Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Thơ: ĐI LỄ ĐỨNG NGOÀI


Người ta đi lễ đứng ngoài
Quí cha nói mãi cũng hoài công thôi
Gương mù gương xấu lôi thôi
Người qua kẻ lại hỡi ôi phàn nàn
Nhà thờ nhỏ tẹo rằng than
Đằng này rộng chỗ, bình an ngồi ngoài
Đi lễ thì sợ giảng dài
Ngồi ngoài nói chuyện, thấy dài chi đâu!
Nhậu thì chẳng bảo sợ lâu
Một giờ thánh lễ ôi rầu quá đi
Ăn tiệc thì chẳng mấy khi
Bên ngoài đứng ngó, ngồi lì ở sân
Một tuần thánh lễ một lần
Tiếc chi với Chúa mau chân bước vào
Nguyện cầu xin Chúa trên cao
Ban muôn phước cả, dồi dào sức thiêng!
(ST)

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

hình ảnh ngày thi cuối năm học Giáo Lý

Chúa Nhật 21-7 được kể như là Chúa Nhật cuối của năm học 2013, đối với các em học sinh giáo lý của giáo xứ Tam Kỳ. Chúa Nhật tới, ngày 28-7, giáo xứ sẽ tổ chức lễ bế giảng, đồng thời khen thưởng các em học xuất sắc, vào buổi chiều sau Thánh Lễ, trên sân Nhà Thờ.
Vậy để tổng kết năm học, các em phải tham dự cuộc thi cuối năm. Đặc biệt năm nay, trong hệ thống tổ chức, với lực lượng các thầy cô giúp việc, giáo xứ đã có thể chu đáo hơn. Tất cả các lớp cùng thi chung một lúc, và Nhà Chúa chính là nơi để các em tập trung làm bài cho tốt hơn.
Thầy Thư, trưởng ban Giáo Lý và các thầy cô đồng nghiệp đã sắp xếp trước, để các em, thuộc lớp nào thì ngôi theo số của lớp đó, nhưng được gài xen kẽ với nhau, để tránh tình trạng hỏi bài, cóp bài của nhau, là một hiện tượng rất thông thường nơi học đường.
Qua hình ảnh ghi lại, chúng ta dễ thấy các em ngồi ngay ngắn theo vị trí của mình, lớp nhỏ lớp lớn ngồi bên nhau nhưng làm bài khác nhau. Chỉ có một chi tiết vui hài, đó là các em đã phải ngồi quay lưng lại với Nhà Tạm, với Thiên Chúa của mình, chỉ vì bàn quỳ chính là ghế ngồi, và mặt ghế ngồi lại chính là bàn viết cho các em.
Để tiện việc thi cử, làm và chấm bài, tất cả các lớp đều xử dụng cách thi trắc nghiệm, chọn câu đúng nhất. Tuy nhiên cũng có một vài câu hỏi để các em trả lời.
Vui nhất, tếu nhất, phải chăng là các em lớp Vườn Trẻ. Có em bối rối, thưa thật với cô giáo là em đọc chưa thông, nên làm bài rất chậm. Thế nhưng tinh thần thi cử thì em rất nhiệt thành, đàng hòang, có khi còn hơn cả các anh chị lớp lớn.
Xin mời xem một số hình ảnh ngày thi cuối năm
từ trên gác lầu chuông nhìn xuống
 cánh bên Đức Mẹ 
 cánh bên Thánh Giuse
 các em làm bài nghiêm túc
bài của ai người ấy làm trước Nhan Chúa 
Hy vọng một thế hệ tương lai thật thà, trong sáng, là chính con em của chúng ta.
Tam Kỳ, ngày 23 tháng 7 năm 2013

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

bản tin SHDC số 157

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 157       &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 16 thường niên năm C, 21-7-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Sáng Thế                                      St, 18,1-10
Thưa Ngài, xin đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.
Bài đọc 2 : Thư Cô-lô-xê                                       Cl 1, 24-28
Mầu nhiệm được giữ kín từ bao đời và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 10, 38-42
Cô Mác-ta đón Ngài vào nhà. Cô Maria đã chọn phần tốt nhất.
II- Ý Lễ :  bà Cương TXuân : tạ ơn và cầu bình an * chị Giang (Phúc) CLai : lễ cho cha Bênêđitô và Lh thai nhi * anh Luật gk 6 : lễ 100 ngày cho mẹ Maria Luôn * 1 người : lễ cho CLH vô danh * gđ Tuấn-Hà gk 9 : lễ cho ĐC Ph.Xaviê và cho Phêrô Mai * anh Thạnh gk 4 : lễ giáp năm Maria Nga * chị Hoa (Lợi) gk 9 : lễ giỗ mẹ Anna / lễ tạ ơn* gđ Tú-Khoa gk 5 : lễ bình an và tạ ơn * chị Điểm : lễ tạ ơn * chị Tuyết (Sang) gk 1 : lễ cầu ơn như ý* ô.Nghĩa Sg : lễ tạ ơn * chị Huy-Bảo gk 9 : lễ cho bà nội (lương) * chị Hoa-Đệ gk 8 : lễ bổn mạng Anna * bé Tâm(Hoa) : bổn mạng Mađalêna * gđ Ninh-Linh TXuân : tạ ơn và cầu bình an.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 27-7 đến 2-8 : Giáo khóm Trà Cai
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo xứ Hòa Cường chầu lượt : Hòa Cường thành hình từ những gia đình binh sĩ không quân Đà Nẵng, và cha xứ cũng là tuyên úy không quân. Sau 1975, tan tác vì đi kinh tế mới, chỉ còn lại ít người nên phụ thuộc vào giáo xứ Hòa Thuận. Hiện nay Hòa Cường đang lớn dần lên nhờ việc tái định cư, cũng như giới sinh viên đông đảo. Cha quản xứ hiện nay là Phêrô Nguyễn Hùng, với 660 giáo dân.
2- Lễ thánh Mađalêna 22-7 và thánh Giacôbê tông đồ, 25-7, hiệp thông chúc mừng anh chị em con cái thánh Mađalêna và thánh Giacôbê. Thánh lễ buổi tối thứ Hai và thứ Tư.
3- Ngày 26-7, kính nhớ chân phúc Anrê Phú Yên, Thánh Lễ lúc 6g30 tại Phước Kiều, đồng thời Đức Cha công bố qui chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Buổi tối, Thánh Lễ mừng kính ông bà ngoại của Chúa Giêsu, hai thánh Gioakim và Anna. Hiệp thông và chúc mừng rất đông các bà, các chị em con thánh Anna. Xin mời cùng nhau tham dự Thánh Lễ mừng lúc 19g00.
3- Cha giáo Anphong Nguyễn hữu Long, tân giám mục phụ tá Giáo Phận Hưng Hóa,  đến thăm, dâng lễ và chia tay với cộng đoàn giáo xứ Tam Kỳ. Thánh Lễ lúc 18g30 chiều tối thứ bảy 20-7. Sau Thánh Lễ, liên hoan vui chung giữa các giáo khóm trên sân nhà xứ. Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ chủ trì chương trình mừng Cha Phó năm xưa, nay trở thành Tân Giám Mục. Cũng vì vậy, không có Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 21-7, lúc 6g00 như thường lệ. Nhưng buổi chiều lúc 14g00 vẫn có Thánh Lễ của thiếu nhi, và các em tham gia cuộc thi cuối năm.
4- Chúa Nhật tuần sau, 28-7, Thánh Lễ bế giảng năm học giáo lý thiếu nhi vào lúc 14g00, đồng thời một số em lớp nhỏ lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, một số anh chị lớp lớn tuyên xưng đức tin để mãn trường giáo lý.
5- Cha Nhơn tổ chức giỗ 100 ngày cho cha Cố Bênêđitô tại giáo xứ Phú Thượng lúc 17g00 thứ ba 23-7.
6- Góp Quỹ Bác Ái giáo xứ : chị Như gk 4 100.+ chị Hoa (Lợi) 100.+ anh Vịnh Giới Trẻ 200+ chị Phương (Quế) gk 7 200.
7- Năm nay, giáo xứ Tam Kỳ gửi đi 5 em tham gia thi tuyển Ơn Gọi Giáo Phận. Từ sáng ngày 22 đến chiều ngày 23-7 các em được gửi đến Trung Tâm Mục Vụ, cùng các bạn đồng trang lứa, thử sức, thử tài, tìm kiếm Ơn Chúa gọi. Việc tuyển chọn là việc của Chúa qua tay các Bề Trên, và rồi còn do chính các em đáp lại. Phụ Huynh và giáo xứ hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng, sắp đặt của Thiên Chúa, Đấng luôn mời gọi, nhưng lại tuyển chọn theo nguyên tắc : gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Vì thế, nếu không trúng tuyển cũng chẳng phải buồn.
Nhân đây, xin giải thích cách làm việc của Ban Ơn Gọi để tuyển chọn và đào tạo thế hệ linh mục tương lai cho Giáo Phận :
Từ cấp 3, sau lớp 10 và lớp 11, các em được mời gọi tham gia thi tuyển. Nếu trúng tuyển, em vào hàng tiền dự tu, vẫn học cấp 3 tại quê nhà, nhưng được lưu ý, quan tâm hướng dẫn từ xa.
Hết cấp 3, em phải đậu vào ĐH, hoặc CĐ, tốt nhất là với các trường vùng Đà Nẵng, được vào hàng dự tu, để tập trung ở tại TTMV, được hướng dẫn và theo dõi suốt những năm ĐH-CĐ.
Sau Đại Học-Cao Đẳng, em vào hàng dự bị trong 1-2 năm để chuyên lo chuẩn bị cho việc vào học tại Đại Chủng Viện.

