờ.
Sau khi hoàn tất bờ bao nghĩa địa, nhận xét chung là kết quả thật mỹ mãn, tuy chưa làm được những con đường đi lại bên trong, nhưng chúng ta đã có thể thấy rõ ràng khu vực an nghỉ của anh chị em tín hữu, và tránh được sự xâm phạm diện tích từ bên ngoài. Chỉ cần một vài lần khai quang nữa, là nghĩa địa Gò Trầu của chúng ta sẽ đẹp hơn, có giá trị hơn, giúp cho việc thăm viếng, kinh nguyện, tỏ lòng với người qúa cố được tốt đẹp. Nghĩa địa là nơi mà mọi người rồi sẽ phải đến. Người này thì nằm ở đây, kẻ khác thì về quê với ông bà tổ tiên. Tuy nhiên trong đợt quyên góp vừa qua, đặc biệt đáng ghi nhận là có những anh chị em tạm trú tại Tam Kỳ, nhưng đã vui vẻ góp phần, vậy thì người thường trú càng có bổn phận hơn, đóng góp cách vui tươi hơn.
6- Chia tay.  Tuần vừa qua, giáo xứ chúng ta chia tay với hai gia đình để đi định cư bên Mỹ. Đó là gia đình anh chị Chín-Yến giáo khóm 4 và gia đình chị Ánh (anh Thái) ở giáo khóm 6. Để làm quà lưu niệm, anh chị Chín-Yến đã để lại máy vi tính laptop cho Ban Mục Vụ. Chị Ánh gửi tặng 5.000.000đ để BMV sắm máy in. Cuối cùng, bàn máy vi tính do anh chị Tín-Minh tặng lại. Văn Phòng Ban Mục Vụ xin cám ơn các gia đình.

7- Quỹ Bác Ái : Ban Mục Vụ : 305.+ chị Ánh gk 6 500.

ĐGH Gioan Phaolô xưng tội với 1 cựu linh mục

Xin lưu ý các bạn đọc, chức linh mục trong Hội Thánh là chức thánh suốt đời, dù người đó đã xa rời chức vụ, nhưng chức thánh thì vẫn còn. Tuy nhiên, nếu thi hành thì không hợp pháp. Trong một số ít trường hợp, Giáo Luật qui định thì cựu linh mục được phép làm, mặc dù đã hồi tục. Ở đây, ĐGH Gioan Phaolô với quyền chức tối cao, ngài có thể miễn luật để xin được xưng tội. Qua đó, chúng ta mới thấy tâm tình mục tử của ngài, ý thức về Bí Tích Hòa Giải của ngài để lôi kéo người cựu linh mục sống tốt trở lại, nhưng không có nghĩa là phục hồi đời linh mục cho người này. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện này.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị xưng tội với một kẻ ăn xin
 
Hầu hết quý vị chắc biết đến cái tên Scott Hahn. Ông ta là một học giả vĩ đại về Kinh Thánh và là một mục sư Tin Lành đã cải đạo theo Công Giáo. Scott Hahn kể lại rằng, ông có một người bạn là linh mục và vị linh mục này đã đi viếng thành Rome. Ngoài những công việc khác thì linh mục này còn có cuộc hẹn để trò chuyện riêng tư với Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Vào ngày hẹn đó, vị linh mục này còn nhiều giờ rảnh cho nên, như một du khách ngài quyết định ghé vào một vương cung thánh đường để chiêm ngắm và đọc kinh. Ở các bực thềm vào thánh đường hiện diện nhiều kẻ ăn xin, một hình ảnh thường thấy ở Rome. Trên các bực thềm đó, ngài mường tượng rằng mình nhận ra một người trong số ăn xin đó. Sau khi vào cung thánh và quỳ gối để cầu nguyện thì hình ảnh đó đã đập vào trí nhớ của ngài. Ngài nhớ ra rằng ngài đã quen biết người ăn xin đó ở hoàn cảnh nào. Ngài liền vội chạy ra và đến gần người ăn xin đó và nói:
- “Tôi biết ông mà. Có phải chúng ta cùng vào chủng viện với nhau không ?”
Người đàn ông gật đầu.
- “Vậy thì ông là linh mục phải không ?” ngài nới với người ăn xin. Người này trả lời:
- “Không còn nữa, tôi đã rớt ở tận cuối đường. Xin để cho tôi yên một mình”
Vị linh mục vì đang lo cho cuộc hẹn sắp tới của mình với Đức Thánh Cha nên nói:
- “Tôi phải đi. Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn”
Người ăn xin với khuôn mặt quen thuộc đó trả lời:
- “Việc đó sẽ mang lại nhiều điều tốt lành.”