Tại Đại Chủng Viện, em chính thức là một thầy đại chủng sinh Giáo Phận, để tiếp tục việc đào tạo căn bản, sau khi mãn trường, nếu được phong chức, trở thành linh mục Giáo Phận.

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

bản tin SHDC số 156

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 156       &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 15 thường niên năm C, 14-7-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Đệ Nhị Luật                                Đnl 30,10-14
Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành.
Bài đọc 2 : Thư Cô-lô-xê                                       Cl 1, 15-20
Muôn loài đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 10, 25-37
Ai là người thân cận của tôi ?
II- Ý Lễ :  ô. Diện : lễ giỗ mẹ Uxula * a.Hùng GK 1 và anh em : lễ giỗ ba Simon * cộng đoàn Giáo Khóm 5 : lễ mừng Bổn Mạng, Thánh Anrê Kim Thông * chị Thường TCai : lễ cho cha Bênêđitô * bà Tám gk 7 : lễ cho cha Bênêđitô * chị Trang (Sương) TXuân : cầu chồng ơn trở lại và công việc * chị Hà-Tuấn gk 9 : cha Nguyễn Hoan (phật tử) mới qua đời * gđ Sơn-Hà gk 5 : lễ cho ba Antôn* a. Hùng (lương, Bích An) : lễ cho mẹ Maria Lợi * gđ Cương-Lệ gk 5 : lễ giỗ ba Giuse Đối * chị Y TXuân : lễ tạ ơn và cầu bình an * gđ Nam-Liên TPhú : tạ ơn và cầu bình an * 1 người : lễ cho CLH vô danh * bà Điểm gk 5 : lễ cho chồng Matthêu * gđ Tuyến-Hà gk 3 : lễ cho CLH * ôb Thụy-Khương gk 1 : lễ cho Lh Giuse-Maria-Cata-rina và CLH * cộng đoàn Gk 8 : xin ơn bền đỗ * chị Huy (lương) : lễ cho mẹ Maria Bích * gđ Đức-Nhượng gk 1 : lễ tạ ơn và cầu cho thai nhi * chị Tiên gk 8 : lễ tạ ơn *
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 20-7 đến 26-7 : Giáo khóm 9
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo xứ  Thuận Yên chầu lượt : khỏi nói nhiều, vì khá nhiều người biết rõ về Thuận Yên, vì có nhiều liên hệ. Hơn nữa, Thuận Yên cũng là gốc gác phát xuất giáo xứ Tam Kỳ chúng ta. Cha quản xứ hiện nay là Mactinô Poretx Nguyễn văn Đoàn,  dòng Đồng Công, được chính thức bổ nhiệm vào tháng 12-2012. Số giáo dân : 1229 người. Nếu có kế hoạch và được dìu dắt tốt, thì Thuận Yên sẽ phát triển về chất lượng sống đạo.
2- cộng đoàn Giáo khóm 5 mừng Bổn mạng :     thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm biện tử đạo. Thánh Lễ tối thứ Hai.
3- Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn quang Sách, nguyên Giám Mục Giáo Phận, đã về với Chúa lúc 7g15 Chúa Nhật 7-7, và được an táng sau Thánh Lễ sáng lúc 5giờ ngày 11-7 tại hang đá Đức Mẹ ở Nhà Thờ Chính Tòa. Giáo xứ đã cử Ban Thường Vụ đi dự lễ và phúng viếng. Tại xứ, Thánh Lễ cầu hồn đã tổ chức tối thứ ba 9-7. Cộng đoàn giáo xứ tiếp tục cầu nguyện cho ngài mau chóng được hưởng kiến Nhan Thánh Chúa.
4- Góp Quỹ Bác Ái giáo xứ : chị Nguyệt gk 1:200+ chị Xuân gk 6 : 500.
Bài thuốc hay, không thể không giới thiệu, khỏe và rẻ :
Thuốc ho gia truyền (lá mơ và mật ong)
Ai đã từng đau khổ vì BỊNH HO... ho liên tu bất tận, ho đến muốn ngộp thở luôn; Hôm qua còn ho sụ sụ, chiều tối uống thuốc nầy và ngủ một giấc thật thoải mái, sáng hôm sau KHÔNG CÒN HO NỮA , mau chóng khỏi bịnh không ai ngờ. 
1- Bốc chừng một nắm LÁ RAU MƠ, người nam thì gọi nôm na, thật thà là LÁ THÚI ĐỊT. Rất dễ trồng và người ta hay cho nó leo theo các hàng rào để hữu dụng và vừa làm cảnh nữa. Mặt trên của lá mơ có màu xanh lá cây và mặt dưới có màu tím và cả 2 mặt đều có lông mịn.
2- Giã nát lá mơ trong một cái cối, giã cho nát bấy ra. Sau đó vắt lấy nước cốt, đựng trong một cái chén nhỏ, độ chừng 30 ml thôi (Nếu uống cả chén thì sẽ bị bón đấy). 
3- Lấy một muỗng cà phê MẬT ONG, hòa tan vào 30 ml nước cốt lá mơ (VẪN CÒN KẸO, KẸO ; vì mật ong khó tan vào nước lạnh). 
4- Đem chén nước mơ và mật ong hâm nóng trên bếp chừng 3 phút - Đem ra thấy ấm ấm và quậy cho mật ong thật hòa tan vào nước mơ. 
Uống từ từ cho hết, để cho thuốc thắm vào cổ họng, chừng 1 hay 2 phút sau rồi sẽ uống 1 ngụm nước tráng miệng thôi. Thuốc có mùi nồng nồng khó uống nhưng không làm lợm giọng như vị đắng của thuốc Bắc. 
Chỉ uống 1 lần trước khi đi ngủ và sáng hôm sau là sẽ thấy không còn ho nữa. Nếu còn ho chút ít thì trưa hôm sau uống thêm 1 lần nữa là chấm dứt hẳn ngay. 

Bà con CỨ LÀM THỬ SẼ THẤY HIỆU QUẢ không ngờ !!!   Người cho lá mơ đã hối thúc phải sớm phổ biến món thuốc ho gia truyền nầy. Các cháu sơ sinh bị ho, nên chữa cách này trước khi đến Bs.                  Trích lại từ trên mail những người quen

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

bản tin SHDC số 155

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 155       &      ' 0510.3834.492
Chúa Nhật 14 thường niên năm C, 7-7-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Ngôn Sứ Isaia                             Is 66,10-14
Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.
Bài đọc 2 : Thư Galát                                             Gl 6,14-18
Tôi mang trong mình tôi những dấu tích của Chúa Giêsu.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 10,1-12.17-20
Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.
II- Ý Lễ : gđ Thành-Tuyến gk 5 : lễ BNLH * bà Sự gk 7 : lễ cho ôb nội Giuse-Maria * a.Châu và Minh : lễ bổn Mạng cha Bênêđitô 11-7 * gđ Thanh-Hiền gk 7 : lễ cho hai con và CLH mồ côi * chị Hường gk 7 : lễ bình an * bà cụ Được và các con : lễ giỗ chồng Phêrô Tám * gđ Đức-Nhượng gk1 : lễ cầu như ý * 1 người : lễ cho CLH và CLH vô danh * chị Nguyệt gk 1 : lễ cha mẹ Giuse-Catrina * chị Huy (lương) : lễ cho mẹ chồng Maria Bích (dịp cải táng) * chị Hà-Duy : cầu bình an * gđ Mười-Giang gk 8 : cầu bình an và cho LH vô danh * a. Cán TXuân : lễ cho vợ Maria Vân * gđ Hiền-Cúc gk 4 : tạ ơn và cầu bình an * gđ Sửu-Thu Ba TXuân : lễ bổn mạng, bình an và xin ơn * gđ Quang-Mai gk 2 : tạ ơn / cầu bình an * ôb Hiển-Thu Biên Hòa : lễ cho Giu-se-Phêrô và tiên nhân *
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 13-7 đến 19-7 : Giáo khóm 8
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo xứ  Gia Phước chầu lượt : Qua khỏi cầu Nguyễn văn Trỗi là thuộc giáo xứ Gia Phước, mà Nhà Thờ nằm sâu trong khu phố An Cư. Ngày trước, hai giáo xứ Trung Phước (Quế Sơn) và Ô-Gia (Đại Lộc) về đây sống chung thời chiến, nên nhập thành Gia Phước. Hòa Bình ai về nhà nấy, số người ở lại còn ít thôi, nên số giáo dân khoảng 686 người. Cha quản xứ là Antôn Trương gia Ninh. Gia Phước thuộc giáo hạt Hội An.
2- Chuẩn bị cho thiếu nhi Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu, năm học Giáo Lý sẽ kết thúc vào cuối tháng 7 này, và từ tuần qua, các thiếu nhi thuộc lớp tuổi này đã được tập trung lại vào các tối Hai - Tư - Sáu, sau khi tham dự lễ tối thì cùng nhau học thêm khoảng 1 tiếng để bồi dưỡng riêng về hai Bí Tích Giải Tội và Thánh Thể. Xin các cha mẹ có ý thức việc này lo đưa con đến ngay kẻo trễ, sẽ bị lui lại năm sau.
3- Giải trình việc xây dựng Đền Thánh Đức Mẹ Lữ Hành
Thời gian qua, việc lập hồ sơ xin Nhà Nước cấp giấy phép xây dựng Đền Thánh gặp bế tắc. Cán bộ xây dựng cấp tỉnh đã không hiểu biết gì về yêu cầu của giáo xứ chúng ta, nên cứ đem nguyên tắc trước đây là hoa viên tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình, thì nay cũng phải là hoa viên. Họ cũng không chấp nhận chuyện khách lữ hành vãng lai ngủ nghỉ qua đêm. Họ còn đòi xem trước về mẫu mã tượng Đức Mẹ Lữ Hành cùng với mầu sắc, vật liệu, chiều cao chân đế và tượng Mẹ. Thật là khó cho chúng tôi, khi bị người “không chuyên” về tôn giáo, hay còn gọi là “ngoại đạo”, không đủ am tường chuyện nhà đạo, lại can thiệp sâu vào việc của mình.
Tuy nhiên, quyền bính ở nơi họ, cho hay không cho, vì thế, chúng tôi đã phải ép mình hết sức để chịu nhịn tất cả, miễn sao, mảnh đất của Đức Mẹ, của giáo xứ, vẫn là của chúng ta. Không cho làm lớn và đầy đủ, thì mình làm nhỏ lại, để trên mảnh đất đó, chúng ta tôn kính Đức Mẹ, và vẫn mang được tính cách phục vụ người khách lữ hành trong cả nước, và là địa điểm dừng chân, để ngày càng có thêm nhiều người biết đến thành phố Tam Kỳ, cũng như biết được giáo xứ Tam Kỳ ở đâu, như thế nào...
Đã nhiều lần trao đổi, vất vả làm lại hồ sơ, bản vẽ thiết kế phải xóa đi làm lại, nộp đơn hết lần này đến lần khác. Thật, sự việc không đơn giản chút nào. Phải chăng vì chúng ta không biết điều, nên gặp nhiều khó khăn !
Tuy nhiên, cá nhân tôi tin chắc chắn rằng, việc xây dựng sẽ phải đến. Chỉ có điều buồn là những tháng nắng thuận lợi cho việc xây dựng đang qua đi mà chưa làm được gì. Chỉ có thế thôi !
Còn việc đóng góp qua thùng tiết kiệm xây dựng Đền Thánh, một việc làm nhỏ bé hằng tháng, nhưng có hiệu qủa cao theo thời gian vẫn tiếp tục bình thường. Đó đây có vài ý kiến ghi nhận được, là muốn ngưng góp quỹ tiết kiệm, vì thấy công trình bị khựng lại. Thật ra, từ đầu đến nay, việc làm này hoàn toàn là tự nguyện, là do tấm lòng yêu mến Đức Mẹ, yêu mến Hội Thánh, cùng nhau góp phần, chia sẻ việc chung để làm sáng Danh Chúa.  Người đã có lòng thì không bao giờ tính toán việc cho đi, đóng góp. Nếu ai đó muốn ngưng đóng góp thì cũng chẳng vì thế mà việc chung bị đình trệ, nhưng lại rõ ra tâm tình tính toán, so đo, hoặc gây tác động không tốt. Cho đến nay, theo báo cáo hằng tháng của HĐMVGX, thì qũy xây dựng do chính giáo xứ góp vào mới chỉ là 460.090.440đ, chưa đủ 500 triệu trong gần 3 năm. Xem đó thì biết lòng dạ chúng ta, những người con của Đức Mẹ.

4- Ông bà Phêrô Đỗ văn Hiển và Anna Tạ thị Thu ở Biên Hòa  xin được tổ chức lễ tạ ơn mừng Kim Khánh 50 năm hôn phối ở đây, là quê của bà. Đây là việc làm rất có ý nghĩa mà phần lớn các gia đình ở đây lại đều ngại ngùng. Xin mời cộng đoàn đến tham dự Thánh Lễ vào tối mai 8-7, để chia sẻ niềm vui với ông bà, dù sao cũng là đồng hương với chúng ta.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

lễ Bênêđitô, nhớ về Cha Nguyễn tấn Khóa, những phút cuối đời

Các bạn Tam Kỳ ạ,
Ngày thứ Năm 11-7 tới đây, Hội Thánh mừng kính thánh Bênêđitô, tổ phụ các đan viện khổ tu, chiêm niệm, như dòng Thiên An ở Huế. Đây là vị thánh nổi tiếng, tuy sống đời chiêm niệm tách biệt thế gian, 
nhưng lại có ảnh hưởng mạnh trên tư tưởng cũng như nền văn minh Ấu Châu và sau đó là cả thế giới từ hồi xa xưa. Chẳng trách được, khi lên ngôi Giáo Hòang, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã quyết định chọn danh hiệu Bênêđitô cho triều đại của mình. Thánh Bênêđitô cũng là bổn mạng của Cha Nguyễn tấn Khóa, và ngày Cha qua đời này về với Chúa là ngày 14-4-2013, đến lễ Bổn Mạng này là gần 100 ngày.
Vì thế, đây cũng là dịp tưởng nhớ Cha Bênêđitô, nguyên quản xứ của Tam Kỳ chúng ta trong 37 năm. Một việc nên làm là lưu lại vài thông tin những hình ảnh về sự ra đi của Cha, trong đó, có sự luyến tiếc chia tay của anh chị em cộng đoàn giáo xứ Tam Kỳ vào trưa ngày 15-4, tại sân Nhà Thờ Tam Kỳ.