Với lời hứa trên, vị linh mục bỏ lại kẻ ăn xin ở các tầng cấp của thánh đường và khởi sự đi đến nơi hẹn.
Những cuộc hẹn riêng từ này với Đức Giáo Hoàng bao giờ cũng rất khuôn phép. Có một số người cũng được chấp thuận cho hội kiến riêng tư cùng một lúc, và khi Đức Thánh Cha tiến về phía quý vị thì linh mục bí thư của Ngài trao cho Ngài một tràng chuổi Mân Côi đã được làm phép rồi Ngài sẽ trao nó lại cho quý vị. Ở giai đoạn này thì người ta sẽ hôn nhẫn của Đức Giáo Hoàng và nói một lời tự cỏi lòng, chẳng hạn như xin Ngài cầu nguyện cho quý vị, hoặc cám ơn Ngài đã phục vụ cho Giáo Hội. Tuy nhiên khi Đức Giáo Hoàng tiến đến thì vị linh mục này đã không cưởng được mình nên nói lên câu : “Xin Cha cầu nguyện cho người bạn của con.” Và không những thế, ông còn kể hết cả câu chuyện. Đức Thánh Cha xem ra quan tâm và cam đoan với vị linh mục rằng Ngài sẽ cầu nguyện cho người bạn của ông. Khi Ngài tiếp tục đi thì Ngài nói nhỏ điều gì đó cho vị phụ tá của Ngài.
Cuối ngày hôm đó, vị linh mục được nhân viên của Tòa Thánh liên lạc bằng điện thoại di động. Họ nói với ngài rằng ngài và người bạn ăn xin, người trước đây là linh mục, cả hai sẽ được gặp Đức Giáo Hoàng để ăn cơm tối.
Kích động và hiếu kỳ, ngài chạy ngay về thánh đường nơi trước đó ngài đã gặp được người bạn cùng học ở chủng viện. Chỉ còn rải rác vài người ăn xin, và may mắn thay (hay là ơn Chúa) người bạn cũ vẫn còn trong đám này.
Ngài tiến đến người đàn ông và nói:
- “Tôi đã được gặp Đức Giáo Hoàng, và Ngài nói sẽ cầu nguyện cho bạn. Và còn hơn thế, Ngài mời chúng ta đến tư dinh để ăn tối.”
- “Không thể nào !” người đàn ông nói “Hãy nhìn tôi nè. Tôi là đống dơ dáy. Từ lâu tôi không tắm gội … và áo quần nữa …” Thấy hoàn cảnh có vẻ trầm trọng (và hiểu rõ rằng người bạn ăn xin này chính là vé vào cửa của mình để được ăn tối với Đức Giáo Hoàng) vị linh mục nói:
- “Tôi có phòng ở khách sạn, bạn có thể đến đó để tắm và cạo râu, và tôi có y phục vừa cở của bạn”.
Và lại nữa, nhờ vào ơn Chúa, người linh mục ăn xin này đã bằng lòng. Và sau đó, họ ra đi để ăn tối với Đức Giáo Hoàng.
Sự tiếp đãi thật là kỳ diệu. Khi gần hết bữa ăn, trước khi dùng đồ tráng miệng, Đức Thánh Cha ra dấu cho vị linh mục nhưng vị này không hiểu Ngài muốn nói gì thì vị bí thư của Ngài nói nhỏ vào tai ông rằng : “Đức Giáo Hoàng muốn chúng ta ra ngoài” và ngay lúc đó vị linh mục và bí thư đã để Giáo Hoàng lại một mình với người ăn mày.
Sau một thời gian, người ăn mày bước ra khỏi phòng nước mắt ràn rụa.
- “Chuyện gì đã xảy ra trong đó ?” vị linh mục hỏi.
Một câu trả lời không ngờ và đáng chú ý là:
- “Đức Giáo Hoàng muốn tôi hãy cho Ngài xưng tội” người ăn mày nghẹn ngào.
Sau khi chấn chỉnh lại tư thế, người đàn ông nói tiếp:
- “Tôi nói với Ngài : ‘Lạy Dức Thánh Cha, hãy nhìn con đây. Con chỉ là tên ăn mày. Con không phải là linh mục’ .” Đức Giáo Hoàng nhìn tôi và nói: Con ơi, một khi đã là linh mục thì luôn là linh mục, và có ai trong chúng ta lại không phải là ăn mày ? Cha cũng đến trước mặt Thiên Chúa như một tên ăn mày xin Ngài tha thứ cho những tội lỗi của Cha’. Tôi kể cho Ngài rằng tôi không còn đủ điều kiện để đứng chung trong Hội Thánh nữa, và Ngài đã cam đoan với tôi rằng với quyền hạn là Giám Mục thành Rôma, Ngài có thể tái kết nạp tôi ngay lúc đó và tại đó.”
Người đàn ông cho biết là đã từ lâu ông không làm phép xưng tội cho nên Đức Giáo Hoàng phải giúp ông đọc lại lời phép giải tội. Vị linh mục bạn hỏi :
- “Nhưng mà ông ở với Ngài thời gian lâu. Chắc hẳn là Ngài xưng tôi không lâu đến thế.”
- “Không”, ông bạn trả lời, “Nhưng sau khi tôi nghe Ngài xưng tội, thì tôi xin Ngài hãy nghe tôi xưng tội của tôi.”
Những lời cuối cùng mà Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị nói với đứa con hoang đàng đã được thốt ra theo cung cách của một sự ủy nhiệm. Đức Thánh Cha đã trao cho vị linh mục vừa mới được hòa giải một nhiệm vụ đầu tiên: Hãy đi và rao giảng cho những kẻ vô gia cư và hành khất trên các bực thềm của ngay cái nhà thờ mà ông ta vừa từ đó đến. 
Ông gật đầu chấp nhận.