Trước hết, xin mời các bạn cùng chia sẻ với tôi, những giây phút cuối đời của Cha, mà tôi đã được gặp gỡ vào tối thứ bảy 13-4-2013.
Tôi hôm đó, Thánh Lễ vừa xong, thì tôi nhận được tin điện thoại từ cha Văn Phòng TGM, cho biết Cha Khóa bất ngờ đau nặng và đã nhập viện Tam Kỳ. TGM xin tôi đến thăm, và có tin tức thế nào thì báo cho TGM biết ngay.
Khoảng 20g00, tôi tìm đến thăm Cha ở phòng dưỡng bệnh khoa Tim Mạch, bệnh viện Tam Kỳ. Cha đang nằm trên một băng ca, loại xe đẩy. Thấy tôi đến, Cha ngồi dậy, và nói chuyện bình thường. Câu chuyện trao đổi không gì khác hơn là sức khỏe của Cha thế nào, diễn tiến ra sao, và bây giờ cảm thấy thế nào. Nói chung Cha Khóa rất lạc quan, không có cảm tưởng bệnh nặng, mặc dù đã được Bs siêu âm cho biết là dịch tràn màng tim, phải nhập viện ngay, thậm chí không được di động mạnh. 
Phòng dưỡng bệnh đông đảo bệnh nhân và người nhà. Tiếng người nói chuyện ồn ào, tuy không giống cái chợ, nhưng hầu chắc là bầu khí này không thuận lợi cho việc dưỡng bệnh. Hoàn cảnh của Cha Khóa nhập viện trong tình trạng bề ngoài bình thường, lại vào khoảng cuối ngày, nên có thể BV đã chủ quan, không vội vàng tìm cách điều trị, cũng như tìm một giải pháp ưu thế cho Cha, vì dù sao Cha cũng đã từng là cán bộ cao cấp của Nhà Nước.
Được Cha trấn an rằng không đến nỗi nào, tôi cũng yên tâm, không nghĩ đến chuyện phải lo Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho Cha, mặc dù tôi đang mang Dầu Thánh bên mình. Đúng vậy, tôi mang dầu thánh theo để sau khi thăm Cha Khóa, sẽ về nhà mẹ anh Hậu để cử hành trang trọng Bí Tích Xức Dầu cho anh Hậu theo yêu cầu của anh. Có Dầu Thánh đó, mà không làm Bí Tích cho Cha, tôi mãi ân hận về sau này, vì chỉ nội trong đêm đó, bệnh của Cha đã biến chuyển trầm trọng.
Về đến nhà, tôi báo tin lại cho TGM và đề nghị ngay hôm sau, dù thế nào cũng phải tìm hết cách đưa cha về Đà Nẵng điều trị trong những điều kiện tốt hơn. Vậy mà ....
3g00 sáng Chúa Nhật 14-4, anh Minh (Thuận Yên) đã gọi điện cho tôi, mếu máo cho biết tình hình xấu đi nhanh quá. Cha đang hôn mê ! Tôi an ủi và xin gọi lại, nếu Cha có mệnh hệ nào, thì 4g00 sáng, anh Châu gọi lại và mời tôi đi Xức Dầu ngay cho Cha, nặng lắm rồi.
Thế là tôi vội vã khoác áo dòng và lên đường. Tìm đến nơi, cũng vẫn tại phòng bệnh hồi đêm, Cha đang được các y bác sĩ chăm sóc. Người ta nhồi ép lồng ngực, vì Cha không còn tự thở được nữa. Lúc này Cha Khóa đã trở thành con người bất động, hôn mê sâu, và cái chết đã cận kề. Tôi xin các y bác sĩ để cho tôi đọc kinh vắn tắt và làm Bí Tích một cách trọng khẩn như trong sách Các Phép đã dạy. Chỉ trong vòng hơn một phút, tôi xin Chúa đón nhận việc làm này, và ban ơn đại xá cho Cha qua việc Xức Dầu Thánh. Những  giọt nước trong bình serum vẫn còn nhỏ giọt, báo hiệu sự sống vẫn còn, tim chưa ngừng đập. Thế là tốt rồi !
Xong phận sự, tôi trở ra, và biết chắc chắn là Ngài không qua khỏi ngưỡng cửa này để dành lại sự sống. Cuộc đời Cha Bênêđitô sẽ chấm dứt từ đây.
Ra về, tôi báo tin ngay cho TGM, đồng thời cũng báo tin cho Cha Long ở Đại Chủng Viện, để hiệp thông cầu nguyện cho Cha Khóa vừa ra khỏi đời này.
Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 14-4, trở thành một cơ hội thông tin nổi trội để mọi người biết và hiệp thông cầu nguyện cho Cha Bênêđitô Nguyễn tấn Khóa mới qua đời. Xin Chúa nhân từ nhìn đến một cuộc đời vất vả vì Tin Mừng, và vì Hội Thánh địa phương, lo gìn giữ con người và cơ sở của cả một vùng rộng lớn sau năm 1975, để được Chúa thương ban thưởng phúc đời đời như lòng Cha hằng mong ước. 
Làm người, chắc chắn Cha Bênêđitô không tránh khỏi những yếu đuối và tội lỗi như bao người khác. Có thể đã từng làm mất lòng nhiều người, từng ghét bỏ người này mà yêu chuộng người kia, từng lỏng lẻo lơ là trong nhiệm vụ. Vì thế, Cha rất cần lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, của mọi người, nhất là anh chị em Tam Kỳ, những người giáo dân chịu ơn chịu nghĩa Cha đã lo lắng cho đời sống thiêng liêng của họ. 
Chương trình an táng Cha Bênêđitô được TGM đứng ra sắp xếp và lo liệu. Riêng cộng đoàn giáo xứ Tam Kỳ,  tôi chỉ biết kêu gọi anh chị em tham gia Thánh Lễ tối Chúa Nhật, ngay tại nhà thờ giáo họ Phú Qúy, Tam Mỹ Đông để cầu nguyện cho Cha. Và quả thật, tối hôm đó, rất đông anh chị em, người đi xe riêng, kẻ đi xe hợp đồng, cùng nhau tìm đến Tam Mỹ Đông, đến nhà xứ Phú Quý để tham dự Thánh Lễ lúc 20g00.
cộng đoàn Tam Kỳ sốt sắng dự lễ tại nhà xứ Phú Quí
Cha Trường (Tam Thành) và tôi cùng đồng tế
Ngoài ra, để tỏ lòng tri ân Vị Quản Xứ cũ, là ân nhân của giáo xứ, Hội Đồng Mục Vụ đã cùng tôi nhanh chóng quyết định mua tặng cho Ngài một áo quan thật giá trị. Chắc chắn, bấy nhiêu thôi cũng chưa đủ để đáp đền những hy sinh mà Cha đã gánh chịu khi lo lắng phục vụ cho giáo xứ Tam Kỳ. Chiềc hòm giá khoảng 8.000.000đ, nhưng nghe nói rằng giá thị trường còn hơn nữa, gần gấp đôi, vì dù sao phía dịch vụ mai táng Sương Trang, cũng là con cái của Cha, nên anh chị cũng đã thương lượng để được hưởng giá gốc,  hoặc anh chị có thể đã bù đắp thêm.
xe tang đưa Cha về lại "chốn cũ"
Cha Bênêđitô Nguyễn tấn Khóa đã ở Tam Kỳ 37 năm, nhưng thật là tiếc, khi Ban Tổ Chức đã không sắp xếp trong chương trình, cho di quan về và dừng chân ở Nhà Thờ Tam Kỳ để cộng đoàn dâng lễ cho Cha, ít là được một lần cuối cùng. Tuy nhiên, Ban Tổ chức chỉ chấp thuận để xe tang dừng chân một thời gian ngắn ở sân Nhà Thờ, để cộng đoàn giáo xứ tìm đến chào thăm tiễn biệt Cha lần cuối mà thôi. 
Và thế là chúng ta chấp hành, chuẩn bị đón Cha Bênêđitô trở lại giáo xứ trong tư cách một thi hài.
12g30 ngày thứ Hai 15-4, sân Nhà Thờ đông đảo anh chị em giáo hữu Tam Kỳ. Mọi người chờ đợi trong cái nắng nóng ban trưa, để được nhìn xem lần cuối Vị Mục Tử của mình. Đoàn xe đưa tang lần lượt vào sân Nhà Thờ, và Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ đã cùng tôi là linh mục quản xứ đứng chào đón Cha trên tiền sảnh Nhà Thờ.
Xe tang dừng lại và chỉ mở cửa sau để mọi người nhìn thấy và tâm tình với Cha.
Mở đầu, tôi tâm sự với Cha : 

Kính thưa Cha Bênêđitô kính mến,
Trong tư cách kế nhiệm sứ vụ của Cha tại giáo xứ này, con xin cùng tất cả cộng đoàn hiện diện đón chào Cha trở về với chúng con trong giây lát. Việc Chúa gọi Cha về với Chúa, thật nhiệm mầu, và đã gây bàng hoàng đau thương cho anh chị em chúng con. Biết bao kỷ niệm Cha đã để lại trong lòng người. Biết bao dấu ấn của Cha sẽ luôn giúp anh chị em chúng con nhìn là nhớ đến Cha.
Trong niềm thương nhớ này, con xin nhường lại cho anh em trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, để chính anh em tâm tình cùng Cha trước khi chia tay.
Và sau đây là bài Tâm Tình Tri Ân và chia tay Cha của cộng đoàn giáo xứ do ông Gioan Nguyễn Thu, phó chủ tịch HĐMVGX đọc :
Ông Thu, đại diên giáo hữu tâm tình với Cha
THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT CHA BENEDICTO.

Kính thưa Cha Bênêđitô, nguyên quản xứ của chúng con,
Hôm nay Cha đã về lại nơi đây với chúng con, với ngôi nhà thờ và giáo xứ mà đã 37 năm Cha gắn bó, giữ gìn và xây dựng. Cha dừng chân nơi đây, dù chỉ trong ít phút thôi, nhưng là để chúng con được tỏ bày nỗi niềm yêu thương và tôn kính đối với Cha.
Kính thưa Cha, trong nỗi niềm thương tiếc vô hạn, chúng con đau, cả giáo xứ đau đớn khi nghe tin Cha đã lìa xa chúng con; Vắng bóng Cha! Chúng con không tin nổi điều này nhưng lần này chúng con biết Cha đã ra đi, đi mãi...
Không một lời giã biệt, không một dấu hiệu báo trước về sự ra đi, Cha đã lặng lẽ rời xa chúng con vì chứng bệnh quái ác. Từ nay chúng con mất Cha, Giáo hội mất đi một mục tử nhân lành, tận tụy suốt đời hy sinh vì đàn chiên.
        Trong suốt 37 năm phục vụ dân Chúa với nhiệm vụ quản xứ tại Giáo xứ Tam Kỳ chúng con, Cha đã để lại trong lòng chúng con một tấm gương về một cuộc sống bình dị và khiêm nhường, không tiện nghi, không xa hoa lãng phí, như thể Cha đã học được điều ấy nơi Thầy Chí Thánh, vị mục tử nhân lành. Ngài đã nói : “Con Cáo có hang, chim trời có tổ, còn con người không có chỗ tựa đầu”. Tất cả là vì chúng con, vì Giáo xứ có địa bàn rộng lớn và đầy dẫy những khó khăn này.
 Làm sao chúng con có thể quên được hình ảnh của Cha: Một chiếc áo chùng đen quen thuộc phải ngồi trên mái nhà thờ để chỉ thợ lợp lại từng viên ngói; Một thân, một mình lặn lội trên những con đường gồ ghề để vận động xây dựng lại những nhà thờ họ lẻ Tam Lãnh; Tam Lộc, Khánh Thọ, Trung Đàn, xây dựng nhà thờ giáo xứ Tam Thành, tiền thân cũng là một họ đạo lẻ của Giáo xứ Tam Kỳ; Có khi phải xăn quần lội nước để bước lên đò về xây dựng và hồi sinh Giáo xứ Thuận Yên một vùng đất đầy khó khăn, thử thách và cuối đời của Cha là hồi sinh họ đạo Phú Quý, mảnh đất đã có những anh hùng tử đạo ... Chúng con quên sao được, có khi không quản ngại mưa gió Cha đã đi đến từng nhà để thăm viếng chúng con. Biết bao nhiêu hối nhân đã tìm được ơn tha thứ và bình an mà Cha không quản ngại sáng tối chờ đợi nơi tòa giải tội, biết bao gia đình đã tìm được hòa thuận khi Cha viếng thăm và dạy dỗ, biết bao người già cả tìm được an ủi và ơn cứu độ qua bí tích xức dầu bệnh nhân, biết bao gia đình đã được Cha chứng hôn thành Bí Tích Hôn Phối, biết bao anh chị em đã được Cha ban Bí Tích Rửa Tội, để gia nhập Hội Thánh làm con cái Chúa... Và biết bao công trình mà Cha đã dày công vun đắp để chúng con có được ngày hôm nay.
Nhân dịp đứng trước linh cữu Cha, con xin thay mặt tất cả anh chị em chúng con để chân thành xin lỗi Cha về những bất cập, những lỗi phạm của chúng con đã làm phiền lòng Cha. Dù Cha không nói ra, nhưng chúng con biết Cha đã sẵn sàng tha thứ tất cả, bỏ qua tất cả, kể từ khi Cha rời giáo xứ Tam Kỳ để nhận nhiệm vụ mới nơi giáo họ Phú Quí. Có khi chính những sai phạm như thế, lại khiến Cha dễ nhớ đến chúng con hơn.
          Giờ đây, Cha đã hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó: 78 năm đời sống làm con Chúa, 49 năm phục vụ dân Chúa, trong đó đã dành 37 năm cho giáo xứ chúng con. Giáo xứ Tam Kỳ chúng con mãi mãi biết ơn  và vô cùng thương tiếc Cha, một Linh mục gương mẫu, một vị Mục tử tận tụy và hy sinh vì đàn chiên.
          Với niềm tín thác mạnh mẽ vào Chúa phục sinh, chúng con tin chắc rằng linh hồn Cha Bênêđictô sẽ được thưởng công xứng đáng vì những hy sinh của một đời mục tử mà ngài đã dấn thân không mệt mỏi.
          Xin Chúa thương sớm đưa linh hồn Cha Bênêđictô của chúng con về hưởng nhan thánh Chúa và xin ngài phù hộ cho tất cả chúng ta trước tòa Chúa .
                Chúng con xin bái biệt Cha!  

Xin tất cả cộng đoàn hiện diện, cùng nhau chúng ta chào kính Cha bằng 3 lần chắp tay cúi đầu.

Kính thưa Cha Bênêđitô,
Cuộc đời của Cha, phải chăng đã rập khuôn theo lời Chúa dạy : Ai muốn theo tôi, phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Cha đã vác thập giá đời mình đi theo Chúa, và hôm nay, Cha đã đến đỉnh đồi Can-vê, đã cùng chết với Chúa Kitô. Cuộc đời của Cha là một cuộc đời đã được Chúa an bài, cho đến cả giờ phút lìa đời. Thiên Chúa chính là mục tử nhân lành đã chăn dắt và chăm lo cho Cha trong mọi sự, để cuộc sống này áo với cơm, bao lo toan đã có Chúa hiểu sâu ngọn nguồn. Hạnh phúc của Cha là giữa đời đã không đơn côi, và giờ đây Cha đang như mây trắng nhẹ trôi về trời. Vì thế, chúng con xin mượn lời thơ thánh vịnh 22, để cầu nguyện cho Cha, để chúc tụng Cha một đời đã được Chúa là mục tử nhân lành chăm lo. Xin Cha cùng lắng nghe cộng đoàn chúng con tâm tình với lời ca của Thánh Vịnh này.
 Đk- Chúa chăn nuôi tôi, Chúa chăn nuôi tôi. Chúa đưa tôi đi qua mọi nẻo đường. Người đưa tôi đi lên núi cao say sưa gió biển, vui uống suối miền Nam, vững tâm qua rừng mịt mù.
1) Đời tôi trăm năm trong cuộc sống biết bao thăng trầm. Nghìn cõi xa gần vòng thời gian đưa mãi nhịp xoay vần. Này áo với cơm, đây bài thơ ươm mơ. Này xác với thân mang nặng tấm linh hồn. Đời tôi ôi Chúa hiểu sâu ngọn nguồn. - Ðáp.
2) Dù bao chông gai tin rằng Chúa vẫn luôn an bài. Lòng chẳng u hoài chờ binh minh lên giã từ đêm dài. Hạnh phúc cho tôi giữa đời không đơn côi. Vạn lý xa xôi có Người dẫn đưa rồi. Đời tôi mây trắng nhẹ trôi về trời. - Ðáp.
Cộng đoàn giáo xứ còn đủ sức để tâm tình với Cha nguyên quản xứ bằng lời ca bài "Chúa chăn nuôi tôi", để đời tôi như mây trắng nhẹ trôi về trời. Đây thật là hình ảnh đáng mơ ước của mọi tín hữu, để lúc cuối đời, chính họ được Thiên Chúa nhân lành đến đón về trời trong hân hoan và hạnh phúc.

Cuối cùng, cửa xe đóng lại, vẫn có người giáo dân đứng bên hông xe để vái lạy Cha Cố Bênêđitô một lần nữa, với tất cả lòng thành kính.
Đến ngày thứ Tư 17-4 là lễ an táng cha Bênêđitô ở giáo xứ Phú Thượng. Anh chị em Tam Kỳ sẽ lại một lần nữa cùng nhau tìm đến quê hương xứ sở của Cha, được nhìn thấy nơi mà Cha đã muốn được an nghỉ khi hoàn tất cuộc đời này. 
Linh cữu Cha Bênêditô đã được đặt ở giữa nhà khách của một ngôi nhà xứ vừa mới hoàn tất việc xây dựng, rất là rộng rãi và trân trọng.  Cha Khóa chính là người con của giáo xứ Phú Thương, là nơi mà như Cha đã kể lại, Cha đã được Rửa Tội, lãnh nhận các Bí Tích, và đặc biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh. Vì thế, cuối cùng, Cha sẽ phải về với nơi này, cùng với ông bà cha mẹ và tổ tiên.
 Thánh lễ an táng đã diễn ra trang trọng, có sự hiện diện của rất đông anh chị em giáo hữu Tam Kỳ. 
Chúng ta cùng cất lên lời kinh quen thuộc :
CHÚNG CON CẬY VÌ DANH CHÚA NHÂN TỪ,
XIN CHO LINH HỒN CHA BÊNÊDITÔ ĐƯƠC ĐẾN NƠI AN NGHỈ BÊN CHÚA MUÔN ĐỜI. AMEN.

Ghi lại ngày 5-7, tuy trễ tràng, nhưng vẫn còn hơn không, để giáo xứ không quên được con người và sự kiện đã từng gắn bó với mảnh đất Tam Kỳ : cố linh mục Bênêđitô Nguyễn tấn Khóa.
Linh mục quản xứ, Giuse Nguyễn trí Dũng 

Phỏng vấn Tân GM An-phong Nguyễn Hữu Long, GM phụ tá Giáo phận Hưng Hóa


Phỏng vấn Tân GM An-phong Nguyễn Hữu Long, GM phụ tá Giáo phận Hưng Hóa
Gioan Lê Quang Vinh7/2/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha An-phong Nguyễn Hữu Long, thuộc Hội Linh mục Xuân Bích, Giám đốc Đại chủng viện Huế, làm giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa (Việt Nam), hiệu tòa Gummi di Bizacena. Ngày 06/9 tới đây, Đức Cha An-phong sẽ được thụ phong Giám mục tại Hưng Hoá. Thông tấn xã Công Giáo VietCatholic xin được phỏng vấn Đức Cha trước ngày ngài chính thức nhận nhiệm sở.

PV: Kính thưa Đức Cha, trước hết, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng con xin được chúc mừng Đức Cha trong sứ vụ mới. Và xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về giáo phận mà Đức Cha sắp đến phục vụ.

Đức Cha An-phong: Tôi xin thú thật chưa biết nhiều về giáo phận Hưng Hoá, dù đã đến một vài nơi. Nhưng qua tìm hiểu thì đây thật là một giáo phận rộng lớn, bao gồm 9 tỉnh phía Tây Bắc và 1/6 thủ đô Hà Nội. Giáo phận hiện có 71 linh mục, trong đó 5 cha hưu, 5 cha du học, chỉ còn 61 cha làm mục vụ cho hơn 200.000 giáo dân. Giáo xứ Mường Tè xa nhất, cách tòa giám mục 750 cây số. Cha Nguyễn Trung Thoại, chánh văn phòng tòa giám mục, mỗi tuần phải đi và về 900 cây số để làm mục vụ tại Sơn La. Một cha cho biết giáo phận cần thêm 100 linh mục mới đáp ứng đủ nhu cầu. Địa bàn giáo phận rộng lớn, đồi núi chập chùng, giao thông hiểm trở, nên các linh mục thật vất vả trong việc mục vụ. Lo cho người có đạo chưa xong, thì công cuộc truyền giáo càng là một thách đố, nhất là tại đây có nhiều sắc tộc mà ít người biết đến tên gọi như Dao, Sán Chay, Khờ Mú, Hà Nhì, La Chí, Phù Lá, Sán Chỉ, Bố Y... Về mặt xã hội, vì tiếp giáp biên giới Trung quốc, Lào, nên tệ nạn xã hội dễ thao túng và hoành hành. Dầu thấy trước những vấn đề nan giải như vậy, nhưng tôi vẫn trông cậy và phó thác trong tay Chúa mà chấp nhận dấn thân phục vụ.

PV: Trong một giáo phận rộng lớn với địa thế hiểm trở và rất đông giáo dân, Đức Cha đang chuẩn bị thế nào cho công việc mục vụ ạ ?

Đức Cha An-phong: Tôi chưa chuẩn bị gì cả ! Trước hết, vì là phụ tá, nên tôi sẽ để mình dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục giáo phận, ngài sẽ chỉ vẽ cho tôi đường hướng mục vụ. Tôi cũng sẽ học hỏi với các linh mục. Ngoài ra, cần có thời gian tiếp cận trực tiếp giáo phận mới biết được phải làm gì và làm như thế nào. Tóm lại, tôi sẽ theo phương pháp Công Giáo tiến hành : xem - xét - làm.

PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi chút về hành trình ơn gọi của mình ?

Đức Cha An-phong: Hành trình ơn gọi của tôi, như mọi anh em chủng sinh cùng thời, không hoàn toàn suôn sẻ. Tôi bắt đầu đi tu vào năm 12 tuổi, trải qua bảy năm tu học rất thần tiên tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan ở Đà Nẵng. Tiếp đó là ba năm triết học êm đềm tại Đại chủng viện Hòa Bình, cũng ở Đà Nẵng. Sau biến cố 1975, dù chủng viện đóng cửa, tôi vẫn may mắn được học thêm ba năm thần học tại Tòa giám mục Đà nẵng, vừa học vừa làm một nghề gì đó để mưu sinh. Tôi đã từng làm nghề thợ nhuộm, hớt tóc, vấn thuốc lá... mà đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm cười ra nước mắt khi cầm tông đơ hớt tóc. Cuối năm 1978, tôi làm nghĩa vụ thanh niên tại công trường thủy lợi Phú Ninh trong ba năm rưỡi. Trở về, tôi lặng lẽ tu học và lao động thêm tám năm nữa. Ngày 27.12.1990, tôi được chịu chức linh mục và làm phó xứ Tam Kỳ trong bốn năm. Từ 1994-1998, tôi được gửi đi học giáo luật tại đại học Công Giáo Paris. Về nước, tôi phụ trách giáo xứ Hà Lam trong hai năm, rồi giáo xứ Trà Kiệu nơi có Trung Tâm Thánh Mẫu giáo phận trong ba năm, đồng thời dạy học tại Đại chủng viện Huế. Năm 2003, tôi gia nhập hội Linh Mục Xuân Bích và làm công việc đào tạo tại chủng viện này. Những trắc trở khách quan nằm trong giai đoạn từ 1975-1990, mà nhờ ơn Chúa, tôi vẫn giữ được ơn gọi.

PV. Đức Cha đã từng làm quản xứ, rồi giáo sư và giám đốc chủng viện, Đức Cha nhận thấy đâu là ưu tiên trong công việc của một mục tử trong giáo phận ?

Đức Cha An-phong: Việc mục vụ còn được gọi là việc chăm sóc các linh hồn (cura animarum), nên ưu tiên thứ nhất của một mục tử là săn sóc phần hồn của giáo dân. Thánh vịnh 22 vẽ nên bức tranh của việc mục vụ : dẫn chiên đến đồng cỏ xanh, bờ suối mát để được bổ dưỡng ; chăm sóc chiên cho mạnh khoẻ, không bệnh tật ; canh chừng không để chiên bị lạc hay bị sói tấn công... Tại giáo phận Hưng Hóa có nhiều họ đạo vắng bóng linh mục ba bốn mươi năm nay, giáo dân vẫn giữ đức tin, có những tín hữu chỉ tham dự thánh lễ được một hai lần trong năm... Chúng ta phải chạnh lòng thương họ như Chúa Giêsu xưa, vì họ “tất tưởi bơ vơ như chiên không có người chăn” (Mt 9,32).

Ưu tư thứ hai là hệ luận của ưu tư trên, là lo cho có những mục tử tốt. Hưng Hoá cho đến nay vẫn có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, vẫn có nhiều người muốn làm thợ trong cánh đồng của Chúa. Phải làm sao giúp họ theo đuổi ơn gọi cao quý này.

Ưu tư thứ ba : đứng trước những thực trạng đáng buồn như nghèo đói, thất học, tệ nạn xã hội..., tôi băn khoăn mình sẽ làm gì để đẩy lùi những thực trạng trên.

Tóm lại, xây dựng con người là ưu tiên mục vụ, trước khi xây dựng những gì khác.

PV. Đức Cha là một trong những vị Giám mục đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm. Đức Cha có thể chia sẻ cho chúng con một vài tâm tình cũng như mong ước của Đức Cha trong những ngày chuẩn bị về nhận sứ vụ mới ?

Đức Cha An-phong: Đức Phanxicô đã lay động con tim mọi người từ khi được chọn làm giáo hoàng, ngài mở ra cho Giáo Hội một hướng đi mới khi chọn sống đơn sơ giản dị, thanh thoát vật chất và gần gũi với mọi người, là anh em với mọi người. Làm giáo hoàng mà ngài vẫn nhớ đến một người làm vườn, một ông thợ đóng giầy, một tu sĩ quen biết. Ngài cúi xuống rửa chân cho các tù nhân trẻ trong trại giam, dâng thánh lễ hàng ngày trong một nhà nguyện cho giáo dân tham dự... Tôi vui mừng được là một trong những giám mục đầu tiên của triều đại ngài. Cảm kích về một câu nói ấn tượng trong bài giảng lễ Dầu thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã chọn câu nói đó làm châm ngôn : “Mang vào mình mùi chiên”. Tôi nguyện sống gần gũi với đoàn chiên, chia sẻ đau khổ và khó khăn, nhận lấy bệnh tật của họ như là của mình. Chúa Giêsu đã nêu gương như thế, khi “mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Ys 53,4). Ngài không ngần ngại ăn uống với người thu thuế, tiếp xúc với người cùng đinh, cúi xuống với những người đau khổ bệnh hoạn... Cũng vì muốn dấn thân theo đường hướng của Đức Phanxicô, nên tôi đã xin được thụ phong tại Hưng Hóa, để nhập cuộc ngay từ giây phút khởi đầu sứ vụ giữa lòng dân Chúa.

PV. Chúng con xin hỏi một câu hỏi có tính riêng tư. Đức Cha có thể chia sẻ cho chúng con một chút về gia đình Đức Cha, một gia đình có đến ba anh em được Chúa gọi làm linh mục trong Hội Thánh Công Giáo?

Đức Cha An-phong: Gia đình chúng tôi được hồng phúc dâng cho Chúa ba người con : anh làm quản xứ Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng ; em út làm linh mục tại giáo phận Regina (Canada), và tôi. Cha mẹ và anh chị em chúng tôi là những giáo hữu bình thường, ít học, nhưng có lòng tin kính Chúa và giữ đạo tốt. Gia đình có thói quen tốt lành là không bỏ giờ kinh tối. Cha mẹ tôi thường bảo : “Mỗi ngày ta nhận được bao nhiêu ơn Chúa, mà tối đến không có lời kinh cám tạ Chúa, coi sao được” ! Trong những năm khó khăn, thấy gia đình bị khốn đốn ở vùng kinh tế mới, hai anh em chúng tôi nảy ý định xin về giúp gia đình một thời gian rồi sau tu tiếp, nhưng cha mẹ tôi cương quyết : “Các con cứ việc đi theo Chúa, không phải bận tâm tới gia đình, cứ coi như cha mẹ và các em chết hết rồi” ! Trong những lá thư gửi cho chúng tôi, ba tôi thường kết thúc như sau : “Ba mẹ và các em hằng cầu xin Chúa cho các con được ơn bền đỗ trong nhà Chúa”. Tôi nghĩ rằng nhờ lòng đạo đức của gia đình mà chúng tôi đã được Chúa chọn.

PV. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha. Người đọc và người viết chúng con sẽ cầu nguyện nhiều cho Đức Cha trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha chúc lành cho chúng con.

bản tin SHDC số 154

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 154       &      ' 0510.3834.492
Chúa Nhật 13 thường niên năm C, 30-6-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Các Vua                                       1 Vua 19,16.19-21
Ông Ê-li-sa đứng dậy đi theo ông Ê-li-a
Bài đọc 2 : Thư Galát                                             Gl 5, 13-16
Anh em đã được gọi để hưởng tự do.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 9, 51-62
Đức Giêsu nhất quyết đi Giêrusalem. Thầy đi đâu , tôi cũng xin đi theo
II- Ý Lễ : chị Hiền gk 7 : lễ bình an * chị Hoa (Lợi) gk 9 : cầu bình an và cầu cho cháu (lương) mới qua đời * chị Lương LTrà : lễ ông nội (lương) mới qua đời * 1 người : lễ cho CLH mồ côi và CLH * gđ Minh-Tín gk 5 : lễ tạ ơn, cầu bình an * anh Nam gk 1 : Lh Phêrô Cecilia và BNLH, mừng bổn mạng * chị Trị (Trường) gk 4 : lễ như ý * gđ Quy-Lâm gk 3 : tạ ơn * gđ Chín-Yến gk 4 : tạ ơn/ cầu bình an / cầu cho CLH * chị Cang (Lương) : giáp tuần cho mẹ Matta Bé * chị Nguyệt gk 2 : giáp năm chồng Têphanô Thanh * cháu Quang gk 8 : lễ bổn mạng Gioan B. * gđ Tuấn-Mai gk 8 : tạ ơn, cầu bình an * gđ trẻ Tuấn-Hà gk 9 : lễ cho ba Phêrô * gđ Tâm-Đợi gk 1 : tạ ơn, cầu bình an * gđ Cường-Huệ LTrà : giỗ nội Cecilia * gđ Bảo-Huy gk 9 : tạ ơn, cầu bình an * chị Vi tân tòng : tạ ơn * 1 người : lễ cầu bình an, việc làm thuận lợi * a. Trung gk 7 : giỗ 49 ngày vợ Anna Thủy * các con ô. Tạ : lễ giỗ nội Antôn và CLH * a. Phúc (Én) gk 5 : lễ Phêrô bổn mạng / lễ cầu như ý * gđ Ánh Lợi gk 4 : tạ ơn.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 6-6 đến 13-7 : Giáo khóm 7
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo xứ  Hà Lam chầu lượt. giáo xứ Hà Lam ở gần chúng ta, là thủ phủ huyện Thăng Bình. Do chiến tranh, dân chúng tập cư về Hà Lam, và thế là Hà Lam được nâng lên hàng giáo xứ. Trước đó, trong thời bình, Hà Lam thuộc về gx Vân Đõa. Thời chiến tranh ngược lại, Vân Đõa thuộc Hà Lam. Nếu không tách ra hai giáo xứ Việt An và Vân Đõa, thì Hà Lam rất rộng, có đến 12 giáo họ. Nay thì nhỏ lại, Hà Lam còn 1251 giáo hữu, và cha Tôma Nguyễn văn Tâm là quản xứ. Tuy nhỏ, nhưng Hà Lam đã cung cấp cho Giáo Phận 1 Giám Mục, 9 linh mục triều và 1 Lm dòng Thánh Tâm Huế, không kể bên nữ vì nhiều nữ tu hơn.
2- Thông Báo Giáo Phận tuyển sinh Ơn Gọi : tin về Hà-
Lam dồi dào ơn gọi như trên, nhưng về Tam Kỳ thì nghèo nàn ơn gọi quá. Các cha mẹ vì ít con nên dễ “cưng chiều”, và thường cho rằng đi tu là ‘khổ’ một đời. Chưa chắc ! Nhiều người vẫn hay nói thích cho con đi tu, nhưng lại chẳng hướng dẫn, chuẩn bị gì cả, giống như muốn trồng lúa, nhưng chẳng chuẩn bị giống lúa, hay dọn ruộng cày bừa gì cả.
Mỗi năm, Ban Ơn Gọi Giáo Phận đều có tổ chức cho thi tuyển vào mùa hè, cho học sinh xong lớp 10 và 11, cùng với các sinh viên từ năm 1 trở lên. Năm nay, ngày thi cho các em cấp 3 là 22 và 23 tháng 7, cho các sinh viên là 5 và 6 tháng 8. Vậy các cha mẹ nên bảo con mình đăng ký vào thi, vừa thử sức, vừa xem Chúa có gọi các em bước đầu không. Thi rớt cũng chẳng sao, còn hơn là cứ nói mà không làm. Xin mời đến cha xứ hướng dẫn làm thủ tục ngay.
3- Lễ thánh Tôma tông đồ, thứ Tư 3-7. Hiệp thông và chúc mừng Bổn Mạng một số anh em Tôma và mời tham dự lễ lúc 19g00.
4- Góp qũy Bác Ái :  chị Tiên gk 8: 200.+ chị Hoa-Lợi: 100.
Góp Ý về công tác giảng lễ
Đời linh mục, giảng lễ là một việc khó, vì người nghe đủ mọi thành phần và trình độ, thời gian lại không cho phép dài lê thê, và nhất là nội dung, phải đi vào lòng người. Một năm 365 ngày là phải có 365 bài giảng lễ dài ngắn, nên không thể tránh được chuyện đã nghe rồi bây giờ nói lại, mặc dù Lời Chúa vẫn luôn mới mẻ. Phận người giáo dân, phải nghe giảng lễ mãi cũng chán, đặc biệt là nơi những cha giảng đã nghe quen tai. Nhưng nếu gặp được bài giảng hay, tâm đắc, thì rồi lại mau quên, hoặc gác bỏ ngoài tai, chẳng đem vào cuộc sống.
Thế nhưng Hội Thánh vẫn muốn các cha phải chịu khó dọn bài, có  tư tưởng giảng lễ, và muốn người giáo dân phải được nuôi dưỡng phong phú từ chính nguồn Lời Chúa. Thật là khó cả hai bên !
Mới đây, nhân được đọc tài liệu “Để bài giảng sống động hơn” của Lm Christopher dòng Tên, kể về cách làm việc của Đức Cha Untener khi giảng lễ, rồi đến bài “Diễn Nghĩa Một Bài Phúc Âm” của ông Nguyễn Thế Bài, một giáo dân, tha thiết nói lên sự thật về những bài giảng đáng chán đáng buồn, tôi đã phải suy nghĩ nhiều về công tác giảng lễ của chính mình tại Tam Kỳ từ gần 4 năm qua, không biết mình có phải là chuyên viên gây mê (ngủ) vì những bài giảng đáng buồn chán hay không ?

Vậy xin mời cộng đoàn góp ý cho mục tử, nhận định thẳng thắn, không cần đề tên, góp ý bài giảng lễ, cho biết thực tế và hiệu qủa cũng như khả năng chuyển tải và gửi về số 952 Phan Chu Trinh, hoặc gửi vào thùng Khấn Hang Đá Đức Mẹ. Xin thành thật cám ơn.

bản tin SHDC số 153

SINH HOẠT DÂN CHÚA Gx TAM KỲ
Số 153       &      ' 0510.3834.492
có thể xem nơi địa chỉ mạng : gxtamky.blogspot.com
Chúa Nhật 12 thường niên năm C, 23-6-2013
I- LỜI CHÚA NGÀY CHÚA NHẬT :
Bài đọc 1 : sách Ngôn Sứ Dacaria                       Dcr 12,10-11;13,1
"Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”.
Bài đọc 2 : Thư Galát                                             Gl 3, 26. 29
"Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy, đều mặc lấy Đức Kitô”.
Tin Mừng theo thánh Luca                                  Lc 9, 18-24
Thầy là Đức Kitô, của Thiên Chúa. con người phải chịu nhiều đau khổ.
II- Ý Lễ : chị Tuyết (Sang) gk 1 : tạ ơn và cầu bình an * a.Trường+Thái gk 2 : lễ giỗ cha mẹ Phêrô và Maria * 1 người : lễ cho CLH mồ côi và CLH *  bà Tám gk 7 : giỗ chị Anna * gđ trẻ Tuệ-Diễm gk 7 : lễ bình an * gđ Nghĩa-Nhung gk 6 : lễ tạ ơn * anh Lưu Minh gk 5 : lễ giỗ cha mẹ Giuse-Maria Diệu * chị Hoa (Đính) gk 9 : lễ cầu bình an * b. Lực gk 2 : lễ giỗ chồng Simon * gđ Cũng-Vân LTrà : tạ ơn* ôb Hùng-Siêng LTrà : tạ ơn * bà Thắng : giỗ chồng Simon * anh Chung (Lương) giỗ giáp năm vợ Catarina Vy * anh Dũng gk 4 : lễ cho Anrê-Maria và Giuse * ô. Việt (Mỹ) : lễ giỗ cụ Antoninô Chiêu *ôb Hiền TXuân : lễ cho cha mẹ Tôma - Maria  gđ Ánh-Hà gk 1 : lễ tạ ơn và bình an* chị Hương (Xầy) : lễ giỗ Lh Giuse* ôb Thảo-Bích TBình : tạ ơn và cầu bình an * a.VọngTBình : lễ cho 3 Lh Đaminh.
III- VIỆC PHỤC VỤ NHÀ CHÚA,
từ chiều 29-6 đến 6-7 : Giáo khóm 6
THÔNG TIN QUAN TRỌNG
1- Giáo xứ  Ngọc Quang chầu lượt. Nằm dưới chân và đầu cầu Thuận Phước, Ngọc Quang là một giáo xứ tân lập thời chiến tranh, do các gia đình từ Huế, Quảng Trị vào liều mạng định cư ngay ở cửa sông Hàn. Nhờ bãi đất cửa sông bồi về sau, Ngọc Quang lớn rộng một chút, nhưng lại phải giải tỏa di dời đến Hòa Khánh để xây cầu Thuận Phước, nên giáo dân còn khoảng 750 người. Cha Emmanuen Nguyễn tấn Lục, quản xứ.
2- Ban Bác Ái Caritas Giáo Phận chuẩn bị kỷ niệm 3 năm thành lập, Đức Cha Giáo Phận khuyến khích tổ chức ghi danh hội viên từ các giáo xứ, để trở thành một hội đoàn chính thức trong giáo phận, chuyên lo công tác bác ái. Tại giáo xứ Tam Kỳ, công tác này thuộc phạm vi quý chức phục vụ các giáo khóm. Từ nhiệm kỳ trước, tất cả các ông bà trưởng giáo khóm đều là thành viên Ban Bác Ái. Với nhiệm kỳ này, và trong hệ thống tổ chức tốt từ cấp Giáo Phận, tôi xin đề nghị mở rộng hơn, để các ông bà giáo khóm phó cũng được tham gia. Ngoài ra, cũng xin kêu gọi ông bà anh chị em giáo dân hưởng ứng tinh thần làm việc bác ái của Hội Thánh, rất nên đăng ký vào danh sách hội viên, để cùng làm việc và hưởng những quyền lợi của Ban Bác Ái trong Hội Thánh Việt Nam, vì đã có qui chế sinh hoạt. Xin đăng ký nơi Cha quản xứ, hoặc với ông Hạnh, trưởng ban BAXHGX để kịp hạn chót lập danh sách ngày 7-7-2013.
3- Trong tuần này, xin hiệp thông mừng lễ Bổn Mạng :
+ Thánh Gioan Baotixita, ngày 24-6,
+ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tông đồ, ngày 29-6,
Là bổn mạng của một số quí chức và nhiều anh em trong giáo xứ. Chúc mừng Bổn Mạng và xin mời tham dự Thánh Lễ, lúc 19g00.
4- Đã 25 năm qua, ngày tôn phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam, (1988 - 19/6 - 2013), Đây là niềm tự hào của người dân Việt với hàng trăm ngàn vị tử đạo, mà đại diện chỉ là 117 vị Thánh. Thế nhưng, người tín hữu chúng ta vẫn chưa có thói quen chọn Thánh Tử đạo làm Bổn Mạng khi Rửa Tội, cho mình hoặc con cháu mình để kính nhớ. Chúng ta vẫn kêu cầu các Thánh Tử Đạo Việt Nam “cầu cho chúng con”, nhưng lại để các Ngài đứng ngoài những liên hệ. Nên xem xét lại và mong thay !
5- Có thay đổi chương trình Giáo Lý thiếu nhi : các năm vừa qua, trường Giáo Lý nghỉ mùa đông, mưa lũ, thay vì mùa hè. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy ngược lại, nghỉ hè cùng lúc với các trường văn hóa thì tốt hơn. Vì thế, chúng tôi, Cha Xứ và các thầy cô Giáo Lý viên đồng ý chuyển đổi. Năm nay không nghỉ đông nữa mà nghỉ hè, từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9. Đến tháng 10, khai giảng và sang năm, bế giảng cùng với các trường lớp bên ngòai.
Vậy để thuận lợi, các em sẽ được chăm lo học tập cho hết niên khóa là cuối tháng 7. Riêng những em thuộc diện dọn mình lãnh nhận Phép Thánh Thể, (xưng tội, rước lễ lần đầu), sẽ được dành riêng ra, để bồi dưỡng thêm trong tuần, gọi là học thêm về các Bí Tích này, để ngày bế giảng, các em sẽ lãnh nhận các Bí Tích vỡ lòng.
Xin các phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng giai đọan cuối niên học này, cho các cháu tham gia kinh nguyện sớm, từ 14g00, các ngày Chúa Nhật, để cùng tổ chức vui vẻ thi KINH có thưởng, và các chương trình học tập kèm theo.

Thiên Chúa hiện diện trong các việc chúng ta làm !